Duy Bằng tựa vào thơ vượt qua cô đơn sinh phận

Inrasara

DUY BẰNG TỰA VÀO THƠ VƯỢT QUA CÔ ĐƠN SINH PHẬN

 

Đi qua những vùng đất, thi sĩ để rớt lại bài thơ.

Những vùng đất có khi thật gần gũi, như “Sông Lam quê tôi” hay “Bóng nước bóng quê”; có khi xa cách, như Đèo Ngang hay Đà Lạt; cũng lắm lúc rất xa và lạ, như “Buổi sáng hè Canada”, “Đêm hè Canada”,…

Nhưng bài thơ thì luôn gần.

 

Đi qua vùng đất, giao cảm với những sinh phận gần gũi thường nhật, và thi sĩ để lại bài thơ.

Những sinh phận có khi là khuôn mặt người thân tiếp xúc mỗi ngày, như “Bà cháu trốn tìm”, “Tiễn cháu đi học”, “Cháu ngoại tôi”, “Về thăm thầy cũ”, cả những người đã khuất, như “Bóng cha”, “Ngày giỗ mẹ”, hay là một thời đã xa: “Thao thức tuổi thơ”; giao cảm với bao thân phận vừa quen thuộc vừa xa lạ: “Mảnh đời sau lưng lá”, “Đau khó miền Trung”…

Ở đó, thơ luôn tràn đầy niềm cảm thông.

 

Bởi “thơ chẳng cô đơn“.

Không cô đơn, thơ tìm nói lời yêu thương để sẻ chia nỗi niềm thân phận. Dù đó có là “những câu thơ thất vận“. Dù thi sĩ vẫn chỉ là một sinh linh đau khổ khác thêm vào bể khổ cuộc đời kia. Cùng muôn lệ lụy hỉ nộ ai lạc.

Hồn mình lạc loài

sa mạc

Câu thơ

chẳng biết về đâu

(“Độc thoại cuối năm”)

 

Nhưng chức phận của thi sĩ là nói thay, nói cho những “mảnh đời sau lưng lá”. Mảnh đời đa mang nhiều lo âu, chịu đựng. Lặng lẽ chịu đựng.

Hai chín tết cô bán hàng rau góc chợ

Lại qua người chen đông

Kẻ mua được năm đồng

Người thêm ba cắc rưỡi

Mỏng manh xác ve

Đồng tiền đỏ thổi cay mắt đắng

Giao thừa đêm nay lạnh

Em về kịp không

(“Mảnh đời sau lưng lá”)

 

Và bao nhiêu mảnh đời khác nữa trên trái đất này.

Mảnh đời “ảo và thực”: “Son phấn trao em lấp lơ lột xác/ Váy ngắn dài vai trần xênh xếch…” cùng muôn ngàn bấp bênh bất trắc ở ngày mai. Ai biết được? “Ta mỏi lòng/ Những lần bước lạ/ Thơ chẳng xa vời“.

Và, “thơ chẳng cô đơn”. Thơ không cô đơn đã đành, cả thi sĩ cũng không cô đơn. Hay khác đi – Duy Bằng vượt qua sự cô đơn định phận, song hành với thơ để cùng thơ đi vào lòng đời.

Bởi những khi bị thất thố, hụt hẫng, thất bại, tuyệt vọng hay cô đơn, cô độc, con người khuynh hướng chạy trốn bằng và qua mênh mông phương tiện, phương cách hay thái độ. Có thể họ lao vào các cuộc chơi thâu đêm, trận cười suốt sáng, hay lẩn vào đám đông để nghe mình không còn cô độc, hoặc không ít lần họ tìm an ủi nơi Chúa, Phật. Duy Bằng, – “tựa vào thơ”:

Đức Chúa trong nhà thờ

Tôi và thơ lang thang

Chiều Noel đường phố giãn thưa

Nườm nượp người đổ vào nhà thờ cầu nguyện

Đêm Noel trăng muộn

Ngàn cây thông nhấp nháy điện màu

Thắp niềm tin linh diệu

Tháp ngà

Nhà thờ Đức Bà vang thánh ca

Người đức tin tựa linh hồn vào Chúa

Nơi đó cô gái si mê đuổi bóng

Lãng quên tờ lịch rơi

Tôi người ngoại đạo

Lòng mình lặng chơi vơi

Thả câu thơ lên trời

Bay theo bong bóng

 

Thơ mỏng manh dễ vỡ, và thơ dường vô tích sự, nhưng thơ vẫn ẩn chứa ở tự thân sức mạnh trầm lặng, khả thể thay đổi sinh phận con người. Nếu không, thơ vẫn có thể an ủi, xoa dịu niềm riêng. Duy Bằng tin thế.

Phúc thay cho kẻ nào còn giữ được niềm tin vào thi ca!

 

Sài Gòn, 24-2-2011

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *