Tại quán Cà-phê TQK, 9 Trương Công Định, Ph 14 – q. Tân Bình – TPHCM, 2g30 chiều ngày 22-9-2013. 62 người tham dự, gồm đủ thành phần, từ nhiều tỉnh thành khác nhau.
Chương trình do Inrajaka và Kiều Maily dẫn dắt.
1. Trước tiên là màn múa mừng: “Amek thong anưk”, do các em sinh viên Cham năm nhất và Kiều Maily biểu diễn.
2. Inrajaka: Truyền thống Cham luôn khai hội bằng màn múa. Múa mừng. Múa mừng Tagalau tròn 14 năm. 14 năm với những thăng trầm, gian khó, hi sinh và vươn vượt. Và Tagalau đã vượt qua. Ơn trời, đó là may mắn lớn. Hôm nay quý vị và các bạn đến cùng mừng Tagalau – một Tagalau 14 của thế hệ mới.
Xin hân hạnh giới thiệu:
– Sự hiện diện của nhà văn Inrasara: chủ biên 13 kì Tagalau.
– Sự có mặt của nhà văn Trà Vigia và nhà thơ Trầm Ngọc Lan: đồng sáng lập Tagalau.
– Tagalau hân hạnh đón tiếp học giả Nguyễn Tiến Văn, nhà nghiên cứu Trần Đào Anh, nghệ sĩ Alex, nhà thơ Trần Xuân An, nhà thơ Tăng Thị Diệu Hà, nhà văn Nguyễn Tiền Giang, nhà thơ Minh Đan và nhiều vị khách quý khác.
Cùng toàn thể quý đại biểu và anh chị em có mặt hôm nay.
3. Kiều Maily: Xin được miễn giới thiệu nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu và, vân vân nhà Inrasara. Bởi không ít thì nhiều các nhà đó đã quen thuộc với độc giả Việt Nam. Riêng đứng chủ biên Tagalau– Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Cham qua 13 kì sóng gió, thì cộng đồng độc giả ngoài Cham ít ai biết. Xin trân trọng giới thiệu cei Sara lên diễn đàn, với nội dung “Tagalau trong cộng đồng Chăm”.
4. Inrajaka: Trà Vigia, đồng sáng lập và là cây viết chủ lực của Tagalau ngay từ khởi đầu. Điều cần bật mí rằng, chính nhà văn Trà Vigia là người đặt tên cho tuyển tập: Tagalau. Kính mời bác Trà qua tiết mục “Cuộc chuyển giao thế hệ”.
Bên cạnh nhà giáo kì cựu là Nguyễn Văn Tỷ, rất tiếc không có mặt ở đây, nhà thơ Trầm Ngọc Lan – một trong các trí thức Cham là đồng sáng lập, đồng thời là tác giả luôn đồng hành cùng Tagalau. Xin mời nhà thơ…
Ra mắt BBT mới
* Kiều Ngọc Tú: dân ca Cham.
5. Kiều Maily: BBT thế hệ mới đã ra mắt. Ra mắt cùng với tuyển tập mới trên tay: Tagalau 14. Tagalau mới, mới không có nghĩa là cắt đứt mà là tiếp nối những gì thế hệ đi trước để lại. Xin mời đồng chủ biên Jalau Anưk phát biểu về thế hệ mở đường vẫn tiếp tục nhập cuộc ở kì Tagalau này.
6. Inrajaka: Cây gậy ma-ra-tông đã được trao tay. Thế hệ trẻ gồm những Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Bá Minh Truyền, Kiều Dung, Kiều Maily… Xin mời đại diện thế hệ trẻ: Tuệ Nguyên nói về chính thế hệ mình, những người đang nắm cây gậy tiếp sức hôm nay.
* “Tiếng trống Baranưng” – Phương Thảo trình bày
8. Kiều Maily: Buổi “Hành trình 10 năm Tagalau” ở Cakleng, nhà văn Inrasara nói đại ý rằng, Tagalau đi trọn vẹn hành trình đến hôm nay, cần đến 4 yếu tố. Thứ nhất: người Cham có cái gì đó để nói với thế giới bên ngoài; thứ hai: có người tức là có các tác giả nói lên được cái đó; thứ ba: có người đọc cái đó; và thứ tư: có mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ cho cái đó có mặt. Chắc chắn thành công hôm nay của Tagalau một phần quan trọng nhờ bàn tay rộng mở của mạnh thường quân và độc giả bốn phương. Xin mời quý đại biểu và anh em cùng thảo luận. Sao cho Tagalau vạm vỡ hơn, hay hơn và đẹp hơn. Trân trọng kính mời…
Học giả Nguyễn Tiến Văn: Tagalau đã đi qua 14 kì, vậy mà tôi chưa có bài vở đóng góp, dù tôi có đọc nhiều số Tagalau. Văn hóa Cham là nền văn hóa có bề dày truyền thống, là một bộ phận lớn của nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam hôm nay. Mà các tác giả người Cham viết cho Tagalau cũng rất có tài năng. Tôi hi vọng từ kì 15, tôi sẽ có đóng góp gì đó cho Tagalau.
Bạn đọc Phiếu: Tagalau là đặc san hay và có ích. Nhưng từ số Tagalau 11, sao tôi thấy không có nhiều tác giả viết về nghiên cứu. Theo tôi đó là một thiếu sót. BBT mới cần xem xét lại khía cạnh này.
Javinh: Được dự buổi lễ này, Javinh rất xúc động nên viết vội bài thơ chào mừng Tagalau 14. Bài thơ bằng tiếng Cham, Javinh xin ngâm theo kiểu mình, sau đó đọc phần dịch sang tiếng Việt.
Phương Thảo: Sau khi đọc Tháp nắng của chú Sara, Thảo mới yêu văn chương Cham. Rồi lần thứ hai, Thảo tham dự buổi ra mắt tập thơ Giữa hai khoảng trống của chị Kiều Maily, Thảo mới bất ngờ thấy người Cham mình làm thơ hay như thế. Hôm nay lại được tham dự lễ Ra mắt Tagalau 14, Thảo rất lấy làm hãnh diện.
Nhà thơ Trần Xuân An: Dù tôi chưa có bài đăng trên Tagalau, nhưng có thể nói tôi chơi thân với một số anh em Cham. Tagalau là sân chơi đẹp, có tiếng nói đặc thù. Tagalau cũng là sân chơi bổ ích thắt chặt tình đoàn kết anh em giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Inrasara tri ân Mạnh thường quân.
Có thể nói, Mạnh thường quân chính là một trong bốn trụ cột làm nên thành công ngoài mong đợi của Tagalau. Ngay từ Tagalau đầu tiên, Cty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham Inrahani là đơn vị đứng tài trợ chính; và sự tài trợ ấy kéo dài cho đến hôm nay. BBT không quên công ơn đó. Tiếp đến là thầy Lưu Quang Sang, chính thầy là người vừa góp tiền vừa cổ động bà con Cham kiều (gồm nhiều anh chị em) hỗ trợ Tagalau sống dậy trong cơn thương khó. Sau đó, anh Ysa Cosiem rộng bàn tay với Tagalau khi Tagalau gặp nguy; cho dù anh không muốn nêu tên mình, nhưng chúng tôi không thể cho ẩn mãi tấm lòng vô cùng rộng mở này. Chúng tôi rất biết ơn thi sĩ Chế Mỹ Lan cũng đã xuất hiện kịp thời, khi đã tài trợ trọn gói in Tagalau 7, sau đó mỗi kì thi sĩ đều có “quà” cho Tagalau; cảm động hơn nữa ở “Hành trình 10 năm Tagalau” thi sĩ đã tài trợ tiền mua sách làm quà tặng cho 60 vị khách. Và Bá Văn Mến, tiến sĩ Shine Toshihiko, bạn văn Cát Tiên, BBT Từ điển Chăm – Việt (TT Nghiên cứu VN-ĐNA). Vân vân… Rất nhiều vị khác mà chúng tôi không thể nêu hết tên ở đây. Đó là những gàu nước đẹp tưới cây Tagalau mỗi khi Tagalau gặp hạn.
Thay mặt BBT Tagalau, tôi xin tỏ lòng vô cùng tri ân quý Mạnh thường quân. Kính chúc quý vị Mạnh thường quân cùng gia quyến kajap karo thug siam!
Cuối cùng, Tuệ Nguyên phát biểu kết thúc buổi Ra mắt.
* Inrasara trả lời phỏng vấn sau Ra mắt Tagalau14.
Đoạn này quá đúng:
“Inrasara nói đại ý rằng, Tagalau đi trọn vẹn hành trình đến hôm nay, cần đến 4 yếu tố. Thứ nhất: người Cham có cái gì đó để nói với thế giới bên ngoài; thứ hai: có người tức là có các tác giả nói lên được cái đó; thứ ba: có người đọc cái đó; và thứ tư: có mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ cho cái đó có mặt. Chắc chắn thành công hôm nay của Tagalau một phần quan trọng nhờ bàn tay rộng mở của mạnh thường quân và độc giả bốn phương.”
Khiêm tốn mà hay.
Nghe nói buổi ra mắt rất hấp dẫn.
Chúc mừng!
Nhà thơ Tăng Thị Diệu Hà chứ không phải Tăng Thu Hà- diễn viên điện ảnh.
Bản tường thuật ngắn mà chính xác, khiêm tốn và vẫn nói lên được điều cần nói. Tường thuật đầy tự trọng, chứ không có nổ như bom…
Cảm ơn Inrasara.
Dear anh Insara,
Tagalau 14 không phản ánh đúng bản chất người phụ nữ Chăm lúc bây giờ.
Không cần thiết phải dùng từ mang tính dâm dục nhiều quá.
Rất mong anh rút kinh nghiệm cho lần ra mắt Tagalau sau này.
Trân trọng !
Chào anh
Vicha Phong
tagalau rất có ý nghĩa với người chăm đã có rất nhiều công ích của nhiều nhà thơ,nhà văn góp phần xây dựng nên,chúng ta phải có trách nhiệm với công lao cao quý ấy bằng những lời chúc ít là góp ý phần nào cho nhiều tagalau đc ra mắt nhiều hơn.tuy lần đầu tiên tham dự em thấy những nhà thơ,nhà văn và các thường quân cũng đã nhiệt tình.rất hâm mộ những người đã tạo ra tagalau,ước gì sau này mình cũng có khả năng góp vào 1 phần chút it trong tagalau sau này
Tôi vừa đọc hết tagalau 14 chiều nay. Hay lắm. Ít nhất cũng là đọc được. Các anh em trẻ mà làm không thua kém gì nhà văn Inrasara. In thì đẹp hơn. Có lẽ do anh Vicha Phong chưa quen đọc văn chương thôi. Tôi lấy ví dụ, tác phẩm Nắng Tháng Tám của nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel là Faulkner, vừa qua Việt Nam có dịch và đoạt Giải Sách Hay năm nay. Tiểu thuyết có cảnh “dâm”, rất nhiều chữ dâm dục, nhưng thế giới công nhận đó là tuyệt bút. Cám ơn Tagalau!