1. Sầu ca thứ nhất
Không còn cơ hội nào cho mi khóc nữa
không còn con đường trước mặt sau lưng
trên đầu dưới chân
Làm loài dê rừng dính lưới
mặc cho máu Alahán trong mi réo gọi
từ trùng trùng thời gian thẳm sâu
trên bề mặt lộ thiên văn minh Champa
trước nữa dưới vỉa Sa Huỳnh Đông Sơn trầm tích
Bốn phương không còn lối thoát
rừng đã chết. Đã chết consôngtuổithơ
đã chết góc khuất lưu trú linh hồn bằng hữu mi
gió hú qua đồng trống núi trắng đồi trọc
gió quét vào lối mòn làng mạc
không khoảng lặng nào cho tiếng thì thầm mi
gió bỏ ngoài tai run rẩy ngữ ngôn mi
Đã chết những góc khuất
trong vườn quê trên nhà sàn sau chùa phố
đã chết vài đốm lửa rớt lại của tổ tiên mi
con đường thôi tàng trữ dấu chân
Có lẽ mi không cơ hội để khóc nữa
bằng ngôn ngữ ngày mai sẽ chết
ngay sau cái chết của chữ viết
máu mi nguội lạnh hơn triệu sông băng
làm đông hơi thở thổi qua khoảng rỗng trần gian
làm teo góc khuất
Không ai có thể thay mi để khóc
vẫn hình mi vòm họng đã khác
khác âm mặt lưỡi âm tắc âm bật hơi
khác âm môi
đôi môi múm vú mẹ đã dáng khác
hát dân ca sẽ điệu thức khác
hôn sắp lưỡi khác
chửi nhau rồi thành ngữ khác
Không góc khuất nào sót lại dung chứa ẩn mật mi
đứa con của ngày hôm nay
đứa con thiếu tháng của văn minh đã chết
quái thai từ hôn phối gượng ép mảnhvụnxalạngữngôn
từ lướt qua vội vã của trào lưu triết học hệ tư tưởng văn chương
Không còn góc khuất nào cho linh hồn mi
đứa con mồ côi thần thánh
đứa con hoang của nhân loại văn minh
đứa con cha mẹ quá khứ tương lai vừa làm cuộc li thân
lọt lòng quắt queo trên mô đất miền trung Xalatan thổi rát
(như gai đâm vào giấcmơkíức)
đứa con không ai muốn nhớ chẳng thể quên
nằm bên lề bờ cỏ trần gian
sau đêm trời cả gió
Như thể vừa xô ra từ mặt sau đêm tối. Đột ngột
như là bị đẩy vào
thế giới tràn ánh sáng. Không bàn tay nào
đưa ra không
lời an ủi không hơi ấm người nữ không
Tự làm lấy đuốc để đốt lên
hoặc chính mi phải cháy lên
không còn ai sau mi nữa
mi bị giật ra khỏi đêm tối ném vào ánh sáng
nguy hiểm lồng lộng trên đầu trước mặt sau lưng
ánh sáng vồ chụp và nhai và nuốt mi vào cổ họng tham lam vô độ
Và quàng cổ mi vòng nguyệt quế đủ màu
và nhấn chìm mi trùng trùng ơn mưa móc
và làm bùi tai mi hằng hà sa lời hứa ngọt ngào
Sáng hơn khoảnh khắc phụt tắt của loài nến tháng Tư
giữa sa mạc trưa
mi
không là gì không vì đâu. Nhưng
sứ mệnh đầu tiên và cuối cùng của mi là gì
nếu không là
cháy?
Bài thơ hay, độc đáo nhưng BUỒN quá, anh Inrasara ơi!
Anh như con dê rừng dính lưới, anh còn có thể CHÁY;
chứ khi anh muốn đẩy người đọc vào bế tắc, họ chỉ còn bế tắc thôi anh.
Mới đọc đoạn văn Văn chương & Tư tưởng II-109 đau mà vui,
nay đọc bài thơ này sao buồn quá là buồn.
Đồng ý hoàn toàn với Nguyễn Dung. Đặt đoạn văn kia bên cạnh bài thơ này là rất ý nhị.
Ông Inrasara là ma quỷ chớ là người. Tôi đọc thấy trong luận án Thạc sĩ Trần Quỳnh viết như vậy:
Ngô Thị Hạnh (báo Văn nghệ TP) cho rằng: “Sự ra đời của tập thơ có tứ và ngôn từ rất lạ… do bàn tay phù thủy của tác giả tạo nên”. Và…
Lê Đình Nhất-Lang (Tienve, ÚC) thì cho rằng” “Inrasara đang viết về một nền văn minh đang chết bằng tất cả những gì tâm can nhất”.
Ông có khả năng làm cho chúng ta bất đồ khóc, bất chợt cười. Ông như loài quỷ ma hay tên phù thủy ngôn từ thao túng linh hồn chúng ta.
Quỷ tha ma bắt ông đi.
Lâu lắm mới đọc được phát biểu nghe được của Trần Sáng. Nếu bạn bớt cái giọng lên gân đi, tôi nghĩ bạn có thể có phản hồi đáng đọc. Tôi đồng ý với ý kiến của bạn. Bài thơ rất hay. Cám ơn bạn.
Thân mến.