Inrasara: Truyện mini11. Buổi thuyết trình của thầy… K.

2012-T&Th-SG.9

Lớp Tiếng Cham Cao cấp ở Sài Gòn mời thôi là đủ mặt anh hào nhân vật Chàm nổi tiếng đến nói chuyện chuyên đề. Giáo sư P thuyết về tộc người Cham từ đâu, hộp sọ loại gì, xương bánh chè nặng bao nhiêu và sau ba ngàn năm tăng lên được mấy gam… mất nguyên ngày, và còn hẹn tập hai nữa. Nhà văn S bỏ cả buổi để chứng minh tác phẩm cổ điển Ariya Glang Anak thuộc hàng vĩ đại nhất thế giới. Tiến sĩ H thì quyết liệt một hai – dù chả ai cãi – trong Akhar thrah cặp đôi dar sa với croh ao không thể đôi ngả chia li được. Nhà nghiên cứu M dạy đám trẻ tầm quan trọng của sự nghiên cứu.

– Chàm mình con một mạng tồn tại trên trái đất này là còn nghiên cứu, nghiên cứu tầm quốc tế, – nhà này khẳng định.

Thôi thì đủ cả. Tuốt tuồn tuột đề tài, tất tần tật nhân vật cộm cán. Nhưng dòm qua ngó lại thiếu mỗi K. Người cùng thời mà không mời ngó bộ cũng kì. Ừ, thì mời.

Bước vào lớp, K. lật sổ, hô tên điểm danh. Mới qua 2 tên mà bên dưới có vài tiếng cười khúc khích.

– Các em muốn học không nào? – K. đập bàn một cái rõ to. Thế là im thít.

– Bắt đầu lại nè: La Văn Thủi!

– Dạ có.

– Em có biết họ “La” của em từ đâu ra không?

– Dạ, nghe nói từ thời Pháp khi người Việt bắt đầu bổ túc chữ Quốc ngữ, chính phủ cần đặt họ đâu ra đấy cho mọi công dân ạ. Chàm thiếu cái họ, cứ JA với MƯ mà kêu, nên họ quyết định lấy tiếng nào khác cái họ người Việt mà đặt, đụng ai nấy chịu.

– Sinh viên thời buổi này thuộc bài thì rõ rồi, nhưng tôi hỏi cụ thể từ đâu mà ra, chứ không phải từ thời nào. Tôi không nhiệm vụ dò bài cậu…

– Không thưa chú, dạ xin lỗi, à… thưa… thầy.

– Thầy với chú, nó ra lò từ họ “Lã” đó. Mặt mũi cậu mà đòi cùng họ với lực sĩ Lã Bố hay đại gian hùng Lã Bất Vi sao? Vậy là: – Tụi bây làm khai sinh cứ xóa dẫu “ngã” cho ta, họ không biết gì đâu. “Lã” thành ra “La”, có nguyên do như thế đây, cậu hiểu chưa?

– Chưa thì thôi, huỡn đã. Tiếp nè: Lộ Minh Chù!

– Dạ, có em.

– Em cũng không hay không biết cái “Lộ” ra từ đâu, phải không? Từ “Lỗ” đó. Dỏng tai lên mà nghe, cậu không thể họ hàng với văn hào Lỗ Tấn được. Thay dấu “ngã” bằng dấu “nặng” cho ta, có ai kiện ta chịu.

– Đạo Thị Đen!

– Dạ…

– To lên! Lí nhí trong miệng ma nào mà nghe. Cô nữa, cũng từ “Đào” mà nảy ra đó. Chớ nghĩ dại đào đất, đào mương đâu, mà là Đào Tiềm ấy. Bộ mấy cô mấy cậu mà có thể cùng họ với người Hoa à? Thế là thay, thay tuốt… Quản thành Quảng, Đồng thành Đổng, Lữ thành Lư, Tôn thành Tồn… Cứ thế(1).

– Vẫn chưa hiểu à? Nữa nè:

– Trượng Thanh Mun!

– Dạ, em họ Trương, thưa thầy.

– Em đưa xem chứng minh nhân dân. Không, không phải thẻ sinh viên, mà giấy chứng minh kia.

Mun đưa cả hai cho thầy. K. ngó ngó và cười cười.

– Thẻ sinh viên thì không sao, nhưng giấy chứng minh nhân dân có vết cạo mất dấu “nặng” nè.

Quay sang Mun, K. hỏi:

– Em xài dao lam phải không?(2)

Mun họ Trượng câm như bị cho ngậm cám. Cả lớp Tiếng Cham Cao cấp im lặng như thể có tang. Rồi vỡ cười  hệt cả bọn đồng loạt bị ai thọc léc…

– Im lặng nào. Tiếp đây: – Báo Văn Mỡ!

– Dạ em họ Bao, có giấy chứng minh, thưa thầy. – Không đợi thầy kêu, Mỡ đưa ra.

– Cậu thành thật khai báo như thế thì hay lắm.

– Cha cậu cũng Bao à?

– Dạ, Bao Văn Da.

– Thế ông ngoại?

– Cũng Bao nốt, Bao Văn Xương.

– Nhà cậu đích thị cháu chắt mấy đời quan Ngự sử Bao Thanh Thiên với người đẹp Bao Tự rồi…

– Thế em ruột của ông ngoại còn sống không?

– Dạ, còn. Báo Văn Cốt.

– Đấy, đấy, báo đây… – Báo Văn Cốt. Báo biến tấu thành Bao, vậy là đích thị ông ngoại của cậu tẩy mất cái dấu “sắc” rồi.

Cả lớp Tiếng Cham Cao cấp cười như vỡ chợ.

– Im đi nào! Phải chuyện cười đâu mà nhe răng như khỉ đột ấy, – K. đập bàn đánh rầm.

– Thông minh, thông minh cực kì. Họ chơi Chàm thì Chàm ta chơi lại, ngán gì. Ta cạo, ta chùi, ta tẩy… Hán trở lại thành Hàn, Lượng phục nguyên làm Lương… Riêng trường hợp Báo cạo thành Bao thì phải công nhận giòng họ nhà này đi trước thời đại.

– Chàm đích thị nòi sáng tạo.

Bài học hôm nay chấm hết tại đây, – K. kết, giơ tay vẫy mọi người, và bước khỏi lớp.

 

Coda

Đồn là sau buổi thuyết trình có một không hai này, sinh viên Chàm ở Sài Gòn dự lớp Tiếng Cham Cao cấp khóa ấy một mực đòi K. trở lại lần hai, lần ba… nhưng nghe nói K. đã từ chối bằng câu nói đáng ghi vào sử sách: K. tui có đúng mỗi bài đó để dạy các ngươi!

_________

 

(1) Chuyển hệ theo ý kiến của Qua Đình Lan – palei Krong.

(2) Tham khảo thêm: Inrasara, Chân dung Cát, 2006, chương “Nhà đại cố vấn họ Cao”: “Anh tên khai sinh Kiều Xuân Hoang, sau thương cô gái Kinh ở Phan Thiết lấy dao lam cạo thẻ căn cước thành Kiêu. Nhưng Kiêu (ai lại họ Kiêu) thấy phát âm chậm và lạ tai nên bạn bè tiện thể gọi luôn Cao Xuân Hoang cho trót”.

5 thoughts on “Inrasara: Truyện mini11. Buổi thuyết trình của thầy… K.

  1. Qua câu truyện mini 11 cho chúng ta nhìn nhận không gian hai chiều về vấn đề ngôn ngữ. Tác giả muốn đưa người đọc sáng tạo cùng, liên tưởng từ xưa và nay, tiếng Chăm cũng thế, cùng thống nhất với nhau. Qua đó, giúp ta hiểu được nhân sinh quan hơn. Khi thầy đã truyền hết những gì cho trò, thì trò có thể chấp cánh bay đi, không giữ trò lại nữa, câu truyện nhìn nhận từ vấn đề học thức và đạo đức con người. Tác giả muốn kể cho độc giả nghe để hiểu thêm những vấn đề phức tạp của cuộc sống hiện đại, báo hiệu cho mùa tranh luận, bàn luận rộng rãi về ngôn ngữ dân tộc.
    Câu văn của tác giả cũng hiện diện tư tưởng rõ rệt, đưa chúng ta vào quỹ đạo văn chương hậu hiện đại, đó là sự thách thức để bám vào rễ ngữ ngôn. Thể hiện một lối suy tư về ngôn ngữ mà hằng bao năm nay nhiều người luôn quan tâm, câu truyện dễ cười nhưng không phải thế, nó làm đầu óc của ai đó “nóng” lên, kết cấu cũng li kì, làm người đọc chuẩn bị tư thế về lí thuyết, mới hiểu và thấu nhận được điều kì lạ ấy.

  2. Hay! Nhưng sao Kaka không bàn thẳng vấn đề đưa ra mà nói ngoài đề nhỉ?
    Đây là khám phá rất vui của anh Inra và anh Qua Đình Lan.
    Họ Chăm thì phải khác Việt, nhưng lấy ở đâu? Thế là lấy từ họ người Tàu. Mà cũng không lấy nguyên xi nữa, Tàu đàn anh mà, thế là phải đổi – như bài viết vui này.
    Anh Inra biết cách nói vui về chủ đề nghiêm trọng.
    BÂY GIỜ VÀI BẠN TRẺ CHĂM ĐANG CHỬI BỚI 1 PHIM NÀO ĐÓ, TÔI TIN CHẮC NẾU ANH INRA NÓI, ANH SẼ NÓI KHÁC. NÓI VUI MÀ ĐAU, ĐỂ HỌ ĐI CHẾT LUÔN.
    NHƯNG CHƯA AI XEM PHIM NÀY MÀ!!!!!
    (Tục ngữ Tàu: Người ta phê bình họa phẩm bằng tai!)

  3. Tôi không dám nói là xã hội Chăm sạch sẽ cả, hay văn hóa Chăm là tốt đẹp cả. Nhưng đưa hình ảnh phản cảm như thế lên phim không đủ bị phê phán hay sao? Theo tôi cần cắt bỏ đoạn đó.

  4. Các bạn trẻ Chăm nói trước tôi mới nói. Đúng là các bạn phê phán phim khi chỉ đọc qua 1 bài báo, với xem vài ảnh PR quảng cáo phim. Tệ vậy! Cũng như các nhà phê bình chửi tập thơ khi chỉ đọc bài điểm sách.
    Các bạn ưa bênh ông Inrasara. Tôi lấy chính bản thân ông ra để hỏi các bạn nhé.

    1/- Ông Inrasara viết tập thơ nào cũng đáng, tập nào cũng giải này giải nọ. Tập Chuyện 40 năm mới kể theo tôi cũng rất hay, vậy mà trong đó chỉ có mỗi từ “lồn”, mà Hội Nhà văn TP rút tập thơ ra khỏi Giải của năm (chuyện này chính ông Inrasara kể lại khi trao đổi với 1 nhà văn Việt Nam). Đúng là cách ứng xử của nhà phê bình CS.
    (nếu nước nào cũng làm như vậy thì nhà văn Mỹ nổi tiếng H-Miller bị đi tù).

    2/- Bây giờ các bạn chỉ vin vào cảnh mọn nhà báo đưa lên, mà muốn xóa bỏ cả bộ phim có ý đồ tốt. Tôi không dám nói nó hay hay dở, vì tôi chưa xem.

    3/- Tôi nói ý đồ tốt là như sau. Trích bài báo:
    “Tiếng trống Paranưng còn mang đến cho khán giả những thước phim về văn hóa dân tộc Chăm với không gian làng quê bình yên, giản dị… đặc trưng in đậm vào lòng người về bản sắc văn hóa dân tộc, và cả tiếng trống Paranưng là một câu chuyện huyền thoại kiêu hùng. Tất cả đã kiến tạo nên kho tàng nghệ thuật vô giá của vương triều Chăm Pa kiêu hãnh tồn tại qua thời gian.”

    4/- Ý đồ tốt nhưng chưa chắc đã làm tốt. Tôi ghét phim Việt Nam vì thế. Có nhiều cảnh và lời thoại rất ngốc. Còn ai chưa xem mà nói theo này nọ là ngu hết chỗ nói.

  5. BBT thông báo:
    Vì tôi chưa xem phim, cho nên rất mong bạn đọc KHÔNG gửi phản hồi về phim “Tiếng trống Paranưng” ở đây.
    Karun!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *