Hàng mã kí ức 07: Lưu Văn

Lưu Văn: TÔI CẢM NHẬN HÀNG MÃ KÍ ỨC NHƯ THẾ NÀO?

* Khóa 5 Trung học Pô-Klong.

Tôi có may mắn nhận được tác phẩm của Inrasara từ rất sớm. Tôi đọc một hơi, ghi ra cảm nhận có lẽ không giống ai này.

Thú vị và xúc động

Chương 1 với rất nhiều tình tiết thú vị, hấp dẫn và xúc động nhất. Inrasara viết về tuổi thơ ấu của anh, cha mẹ và anh chị em của anh. Rất tiếc đoạn cao trào là đoạn chót lại bị cắt duyệt bỏ đi (đoạn in nghiêng):

“Lúa chiêm là phát minh của Champa, hạt nhỏ màu vàng đen, ăn ngon nhưng kém thóc. Đất Mỹ Nghiệp ruộng một vụ, cha là người duy nhất đủ độ lì làm lúa ba trăng trái vụ tám giạ gieo! Đến kì lúa làm đòng, ba cha con ra sức tát nước chảy suốt sáu trăm thước con mương khô để tưới ruộng. Hai tuần cuối trước khi gặt, nước khô, buộc phải tát hai lần nước. Cha đứng một đầu gàu, hai anh em tôi thay phiên nhau đứng đầu kia. Cha nói cha thường xuyên làm vậy thời trai tráng. Cha phải khỏe và dai sức ghê lắm. Rồi khi hạt lúa đong sữa, tôi với Anh Đạm luân phiên canh chim chóc! Nghĩa là suốt mấy tháng hè túc trực ngoài đồng. Ba mùa liên tục.

Rồi đùng cái, mùa cuối khi chỉ còn hai hôm nữa là gặt, thì có chuyện. Tối, mưa dầm dề, lúa ba trăng niềm hi vọng của gia đình bị Việt cộng gặt lén! Sáng sơm ra thăm lúa, anh Đạm hớt hải chạy về báo, cả nhà túa ra đồng. Toàn bộ hơn mẫu ruộng bị đạp rối tung. Cha đứng chết lặng, mẹ khóc, anh em chúng tôi nhìn nhau. Một tiểu đội lính từ huyện An Phước ào xuống. Anh trung sĩ bóc tờ giấy bọc nilon treo lủng lẳng nơi đầu cây gậy cắm ở góc chòi: “Gia đình cống hiến tài sản cho sự nghiệp giải phóng dân tộc sẽ được Đảng và Nhà nước đền bù xứng đáng khi đất nước thống nhất. Nhớ giữ biên lai này”. Anh trung sĩ nói với cha vài câu gì đó rồi nhét tờ giấy vào túi quần sau đít. Cha kêu thêm mấy ông anh họ của tôi lội sông Tơng Lamưy đang cơn lũ tràn, mót mấy khóm lúa sót gánh về.”

Không được hay

Chương 2Chương 7.

Chương 2 anh viết về anh em, bằng hữu: Quảng Đại Cẩn, Trượng Ngạt, Lưu Văn Đảo, Trà Vigia, Hàm Bộ, Phú Văn Lưu, Hứa Phăng, Dương Tài Tin, Đàng Năng Thọ, Châu Văn Thủ, Hứa Ngọc Cát, Huỳnh Ngọc Trăng, Hồng Loan, Chế Mỹ Lan, Inrahani, Nhóm bạn Caklaing,…

Chương 7 là về thế hệ trước: Châu Văn Mỗ, Thiên Sanh Cảnh, Dohamide và Dorohiêm, Chế Linh, Từ Công Phụng, Quảng Đại Hồng, Jaya Mrang (anh viết tắt (J.M.), Quảng Đại Hồng, Đàng Năng Quạ, Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ…

Tất cả mang tính tư liệu nhiều hơn là tính… tiểu thuyết. Có lẽ anh muốn tô hồng, muốn nói tốt về người quen thân, nên đã ra như thế chăng? Thiếu sự hấp dẫn cần thiết cho tác phẩm văn học.

Dù sao độc giả cũng cố gắng đọc qua để biết. Để chuyển sang chương khác, bởi câu chuyện cần 2 chương này để bảo đảm sự liền lạc.

Như tiểu luận khoa học nhưng vẫn độc đáo và cuốn hút

Hai chương trên ít hấp dẫn có lẽ do Inrasara không có khiếu tả con người (đa số những nhân vật trên tôi đều có biết, nên tôi cần lối khắc họa sắc nét hơn hay điển hình hơn chăng?), nhưng ngược lại khi nói về văn hóa Chăm thì anh viết đầy hứng khởi. Giọng văn rất tuyệt vời. Chương 3: về văn học, Chương 4 về ngôn ngữ, và Chương 6 về lịch sử và huyền sử Chăm thì hay tuyệt. Inrasara viết “nghiên cứu” mà hấp dẫn như… tiểu thuyết vậy.

Càng về sau càng hấp dẫn

Tiểu thuyết càng về sau càng lôi cuốn tôi. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà cả người đọc chưa biết văn hóa Chăm. Từ Chương 9 đến hết cuốn sách đều đáng nể cả. Tôi học được rất nhiều. Tôi đọc một hơi không để sách xuống. Rồi quay lại đọc lại lần nữa. Tôi sẽ còn đọc nó.

Viết như vậy mới là viết.

Chương hay đặc biệt

Riêng Chương 8 về Ma Hời thì đúng là tuyệt tác. Không chê một dòng nào. Hiện thực nhiều huyền ảo, mà lại thực hơn cả cái thực. Bay bổng, mênh mông, li kì, nói chung là đẹp cực kì.

 

Tôi xin trích ra đây mấy đoạn rải rác khắp trang sách mà tôi thích:

+ Tuổi mười lăm, tôi đã mở to mắt nhìn mẹ mừng ra mặt khi lần đầu sắm sửa được kaya angwei đồ chết. Mẹ nghía đi gói lại, rồi cẩn thận treo nó lên xà nhà. Ngang hàng với ciet sách. Như đàn ông Chăm ứng xử với sách, mỗi tháng mẹ rước nó xuống nghía, gói lại và treo lên. Trang trọng! – Cho cha mầy và cho tao. – Tại sao, – tôi hỏi. – Con nít không biết gì đừng có nhì nhằng.

Nhịn ăn nhịn mặc để mua sắm và rồi mang mấy thứ quý giá đó đốt đi ở cuối đời. Đáng lắm chứ. Nhưng có mỗi củi là thứ có sẵn ngay sát bìa rừng thì dứt khoát, không! Khổ vậy đó. Ông anh họ tôi nặng tám mươi kí lô gam hơn, vậy mà bà con chỉ cho anh tiêu đúng mỗi xe củi. Người là người mượn nên, ăn thì đầy bụng nhưng củi lại là củi lưng xe. Trai tráng trong họ đánh xe trâu lên rừng, trước ngày đám lên có một, hai buổi. Thì lấy đâu rặt củi khô. Có buộc khăn lạy ikak khan kakuh nó cũng không chịu cháy cho ra hồn. Chân cẳng người chết thò ra ì xèo. Thế là mọi người được dịp nhốn nháo lên. Đám nhóc đành bỏ dở cuộc tranh giành bạc cắc vừa được vãi ném qua giàn lửa ppaphwơl apwei mà vâng lời quý ngài “nửa vời” để chạy vào làng ôm củi khô về tiếp cứu.

 

+ Hirsch cho rằng “đọc thơ là một cuộc phiêu lưu trong sự cách tân, một hành động mang tính sáng tạo, một sự khởi đầu mãi mãi, một cuộc tái sinh của niềm ngạc nhiên”. Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Chăm không đọc Glơng Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ. Đã có kẻ làm như thế và tuyên tất cả sai bét, riêng mỗi ta đúng. Ngay lối nói ngạo mạn này đã sai lạc tinh thần thông điệp Glơng Anak rồi. Nếu bác khả năng giảng giải lang yah, tầm chương trích cú Glơng Anak ở câu, đoạn nào bất kì mà tâm bác chưa tận diệt mọi căm thù sâu kín, là nhà bác còn chưa hiểu Glơng Anak. Khi tâm hồn bác còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bác còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bác chưa hiểu tinh thần Glơng Anak. Khi bác chưa mở lòng ppalai tung tian với con người hèn yếu xung quanh, với mọi sinh thể trên thế gian mỏng manh này, là bác chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glơng Anak.

 

+ Về quê Chăm, nhà văn khoái khách sạn nhiều tiện nghi hơn trú lại nhà dân, thích làm khách sang của gia đình sang trọng hơn là lăn xả vào chốn nghèo hèn và, đáng nói hơn cả là – luôn gánh cả đống chuyện văn chương chữ nghĩa ở tận thành phố theo mình. Hiếm ai tạo được “những ngày rỗng” toàn triệt để thu vào tầm mắt đất trời Phan Rang lạ lẫm, tò mò tìm biết bí ẩn những mảnh vụn của nền văn hóa Champa, lắng nghe câu chuyện Chăm, cảm thông bao tâm hồn cô đơn và kiêu hãnh Chăm. Nhà văn chưa học biết cởi bỏ cô gái ở lại bên này bờ sông, mà một mực vác nàng theo suốt hành trình chữ nghĩa nặng nhọc!

 

+ Từ vào Sài Gòn làm việc, tôi hiếm có dịp ghé thăm anh. Một lần, anh bảo:

– Klu làm việc với người Kinh có quan hệ khác, cần giữ quan hệ, ít ghé anh là chuyện thường. Nhưng thế nào rồi anh cũng vào Baigaur thăm nhà chú nó.

Và anh đã vào Sài Gòn thiệt, nhưng vào thẳng bệnh viện Chợ Rẫy.

– Anh không chết được, – tôi nói – trời không thể bất công với anh như thế. Định mệnh không thể bất công với Chăm như thế!

Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe nước mắt chảy vào trong. Nước mắt tôi hay nước mắt Hàm Bộ, khi anh nhìn tôi, không lời? Nó như một dòng sông câm lặng, cuốn trôi linh hồn tôi chìm vào một miền xa tít. Tôi quay mặt đi, bước nhanh ra khỏi phòng cấp cứu. Tối hôm đó, anh tắt thở. Không ngờ ngày anh bị nạn rơi đúng vào sinh nhật tôi. Triệu trẫm nào đây? Một đạo sĩ Bà-la-môn đã mất, một Vivekananda Chăm vừa chấm dứt hành trình dang dở. Hàm Bộ chưa viết bài thơ nào, chưa để lại gì trên mặt đất đau thương này. Anh sống mà không để lại dấu vết.

 

Dĩ nhiên còn nhiều nữa, bạn đọc có thể tùy nghi chọn cho riêng mình.

__________

Lưu Văn, người Chăm – hiện sống ở Hoa Kì.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *