Về Minh triết

* Thay thư trả lời anh Ysa Cosiem.

Khai đề về Minh triết Chăm
(ấn phẩm chuẩn bị cho Hội thảo Minh triết Chăm)

Mười bảy thế kỉ hình thành và tồn tại dọc suốt dải đất miền Trung Việt Nam ngày nay, người Chăm đã dựng nên nền một văn hóa – văn minh phong phú và độc đáo. Sau khi vương quốc Champa tan rã để hòa nhập vào đất nước Việt Nam thống nhất đa dân tộc, nền văn hóa ấy đã bị mai một và mất mát rất nhiều. Nó cần được lưu giữ. Cần được lưu truyền hơn, là tinh hoa của nó – tinh túy của tinh túy.
Chính là MINH TRIẾT CHĂM.
Minh triết có thể được đúc kết từ câu chuyện thực của đời sống thường nhật, từ kho tàng tục ngữ hay châm ngôn, từ truyện ngụ ngôn, huyền thoại hay huyền sử; có thể rút ra từ các sinh hoạt lễ tục – lễ hội, quan điểm và sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, nhất là từ tác phẩm văn chương xuất sắc, từ tư tưởng của bậc trí giả qua các thời đại lịch sử…
Nhưng dù gì thì dù, minh triết phải được tinh luyện qua lò thời gian nhuần nhị và vi tế đến không thể nhìn ra, như không khí; để mọi tầng lớp của cộng đồng đó có thể thở, ứng xử mỗi ngày; biết là nó có đó, nhưng vẫn khó gọi tên.
Minh triết khác triết học, không dành cho giới đặc tuyển, là vậy.
Thời đại ngày nay, vật lộn cho cuộc chiến sinh tồn lẫn nhu cầu vô cùng tận về tiêu dùng và giải trí, nhân loại ít thì giờ hơn bao giờ. Càng ít hơn nữa khi văn hóa internet xả thông tin tràn ngập đến tận làng bản hẻo lánh nhất, xâm chiếm căn nhà, văn phòng làm việc… tác động toàn diện cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của con người. Minh triết như là “kho sáng khôn cầm tay” để giúp con người tồn tại và sống đẹp, sống có ý nghĩa.
Minh triết có thể được vận dụng linh hoạt vào đời sống hằng ngày, đáp ứng nhiều vấn đề của thời đại. Và bởi là “kho sáng khôn cầm tay”, nên người bận việc nhất cũng có thể đọc, suy nghĩ ở bất kì đâu, bất cứ lúc nào.

*
Phát biểu của Inrasara về minh triết
(in trong tập Minh triết Việt Nam)

Trong dòng thời gian dằng dặc, tôi biết tôi chỉ như hạt bụi thoáng qua để rồi biệt vô tăm tích. Hơn cả hạt bụi, tôi không là gì cả trên mặt đất mong manh giữa vũ trụ vô cùng này, tôi biết. Nhưng tôi vẫn cứ nỗ lực. Từ câu thơ này đến câu thơ khác, trang văn này đến trang văn khác, công trình này đến công trình khác… Dù tôi biết, chúng sẽ bị lãng quên ngay khi sinh thể tôi biến mất, hay cả ngàn năm sau, không có sự khác biệt. Cả dân tộc tôi, với nền văn minh của nó. Nhưng tôi vẫn cứ nỗ lực. Bởi nó làm nên ý nghĩa của cuộc đời tôi, dân tộc tôi và của cả nhân loại – ý nghĩa của vô nghĩa. Đây chính là sự huyền nhiệm của sinh mệnh vũ trụ và hiện hữu con người. Thi sĩ là kẻ cư lưu và viết trong vùng huyền nhiệm đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *