Inrasara: Tagalau, 2 đính chính cần thiết

2013-8-Pajai.04* Rời Tagalau, Sara lang thang về miền vô định (với thi sĩ Đồng Chuông Tử & thi sĩ Diễm Sơn tại nhà DS – Pajai, 8-2013).

Tháng trước, tôi được vài người cho biết đã đọc thấy trên mạng đâu đó một tác giả [kí bút danh lạ] viết rằng mười mấy kì Tagalau chỉ có mỗi bài “Mỹ Sơn đường về” của Trà Vigia là có giá trị bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc; còn lại toàn những người viết hùa theo cùng giọng điệu Inrasara. Nếu không là người thân cũng bạn bè, không máu mủ cũng là phe cánh. Vân vân… Vừa qua, lại thêm tin hành lang [đáng tin cậy] rằng, nếu không có anh/ chị ta ủng hộ về tiền bạc thì Tagalau đã chết từ khuya rồi.

Đây là phát ngôn vừa tỏ rõ sự thiếu hiểu biết, đồng thời biểu lộ thái độ không phải phép với bà con, anh chị em Cham. Vậy mà – lạ, cũng có vài người tin thật.

Với tư cách chủ biên Tagalau qua 13 kì, tôi xin đính chính như sau.

1. Về tác giả viết cho Tagalau. Gân 200 tác giả, gồm:

– nhiều dân tộc: Chăm, Kinh, Tày, Dáy, Êđê, Kơho..

– cư trú ở nhiều nước: Việt Nam, Hoa Kì, Canada…

– nhiều vùng miền: Ninh Thuận, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định, Cao Bằng, Tây Ninh, Dak Lak…

– nhiều lứa tuổi và thành phần khác nhau. Tuổi 80, như: Cahya Mưlang, Nguyễn Văn Tỷ, Phutra Noroya… cho đến các cháu còn ngồi ghế Trung học, Tiểu học: Mih Tơm, Thiên sanh Huy Hoàng, Thạch Giáng Hạ…

– trong đó có những vị đã mất: Đàng Năng Quạ, Thành Văn Sưởng, Tantu…

– ngoài ra tác giả thuộc nhiều thể loại và lĩnh vực khác nhau: sưu tầm – nghiên cứu, thơ, văn, họa, phê bình, ca khúc…

– trong đó có nhiều vị nổi tiếng: Nông Quốc Chấn, Bùi Khánh Thế, Phan Đăng Nhật, Linh Nga Niê Kdam, Nguyễn Phạm Hùng…

Tất cả đều viết tự do, không bị định hướng viết theo ai cả.

Riêng các tác giả Cham, người viết thuộc nhiều vùng miền khác nhau, nhiều làng khác nhau, ở đó rất nhiều tác giả đã thành danh và có cống hiến không ít cho cộng đồng. Một phát ngôn thiếu suy nghĩ như thế, về lí: là hoàn toàn biểu hiện thiếu vắng cái nhìn toàn cục, càng thiếu cả sự phân tích tối thiểu; về tình: xem thường các tác giả có thể thuộc thế hệ cha anh mình. Xin chi li một xíu:

– Sáng tác tiếng Việt. Về thơ có 3 tên tuổi Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên… được dư luận trong giới đánh giá cao. Truyện ngắn của Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan là rất sáng giá.

– Sáng tác tiếng Cham có: Jaya Hamu Tanran, Thuận Văn Liêm, Cahya Mưlang, Phú Đạm… là các cây viết có đóng góp nhất định. Riêng Phutra Noroya có nguyên chương tiểu thuyết tiếng Cham đã đăng.

– Về nghiên cứu, bài viết của Guga (Trà Vigia), Phan Đăng Nhật, Sakaya, Nguyễn Phạm Hùng… vừa có giá trị về tư liệu vừa mang tính chất khai phá đáng kể.

– Về sưu tầm, 4 trường ca, hàng trăm tục ngữ ca dao, cả mươi lễ tục đã được giới thiệu…

Tất cả chúng không là “bảo tồn văn hóa dân tộc” thì còn gọi bằng chữ nào đây?

2. Về chuyện tiền bạc

Tagalau luôn có vẻ thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ nó thiếu để phải chết cả. Dù thiếu, nhưng tôi chưa bao giờ “xin”. Ai biết thì cho, hoặc hô hào bà con cho, không thì thôi. Người ít kẻ nhiều; ít – có thể chỉ 100.000 đồng, còn nhiều có khi 500 USD. Tất cả đều góp công tưới cây Tagalau sống qua mùa. Còn không, thì tôi gánh chịu. Có 2 kì, tôi đã chịu [chơi] như thế. Không vấn đề gì cả.

Bác góp bài nghiên cứu, chú gửi dăm truyện ngắn, cháu nộp vài bài thơ, chị có tiền chị góp vào, anh nghèo thì anh ra tay phát hành, em nhỏ có công đọc, em lớn không làm gì đứng vỗ tay cũng là thêm một gàu tưới cây Tagalau xanh tươi mơn mởn.

Cho nên, ai cho rằng “không có ta” thì Tagalau chết là hơi bị… chủ quan. Không mợ thì chợ vẫn đông. Ngay cả bản thân Inrasara được đồn thổi là kẻ có công to nhất vẫn hệt thế. Hắn không chủ biên thì đã có người khác thay vai, có khi còn oách hơn chục lần hắn nữa không chừng.

 

Vài đính chính nhỏ con như thế. Mong bà con, anh chị em và bạn đọc hiểu cho.

 

Harei Taleh ơk, 9-8-2013

 

2 thoughts on “Inrasara: Tagalau, 2 đính chính cần thiết

  1. Đính chính rất cần thiết đó, nhà thơ Inrasara ơi!
    Tagalau là của chung, mọi người đều chung tay làm nên. Ai nói chỉ có bà con, anh em Inrasara viết cho Tagalau – là BÔI NHỌ các tác giả trong đó. Còn nói nếu không có tiền của mình là Tagalau đình bản, thì rất VÔ PHÉP.
    Tagalau mọi người đều chung tay làm nên và chung lòng trách nhiệm.
    Siam Mưkrư

  2. Bé Trâm thật là dễ thương. Hôm đó, ngồi kề chú Sara Bích Trâm không nói gì cả. Thi thoảng ngước nhìn mọi người như nghe ngóng câu chuyện rôm rả mini, rồi từ tốn gắp thức ăn rất hồn nhiên. Tin rằng mai mốt, Bích Trâm vẫn còn ghé Ma Lâm và cùng “thưởng thức” các món ăn bà con Chăm mình rất đặc trưng, tuy đơn sơ vừa ngon mà lạ nữa nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *