Thế giới tinh thần Cham 24. Sức mạnh từ chối sự chiếm hữu không phải là của mình

Likei.Bal Riya5-2013.4

* Thanh niên Cham palei Bal Riya, làng được cho là sinh quán của Chế Bồng Nga. – Photo Kiều Maily,

Câu chuyện Chế Bồng Nga (tức Po Bin Thwơr, 1360-1390) 4 lần xua quân ra Thăng Long làm kinh hãi người Đại Việt, sử Việt chép một kiểu, Champa truyền theo cách khác. Để chiếm lại hai châu Ô, Lý đã mất, Po Bin Thwơr quyết tập hợp lực lượng, cả bên Cham Ahier [Cham Bà-la-môn] lẫn Cham Awal [Cham Bà-ni]. Để làm được việc này, bản thân ngài kiêng cữ cả thịt heo lẫn thịt bò. Hiện nay tục này vẫn còn được tuân thủ tại palei [làng] Bính Nghĩa – Ninh Thuận, được coi là quê hương của ngài.

Sau hơn mười năm lên núi tu luyện, ngài được thần Yang ban tặng cho thanh long đao bat palidau thần thánh. Để sau đó trong giai đoạn trị vì, chẳng những ngài thu về phần đất đã mất, mà còn mang quân vào tận kinh đô Đại Việt chinh phạt. Chinh phạt thị uy, chứ không có ý định chiếm lấy, để đối phương đừng mong đoạt lại đất cũ nữa. Xong sứ mệnh, Po Bin Thwơr hóa thân về trời nau mưrup. Sự xuất hiện và hành động của nhân vật Chế Bồng Nga trong lịch sử Champa đã tạo nên thứ huyền thoại về sức mạnh từ chối sự chiếm hữu không phải là của mình.

Đây không phải suy diễn lịch sử, mà là sự kiện có thực. Tinh thần này lặp đi lặp lại nhiều lần, thành truyền thống Cham. Dân gian Cham truyền tụng câu chuyện về dòng họ Yang In. Kể rằng đây là dòng họ cực kỳ “khó chơi”. Ai mượn bất cứ đồ vật nào của họ mà quên trả, thì tức khắc người trong nhà sẽ mắc thứ bệnh lạ. Đã có nhiều sự việc kỳ bí xung quanh dòng họ này. Người bị nạn, chỉ cần nghe ông thầy phán là có vấn đề, gia đình mang “của” ném ra ngoài hàng rào hay lịch sự hơn – trả lại cho họ, thì bệnh tình chấm dứt ngay. Chuyện là vậy. Sự thật, đây là dòng họ nổi tiếng liêm chính. Cả dòng họ tuyệt không xảy ra vụ ăn cắp. Làm quan thì không tham ô của dân; ngoài đường, của rơi không ai lượm; cửa ngõ khuôn viên nhà, tối ngủ không cần đóng. Nhưng cuộc đời, kẻ ngay thẳng hay bị lợi dụng. Thế là sau bao nhiêu lần chịu thiệt, dòng họ khấn thần Yang và phát đi lời nguyền độc địa: Ai lấy của ta mà phi tang, đời hắn sẽ tàn mạt.

Biết thêm, do văn hóa Cham chưa trải qua kỹ thuật in ấn, nên có được một bản chép tay là điều khó khăn. Để tránh thất thoát, lời nguyền tương tự cũng thường được người Cham ghi ở cuối trang trong rất nhiều bản chép tay Cham xưa còn lưu lại.

Lời nguyền Champa từng có mặt suốt lịch sử vương quốc, và còn bàng bạc trong đời sống hôm nay. Champa chưa bao giờ lấn chiếm đất nước khác, chưa hề có ý định ở lại, di dân đến xây nhà cửa làm đất nước của mình. Không phía Bắc, không cả phương Nam – là mảnh đất lành, khi ấy còn khá trống, chiếm lấy dễ dàng như thể bóc hòn sỏi trong túi. Vậy mà Champa chưa bao giờ có ý định đến chiếm hữu. Ở đâu là đất Champa, ở đó họ xây tháp. Ngoài ra – không. Ta không tham của người, thì người chớ dại tham lam của ta.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *