CÁC KHUÔN MẶT MỚI
nghiên cứu – phê bình – tuyển thơ
là tập 4 trong bộ tứ THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI
gồm 12 nhà thơ, mỗi nhà được dành một bài giới thiệu và tuyển 7-10 bài thơ.
Sẽ tuần tự có mặt trên inrasara.com, sau cùng là bài tổng luận:
“Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”.
CÁC KHUÔN MẶT MỚI sẽ được tiếp tục phần 2.
(chú ý: mỗi khuôn mặt được tiếp cận và thể hiện mỗi cách khác nhau)
*
Họ và tên: Đoàn Thị Minh Châu
Bút danh: Đoàn Minh Châu
Sinh năm 1984 tại Điện Bàn, Quảng Nam
Nơi cư trú hiện nay: Đà Nẵng
Công việc: Dự án Công nghệ thông tin
Tác phẩm đã xuất bản: m-n & z, Minh Châu xuất bản, 2008.
Thơ đã đăng tại Tiền Vệ, Hợp Lưu, Da Màu.
*
ĐOÀN MINH CHÂU SAU CHIÊM NGHIỆM NỖI BUỒN
những con đường chạy qua tay, những con đường dưới đất và con đường trên trời, những con đường chạy quanh đan thành kí ức của mặt đất. Là con đường dọn sẵn, như thể mấy con đường đi ngược, cũng là con đường thiên lý nhấp nháy ước mơ rong ruổi hay những con đường cay nghiệt như sợi xích lòng vòng trói tuổi đời vào lặt vặt bé mọn của trí não âm u…
tôi ngồi đó, nghe những con đường thả rong dấu chân cũ, chìm ngập trong những nỗi đau rớt vãi dọc đường, tôi thấy thân thể mình nằm phơi trên mặt đường, xếp hàng dài như con đường trước mắt, con đường nứt những rạch thẳm cong queo, con đường hoang mộ tôi tự lúc mỗi đêm gió vỡ.
Rồi bỗng nhiên những con đường chiều nay cũng tức tưởi xô về…
Tôi hết còn chịu đựng nổi. Tôi gượng đứng dậy bước đi, bước chân gập cong con đường. Tôi nhận ra sự mềm yếu của một con đường hình sin. Tôi sợ bước chân tôi. Tôi hãi con đường. Nhân gian có mấy con đường? – Trên môi tôi chợt bật lên câu hỏi khô khốc, đớn đau. Không ai trả lời tôi. Không ai.
Tôi tìm đến một góc phố quen thuôc. Quán café vỉa hè Nguyễn Du và đợi phố lên đèn:
quán café chợt đông
con đường chợt vắng(*)
Tôi thấy gương mặt người yêu lấp lánh giữa những cốc café màu con đường… và nhìn thành phố. thành phố ngập ứ cuộc mưu sinh, thành phố trải dài trên sự chán ngấy thường trực những ngóc ngách, thành phố bé tẹo tèo teo không chứa nổi những nỗi niềm lạnh tăm. Thành phố với những quán café vỉa hè lẹt xẹt, những lối rẽ, ngã tư, những dĩa cơm bụi, góc cống, con hẻm, cột điện, chiếc ghế trống,…
Nhưng bởi đó là thành phố của người tôi yêu, nên tôi quen thân với nó, thuộc lòng nó như thuộc lòng khuôn mặt tôi. Nó ở trong tôi, động đậy trong tôi, hành hạ hay xoa dịu tôi.
Con đường là động. Thành phố trong nhịp sống mới cũng đang sôi động với chộn rộn cuộc mưu sinh, cấp tập cùng ngổn ngang công trường, nhưng với Đoàn Minh Châu, nó tĩnh, tĩnh kì lạ. Tĩnh, như phố dọn mình ở ẩn. Là một chiều nhìn đầy “tiêu cực”, hiểu theo nghĩa của Krishnamurti. Tĩnh, chỉ để lắng nghe và quan sát và chiêm nghiệm. Quan sát thành phố với những động tĩnh nhỏ nhất của nó; chiêm nghiệm cô độc mình và cuộc tình mình.
Hiếm nhà thơ có quan sát cuộc sống thành phố tinh tế như thế. Thành phố nơi mỗi ngày những dòng người trượt qua nhau, mặt người chảy dòng dòng quết dày mặt phố, nước cống loang ướt nhẹp thành phố. Thành phố đêm lặng lẽ sáng hình vòng cung, ở đậy nơi gác xép cô độc này em nghe phố âm âm lạnh. Và khi giấc ngủ bồng bềnh xuyên phố, những con phố trổ dài xuống ngực, em thấy thành phố chao nghiêng ngoài kia, …
Người bán bánh đa hè phố Hà Nội
… Bắt đầu một ngày
hai túi bánh cao vượt mặt
và màu cỏ xanh hắt lên đôi mắt
(“Người bán bánh đa hè phố Hà Nội”)
Nên, dù không ưa nổi thứ ngôn từ bị xài mòn đến nhàm và nhảm như mấy nhàu nhĩ, da diết, đặc quánh, quánh đặc,… của Châu, hay bao nỗi siêu thực giả vờ để cố tình tạo sự sâu thẳm ngô nghê của vài tay thơ lơ mơ, tôi vẫn rât thú vị với hình ảnh siêu thực đã khác, rất khác của Đoàn Minh Châu:
chiều mềm như thở
(“Phố chiều cuối năm”)
và chết dí ở đó những xác thanh âm xơ cứng
(“Chuyển mùa”)
cắn vội vã vào những đợt sóng lăn tăn dập dềnh
(“Nắng đêm”)
nàng mọc thêm cánh tay quấn lấy nỗi buồn tầm tã chảy
(“Loạn”)
Là nỗ lực thơ trong khai vỡ sự thể ở mặt sau và bề sâu của ngôn từ. Một thứ ngôn từ tham vọng tái khám phá thân phận tình yêu.
Tình yêu, ở Đoàn Minh Châu, cũng được thể hiện hoàn toàn khác với rất nhiều nhà thơ nữ trước đó. Không háo ức với vồ vập, hết nỗi thèm khát mê cuồng, sự táo bạo đầy cố ý càng không. Dù vẫn đa trạng huống và trạng thái với mấy đam mê cố hữu: siết chặt ngực, hôn cong vòng ôm khít eo lưng, siết anh nghiến anh bằng mưa lây rây… nhưng thơ vẫn tạo cảm giác luôn hiện thể ở thế tĩnh, thế chông chênh, hụt hẫng. Rất rõ về nỗi “lưu manh tình” đến lắm lúc muốn chối bỏ, thơ vẫn cứ trân trọng tình yêu đó, ngoái lại nhìn nó bằng ý thức điềm tĩnh lạ. Khía cạnh này, Đoàn Minh Châu đã đi một bước dài đưa thơ tình giảm bớt rất nhiều bản năng để hướng đến suy nghiệm.
Và chính suy nghiệm này dẫn thêm một bước đưa người thơ giáp mặt với cô đơn thân phận. Tình yêu là một cách thể khám phá thân phận.
… một cái tôi to đùng
tôi đã đem nhét dưới đáy chiếc ba lô cũ màu xám xanh
tách khỏi những gương mặt quen
tôi – người lạ
buổi chiều, café vỉa hè Nguyễn Du
ngồi nghe đường phố thở
nghe mình đang thở.
(“Tôi”)
sau tấm kính từ tầng 8 của tòa cao ốc
tôi thấy thân thể mình nằm phơi trên mặt đường
đã phủ màu xám bụi.
(“Chuyển mùa”)
Khi nhận ra thân phận, ta không hát nữa về những nỗi buồn vỉa hè (“Bắt đầu từ ký ức”). Từ thẳm sâu, ta biết rằng:
cái nhìn quen
chợt lạ từ chiều nào đó
(“Căn phòng mọc hoang trên cỏ”)
Ta vẫy tay chào thành phố quen mà lạ, chào những con đường vừa đi qua, chào mấy nỗi buồn đã cũ:
mai mốt người xa rồi
tôi sẽ đổ tuột thành phố vào dòng sông Hàn nguội ngắt
(“Thành phố”)
Ta đã là một ta khác, hoàn toàn mới. Thơ ta lần nữa, lại hoàn toàn mới. Jasmine!
Sài Gòn, 29-7-2009.
______________________
(*) Các đoạn thơ in nghiêng là trích đoạn từ tập thơ m-n & z, Minh Châu xuất bản, 2008.