Mặc dù gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Phan Châu Trinh qua đời năm 1926, di sản của ông vẫn còn nguyên giá trị đối với những thách thức hiện nay của Việt Nam.
Tôi tin rằng tất cả các quý vị trong khán phòng này sẽ đồng ý với nhận định rằng cải cách giáo dục là thách thức lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Tôi cũng tin là các quý vị sẽ đồng ý với tôi rằng nếu không cải cách nhanh chóng và cơ bản hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, thì có nguy cơ Việt Nam sẽ không đạt được tiềm năng to lớn của mình.
Giáo dục còn là một mệnh lệnh chính trị ở một khía cạnh khác. Như tôi vừa trình bày, trong thời đại của mình Phan Châu Trinh là một nhà phân tích địa chính trị sâu sắc. Ông thấm nhuần rằng giáo dục là một cội nguồn sức mạnh của phương Tây và sự lạc hậu về giáo dục là một điểm yếu chết người của Việt Nam. Mặc dù tất nhiên là trật tự quốc tế hiện nay rất khác so với đầu thế kỷ XX, song tôi cho rằng đối với Việt Nam hiện nay, mối liên hệ giữa giáo dục và chủ quyền quốc gia cũng thực chất và có tầm quan trọng sống còn chẳng khác gì so với trước đây một thế kỷ.
Thomas J. Vallely, Diễn từ Giải thưởng Phan châu Trinh, 2013