Đọc Lòng ta chùa chiền, tập thơ của Nguyễn Quang Hưng, NXB Hội Nhà văn, 2013
Báo Nông nghiệp Việt Nam, 4-9-2013
Khởi đầu từ “Hoảng loạn”. Vừa khi con người ý thức về mình là con người đánh mất mình. Hay đúng hơn, con người thức nhận mình bị đánh mất. Bởi đám đông, trong đám đông và lạ – qua chính mình. Hắn hoảng hốt nhìn lại mình không phải là mình. Mình bị vong thân, bị tha hóa, bị đội lốt, bị phân mảnh, ngàn muôn mảnh. Hắn không phải là hắn, mà là muôn mảnh vỡ ghép lại. Hổ lốn và thiếu trật tự. Từ ngôi nhà hắn ra đời, trong môi trường hắn sống, qua nền nếp gia đình, nền giáo dục hắn thụ hưởng, cuốn sách hắn đọc, ý hệ tôn giáo hay chính trị hắn chịu đựng, quyền lợi của đoàn thể hắn, ý chí của lãnh tụ hắn…
Phút sửng sốt phát hiện kẻ đội lốt
Chúng ta thấy chen chúc no nê và hình hài ốm đói của mình qua hơi gió khét mùi tóc cháy
Hắn vùng vẫy. Càng vùng vẫy, hắn càng bị lún sâu, sâu hơn nữa. Cả thế giới là một vũng bùn khổng lồ. “Trái Đất lõm bõm nước đặc/ Ở chỗ nào cũng thấy mình lún dần…/ Không ai kéo lên được”. Ai có thể kéo lên? – Không ai cả! Bởi tất cả đã là bùn. “Và anh hóa khối bùn đang đi”. Anh bùn, tôi bùn, chị bùn, em bùn, cô bác bùn… Cả “đồng loại bùn” trôi dật dờ ngày qua ngày. Bùn sinh ra, lớn lên, yêu nhau và sanh con đẻ cháu, những con cháu bùn. Bùn nhìn nhau, âu yếm hay thù ghét cũng vậy; bùn lo lắng nên lên tiếng bảo vệ nhau; bùn định hướng cho nhau, càng định hướng bùn càng mất hướng.
Mỗi ngày tôi lại làm cho khuôn mặt mình ngắn lại
… Tôi đi như cố làm mình dài ra
Tôi đã thử mọi cách để thoát xác bùn, nhưng bất khả. Thế là, tôi đứng lại thủ thế.
Vừa thủ thế vừa tranh thủ nhặt nhạnh
Nhặt nhạnh và tom góp và chất chứa. Tiền của, kiến thức, hay uy tín trước con mắt những “bùn đồng loại” lúc nhúc khắp xung quanh. Càng tom góp, cái Tôi của bùn càng phình to. Càng phình to trong “của”, tôi càng đánh mất mình như là “là”. Tôi mắc kẹt vào tôi, mắc kẹt vào mênh mông trận đồ xã hội, cộng đồng. Ở đây Nguyễn Quang Hưng đã khắc họa nỗi mắc kẹt này đầy hình tượng:
Muốn trở lại cánh đồng phải băng qua rất nhiều rác
Cuối cùng nhận ra mình là đồ hộp
Muốn trở lại mình như là mình, trở lại bản thể nguyên sơ của con người, tôi vừa phải làm cuộc băng vượt rất nhiều đống rác – “đống rác vô tận” (chữ dùng của Phan Bá Thọ) – của môi trường sống xung quanh, mà còn phải dũng mãnh phá vỡ “đồ hộp” tôi.
Thức nhận được tư thế vướng kẹt, là đã vượt nửa chặng đường rồi. Thức nhận con người chưa đi, tôi chưa từng khởi hành. Như chuyến bay kia chưa từng cất cánh. 30 năm rồi, từ ngày mẹ làm giấy khai sinh tôi. Cho dù mọi người cố ra vẻ mình đã bay, đang bay, sắp bay. Hơn thế, dù con người tự đánh lừa mình đang “tư thế chuẩn bị” bay. Nhưng không. Bởi từ tận thâm tâm, người ta biết chắc là mình sẽ không được bay. Lạ, không ai hỏi tại sao.
Không ai bỏ về hay trả lại vé
Vì thỉnh thoảng lại nghĩ mình sắp được bay lên
Chuyến bay đời người bị khất lại, cuộc sống muôn năm bị khất lại. Vì cuộc chiến cho chuyến bay chưa hề xảy ra.
“Này Quentin ạ, cha cho con đồng hồ này, cha cho con nấm mồ chôn hết tất cả hy vọng và tất cả ham muốn… con sẽ dùng đồng hồ này để qui hết tất cả kinh nghiệm loài người vào chỗ phi lý… tất cả nhu cầu của đời con sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cũng như tất cả nhu cầu của những người chung quanh con, của cha con cũng thế. Cha cho con có cái đồng hồ này không phải để con nhớ đến thời giờ, mà để con có thể quên nó trong một khoảnh khắc để con đừng hì hục mệt nhọc cố gắng chinh phục nó. Bởi vì con ạ, người ta không bao giờ thắng trận. Người ta cũng chưa hề tuyên chiến nữa. Chiến trường chỉ là nơi khai mở cho con người thấy rõ tất cả sự điên rồ và tuyệt vọng của họ, và sự chiến thắng chỉ là ảo tưởng của những triết gia và những thằng khờ” (W. Faulkner, The Sound and the Fury, Phạm Công Thiện dịch).
Thức nhận mình chưa từng bay là ý thức về nỗi vong thân của sinh phận mang tên con người. Quyết định mình phải bay biểu lộ sự quyết tâm (resoluteness) mang tính dự phóng (projection) – như dụng ngữ quen thuộc của M. Heidegger – một dự phóng mang tính cá thể.
Còn Nguyễn Quang Hưng? Hành trình tâm linh tìm lại bản thể mình cũng hoàn toàn thuộc quyết tính của cá nhân, bởi anh biết “chuyến bay không có người lái”. Cho nên, mỗi sinh thể cần thức nhận – quyết định, để làm cuộc hành hương trong cô độc. “Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi chập chùng”. Thế giới đang rất “bất ổn” và mọi thứ đã đổ vỡ, cần làm cuộc hành hương tìm về miền nguồn cội. Thạch Bích, Mai Anh, Bút Tháp, Hà Hồi, Vân Đình, Tràng An, Hòa Bình, Huế… cho đến “Tây Nguyên xứ bướm”. “Hành hương”, và thấy, và “lắng nghe”. Nguyễn Quang Hưng đã thấy gì?
Đời người đời người cúi đầu đi
Đời người lặng lẽ ngồi xổm nhìn đáy vực
“Đời người đời người” sống lặp lại. “Người người”, “gió gió”, “lâu lâu”, “lời lời” “đông đúc”, “ngó nghiêng”, “mê mải”, “ẩm ướt”, “tan tác”, thảng thốt”… Bao nhiêu là từ láy cũ và mới [do Hưng bày đặt ra] có mặt đậm đặc trong Lòng ta chùa chiền, để nói lên nỗi vong thân của con người ngày càng thảm hại hơn. Sống lặp lại, suy nghĩ lặp lại, nói lặp lại… Ngôn ngữ thuộc về con người và bao dong con người, nhưng chính ngôn ngữ cũng đang bị tha hóa. Nên “cả vị từ tâm cũng ngân trên đầu lưỡi”. Hắn cần làm lễ tẩy trần toàn diện. Cho thân thể hắn, ý thức và vô thức hắn, cả ngôn ngữ và con chữ của hắn.
Để tìm đến và giáp mặt Người.
Chớ dại dột hỏi Người là ai? Người không là ai cụ thể cả. Không là Brahman, Phật, Chúa, Guru hay lãnh tụ tôn giáo hoặc chính trị nào bất kì. Mà Người chính là Ta. Phật tại tâm, như lối nói của Nhà Phật.
Giữa cơn “hoảng loạn” của đời sống tâm hồn nhân loại, Nguyễn Quang Hưng đã thức nhận được nỗi vong thân, đã lên đường “hành hương”, đã “lắng nghe” tiếng nói từ thẳm sâu hồn mình. Cuộc đi kia có đến không, không biết được. Và không cần biết. Tính hiệu quả không phải là vấn đề của cuộc hành hương đi tìm. Nói như N. Kazanzakis: “Miền đất hứa chỉ có trong lòng người. Bổn phận của mi là lên đường đi đến vực thẳm, rộng lượng và không hi vọng”.
Còn hi vọng là còn vọng động. Bởi đi có nghĩa là đến rồi.
Tân Phú, 16-8-2013