Giáo sư Trần Hùng bảo Chăm mang tinh thần ẩn cư. Hơn mười sáu thế kỉ tồn tại, những con người xuất sắc nhất Champa sau thất bại trong đấu tranh giành quyền lực, luôn đi vào rừng. Họ một đi không trở lại, không ngoảnh trở lại. Chúng ta giấu mình là chờ vị minh quân xuất hiện, biết đến mà vời, giấu mình để chờ thời. Dù chán giận thế thái nhân tình đến mấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng ngoảnh lại xã hội bằng ý kiến thức thời đến vua chúa. Đừng mong tìm thấy mẫu người như Nguyễn Công Trứ trong lịch sử Champa, ngay như tinh thần một Nguyễn Trãi cũng không nốt. Dù mỗi người đàn ông Chăm (ít ra là các thế hệ trước 75) luôn mơ một Cộng đồng Chăm thống nhất và nhất quán và chặt chẽ và đầy tính văn hóa với không mãi canh chừng nhau, xấu tâm nóng mắt hay nói lén nói chùng mà yêu thương đùm bọc và không bị mất mát gì nữa. Mơ mộng và mơ tưởng, ở thực tế họ muôn năm có phản ứng hổng chân. Saman mơ đến một thứ Cộng đồng trên mạng (Văn Khâm đùa là mạng nhện), Thak hùng hổ thế nhưng vẫn là thứ lo hão và hổng chân có hạng trong các thứ hổng chân, Văn Khâm hoàn toàn tự nguyện chìm. Không thể bảo anh hời hợt. Hà Vân nghiệm rằng đôi mắt buồn hiếm khi đi cặp tâm hồn nông cạn. Anh bị tinh thần văn hóa ẩn cư Chăm khuôn định. Anh muốn ẩn mình trong thành phố Sàigòn hoa lệ, đắm vào cặp mắt của phụ nữ thành thị sắc ngọt hay men bia hơi đắng chát khi bất lực với chương trình ở quê. Đỏ con mắt cũng không tìm thấy tinh thần quật khởi trong thanh niên Chăm. Bước khỏi cổng Đại học, anh phác trong đầu (chỉ trong đầu thôi, chứ chưa xuống trang giấy) cơ man chương trình ngắn và dài hạn với chỉ có rộng mở và xán lạn. Nhưng rồi khi nhắm mắt lao vào cửa hôn nhân hôm trước, hôm sau anh bị dội lại như là tông vào bức tường vô hình rắn quá đá. Chúng rối rắm rậm rịt đến không gỡ ra được, dù thiện chí của anh lẫn bà xã có học. Nàng cũng đang mắc tóc và bám cẳng anh để cả hai cùng níu nhau chết chùm. Cho đến khi nỗi chán nản triền miên biến anh thành loài sứa trơn trợt: anh thoát lọt ra khỏi lưới. Anh thấy mình không còn trong cộng đồng nữa, không là người của cộng đồng nữa. Anh nghe mình cô độc, anh hốt hoảng và muốn khóc (có thể mấy lần anh khóc). Rồi anh giạt xứ mà đi, biệt vô âm tín. Anh giấu mặt và giấu mặt khi gặp Chăm, thấy Chăm – dù anh rất đau khổ, dằn vặt. Có mặt người Kinh, Mông anh nói tiếng Việt với kẻ đồng tộc tội nghiệp, mắt lấm lét như phạm nhân. Có vai vế trong cơ quan, in cạc vizit anh thay họ Đàng, họ Hán… thành Đặng, Hàn hoặc anh chùi tịt nó đi chỉ giữ lại mỗi cái lót: Văn (như thể họ hàng xa với Văn Cao vĩ đại). Thi thoảng ai đó vô ý đụng chạm Chăm, anh nổi cơn tự ái dân tộc muốn xông tới đập vào mặt thằng chó đẻ mặc nó ra sao thì ra, nhưng rồi anh dằn lại được, cười lãng bằng cái miệng rộng như mếu.
Cho đến khi anh gặp Hà Vân. Nàng mở mắt anh nhìn trở lại chứng minh thư ban đầu của mình – Họ và tên: Đàng Văn Khâm; dân tộc: Chăm; cha: Đàng Lói; mẹ: Thị Hao. Dù nước da anh trăng trắng (trắng như Kinh) nhưng mái tóc gợn sóng này, lông mày rậm với cái miệng rộng này, nhất là mắt buồn buồn này thì không thể chối Chăm được rồi.
Inrasara, Chân dung Cát, 2006
hay quá, thanks nhà thơ.