Người Chăm có thông minh không?

Người Chăm có thông minh không?

Thông minh ứng xử 02: Lật lại vấn đề cũ

 

Chuyện 1. Sau “Sự cố Kiều Minh Vũ” tháng 3-2006, gặp một bạn văn ở Hà Nội, anh nói với tôi: – “Hành vi đập phá nhà dân như thế, cần phải xử lí mạnh tay mới có thể răn đe bà con mình, anh ạ”.

Nhớ, đây là phát biểu của một người bạn rất thân với cá nhân tôi, một nhà văn có cảm tình với người Chăm và văn hóa Chăm. Hiểu bạn mình nên tôi không chút ngạc nhiên, tôi nói: – Cám ơn bạn, đã nghĩ thật và nói thật lòng mình.

– Nhưng bạn đã trực tiếp gặp bà con để có thể hiểu thấu đáo sự việc chưa? Bạn có hiểu được nỗi lòng đồng bào chưa? Hay bạn chỉ hiểu từ nghe nói?…, – tôi hỏi.

Chỉ khi đó nhà văn này mới ớ lên: – Ừ nhỉ, mình sơ ý quá…

Rồi tôi đã giải thích với bạn văn đó đầu đuôi sự vụ, qua đó anh mới vỡ ra vấn đề. Nhưng – tôi nói tiếp: Bạn cũng chớ vội tin theo tôi, mà hãy tự mình tìm hiểu…

Tôi đã cảm ơn bạn văn trên, và bạn văn cũng đã xin lỗi.

Câu hỏi ở đây là: Nhà văn trên thật lòng nghĩ như thế, chúng ta muốn anh ta nói thật hay nói giả? Nếu vì phép lịch sự, anh ta nói khác đi cho vừa lòng bạn mình là tôi, hỏi tôi có điều kiện để giải thích không? Chắc chắn anh ta nghĩ chưa thấu, anh ta nói khác đi điều mình nghĩ, rồi anh ta [nếu có quyền hành] sẽ làm SAI. Thiệt thòi về phía bà con Chăm là chính.

 

Chuyện 2. “Sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống” cũng vậy. Ông Thống hiểu văn hóa Chăm và người Chăm qua lăng kính một người, nên ông đã có bài viết rất sai. Sai có tính xúc phạm nhiều người. Về vụ này, người Chăm đã có 5 bài viết cùng nhiều “phản hồi” nặng có nhẹ có.

Sau sự vụ, về quê gặp người chú, ông kể lại một vị Chăm đã nói với ông: – Anh Sara mới chịu khó viết dài, nếu em viết, chỉ cần một trang là đủ. (Ý nói về bài Inrasara: “Đính chính về “Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” của Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống”).

Vâng, một trang cũng đủ, thậm chí vài từ cũng xong! Nhưng để làm gì? Và câu chuyện sẽ dẫn tới đâu?

Để kết thúc ‘sự cố”, tôi viết bài: “Cảm ơn Nguyễn Thành Thống”. Thế là có vị thắc mắc tôi, tại sao nhà thơ Inrasara lại cảm ơn? Có ý giễu cợt không?

– Không, tôi nói rất thật lòng (lí do được nêu rất rõ trong bài viết).

(“Về bài “Đính chính” của Inrasara, có ông thầy cũ từ Mỹ email về khuyên “Đừng quá tế nhị mà trở thành KHỜ KHẠO”; ở đó không ít bạn đọc bảo Sara lịch sự quá không cần thiết trong trường hợp này”.)

Vẫn câu hỏi đặt ra như trên: Ông Thống [thật tình] hiểu sai về Chăm, chúng ta có muốn ông vì phép lịch sự mà nói khác đi không? Hay muốn anh nói THẬT lòng mình ra để ta có cơ hội giải minh?

Cảm ơn ông, vì ông đã nói thật. Nếu ông Thống nói thật mà ta “chỉ cần một trang cũng đủ”, thì sự ngộ nhận mãi kéo dài. Hậu quả là thiệt thòi cho cả hai.

Cuối cùng, chính vì các giải minh kia mà Nguyễn Thành Thống đã sửa bài viết, dù ở đó không có tiếng xin lỗi nào xảy ra. Vậy cũng đã đủ rồi…

 

Chuyện 3. Về tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú, 4 bài viết đăng trên Inrasara.com, đã tạo dư luận đáng kể. Hơn 40 “phản hồi” từ nhiều giới và địa phương khác nhau. Khen hay chê, sai hoặc đúng, tất cả với tinh thần lành mạnh và xây dựng. Sự thể nói lên không ít anh chị em Chăm đã ứng xử rất thông minh và trí tuệ.

Riêng về câu kết của anh Tú: “Mỹ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của Vương quốc Chămpa đã bị diệt vong. Đó là di sản văn hóa của người Việt chứ không phải của một nền văn minh bị biến mất…”

Các phản hồi khá gay gắt, nên tôi không post lên.

Có vài người hỏi: Tại sao một cuốn sách có quan điểm [ở phần kết luận] sai lạc như thế mà nhà thơ Inrasara đi viết giới thiệu?

(Chú ý: Chính tôi đã viết “bài giới thiệu” tiểu luận của Nguyễn Thành Thống đăng trên Inrasara.com, để bạn đọc có cơ hội bàn luận! Về Hồ Trung Tú, sau “lời giới thiệu”, tôi có thêm một bài viết, hai bài trả lời phỏng vấn chỉ ra điều bất cập trong tác phẩm trên. Giới thiệu nó cho bà con biết để mà bàn luận, bởi tôi cho đó là công trình đáng đọc và đáng bàn, chứ không cho rằng nó xuất sắc và thập toàn là chân lí).

Cũng thao tác trên, câu hỏi: Hồ Trung Tú đã “nhận định” [sai] như thế, chúng ta có muốn anh – vì phép lịch sự – mà viết khác đi không? – Chắc chắn là không rồi. Ta cần anh nói THẬT, để ta có cơ hội lí giải, từ đó hai bên mới có thể hiểu và đả thông nhau trên nền tảng vừa đậm tình thương con người vừa không rời khỏi tinh thần khoa học.

Tôi tạm gọi đó là thông minh ứng xử.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *