Trao đổi với Anh Chi và Đỗ Ngọc Yên về bài viết trên báo Nhân dân cuối tuần.
báo Nhân dân cuối tuần, 31-5-2013
1. Đọc mạch văn trong bài “Phê bình phê bình” không khó nhận ra chữ “hiện đại” được dùng chính là chủ nghĩa hiện đại: “Bài thơ [Nguyễn Quang Thiều] còn cư trú ở ngưỡng [tiền] hiện đại, chứ chưa thật sự hiện đại như Hoàng Hưng”. Còn bất cứ đương đại nào cũng có cái “hiện đại” của nó. Ở đây cũng cần phân biệt yếu tố với chủ nghĩa. Yếu tố lãng mạn, siêu thực, tượng trưng… đã xuất hiện trong thơ từ thời xửa xưa, cả trong Truyện Kiều, chứ không phải đợi đến Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh…; còn chủ nghĩa thì hoàn toàn khác.
Anh Chi viết: “Chưa bàn về yếu tố tượng trưng, siêu thực, phần nào yếu tố tính dục mà các nhà hiện đại chủ nghĩa đôi khi coi là một yếu tố của “hậu hiện đại”, đã khiến những câu ca dao trên mang một vẻ đẹp lạ thường của thơ ca đích thực; chỉ nói, chính nhịp điệu đã khiến nó neo được ngay vào lòng người đọc. Không biết đứng trên hệ mỹ học của mình, Inrasara giải nghĩa cái hay của mấy câu thơ cổ trên như thế nào, hay là thấy nó không hay?”
Ở đây, vế thứ nhất hoàn toàn sai. Nếu có nhà hiện đại chủ nghĩa nào coi tính dục là yếu tố của hậu hiện đại, thì đó là nhận định hỏng. Riêng vế thứ hai, tôi biết và có thể phân tích cái hay của “những câu ca dao trên”. Tôi đã nhận diện cái hay, đẹp của rất nhiều ca dao, trong đó bài “Thei mai” của Chăm là tiêu biểu; hoặc cái hay của [thể] cổ điển, ở đó có bài “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo. Tôi đã viết về mấy mươi nhà thơ hiện đại [chủ nghĩa]: Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn… Còn hậu hiện đại, tôi giới thiệu đến gần trăm nhà thơ (“Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Vietvan.vn, 2011). Tôi không “đứng trên hệ mĩ học của mình” như Anh Chi viết, mà là “đi vào trong” hệ mĩ học của tác phẩm-tác giả, để nhận định.
Cái hay, đẹp của “những câu ca dao trên” thuộc mĩ học văn chương bình dân; của “Chia” là thuộc cổ điển; của Trần Tiến Dũng là siêu thực (hiện đại chủ nghĩa)… Đó là cái hay, đẹp cũ. Chúng đã được lưu kho, người đi sau vẫn có thể thưởng thức, học tập chúng, nhưng không còn viết giống chúng nữa. Mà phải làm khác. Làm khác chính là ý nghĩa của phiêu lưu sáng tạo.
2. Nhà thơ sáng tạo đã đành, người đọc cũng cần biết nhập cuộc đồng sáng tạo. Vậy, “chuẩn bị” thế nào?
Anh Chi viết: “theo Inrasara, độc giả hôm nay phải chuẩn bị cái gì? Và nếu đúng vậy thì Inrasara cùng các bạn viết đồng chí hướng với anh nên đổ công sức tìm ra cách nào đó để “chuẩn bị” cho họ tiếp nhận thơ ấy đi”. Chuẩn bị gì? – Kiến thức về mĩ học văn chương. Chuẩn bị ở đâu? – Nhiều nơi, nhưng cơ bản nhất vẫn là trường học. Trình độ chung của người đọc hôm nay cao hơn hẳn thời Tiền chiến, là đúng; chứ nếu ta cho rằng họ hơn về trình độ thẩm mĩ, thì lầm to. Tang chứng: Trong khi học sinh Trung học thời Tiền chiến đã [được chương trình Pháp chuẩn bị để] làm quen với thơ Lamartine, Vigny, Musset, Rimbaud…, nên họ dễ dàng đón nhận Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… khi thế hệ nhà thơ này xuất hiện; còn ở ta 20-30 năm qua, ngay sinh viên Đại học khoa Văn vẫn còn xa lạ với các trào lưu lớn đang xảy ra trên thế giới. Cụ thể: khi hậu hiện đại thế giới đi hết một phần tư thế kỉ, rồi hậu hiện đại Việt qua một thập niên, thì sinh viên ta mới nghe nhắc đến chủ nghĩa này trên giảng đường. Trong bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Thơ, số 1-2006, tôi cho rằng “người đọc cũng cần được đào tạo”, là thế. Liên hệ sang hội họa có lẽ dễ hiểu hơn. Vào phòng tranh cổ điển, ta dễ dàng phân biệt đâu là bức đẹp/ xấu. Nhích chân bước sang phòng tranh lập thể bên cạnh thôi, nếu chưa được trang bị kiến thức căn bản về mĩ học lập thể, thì ta ỡm ờ là cái chắc.
3. Anh Chi viết: “Câu thơ thừa chữ, lê thê, là điều các thi nhân thời đại nào cũng cố gắng tránh xa, đặc biệt là thời nay”. Nhận định này chỉ có thể đúng với mĩ học văn chương cổ điển, mà hoàn toàn và nhất là sai với “thời nay”. Cái “thừa” làm nên nghệ thuật, làm nên sự khác biệt của các phong cách nghệ thuật. Nói như Thanh Thảo, đó là “ngón thứ sáu của bàn tay”. Cứ nhìn các công trình kiến trúc cũng đủ thấy. Đó không thuần là chi tiết mang tính trang trí.
Ở đây tôi đang nói về nhịp điệu thơ. Đừng lo tôi trích sai, cũng chớ nghĩ tôi mê tín vào quan niệm của tác giả ngoại. Maiakovski: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ. Sự ngắt đoạn và nhịp điệu của bài thơ còn hệ trọng hơn sự chấm câu”. Ch. Hartman quyết liệt hơn nữa: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, và phép làm thơ là chuyển nó trở thành ý nghĩa” (trích theo Khế Iêm, Thơ Tự do – một tiếng gọi khác, tạp chí Thơ, mùa Đông 1999, tr. 158). Chữ, câu… làm nên nghĩa, nhưng chính nhịp điệu mới “đóng góp làm nên toàn bộ ý nghĩa của bài thơ”. Đóng góp cái đầu tiên (hơi thở) và cái cuối cùng (hơi thơ), mà tôi gọi là hơi thơ-hơi thở.
4. Thơ hiện đại tối nghĩa và khó hiểu, là chuyện xảy ra khắp thế giới. Ở Việt Nam, từ khi nó mở mắt chào đời qua nửa thế kỉ, nó vẫn vậy. Cho nên mới sinh ra… hậu hiện đại. Từ đó mới nảy ra câu hỏi: “Thơ Việt sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì”? (tạp chí Nhà văn số 6, 2012).
Tôi không chê, cũng không “biểu dương” sáng tác hiện đại [chủ nghĩa], mà “đi vào trong” chúng để nhận định. Rằng “chúng vẫn là những gì khó tiếp nhận” đối với đại đa số công chúng độc giả “chưa được chuẩn bị”; rằng riêng với tôi – thơ hiện đại vẫn có cái độc đáo của mình.
Còn “từ hệ mỹ học này nhảy sang hệ mỹ học khác” chính là thái độ công tâm của một nhà phê bình Lập biên bản. Trước một văn bản cụ thể, với tư cách người làm phê bình, tôi cố gắng “đi vào trong” hệ mĩ học của nó – dù nó thuộc loài thơ cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại – để nhận ra cái “hay”, cái ‘‘đẹp” của nó. Đây là thái độ phê bình vừa khoa học vừa công bằng đối với mọi loại sáng tác. Chứ nhà phê bình mà chỉ ưa thích cái hay, đẹp của sáng tác thuộc hệ mĩ học mình ưa chuộng, thì vừa bất lực trước văn bản thơ lạ lẫm, vừa không tránh khỏi phân biệt đối xử với loài thơ khác lạ. Đây là điều xảy ra hằng ngày, trên văn đàn, mươi năm qua. Tôi đã nhiều lần phân tích và đưa bằng chứng. Xin đơn cử, Vũ Hồng Ngự ở tạp chí Hồn Việt tháng 12-2007, cho “như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này”, khi ông dẫn bài thơ “Lổ thủng lịch sử” của NH Hồng Minh ra phân tích. Trong lúc tôi không xem đó là bài thơ hậu hiện đại, càng không coi nó là bài thơ hậu hiện đại hay.
Dẫn các bài thơ, tác phẩm hậu hiện đại đặc sắc ra để phân tích, nhận định không hay hơn ư? Bởi, “hệ mĩ học nào bất kỳ chỉ có thể bị vượt qua khi phần vô ngôn chưa được nói của nó được phơi mở trọn vẹn qua sáng tác ưu tú nhất thuộc về hệ mĩ học đó”.
5. Vấn đề lập thuyết, Việt Nam thiếu truyền thống triết học, nên chưa thể. Tôi đã từng cho rằng “nhà văn Việt Nam chưa bao giờ giỏi lập ngôn cả” (báo Quảng Nam cuối tuần, 29-6-2008), chứ đừng nói lập thuyết. Nhưng không phải vì vậy mà ta thôi học. Ta từng học trường lãng mạn và tượng trưng (Thơ Mới), học hiện sinh và thơ tự do của Pháp (Nhóm Sáng Tạo), học hiện thực xã hội chủ nghĩa của Liên Xô, và mươi năm qua, ta học tân hình thức và hậu hiện đại của Mỹ…
Nhóm Sáng Tạo lập ngôn qua “Bốn cuộc thảo luận” (tạp chí Sáng tạo, tháng 9-1961); đầu thế kỉ XX, nhóm thơ ở thành phố Hồ Chí Minh lập ngôn về hậu hiện đại; ở hải ngoại, nhà thơ Khế Iêm lập ngôn về tân hình thức (Tân hình thức, Tứ khúc và những tiểu luận khác, 2003)… Dù đó có thể chỉ là “một số kiến thức chắp vá đọc được ở những cuốn sách của nước ngoài” như Đỗ Ngọc Yên cho là thế. Chưa nói chúng hay hay dở, mà chỉ biết rằng: nhóm thơ đó đã lập ngôn và sáng tác theo hệ mĩ học văn chương riêng của họ. Đó là một khởi đầu cho sáng tác đầy ý thức, một khởi động thoát khỏi thân phận nghiệp dư mà lâu nay báo chí hay ta thán.
Còn “thơ Việt cần ‘hệ mỹ học’ nào?”, theo tôi: cần rất nhiều hệ mĩ học khác nhau. Để làm giàu thơ ca nước nhà. Và khi các hệ mĩ học kia va đập nhau, thi đàn sôi động lên, là điều chắc chắn.
6. Về Nhóm Sáng tạo công lớn trong nỗ lực chuyển hướng và phát triển thơ Việt hậu bán thế kỉ XX, là chuyện đã được chứng minh từ lâu, không biết vụ này mới lạ! Dẫu sao nhà thơ Anh Chi có vẻ đúng ở vế sau: “chí ít, phải viết “… phát triển thơ miền Nam (cũ)”.
Riêng vấn đề “phiếm chỉ”, vì đó là đoạn tôi dùng kết cho cả ba kì, để nhận định chung về nền phê bình Việt Nam hiện nay, chứ không dành cho ai cả. Càng không ám chỉ Anh Chi. Phê bình Lập biên bản không ngại va chạm, và đã từng va chạm. Kêu nó phiếm chỉ, là chưa nắm được tinh thần của nó.
Cuối cùng, ba kì báo mang tính trao đổi không gì hơn mục đích nhấn về hình thức thứ ba của Phê bình Lập biên bản: phê bình “đi vào trong” hệ mĩ học để nhận ra cái hay/ dở của tác phẩm(*). Khi nhà phê bình làm được điều đó, và khi các bài phê bình kia được phổ biến rộng rãi, người đọc phổ thông [được trang bị nhiều hệ mĩ học văn chương khác nhau] sẽ làm quen với các loại thơ mới lạ kia, dần dần học biết cách chọn lựa để thưởng thức thơ theo gu của mình. Trình độ thưởng ngoạn văn chương của công chúng sẽ được nâng lên một mức đáng kể.
Sài Gòn, 23-5-2013
(*) Ba hình thức là: “Biên bản Bàn tròn Văn chương” và “Biên bản lập chậm” và “Phê bình như là lập biên bản”. Xem thêm: Inrasara, “Từ Phê bình Lập biên bản đến Phê bình mở”, tạp chí Tia sáng, 20-11-2009.