Cuối cùng, một nền thơ lớn cần đặt nền tảng trong một xã hội tự do và dân chủ căn bản. Qua đó, nhà thơ mới có thể tự do triển khai tư tưởng mới, phát kiến thi pháp mới, mở ra trào lưu văn chương mới. Thơ Việt Nam có nhận được đặc ân đó chưa? Hỏi, có nghĩa là đã trả lời rồi. Viết tự do luôn song hành với in ấn và phát hành tự do, sau đó là thảo luận tự do. Thời gian qua, sự cấm đoán, đẩy ra ngoài lề hay thu hồi tác phẩm đã xuất bản không phải là hiện tượng hiếm hoi. Sinh hoạt văn học dòng chính, Việt Nam vẫn chưa có diễn đàn mang tính phản biện đúng nghĩa. Trao đổi hay cãi cọ thời gian qua chỉ dừng lại ở vành ngoài, và chưa bao giờ đi đến đầu đến đũa. Còn tệ hơn thuở “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” thời xa lơ xa lắc!
Sáng tác, dòng thơ sáng tạo bị kì thị; phê bình thơ bị dư luận cho là vừa thiếu, yếu vừa thiển cận; môi trường sinh hoạt văn học còn khá lạc hậu; độc giả bị các bài điểm sách hời hợt và vô trách nhiệm thao túng… hỏi nền thơ kia đã lớn đến đâu?
Inrasara, 2012