Đọc tập thơ Gió thổi từ Đông Yên của Vạn Lộc, NXB Văn học, 2011
báo Văn nghệ Thành phố, số 176, 9-2011 .
Người bạn thơ danh tiếng đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh phone cho tôi: ông viết giới thiệu về một tập thơ mới nhé. Đọc được lắm. Tôi vốn rất ngại viết về tác giả nào đó không quen, bởi thơ là bộ môn nghệ thuật khó giấu giếm con người thật của mình hơn cả. Tất cả đều bày ra đó, nên hiểu con người nhà thơ thì phần nào đó có thể hiểu được thơ họ. Nhưng nghe anh bạn nói “đọc được lắm”, tôi tin anh. Ngay sáng hôm sau tôi nhận được tập thơ Gió thổi từ Đông Yên của Vạn Lộc, nhà thơ nữ đất Quảng Nam.
À, là miền cố quận tôi đây rồi.
Đậm nổi nhất suốt tập thơ chính là nỗi ám ảnh về thời gian. Thời gian là nỗi ám ảnh muôn đời của con người, vào thời đại nào hay ở không gian nào cũng vậy. Nhất là với một nhà thơ nhạy cảm cùng chuyển động vi tế của trời đất, con người. Từ Trần Tử Ngang: “Ai người trước đã qua/ Ai người sau chưa đẻ/ Ngẫm trời đất vô cùng/ Mình ta tuôn dòng lệ“ (Vô danh dịch), đến Apollinaire: “Thời gian đi, tôi còn đứng nơi này” cho tận Xuân Diệu: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ…”.
Vạn Lộc có hơi khác.
Hai tấm ảnh của một người
Một bên tươi trẻ nụ cười như hoa
Một bên bạc tóc nhăn da
Một người nhưng đã lạ xa một người
(“Hai tấm ảnh”)
Đó là cái khác của nữ giới, giới tính thứ hai cảm nhận nhanh nhạy hơn ai hết về sự hủy phá tàn bạo của thời gian trên chính thân thể là sự thể gần gũi nhất của mình. Chính là mình. Cũng người đó, cũng sinh thể mang tên con người là tôi đây, năm xưa tươi tắn xinh đẹp thế, sao nay lại nhăn nhó và tàn tạ vậy? Nó khiến tôi xa lạ với chính tôi, mỗi lần tôi soi vào gương. Hay khi nhờ nghệ thuật nhiếp ảnh, nghía nhìn hai bức ảnh cách khoảng thời gian mươi năm thôi, bất ngờ tôi nhận ra là đã từng có một tôi khác: hoàn toàn xa lạ. Da dẻ là thế, mái tóc cũng không tránh khỏi bước chân dẫm đạp của thời gian:
Dăm ba sợi tóc bạc
Trên mái tóc đen huyền
Em soi gương nhổ tóc
Nhổ cả thời hoa niên
(“Tóc bạc”)
Vâng, em thử cố gắng níu nó lại, nhưng nó vẫn trôi tuột đi. Không thể cưỡng lại. Trần Tử Ngang cảm nhận thời gian qua suy tư siêu hình, khắc khoải về phận người mong manh trong vũ trụ vô cùng. Đời người chỉ như bóng câu qua cửa sổ. Còn Apollinaire cảm nhận thời gian qua đổi thay của cuộc tình. Dòng sông đi, tôi còn lại. Cuộc tình chia xa, tôi ở lại. Vạn Lộc nhìn thời gian rất cụ thể qua kinh nghiệm bản thân về hình thể mình, hằng ngày – khi nhà thơ đối mặt với nó. Từ đó các câu hỏi bật ra. Không thể tưởng tượng một tập thơ có nhiều câu hỏi đến thế. Bao nhiêu bài thơ ngắn có câu hỏi, ở cuối bài! Đây là thủ pháp nghệ thuật hay thuần túy câu hỏi chỉ bật ra qua cảm trạng của nhà thơ khi giáp mặt với bước đạp tới của thời gian?
“Thao thức”, “Phũ phàng” hỏi đã đành, ngay cả “Thăm vườn mẹ” hay nhìn “Hòn đá rơi xuống hồ”, Vạn Lộc cũng hỏi (?). Đi trên “Lối mòn”, nhà thơ hỏi:
Trên lối mòn trăm ngả
Nghìn xưa nối nghìn sau
Bàn chân thường chung dấu
Tâm tình có gặp nhau?
Một con người từng ưu tư và nhiều khắc khoải mới hay tra hỏi. Hỏi, để tìm câu trả lời. Có thể câu trả lời sẽ không bao giờ được tìm thấy, nhưng không phải vì thế mà nhà thơ hết hỏi. Rồi, khi ưu tư sâu thẳm về phận mình, nhà thơ chuyển ưu tư sang nỗi đời và cõi người. Từ đó mới nảy sinh sự cảm thông thân phận nhân quần:
Đưa bao nhiêu khách sang bờ
Dòng đời em vẫn bơ vơ một mình
Tháng ngày bèo nước lênh đênh
Bao giờ em mới đưa tình sang sông?
(“Cô lái đò”)
Cảm thông thôi vẫn còn chưa đủ trong đối nhân xử thế. Đi đến tận cùng sự cảm thông là lòng hi sinh. Nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi, nó sẽ ở một mình; nhưng khi nó chết đi, nó sẽ mang đầy hoa trái – Phúc Âm dạy thế. Chết đi, và không kêu than. Như que diêm kia mang ánh lửa nhỏ nhoi dâng tặng đời, riêng mình lặng lẽ đi vào tro bụi vô danh:
Đầu que diêm bật cháy
Đem lửa tặng nhân gian
Thân que tàn vất bỏ
Không một lời kêu than
(“Que diêm”)
Thơ Vạn Lộc đẫm tình người là thế. Thơ đó không đỏi hỏi sự cầu kì trong câu chữ hay điêu luyện trong vần điệu, hoặc hơn thế – tìm tòi mang tính cách tân nghệ thuật. Cách tân trong thơ ca thì cần thiết, quá cần thiết nữa – nhất là trong thời hiện tại với sự trì trệ của thơ Việt. Nhưng làm mới câu chữ thôi chưa đủ cho cái hay của thơ, cái cảm của người đọc đến với thơ. Thơ thuộc về con người. Cái mới phải phát nguyên từ sâu thẳm của một tâm thức mới.
Thơ Vạn Lộc không mới, thậm chí cũ nữa. Nhưng ở đó, tình người là cái được hơn cả. Từ cảm trạng thân phận đến cảm thông nỗi người sang cảm nhận tình quê hương cách nhau không bao xa. Thử đọc bài thơ về Đông Yên quê hương yêu dấu của nhà thơ, bài thơ dùng để đặt tên cho cả tập thơ của nhà thơ nữ này:
Tôi xin làm ngọn gió
Quê mùa làng Đông Yên
Qua bao miền phiêu bạt
Hồn vẫn hoài cố hương
Có một thời nhớ thương
Tiếng thoi trong ký ức
Sợi tơ vàng thao thức
Vượt muôn trùng đại dương
Gió Đông Yên thổi đi
Gió Cửa Hàn thổi lại
Gió quay về Cửa Đại…
Gió bao giờ thong dong?
Dòng sông Thu soi bóng
Tháp Mỹ Sơn ngàn đời
Làm sao soi ngọn gió
Thổi vô hồi trong tôi?
Bài thơ bộc lộ đầy đủ chất thơ của Vạn Lộc. Nên cho dù khi đã rời bỏ nỗi riêng tư để nói về quê chung, niềm ưu tư vẫn còn vẹn nguyên. Các câu hỏi vẫn còn đó, chẳng những một mà đến hai lần dấu hỏi xuất hiện ở cuối đoạn thơ. Nhưng dấu hỏi vô hình “thổi vô hồi”, thổi mải miết – trong hồn người, giữa lòng đời. Quá khứ và hiện tại gặp nhau gọi mời tương lai về hội ngộ với ngọn gió quê hương thổi xuyên thế hệ, thổi từ Đông Yên, Cửa Hàn thổi qua Cửa Đại, Mỹ Sơn…
Và gì nữa?
Chỉ còn lại những dấu hỏi đang đợi câu trả lời…
Phan Rang, 20-8-2011