Ở đó tôi được ban cho đôi cánh – đôi cánh bền, đẹp và nhất là – luôn luôn mới, để tự do bay đi bay lại trong bầu trời bao la không chút bụi bặm và, luôn luôn mát lành.
Ở đó tôi sở hữu nhiều cô gái đồng trinh xinh đẹp, những cô gái phục hồi trinh tiết sau khi ăn nằm với tôi mà không cậy đến dao kéo thẩm mĩ viện; đáng hơn – những cô gái không bao giờ biết lườm nguýt, nói chi đánh ghen đến tôi phải ra tay can thiệp.
Ở đó tôi có sẵn nguồn sữa vô tận luôn hợp khẩu vị.
Ở đó không có gì là không ưng ý.
Tất cả.
Nhưng tôi muốn trở về.
Ở đó chưa hết tuần, tôi đòi Thượng đế cho trở về.
Trở về lần nữa với cõi người ta.
Viết truyện Mini khó hay, nhưng viết như truyện này phải nói là đỉnh.
Nhà thơ Inrasara viết về nhiều đề tài khác nhau và viết về nhiều vấn đề khác nhau.
Tôi không đồng ý với K là Inrasara chỉ viết cho người Chăm. Anh là người Chăm, anh viết từ vùng đất Chăm nhưng anh đã mở rộng rất lớn và nâng tầm văn chương lên rất cao. Ý lớn này nhiều nhà văn lớn trên thế giới đã viết rồi. Tôi có nhớ Camuy cũng có viết, nhưng viết ngắn mà đủ ý và bất ngờ như truyện Mini này thì là tuyệt vời.
Cũng nên chú ý vài yếu tố đùa nghịch trong truyện nữa.
Mỗi người cầm bút dường như đều có một “khoảng trời riêng” của mình, đó là “Thánh địa” của họ. Chăm – là “Thánh địa” của S. Tôi nói S CHỈ VIẾT VỀ CHĂM (khác: S chỉ viết cho người Chăm) vì: Chân dung cát, Hàng mã ký ức hay Tcherfunith,…đều là đề tài Chăm. Nói thế không phải là chê. Nói thế là để công nhận 1 điều: S không viết để chạy theo thời cuộc, không đi tìm danh vọng, không mục đích giải thưởng. S viết là cho đồng bào Chăm, cho những ai yêu mến Chăm và cả cho những người chưa hiểu Chăm. Rốt cuộc, S chỉ viết những gì tâm huyết và máu thịt. Tôi không thích đọc 1 tác phẩm rồi (vì yêu mến tác giả, vì chủ quan, vì sở thích) mà kêu to lên rằng: Tác phẩm này hay lắm bà con ơi, rồi thì là dích thị là tuyệt tác, kiệt tác, hay gì gì đó. Thậm chí nói tác phẩm này là “đỉnh” – thì “đỉnh” là đỉnh nào: đỉnh Bà Đen khác đinh Phanxipang lại càng khác Everest.
Đọc “Thiên Đường Đã Mất” của cei Sara chợt nhớ lại “Thiên Đường Bất Toàn” của – Augusto Monterroso (anh Hoàng Ngọc-Tuấn chuyển ngữ).
“Thật vậy”, hắn nói một cách buồn bã, không rời mắt khỏi ngọn lửa đang cháy trong lò sưởi đêm đông ấy, “trên Thiên đàng có bạn bè, âm nhạc, vài cuốn sách; điều tệ hại nhất là ở trên đó ta không còn nhìn thấy một Thiên đàng nào nữa.”
Cái con người ta luôn mơ & ước “khi đạt được” – lại là cái nhàm chán đến mức đáng sợ nhất nếu muốn sống – sống mất hẳn đi ngọn lửa đam mê; sống mất hẳn đi mơ & ước. Ừ! Thiên Đường dễ sợ vậy đấy.