Nguyễn Đình Chính: LỜI CHÀO MỪNG GỬI TỪ HÀ NỘI
Không phải chỉ có cái kiểu viết Tội ác và trừng phạt hay là Đi tìm thời gian đã mất… mới tạo ra được những cuốn tiểu thuyết mẫu mực đáng đọc, mà còn có rất nhiều cách khác để viết ra đươc những cuốn tiểu thuyết hay. Những cuốn tiểu thuyết đích thực là tiểu thuyết.
Inrasara ngưỡng mộ Đốt nhưng anh không nhái theo cách viết tiểu thuyết của Đốt, mặc dù thời trai trẻ một lần đứng trước Hầm Mỹ anh đã từng… lăm le sẽ sẽ viết một cuốn tiểu thuyết vĩ đại.
Không biết có phải nhà thơ Chăm định thầm lặng thách thức Đốt.
Inrasara viết tiểu thuyết Hàng mã kí ức theo cách riêng của anh.
Kí ức về một đống hàng mã đó cũng có thể hiểu là đó là những kí ức của tuổi thơ, kí ức của đời sống đã trôi qua, kí ức của ước mơ, kí ức của khát vọng, kí ức của mặc cảm Chăm buồn nhớ nhưng tuyệt đối không căm thù.
Hơn một thập niên của thế kỉ XXI đã trôi qua rồi. Gần 90 triệu nhiều chủng tộc người da vàng hiện đang chung lưng mưu sống trong một ngôi nhà mang tên Việt Nam. Không biết hiện nay còn có bao nhiêu triệu người ngày đêm vẫn vướng bận những mặc cảm Chăm, mặc cảm Giao Chỉ và mặc cảm Thuộc Địa.
Đọc tiểu thuyết Hàng mã kí ức không tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi đó, mà chỉ thấy người viết đang vật vã đi tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi lớn của một con người:Ta là ai? Ta đang làm gì? và… Ta sẽ đi về đâu?
Có thể nhận ra trong Hàng mã kí ức một phong cách nghệ thuật tiểu thuyết Hậu hiện đại. Tiểu thuyết Hậu hiện đại giống như một nồi lẩu đậm đặc chất tự sự, hồi kí, cộng thêm một chút thơ ca và tất nhiên không thể thiếu gia vị giễu nhại.
Ở đâu đó người ta còn cao hứng cho in những bức ảnh, những bức tranh và những kí tự ngôn ngữ cổ xưa đang hấp hối vào trong bản in tiểu thuyết Hậu hiện đại.
Chân thành chúc mừng Hàng mã kí ức Hậu hiện đại và chào mừng nhà thơ Inrasa ra đã sáng tạo ra một cuốn tiểu thuyết đúng là tiểu thuyết thứ thiệt chứ không phải là “hàng mã”.
__________________
Nguyễn Đình Chính, nhà văn, hiện sống ở Hà Nội