Inrasara có thông minh không 2?
Người Chăm có thông minh không? Chuyện ngoài lề 01: luận về NỊNH BỢ
Từ ý kiến về ý kiến về ý kiến trao đổi của bạn đọc, bắt chước Trà Chay Pyang, xin bà con cho phép tôi tạm đặt câu hỏi: Inrasara có thông minh không 2? như thế.
* Photo Inrajaya.
Sau 3 tháng Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú khóc oe oe chào đời, lời giới thiệu của tôi vỏn vẹn trên dưới trăm con chữ ăn theo ở bìa bốn cuốn sách, đơn giản vậy thôi mà nhận được khối ý kiến của anh chị em, bà con độc giả. Dư luận ưu ái tôi thế, cảm động phải biết.
17 năm tròn trĩnh nhập làng văn chương, dù bao lời mời, tôi mới chỉ viết mươi giới thiệu cho nghiên cứu có, thơ hay văn xuôi có, cho Chăm có mà cho Việt cũng có luôn. Từ khi ngồi ghế nóng Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, bỗng nhiên tôi có vẻ hơi lên… giá. Vậy mà tôi cứ bị mang tiếng với đời là chảnh, vì chưa viết thêm cho ai.
Trời ạ, với Hồ Trung Tú, tôi còn chưa uống với anh cốc bia, vậy mà tôi nổi hứng viết, và rồi bị ca ngợi và được rày la bao nhiêu mà kể, – thực lòng mà nói – dzui đáo để!
Tạm chia vụ này làm hai loại:
– Ca ngợi: Nào là cảm ơn nhà thơ lắm lắm, nhờ anh em mới biết và đọc được tác phẩm giá trị này. Nào là Inrasara thiệt cừ, đã đẩy Hồ Trung Tú ra đường cho thiên hạ… đập chơi. Mèng ôi, nói dzậy thì vinh dự cho ông Tú quá xá! Nhận định của một cá thể mới in tác phẩm đầu tay chưa nặng gờ-ram nào, có khi thiên hạ đọc rồi quên ngay sau một tối ngủ dậy, mang ra đập thì có mà… oai cho nó.
Yeah! Giả dụ một ngày đẹp trời nào đó có một nhà Nùng-học nào đó viết sách chứng minh Akayet Dewa Mưno là của dân tộc Nùng, rồi Inrasara giới thiệu kêu bà con ơi đến xem nè, có người hô hoán Dewa Mưno là của họ nè, thế ta cũng giảy nảy lên sao?
Đó mới chỉ là giả dụ, còn sự thiệt ông Hà Văn Thùy đã rành rành giấy trắng mực đen dành nguyên chương sách chứng minh “Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán”. Rồi là đồng tình rằng “Kinh Dịch là của người Việt,… người Trung Hoa chưa được người Việt dạy cho Bát quái chuẩn vì vậy đã dùng Bát quái sai lạc của Văn Vương”!(1)
Lại kể chuyện. Một sáng nọ tại sảnh khách sạn ở Sài Gòn chờ tiễn Dư Thị Hoàn sang Úc, ở đó có vài văn nhân (Trà Vigia, Hà Văn Thùy có ở đó không chả nhớ) ngồi tán gẫu về Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa của Hà Văn Thùy. Nhà thơ nữ Hải Phòng đùa rằng chớ gì chuyên luận này được trích đăng báo Tân Hoa xã Trung Quốc thì vui hết biết! Dư Thị Hoàn là người Minh hương máu Hoa 100%. Chuyện “to” như vậy mà khi người ta biết đùa thì nó cũng thành… nhí. Nhẹ bỗng.
Ước gì Chăm mình được ông trời nhỏ cho vài giọt… thông minh ứng xử đó nhỉ.
Đó là ông Thùy phân lô trắng đen rạch ròi Việt với Hán, còn ông Tú nói Việt đây đích thị là Chàm: “chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm“(2).
Hồ Trung Tú mới “bước chân chữ ngũ” (chữ Bùi Giáng) vào làng nghiên cứu mà đã vậy…
Chớ ông giáo sư Tây Philippe Papin to đại cồ “bước chân chữ bát chày chày” (lại chữ Bùi Giáng) kêu Chăm “bành trướng” với Chăm “hải tặc” – “cuốn sách từ lâu đã được đánh giá cao trong giới nghiên cứu Việt Nam từ Pháp và Canada, và đặt trong danh mục sách đọc cho sinh viên sử học biết tiếng Pháp”3) [trong Đại học Canada chớ phải đùa đâu], Sara tôi cất công “giới thiệu” cho bà con, có Chăm nào đi tàu bay sang bển “đập” ổng không hỉ???
– Còn rày la thì: Sao nhà thơ danh tiếng vang rền của Chăm hớ hênh thế? Rồi thì ông phải chịu trách nhiệm về lời giới thiệu của mình. Ui cha mẹ ơi!
Hôm qua nhận phone anh bạn cho biết vừa đọc một bài “đánh” Inrasara, rồi hứa mình phải viết phản bác lại nó. Tôi mới nói: – Thôi, pha đi, ông à. Ngay buổi tối, anh bạn gửi cho tôi một bút chiến rất máu. Tôi phone lại cho anh bạn: – Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ, sứt mẻ ai đâu mà làm điều. Rồi một vị khác email: – em phải viết giải oan cho anh mới được. Tôi đáp gỏn lọn: mình không quan tâm bạn à.
Nhưng đệ nhất dzui phải là câu này được phản hồi tới web inrasara.com: “Ông Sara chỉ biết nịnh bợ“! Tôi thấy nó lạ lạ và… hay hay. Bởi lần đầu tiên trong đời nghe được một phán xét như thế. Nó gây cho tôi cảm hứng. Nên mới chịu khó lật lại hồ sơ kê ra mấy đoạn văn nịnh bợ mình lỡ tay viết ra mấy năm qua…
Chú ý: Inrasara “nịnh bợ” cả Chăm lẫn Kinh, cả kẻ đang sống lẫn người đã chết, cả trẻ lẫn già… mới kì. Từ Lưu Quang Sang cho chí Dharma, từ Chế Linh cho đến Đàng Năng Thọ, từ Phạm Công Thiện cho đến Lưu Mêlan… Mời bà con xem hồ sơ…(4)
Nịnh bợ hàng trăm nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu khác nữa. Tất cả bài nịnh bợ kia đều được đăng trên tạp chí chuyên ngành hay trên các Website lớn ở trong nước lẫn hải ngoại: Nhà văn, Hợp lưu, Tia sáng, BBC.Vietnamese, Sông Hương, Văn hóa Dân tộc, Vanviet.net, Tienve.org, Talawas.org, Damau.org, Vanchuongviet.org,…
Nịnh hơi bị… siêu!!!
Kết luận
Tất cả chuyện trên nói lên điều gì? Nó dẫn đến câu hỏi mang tính quyết định hơn:
– Chăm có thông minh không? Tạm đóng thùng nghiêm túc trịnh trọng hỏi thế đã.
Chớ vội trả lời, mà hãy thử hỏi ngược lại: – Tại sao chúng ta sống mà cứ mãi nhìn ra sau lưng như thể đi xe mà ngó chăm chăm kính chiếu hậu? Đất nước mất mới to, chớ vài nhận định vụn vặt về mấy mảnh vụn les ruines văn minh kia có chi mà lớn chuyện? Ừa, nếu vui thì cãi nhau cũng chả sao, nhưng ai lại lên gân căng thẳng như rứa, đau bao tử với suy thần kinh thì có. Mà đời là phải dzui.
H. Miller: Hãy viết với nụ cười, cho dù điều ta biết là kinh khủng hay bi thảm!
Câu hỏi đặt ra: sao Chăm ta không sống hết mình [hòa đồng (mà không hòa… huyết), đầu tư chiều sâu, quyết tâm…] ở hôm nay để hướng tới tương lai? Cụ thể hơn, câu chuyện kể: – Một gia đình Do Thái bị xua đuổi khỏi nước Đức, đơn thân lưu lạc sang một tỉnh xa lạ thuộc nước Pháp trong nỗi vô sản toàn phần; rồi chỉ qua 2 thế hệ thôi, gia đình tưởng cùng đường kia đã bật ra một nhà kinh doanh lớn, một nhà văn tiếng tăm, thêm một giáo sư danh giá.
Và họ vẫn cứ là… Do Thái.
Có ai trong Chăm dám đặt mình vào trường hợp đó chưa? Và tự đặt câu hỏi đó cho chính mình chưa? Nhỉ!
Sài Gòn, 4-6-2011
______
Chú thích
(1) Hà văn Thùy, Hành trình tìm lại cội nguồn, NXB Văn học, H., 2008, tr. 114-115.
(2) Xem ở đây: Vanchuongviet.org, 1-6-2011
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=15929&LOAIID=35&LOAIREF=5&TGID=2025
(3) Hồ Trung Tú viết:
A. “chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”.
Nghĩa là ông Tú khai sinh ông Việt. Việt = Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm.
B. “Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của Vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất…”
Nghĩa là tiếp: Mỹ Sơn là di sản của tổ tiên ta, “ta” đây là Chàm.
A & B suy ra: Mỹ Sơn là di sản văn hóa người Việt. Người Việt = người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm.
Kết luận: người Việt, chứ không phải người KINH.
Dễ hiểu ơi là dễ hiểu. Nghe ông Tú nói vậy thì nếu gây mất lòng là người Kinh ở Quảng Nam chớ, có phải Chăm đâu!!!!!!!! Chỉ có cách diễn đạt là Hồ Trung Tú hơi lấn cấn, dễ gây ngộ nhận. Bởi hai đoạn văn trên ngồi cách xa nhau đến hơn trăm trang sách. Nên mới thành chuyện.
(4) Hồ sơ tạm kê khai Inrasara nịnh bợ…
1. Nịnh bợ các vị đã mất
– Phạm Công Thiện. Với tôi, Phạm Công Thiện là thiên tài.
Thiên tài không ở trí tuệ anh, không ở các sáng tác của anh, càng không phải thiên tài ở tư tưởng anh, mà chính là ở sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ Phạm Công Thiện.
– Lưu Quý Tân. Dù công bằng mà nói, bây giờ đọc lại, người đọc trung bình vẫn thấy nó còn nhiều thiếu sót; nhưng khi đó – với Cham, ông thật xuất sắc.
– Đàng Năng Quạ đã hoàn thành chức phận của một nghệ sĩ sáng tạo đúng nghĩa. Cám ơn người nhạc sĩ đã ban tặng cho chúng ta Bhum Adei bất tử giữa lòng Chăm.
2. Rồi nịnh người đang sống thuộc thế hệ trước
CHĂM
– Trong nỗi ngây thơ của tuổi trẻ, thế hệ lứa chúng tôi có bốn thần tượng. Bốn thần tượng với tính cách người khá dị biệt: nếu một Thành Phú Bá đầm tính mà chân chất, một Nguyễn Văn Tỷ trực tính mà thông minh hay một Lưu Quang Sang sắc sảo và uyển chuyển thì, chúng tôi cũng có một Đàng Năng Quạ đặc Chăm mà vẫn tràn đầy nghệ sĩ tính. Lạ! Bốn cái dị biệt ấy gặp nhau ở một điểm: tất cả đều ưu tư cho sự khôn lớn của thế hệ trẻ và, cho lợi ích của cộng đồng.
– Po Dharma ngoài luận án Tiến sĩ về Tư liệu Hoàng gia Champa còn có tác phẩm Panduranga và nhiều bài viết giá trị. Cả 2 công trình về Akayet mới in, đều “rất công phu và nghiêm túc” và “giá trị”.
– Dohamide và Dorohiêm: Dù tác phẩm được viết như là bút kí, nhưng không phải vì vậy mà nó đánh mất sự nghiêm xác khoa học. Hơn thế, những ngồn ngộn chi tiết xã hội được tìm thấy trong cuốn sách chắc chắn sẽ là cứ liệu ban đầu rất đắc cho các công trình khoa học mang tính hàn lâm. Từ “Dân tộc Chàm lược sử” đến “Bangsa Champa” là cuộc hành trình dài dặc.
Tôi đánh giá rất cao hành trình (công trình) này.
– Chế Linh. Với nghệ thuật hiện đại Việt Nam, tiếng hát Chế Linh là bất tử. Đây đích thực là đứa con của Đất!
– Từ Công Phụng: Tôi nghĩ bất kì Chăm ở bất kì đâu cũng có thể hãnh diện về đứa con đất nắng này! Cám ơn người nghệ sĩ tài hoa, đã đến và, đã làm đẹp cuộc đời.
VIỆT
– Tô Thùy Yên. “Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao thống khổ suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.
– Nguyễn Duy thì khác, anh đang ở tuổi đứng bóng mặt trời của sáng tạo. Nhìn hiện thực cuộc sống hôm nay – như con người nhập cuộc. Đây là nhà thơ ý thức phản tỉnh self consciousness sớm và sâu nhất, chắc chắc thế.
3. Ổng tiếp tục nịnh bợ người cùng trang lứa
CHĂM
– Đàng Năng Thọ đưa cho tôi mấy tập phác thảo các tác phẩm sắp tới. Tôi la lên: thiên tài! Bạn hãy ném bỏ tất cả để lao vào hoàn thành các phác thảo này đi, bạn sẽ là thiên tài.
Tôi nữa, tôi cũng hãnh diện về bạn mình.
– Amư Nhân xuất hiện cuối những năm 80 đã khuấy động được bầu không khí khá trầm lặng của xã hội Chăm lúc đó. Tiếp thu vốn âm nhạc dân tộc phong phú và đặc sắc, Amư Nhân đã sáng tác nhiều ca khúc được truyền bá rộng rãi.
– Trà Vigia giàu chất suy tưởng, nhiều thể nghiệm mới, luôn tìm tòi bứt phá. Ngôn ngữ thơ nhiều góc cạnh, tứ thơ chuyển bất ngờ, qua đó tiếng thơ của Trà vỡ vạc những ẩn khuất của tâm hồn con người Chăm trong cuộc sống hiện đại.
VIỆT
– Mai Văn Phấn. Sự vận động vươn vượt không ngưng nghỉ của nhà thơ này là rất đáng trân trọng. Tiếc, nhà phê bình chưa nhìn ra các đóng góp của anh.
– Nguyễn Quang Thiều khai quật và tìm thấy những báu vật bị bỏ quên hay còn ẩn giấu, ở các tầng sâu thẳm, sâu thẳm hơn nữa. Anh nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy hoặc, nhìn thấy khác người khác.
– Chỉ có Nguyễn Hoàng Nam mới làm được chuyện đó. Và làm từ khá sớm. Trước và độc đáo hơn rất nhiều nhà thơ tự nhận hậu hiện đại… Chối từ liếm hạt tro quá khứ, Nguyễn Hoàng Nam đã làm được gì cho thơ? Nhiều, khá nhiều.
4. Rồi còn nịnh bợ thế hệ nhỏ hơn mình
CHĂM
– Đến nay Sakaya đã cho ra đời 3 tác phẩm nghiên cứu và hơn 40 bài viết. Một thành tựu không dễ gì đạt được với tuổi đời như thế. Nhưng đấy không phải là điều đáng nói – bởi dẫu sao bằng nhiệt tình và phương pháp đúng, người ta vẫn có thể làm được như thế, và hơn thế. Cái đáng quý ở Sakaya là anh đã vào cuộc gần như với bàn tay trắng.
– Jalau Anưk. Khuôn mặt mới mang hơi thở mới vào thơ tiếng Việt. Ngôn ngữ đời thường cùng cách thể hiện hiện đại phơi lộ tâm tình thế hệ Chăm sinh sau 1975: khỏe khoắn, dân tộc mà “không thiếu thế giới”.
– Tuệ Nguyên có giọng thơ riêng biệt, không thể lẫn… giữa bao hỗn mang và thất thố, ta vẫn nghe được tiếng hát yêu thương đầy cảm thông cất lên. Tiếng hát đẹp đến ngậm ngùi.
VIỆT
– Lê Vĩnh Tài liên tù tì cật vấn quyết liệt cái gọi là thơ và chủ thể làm ra thơ, từ đó đưa thơ va chạm mạnh với thời sự văn học đương thời. Có thể nói, không sự cố, khía cạnh nào của thơ và sinh hoạt thơ đương đại thoát khỏi cái nhìn soi mói của Lê Vĩnh Tài, cái nhìn được thể hiện bằng thứ ngôn từ đời thường, linh hoạt, sắc bén và giễu cợt đồng thời.
– Đinh Linh. Hiếm nhà thơ Việt nào ý thức về mỗi từ sử dụng một cách thường trực như thế, cảnh giác với mỗi từ đầy chăm chú như thế. Cảnh giác như thể ta đang làm việc với vài con rắn độc đang bò trong phòng. Càng hiếm hơn nữa nhà thơ xử sự vô phân biệt với ngôn từ như thế.
– Lý Đợi là loài sinh linh làm đủ thứ nghề không ra nghề để sống và viết. Viết theo kiểu của mình, tùy sở thích của mình. Viết như không cần viết. Viết như chọc những người biết viết. Viết ngoài vòng kiểm soát và kiểm duyệt, cho hay không cho phép chính thống. Lý Đợi là nhà thập cẩm độc nhất [vô nhị] của trò chơi chữ nghĩa hôm nay
Theo ý tôi bác Sara không nên bàn về chi tiết này của anh Tú nữa.
Cái phát biểu của ông giáo sư Tây kia mới quan trọng, ai có giỏi thì phê ông ta đi.
Ai phê anh Tú là không đúng. Nói đùa bên bàn nhậu thì được. Còn ai phê phán bác Sara do giới thiệu cuốn này là … hết cỡ (xin BBT đừng xóa chữ này).
Tôi chưa được phát biểu. Anh Inra cho tôi cho nói vài lời. Tôi đã đọc sách của ông Tú. Ý của ông Tú là:
1. Ông muốn chứng minh rằng bộ phận người Quảng là Chăm xịn thật sự.
2. Ông Tú gần như chứng minh được điều đó, còn ai tin hay không là tùy ý.
3. Câu kết luận đó cũng đúng.
Nói như anh Inra là do 2 đoạn đó viết cách xa nhau quá nên người đọc LẤN CẤN thôi. Nếu trước khi kết luận như đoạn trên, ông lập lại đoạn mà anh Inra dẫn ở trước là tuyệt vời.
Mik Wa Chăm không nên bàn tán nữa.
Xin kính chào.
Rất mừng thấy các bạn đã hiểu. Cảm ơn anh Inra Sara bội phần. Dù gì thì khi tái bản tôi cũng sẽ sửa câu đó cho nó bớt lủng củng hơn. Chúc mọi người vui.
Nếu không yêu Chăm đến say mê, ắt hẳn anh Tú Trung Hồ không bỏ nhiều thời gian và tâm huyết cho một đề tài dễ gây… tranh cãi như thế.
Đó là điều đáng quý nhất ở anh mà nhiều người chúng ta không nhận ra.
Hoan hô tinh thần của anh Tú (và của các bạn Chăm nữa chứ).
Còn người Pháp kia nói là Chăm hung hăng, Cham đi xâm lược, Chăm là đế quốc đi chăng nữa không nguy hiểm bằng câu HTT khẳng định: Mỹ Sơn không phải di sản của người Chăm mà là của người Việt.
A.
Người Chăm mình ngoài đa số người hiểu biết và bình tĩnh, cũng có ít người quá quắt.
Tôi không đọc nhiều. Tôi lấy ví dụ mà nhà thơ Inrasara nêu ra trong bài để so sánh:
+ Ông Thùy viết “Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán”. “Kinh Dịch là của người Việt”.
+ Ông Tú viết “Mỹ Sơn là di sản của người Việt”.
Theo tôi biết, ông Thùy in nhiều sách hơn, ông là Hội viên Hội Nhà văn Thành phố.
So sánh:
1/-. Ông Thùy nổi tiếng hơn ông Tú. Ông nói chữ Hán, Kinh Dịch vĩ đại là của Việt. Mà chữ Hán và Kinh Dịch có duy nhất.
2/- Ông Tú ít nổi tiếng hơn ô Thùy. Tháp Chăm nhiều, ông Tú có “giành” Mỹ Sơn cho người Việt, thì sự việc nhẹ hơn.
Người Hoa là nước lơn, nếu họ cho đó quan trọng, họ có để yên cho ông Thùy không?
B.
Tại sao người Hoa không quan tâm, vì họ không thấy tác phẩm ông Thùy quan trọng. (Trong tác phẩm của mình, ô Thùy phê phán hơn 10 nhân vật rất lớn của Việt Nam là Nguyễn Huệ Chi, Trần Quốc Vượng, Nguyên Ngọc… Như ô Món của người Chăm trong tác phẩm của mình, ông cũng chê hơn 10 người Chăm và Kinh nổi tiếng, nhưng vì ô Thùy và ô Món chưa uy tín trong giới khoa học nên không ai quan trọng tác phẩm đó nên người ta bỏ qua!).
Giả dụ nếu câu trên của ô Thùy được Bộ Giáo dục Việt Nam dạy trong nhà trường, hỏi Trung Quốc có để yên không? Câu trên của ô Tú cũng vậy, có ai quan trọng đâu.
C.
Còn lời phê bình của ông giáo sư Pháp được dạy trong các Đại học Canada. Nhà thơ Inrasara nói nó đáng quan tâm là lí do đó.
Theo tôi THIEU nào đó không hiểu vấn đề này, nên phát biểu sai lầm.
Bà con, anh chị em và độc giả kính mến!
Đáng lẽ đề tài này chấm dứt từ trước, sau khi có thông báo, theo yêu cầu của vài anh chị. Nhưng do tôi nhận được bài phản hồi dài của 1 độc giả yêu cầu đăng. BBT đã xin lỗi bạn ấy vì bài viết đụng chạm đến tác giả khác nữa, e sẽ kéo dài thêm không lợi lắm.
Nay tôi xin NGƯNG (thật) tại đây, có 2 lí do:
– Ý kiến của Chế Vũ, THIEU và VĨNH là tiêu biểu nhất từ hai phía, các ý kiến đó cần có mặt trên diễn đàn này. Nó giải minh được nhiều điều, bên cạnh “giải oan” cho mệnh đề Hồ Trung Tú “bị Sara đẩy ra ngoài cho thiên hạ đánh”.
– Và điều này là quan trọng nhất: Dù đúng dù sai, tác giả Hồ Trung Tú hứa khi sách tái bản sẽ chỉnh sửa lại đoạn ấy, để bớt lủng củng và tranh hiểu nhầm.
Kính chúc bà con, anh chị em và độc giả thuk siam
Inrasara