* Kiều Maily tại vườn nhà cố TT Nguyễn Văn Thiệu – Tri Thủy, Ninh Thuận – 7-2013.
Xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tháng 8-2012 và đặc san Tagalau vào tháng 10-2012, thơ Kiều Maily liên tục được các báo chuyên và tạp chí văn học nghệ thuật giới thiệu (thơ & lời giới thiệu). Từ tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn hóa Dân tộc, Sông Hương cho đến Văn nghệ trẻ, Tiền Phong chủ nhật, Dân tộc & Phát triển, Đà Nẵng cuối tuần, Bình Thuận cuối tuần…
Inrasara.com xin trích đoạn vài nhận định tiêu biểu.
Báo Tiền phong chủ nhật, 12-8-2012
Memory H. viết:
“… sáng nay cụm mây năm ngoái vê/ về đâu/ đồi cũ nằm ườn quê cũ.”
Một câu thơ có thể nói rất độc đáo và xuất thần của nữ nhà thơ người Chăm mang tên Kiều Maily. Thơ Kiều Maily vẫn phảng phất bóng dáng tư duy của dân tộc cô. Đây là điều quý giá nếu nhà thơ biết giữ, cho những câu thơ trâu hoang chưa về hội tao phùng…
Tạp chí Sông Hương giới thiệu trang thơ Kiều Maily
Số 286, tháng 12-2012
Kiều Maily sinh năm 1985 tại Pablap – làng Chăm tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đã có thơ đăng trên đặc san Tagalau, báo Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Phong Chủ nhật, tạp chí Văn hóa Dân tộc… Một số bài thơ Kiều Maily đã được Inrasara chuyển sang tiếng Chăm. Đây là cây bút nữ có những câu thơ được cho là rất dân tộc mà không thiếu hiện đại.
Inrasara giới thiệu thơ Kiều Maily
Tuổi trẻ Chủ nhật, 16-6-2013
Mười năm qua, hàng loạt thi sĩ Chăm: Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên đã xuất hiện với tiếng thơ lạ biệt. Và nay là khuôn mặt mới nhất: Kiều Maily – nữ thi sĩ Chăm với tập thơ đầu tay vừa ra mắt Giữa hai khoảng trống – tưởng lành, nhưng cũng đã rất khác.
Anh là một vệt sáng buồn/ Bước vào đời em làm dông gió
Sinh năm 1985 tại Ninh Thuận, Maily thuộc thế hệ @, tốt nghiệp Trường cao đẳng Phát thanh – truyền hình TP.HCM, có blog riêng và chơi Facebook. Nhưng thơ Kiều Maily là loại thơ nội tâm – một nội tâm mới với nhiều mộng tưởng đan quyện cùng hiện thực. Mơ hồ và chông chênh nhưng cũng cụ thể và rất gần. “Từ bàn phím này”, thi sĩ nói lên tâm trạng riêng và chung. Riêng, nó tinh tế và sâu lắng. Chung, nó mang tính đại diện
Đó là tiếng hát của thế hệ thơ đang đi tới.
Trà Chân
Nữ thi sĩ Chăm và tập thơ đầu tay
Báo Dân tộc và Phát triển, 12-7-2013
Dân tộc Chăm có chữ viết riêng, từ đó có truyền thống văn học viết từ lâu đời, tiếc là truyền thống ấy đứt quãng trong một thời gian khá dài. Trước 1975, rải rác có vài người viết nhưng chưa nhiều và cũng không có tác phẩm nào in ấn chính thức. Cả khi đất nước thống nhất, làng văn nghệ Chăm vẫn yên ắng. Mãi năm 1996, khi tập thơ Tháp nắng của Inrasara ra đời, văn chương Chăm mới có tiếng nói trên văn đàn Việt Nam. Rồi khi đặc san Tagalau (Bằng lăng) số đầu tiên ra mắt vào mùa Katê năm 2000, các cây bút Chăm mới thật sự nhập cuộc.
Đến nay, đã có hơn trăm cây bút Chăm xuất hiện, cả thơ lẫn văn xuôi. Riêng về tiếng Việt, đáng kể nhất phải kể đến: Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Bá Minh Trí, Diễm Sơn… Đặc biệt, trong số đó có một số những cây bút nữ như Chế Mỹ Lan đã xuất bản 2 tập thơ, Trà Ma Hani đã xuất bản một tập thơ cho thiếu nhi và mới đây có thêm Kiều Maily trình làng tập thơ Giữa hai khoảng trống.
Kiều Maily xuất hiện trên văn đàn có mấy cái lạ. Lạ thứ nhất là các chùm thơ xuất hiện khá dày trên các báo và tạp chí uy tín chuyên ngành, như tạp chí Văn nghệ Quân đội, Sông Hương, Văn nghệ trẻ, Tiền Phong chủ nhật, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh… ; trên các trang báo, tạp chí DTTS như báo Dân tộc và Phát triển, tạp chí Văn hóa Dân tộc, tên tuổi Kiều Maily cũng dần dần được bạn đọc quen biết. Lạ nữa là sau non một năm có mặt, các sáng tác kia đã làm nên một tập thơ. Thêm một cái lạ nữa là tập thơ được Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống tài trợ toàn phần. Đây là điều hiếm đối với một tên tuổi mới trên làng văn nghệ.
Giữa hai khoảng trống” có nhiều tứ lạ, với lối nói mới:
“Có khi con gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt
Rồi trôi về đâu, không biết
Có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua
Vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa…
Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh
…Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt”.
(trích bài “Có khi”)
“Sáng nay cụm mây năm ngoái về
Về đâu?
Đồi cũ nằm ườn quê cũ.”
(trích bài “Đồi nắng cũ”)
“Anh là một vệt sáng buồn
Bước qua đời em làm giông gió”.
(trích bài “Khúc Thei mai giữa Sài Gòn”)
Nhà thơ Phan Hoàng phát biểu trong buổi ra mắt tập thơ Giữa hai khoảng trống tại TP. Hồ Chí Minh rằng: “Từ mười năm qua, một thế hệ thơ Chăm đầy tài năng có mặt trên văn đàn tạo nên không khí mới cho làng văn nghệ Chăm, đó là: Đồng Chuông Tử, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên… Kiều Maily xuất hiện cũng gây ấn tượng đáng kể. Nếu che tên tác giả và các tiếng Chăm được dùng trong tập thơ thì khó mà biết đây là thơ của một tác giả nữ người Chăm. Đó là một dòng thơ hiện đại.”
Tập thơ Giữa hai khoảng trống được chia làm ba phần: “Phố và quê”, “Em và anh”, “Giã từ tôi hôm qua”. Kiều Maily bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở quê, học và đang làm việc ở phố, cách biệt giữa hai môi trường tự nhiên và văn hóa là rất lớn. Điều đó khiến tôi trăn trở: làm sao có thể hội nhập mà vẫn giữ được cái riêng. Câu hỏi tạo nên sự lo âu, xao xuyến. Chuyện tình đôi lứa cũng vậy, làm sao hai nửa có thể hiểu và cảm thông nhau? Thế nhưng dẫu sao, “cái tôi cũ” cần phải được vượt qua để làm mới mình và làm mới thơ. Tên tập thơ ý nghĩa như vậy.”
Không phải không lí do khi ở lời giới thiệu, nhà thơ Inrasara, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ – Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: “Thơ Kiều Maily là loại thơ nội tâm – một nội tâm mới. “Từ bàn phím này”, thi sĩ nói lên tâm trạng riêng và chung. Riêng, nó tinh tế và sâu lắng. Chung, nó mang tính đại diện. Tôi cho đó là giấc mơ và tiếng hát của thế hệ thơ đang đi tới.”
Trần Can: Mắt Chăm…
“Hữu duyên… tự nhiên ngộ”, mình chắc hữu duyên nên “ngộ” Kiều Maily hai lần: Saigon và Buônmêthuột.
Maily gọi mình là chú, xưng cháu, mình thì cứ…đãng trí, gọi Maily là em, xưng anh, hihi, mãi một lúc mới quen.
Lần gặp ấy mình khá ấn tượng về… đôi mắt Maily, một đôi mắt Chăm, u uẩn và thăm thẳm nỗi buồn.
Mình đã biết Maily (qua thơ) từ trước. Giọng thơ lạ, (có lẽ là vì thơ nữ), nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc. Vẫn những vấn đề xã hội Chăm muôn thuở, những bế tắc, hội nhập, bảo tồn…. mang hơi thở xã hội đương đại đã được Maily tỏ bày bằng giọng thơ riêng biệt của mình.
Đọc Maily để hiểu thêm tâm hồn Chăm. Hiểu thêm những mảnh quá khứ mong manh vẫn âm thầm xuyên suốt trong tâm hồn dân tộc này một cách bền bỉ, bất chấp mọi thứ bất trắc chung quanh dường như chực chờ để xóa nhòa đi tất cả…
Thơ là để cảm nhận, (phân tích, phê bình chỉ sinh… rắc rối. Chưa nói sự cảm nhận của người đọc cũng rất khác nhau nên rất khó lấy ý kiến chủ quan mang ra áp đặt).
Nên mình không phê bình và cũng không phân tích thơ Kiều Maily, dù đọc tập thơ mình có cảm giác như nhìn thật sâu vào một đôi mắt đẹp: Mắt Chăm, sâu thăm thẳm và u uẩn nỗi niềm…