Cơ chế giáo dục tiến bộ là chuẩn bị cho thế hệ tương lai biết và sẵn sàng đón nhận cái lạ khả thể. Độc giả [cả độc giả chuyên nghiệp là nhà phê bình] cần học chấp nhận cái lạ cụ thể, khi nó ra đời. Vô ích – cái mới va chạm với cái cũ. Cái cũ không cần xô đổ, cũng bị rớt lại. Thơ tiền-Thơ Mới khi Thơ Mới khai sinh là ví dụ. Cần có nhiều cái mới xuất hiện, tạo điều kiện cho chúng đấu tranh lành mạnh và sòng phẳng với nhau. Chỉ khi đó, văn đàn mới sôi động trong sự sáng tạo đúng nghĩa.
Ta đã từng nhân danh cái quen thuộc, cái đã biết để chèn ép cái chưa biết, cái xa lạ; ẩn náu trong lô cốt truyền thống để bắn phá các nỗ lực sáng tạo [có thể thành truyền thống ở thì tương lai]; ta đã từng núp dưới bóng đàn anh, bóng đại văn hào quá khứ mà rẻ rúng sự liều lĩnh khám phá cái mới của tuổi trẻ; dựa hơi tập thể để miệt thị cá tính sáng tạo đầy lạ biệt…
Chỉ khi nào ta từ bỏ mọi nỗi ấy, cái mới mới có cơ may nảy nở và lớn dậy. Còn không thì mấy “tiếp thu tinh hoa thế giới” hay “sáng tạo trên nền tảng tiếp nhận truyền thống” chỉ thuần là khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa.
Inrasara, “Cái mới ở đâu?”, tạp chí Tia sáng, 20-7-2011