Inrasara: “Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro” là bài thơ hậu hiện đại lớn

(thân tặng bạn thơ Lê Vĩnh Tài)

Lớn, không phải vì nó nổi tiếng, mà là lớn ở tự thân.
Lớn, lạ là chưa có nhà phê bình chuyên nghiệp nào động bút bàn về nó. Nhà phê bình Việt Nam cần thời gian để ngoảnh lại cho chắc cú chăng? Dẫu sao, theo tôi – đây là bài thơ hậu hiện đại lớn, lớn thật sự.

Tôi gọi “Bức thư” là bài thơ, không phải vì nó được viết nên bởi các nhà thơ, mà – bởi bên cạnh sự cô đọng của câu chữ rất cổ điển (ít có thỉnh nguyện thư nào cô đọng hơn thế) đựng chứa bao nhiêu ngôn từ đẹp, nên thơ: “như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết, và sự tôn trọng lẫn nhau”, văn bản còn làm cuộc phi tâm hóa thể loại giữa văn xuôi và thơ, giữa văn hành chánh và chữ nghĩa văn chương, và nhất là ở tầm lãng mạn rất siêu thực của nó.
Đó là thủ pháp dễ nhận ra nhất ở một sáng tác hậu hiện đại.

Dăm năm qua, thời sự Việt Nam sản sinh bao nhiêu là thỉnh nguyện thư. Quanh đi quẩn lại chúng tự hạn định ở phạm vị nhỏ hẹp: xâm phạm tự do ngôn luận cá nhân như chuyện nhà văn Nguyễn Quang Lập, mang tính cục bộ tôn giáo như vụ Tu viện Bát Nhã, uy hiếp đến chủ quyền đất nước như sự kiện Hoàng Sa –Trường Sa, hoặc tác hại mang tính khu vực như Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng đây là lần đầu tiên giới cầm bút Việt Nam động cập đến vấn đề mang tính toàn cầu. Phải có sức tưởng tượng cao viễn mới tưởng tượng nổi tứ thơ lớn như thế.
Toàn cầu, thì chắc chắn tầm nó cao hơn khu vực, to hơn cục bộ, và vượt hẳn lợi ích cá nhân.

Nếu ở các thỉnh nguyện thư khác, chấp bút chỉ là một người hay một nhóm nhỏ người, cùng lắm là người Việt da vàng mũi tẹt với nhau (trong nước hay hải ngoại cũng thế), thì ở đây tác giả là cả một tập thể nhà thơ danh giá; hơn nữa các nhà này thuộc 4 quốc gia khác nhau. Thế nên chỉ trong thời gian ngắn, “Bức thư” cuốn hút cả hơn nửa ngàn chữ kí thuộc rất nhiều nước khác nhau ở vùng lãnh thổ khác nhau nhập cuộc.
Tập thể sáng tạo và thái độ giải lãnh thổ hiện ra mồn một trong bài thơ, nói lên tinh thần hậu hiện đại ở mức cao độ.

Đồng sáng tạo, bài thơ đã tạo nên sự tương tác vô tiền khoáng trong văn học sử Việt Nam. Cứ lướt qua các Status với mênh mông comment thì đủ biết. Sức lan tỏa của bài thơ rộng đến không nhà nghiên cứu nào tự nhận có thể nắm bắt được. Từ báo giấy cho đến báo mạng, từ trang chính thống cho đến phi chính thống, không đâu không biết đến nó và bàn về nó.
Tương tác chính là yếu tố không thể thiếu của một sáng tác hậu hiện đại.

Dăm năm qua, hơn chục thỉnh nguyện thư ra đời, chung quy là để đòi hỏi hay phản đối với ngôn từ cương cứng hàm ý bạo lực, nhưng đây là lần đầu tiên thỉnh nguyện thư biểu đồng tình bằng “tán thành và khuyến khích” với lời lẽ hòa ái đẫm tính nhân văn. Văn phong bài thơ còn biểu hiện cái tầm [tư duy] và cái tâm [quảng đại] của đồng tác giả bài thơ đối với vấn đề nóng bỏng của thế giới và định mệnh đồng loại.
Bởi là đầu tiên, nên nó bật lên sự mới lạ chưa từng có, qua đó bài thơ đã đánh bạt mọi thỉnh nguyện thư trước đó, nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng mới trên văn đàn Việt Nam, để ngự biệt lập như một trò lố tự giễu cợt.
Và tự giễu cợt là gì, nếu không là đỉnh cao của nghệ thuật hậu hiện đại?

______

PS
Hoàng Ngọc-Tuấn nói đại ý Việt Nam có thể nhảy thẳng vào văn chương hậu hiện đại, mà không phải đi xuyên qua hiện đại. Hiện thực văn chương Việt Nam 10 năm sau ý kiến mang tính dự báo kia đã chứng thực điều đó. Năm ngoái, tôi đã một lần nhắc đến hiện tượng Trần Nhật Quang với kiệt tác về xã hội Triều Tiên của ông, nay xuất hiện thêm hiện tượng khác như thế, và hơn thế: Đồng tác giả “Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro”, mà ở đó nhiều nhà chưa hề biết đến hiện đại, nhưng nghiễm nhiên nhảy thẳng và ngồi tót vào chiếu thơ hậu hiện đại, thậm chí – cái chiếu lớn.

Phụ lục nguyên văn:
Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro
Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2015
Là các nhà văn, nhà thơ, và những người có thiện chí, và trong tinh thần của tình bạn bền lâu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tán thành và khuyến khích phá bỏ các rào cản, cùng việc mở cửa hướng tới sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa mọi dân tộc.
Để đạt được mục đích này, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến gần đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết, và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã phân cách quá lâu. Chúng tôi biết ơn cả hai chính phủ đã đáp ứng những ích lợi của chính dân tộc họ, và cổ vũ sự phát triển của những trao đổi văn hóa hữu ích như là một bước để tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện.
Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người từ mọi quốc gia xin cùng chúng tôi ký vào lá thư này, một lá thư được viết nhân dịp hai mươi năm thiết lập quan hệ giao giữa nước Mỹ và Việt Nam.
Những người viết thư:
Martha Collins, U.S.A.
Alex Pausides, Cuba
Nguyen Quang Thieu, Vietnam
Fernando Rendón, Colombia
Fred Marchant, USA
Larry Heinemann, USA
Luong Tu Duc, Vietnam
Kevin Bowen, USA
Robert Scanlan, USA
Nguyen Ba Chung, USA

2 thoughts on “Inrasara: “Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro” là bài thơ hậu hiện đại lớn

  1. Ô, lạ quá!!!
    Anh Sara gọi là thơ?
    Thế những người viết họ đã gọi văn bản trên là gì thế?
    Cứ phải chuyển hết các thể loại sang thơ mới có giá trị hay sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *