Inrasara: Lo trước 2: Hậu quả từ chủ nghĩa Theo-ism

Inrajaya-07

1. Trong tiểu luận “Giải Nobel cho văn chương Việt Nam, tại sao không?” (Vietnamnet, 2008), tôi thử phân tích tinh thần “tòng” của tâm tính Việt, dẫn đến tính đồng bộ [đa phần] của nền thơ Việt. Xin trích:

Sự đồng bộ bắt nguồn sâu xa từ căn tính thơ Việt và xã hội Việt Nam, được đắp nền và tô bồi thêm bởi thứ triết học Theo-ism đang được dạy trong nhà trường. Bước chân ra khỏi giảng đường, sinh viên Việt Nam khó dứt lìa nếp nhà nghĩ theo, viết theo, khen chê theo…”.

Liên hệ xã hội Cham, bài “Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Cham hôm nay” (Tagalau, 2010) cụ thể hóa tinh thần tòng thuộc đó. Ở đây tôi nhấn về tư thế tinh thần tư duy độc lập. Xin trích:

Bạn không phải nghe theo, tin theo, nói hùa theo bất kì ai cả! Bạn đủ khôn lớn để phán xét mọi việc. Chỉ khi nào bạn biết độc lập tư duy, bạn mới trở thành người lớn, trở thành chính bạn”. Làm sao có tư duy độc lập?

Họ hàng bà con, anh chị em hay bằng hữu thường nghe theo nhau; khi ta từ bỏ sự nghe theo một chiều ấy, là ta đã học biết suy tư độc lập. Người của phe nhóm ta nói sai, ta không còn nhắm mắt tin nghe theo, là ta khởi đầu cho tư duy độc lập”.

Hai tiểu luận được nhiều báo, tạp chí đăng lại. Riêng bài “Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Cham hôm nay”, Trà Vigia bình luận:

– “Tiểu luận quan trọng, đánh động được vấn đề, nhưng e rằng người Cham chưa thể tiếp nhận thông điệp”. Chưa tiếp nhận, do tinh thần “theo-ism” và cả lối diễn đạt hơi “cao”, – Trà nói.

Chính vì nguyên do đó, ở bài này, tôi thay đổi cách viết bằng các truyện kể.

 

2. Các biểu hiện của tư duy tòng thuộc/ độc lập.

Tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” (2006) đòi hỏi nhà văn cô đơn tuyệt đối, dấn bước vào ba tầng cô đơn: trước, trong khi viết, và cả sau khi tác phẩm ra đời.

khi đã cô đơn khỏi đồng nghiệp (tự tách ra khỏi bầy đàn),  ta chỉ mới cô đơn bán phần, vẫn chưa cô đơn toàn phần: cô đơn nội tâm, cô đơn khỏi mọi âm thanh và cuồng nộ của cõi người để đối thoại với con chữ và đối diện trước tờ giấy/màn hình trắng. Lo toan thường nhật với những chức vụ và trách nhiệm: làm chồng, làm cha, làm công dân… thường trực đẩy ta lẫn vào số đông. Thế nhưng, bằng nỗ lực vươn tới cô đơn của nghệ sĩ sáng tạo, dẫu có thoát khỏi chúng, ta vẫn khó cô đơn khỏi ý thức hệ xã hội, truyền thống văn hóa, xu hướng yêu ghét của người đọc đương thời… Nghĩa là nhà văn luôn sáng tác trong tâm thế thỏa hiệp hay tự kiểm duyệt tệ hại. Bao nhiêu là bóng u ám, giọng mơ hồ lởn vớn trong ta, quanh ta, sẵn sàng đe dọa thân xác ta, uy hiếp tinh thần ta. Ta luôn phải sáng tác trong nỗi sợ hãi vừa siêu hình vừa hữu hình vây bọc. Mà đã sợ hãi thì làm gì có sáng tạo!”.

Một nhà thơ dân tộc thiểu số trong Đại hội Hội Nhà văn, lên diễn đàn “thay mặt” các nhà văn dân tộc thiểu số, phát biểu. Giờ giải lao, tôi nói với bạn ấy: Bạn có thể thay mặt cho tất cả mọi người, nhưng hãy trừ tôi ra. Tôi vẫn chưa cho phép bạn “nhân danh” tôi mà.

Dăm năm qua, một bộ phận không nhỏ người viết Cham (qua email hay bài viết, ý thức hay vô tình) ưa đại diện: đại diện thanh niên hay sinh viên, nhân danh “độc giả”, nhân danh truyền thống hay quyền lợi cộng đồng, mặc dù chưa ai cộng nhận (hay cho phép) người tự nhận đại diện đó.

Còn nhân danh là còn tòng thuộc số đông, mà chưa dám cô đơn đối mặt với vấn đề.

Ngồi ghế Phó Chủ tịch Hội đồng thơ, tôi đã KHÔNG bỏ phiếu cho tác phẩm của một thành viên Hội đồng dự giải thưởng HNV (tập thơ sau đó được giải). Đó là thái độ độc lập. Mình dám thể hiện chính kiến cá nhân, bất kể xung quanh nghĩ thế nào, bất kể thái độ đó làm mích lòng bạn thơ. Dù là hội viên của nhiều Hội, tôi chưa một lần phát biểu với tư cách hội viên, mà là nhà văn độc lập.

Hôm qua, một bạn đọc viết “phản hồi”: Chủ đề Ghur Cham Bà-ni, Inrasara phân công Nguyễn “sủa theo”; trước đó đề tài Điện hạt nhân, là Chay Mala “sủa theo” (xin lỗi 2 tác giả cho tôi ghi nguyên văn – tôi đã xóa còm này). Phát ngôn như vậy, bạn đọc trên đã phạm, thứ 1. Thiếu tôn trọng tư cách của người viết và độc giả. Thảo luận chủ đề Ghur không chỉ mỗi Nguyễn; về ĐHN không chỉ có Chay Mala mà còn có Trà Vigia, Paka Jatrang, Palei Krong… và cả trăm người đứng tên khai sinh hay bút danh chính để viết còm. Thứ 2, bạn đọc ấy vẫn chưa hiểu tinh thần “cô đơn” của Inrasara. Tôi hành động như một nhà văn độc lập, và chưa hề kêu gọi bất kì một tác giả hay độc giả nào đó viết cho chủ đề nào đó. Chủ biên Tagalau, yêu cầu nhiều tác giả đóng góp càng tốt, riêng ở web cá nhân, tôi chưa hề. Nhiều người bàn một vấn đề nào đó càng tốt, còn đề nghị viết theo thì không. Nhất là chủ đề mang tính nhạy cảm. Tôi không muốn lôi kéo bất kì ai vào cuộc với tôi, dù đó là bạn thân hay con cháu trong nhà.

Cần cho họ độc lập suy nghĩ và hành động.

Nghĩ theo, nói theo [từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ tiểu thể đến đại thể] đang xảy ra trong cộng đồng Cham, là điều đáng cảnh báo. Đáng báo động hơn là, hiện tượng cho rằng người khác cũng nghĩ theo, nói theo như mình – một hiện tượng mang nguy cơ xé lẻ cộng đồng Cham hôm nay. Và cả ngày mai.

 

3. Làm thế nào để có tư thế độc lập tinh thần tư duy độc lập?

Bắt đầu từ HỌC, học để BIẾT. Biết chưa đủ, cần tạo MÔI TRƯỜNG để THỰC HÀNH cái biết đó. Và điều quan trọng không kém là, áp dụng HẰNG NGÀY, ngay trong đời sống thường nhật.

Tôi dạy con tôi từ bé xưng tên với cha mẹ. Không xưng “dahlak” (tôi) hay “anưk” (con), mà là Jaka, Jaya… Theo tôi biết, đây là chuyện chưa từng có trong xã hội Cham. Mọi người cho “thằng Trạm lập dị”, tôi nói: không. Phải tập cho bọn trẻ có tính độc lập ngay khi chúng hiểu biết. Tình cảm gia đình – có; tôn ti trên dưới – có. Nhưng nó phải mang tên của nó, nó chịu trách nhiệm với lời nói và hành vi của chính nó. Trong cộng đồng Việt Nam, tôi hiếm khi xưng “em” hay “cháu”, “con” với ai đó, dù họ là thầy tôi hoặc “lớn” tới đâu – tôi xưng Sara, hoặc “tôi”.

Tôi là một sinh thể tự do, tự tại trên mặt đất.

Trên diễn đàn văn học, không ít người cho tôi phe này phái nọ. Lầm to. Tôi là nhà phê bình “lập biên bản”, nghĩa là vô phân biệt. Dĩ nhiên, tôi nghiêng về phía mới, phía sáng tạo. Bởi rất vô ích, nếu đi ca ngợi cái cũ, cái đã được khẳng định.

 

4. Giai thoại kể rằng so đọ 1 người Việt Nam với 1 người Nhật, người Việt luôn vượt trội; thế nhưng khi 3 người nhập lại, phần thắng luôn thuộc về người Nhật. Câu chuyện phê phán đoàn kết kém của người Việt.

Đoàn kết, hay lắm. Nhưng với xã hội Cham – nhất là hôm nay – tôi nghĩ ngược lại. Đoàn kết đồng nghĩa với tạo nhiều phe phái hơn. Tắt một lời: đoàn kết là chết! Lịch sử đẩy sinh phận con dân Cham li tán khắp nơi, và điều hôm nay “đứa con của Đất” cần là:

– Hiểu biết. Hiểu và biết. Ví dụ: hiểu vấn đề, và biết diễn đạt vấn đề.

– Luôn ý thức và khẳng định mình Cham. Không dám khẳng định là nhu nhược, còn mất ý thức là mất tất cả.

– Suy nghĩ độc lập, dám thể hiện suy nghĩ đó bằng hành động.

Ví dụ vấn đề “Đất Ghur anưk Bini”, nếu ta đừng phe phái, đừng “đoàn kết”, 1. Khi ta hiểu biết đó là điều nghiêm trọng, cần gìn giữ phần đất linh thiêng của tổ tiên, 2. Nếu ta ý thức mình là Cham với đầy đủ trách nhiệm, 3. Và, khi ta không phải nghe theo ai cả, ngay cả cha mẹ ta hay người của phe ta, mà ta độc lập nhận định, thì ta dám thể hiện nhận định đó bằng hành động qua nhiều hình thức khác nhau.

Từ ba yếu tố trên, vô tình ta ĐOÀN KẾT, mà không cần phải lớn tiếng kêu đòi “đoàn kết, đoàn… đoàn kết”.

Hay vấn đề “múa Apsara”, nếu ta có kiến thức tối thiểu về nghệ thuật, nếu ta ý thức mình là Cham: giữ truyền thống và cách tân về phía hiện đại, nếu ta biết nhận định độc lập, thì ta đã hành động hoàn toàn khác.

 

Cham luân lạc và tản mác khắp nơi. May mắn cho Cham, ta vẫn còn internet!

Nhưng liệu internet có là may mắn cho Cham? – Là chủ đề của “Lo trước 3”.

 

Sài Gòn, 20-7-2013

5 thoughts on “Inrasara: Lo trước 2: Hậu quả từ chủ nghĩa Theo-ism

  1. BBT duyệt bỏ phản hồi này, do phạm quy về ngôn từ.
    Còn nếu có gì uất ức, bạn đọc KLANAHOK nên dùng tên thật đối thoại trực tiếp với tôi thì hay hơn. Hoặc qua phone, hoặc trực tiếp gặp mặt.
    Thân mến
    Inrasara

  2. Nhà thơ Inrasara bày ra chữ Theo-ism rất độc đáo. “Theo” là tiếng Việt kết hợp với “ism” là tiếp vĩ ngữ tiếng Anh, thành Theo-ism. Trường học chúng ta không đào tạo ra con người độc lập, không khuyến khích nhà thơ cá tính, mà làm cái gì đó tương tợ nhau. Thành ra thơ ca chúng ta mang tính đồng bộ. Tôi nhớ có nhà phê bình nổi tiếng nhận định là thơ ca Việt Nam mang tính tập thể rất cao, cho nên ta không có nền thơ ca lớn.

  3. Anh Inrasara đặt vấn đề về đất Ghur này là quá đúng, sao lại có người đi phản đối nhỉ? Nếu không phải anh Inrasara, mà là ai khác đặt vấn đề này ra, tôi cũng ủng hộ. Miễn sao là chớ quá khích gây chia rẽ dân tộc là hay rồi.

  4. Nghĩ theo, nói theo [từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ tiểu thể đến đại thể] đang xảy ra trong cộng đồng Cham, là điều đáng cảnh báo. Đáng báo động hơn là, hiện tượng cho rằng người khác cũng nghĩ theo, nói theo như mình – một hiện tượng mang nguy cơ xé lẻ cộng đồng Cham hôm nay. Và cả ngày mai.

    Đoạn này nên hiểu ra sao?
    – về một vấn đề gì, cần nghĩ hai chiều.
    – nếu vấn đề khó, thì hỏi chuyên gia uy tín.
    – ngay chuyên gia, cũng nghe nhiều chiều khác nhau.
    Đây là đòi hỏi khó, khó cho nên ta cẩn thận.
    Làm người thì khó, làm chó thì dễ – là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *