Bút ký
Ra khỏi phi trường Tân Sân Nhất, nhác thấy những người thân trong gia đình như đang dáo dác tìm tôi, tôi lao tới ôm lấy họ. Tôi nghe như mình đang trong cơn mơ vậy. Tôi đã thật sự đến Việt Nam rồi ư? Quê hương tôi đấy ư? Thời gian bay nhanh như gió. Nhớ ngày nào rời Việt Nam, lúc đó tôi vừa mới học xong trung học, lơ ngơ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Vậy mà đã mười một năm!
Mọi người vội vã lên xe khách đang nổ máy, cùng về. Một cảm giác lâng lâng êm dịu khó tả tràn vào tim tôi. Tôi sắp trở lại vùng đất Parik thân quen rồi. Đôi mắt tôi nhìn như nuốt những cảnh vật hai bên đường, làng mạc, thành phố với những hàng cây, đồng lúa. Những ngôi nhà mọc chằng chịt san sát nhau. Những bảng hiệu đủ màu sắc chen chúc vươn mình lên như muốn thu hút khách lạ. Mải mê nhìn cảnh vật xung quanh như đứa trẻ chưa bao giờ nhìn đồ vật lạ vậy. Mấy tiếng đồng hồ trên xe, sao mà tôi cảm thấy ngắn ngủi làm sao. “Xuống xe, xuống xe, tới nhà rồi”. Tài xế đánh thức mọi người. Tôi thì mắt cứ thao láo mở chớ có ngủ bao giờ đâu! Vì mừng quá cứ lo mải mê nhìn, xe tới nhà hồi nào không hay không biết. Kim đồng hồ trên tay chỉ 4 giờ 30 sáng. Tôi loay hoay lo dọn mở đồ đạc vừa nói chuyện tới sáng.
– “Em ơi, tắm cái cho mát, rồi đi ăn sáng em à”. Giọng chị Vân sau lưng, tôi ngoảnh lại.
– “Dạ, xong rồi đây”, tôi nói.
Hai chị em kéo theo các cháu đi ra ăn sáng vì từ tối hôm qua tới giờ tôi có ăn được gì đâu. Ngoài đường, mấy đứa bé Chăm vẫn như thuở nào: Thân hình gầy gầy, khuôn mặt lem luốc sau ánh mắt sáng trưng. Mấy đứa nhìn tôi với ánh mắt ngây thơ, vừa ngơ ngác vừa tò mò. Thấy mà tội. Một thứ cảm giác là lạ len vào tim tôi, đau nhói. Quần xà lỏn cũ, bả vai áo đã sờn, có chỗ rách chưa kịp vá, chân vẫn là chân đất. Tội hơn cả là đám nhóc cứ đầu trần dưới trời nắng chang chang của Phan Rí Chàm. Tôi thật sự không thể can đảm nhìn đám nhỏ lâu hơn nữa vì biết mình sẽ bật khóc mất.
Tôi chợt nghĩ đến những đứa cháu tôi ở bên kia đại dương. Sao lại quá khác biệt. Bên thì ăn không hết, bên thì lần không ra. Đôi lúc quá thừa thãi khiến trẻ con xứ Hoa Kỳ không còn quý đồ ăn nữa, nói chi đến chuyện biết đến đói khát. Có khi năn nỉ tụi nó không muốn ăn, rồi thừa lúc bố mẹ quay đi chỗ khác thì tụi nó liền quẳng đi để tránh ăn đòn về cái tội lười ăn.
Đi nửa đường, tôi liền quay trở vô nhà mang ra mấy hộp bánh. Tôi đưa cho thằng bé có vẻ lớn tuổi hơn cả: “Phát đồng đều cho mấy em nhé”. Đứng nhìn mấy đứa bé đồng hương nhai miếng bánh mà vui, mà thèm cho sự háo hức của tuổi nhỏ.
Quê nhà vừa trải qua cơn mưa đầu mùa. Đường quê vẫn cứ lầy lội như thuở nào. Dọc đường chưa tới trăm thước, tôi phải đi qua mấy vũng lầy. Tôi vén “chăn” tránh bùn nước còn đọng lại từ hôm trước. Tôi đã nhiều lần nghe đài, báo nói về sự tiến bộ tại quê hương, sao lại mãi thế này. Có khi còn tệ hơn mươi năm trước nữa. Hay ánh sáng văn minh chỉ soi chiếu những nơi phố thị phồn hoa mà bỏ quên làng xóm hẻo lánh nơi tỉnh lị xa xôi này! Với quê Chăm thì ánh sáng càng khó khăn soi chiếu tới. Vậy đó, chính quyền địa phương không ai lo gì cả. Hay họ đi lo về mấy chuyện xa vời khác mà bỏ quên cái căn bản nhất của cuộc sống bà con họ.
Ừ, thì cũng có tiến bộ đấy. Như làng xóm đã có vài mái ngói đỏ chói vươn lên, mấy cô thiếu nữ Chăm biết vận thời trang dân thành phố thường được diễn trên truyền hình. Họ model lắm! Model đến nỗi không còn muốn mặc y phục cổ truyền nữa vì với họ, đó chỉ là thứ cổ lỗ sỉ đã lạc hậu rồi. Khắp nơi tôi đến toàn thấy những cô thiếu nữ xuất hiện trong bộ quần hai ống đủ màu đủ sắc. Hiếm hoi lắm mới có bộ chăn truyền thống thướt tha của thiếu nữ Chăm. Thứ y phục truyền thống từ ngàn xưa dần biến mất nhường chỗ cho thời thượng, nó bị mấy cô model xé rách ra tạo thành hai ống tự bao giờ rồi. Nhìn tận mặt cảnh đó, tôi không biết nên khóc cho dân tộc mình đang trên đà đồng hóa hay nên cười để hãnh diện cho sự tiến bộ lạ đời này nữa.
Đâu cần người ngoài đồng hóa, mà chính bản thân mình tự đồng hóa đó thôi. Trách ai? Tôi nghe chua chát. Tại sao, không thể hiểu và lí giải được. Người ít học không nhận thức được tầm quan trọng của sự bảo tồn di sản dân tộc thì không sao, đằng này, kẻ được cho là trí thức cũng vậy. Model thịnh hành nhất vẫn là quần hai ống. Thật ra, khi ra đường khó mà đoán được đâu là phụ nữ Chăm. Bởi ngoài cách ăn mặc giống nhau, họ còn nói tiếng mẹ đẻ hầu như pha trộn hơn ba mươi phần trăm tiếng Việt. Nói tiếng mẹ đẻ mà người bạn Việt đi bên cạnh tôi hiểu gần hết cả câu chuyên. Người ta thường nói, tính cách rồi sẽ trở thành thói quen. Thiệt là không sai chút nào. Thường thì họ quên từ nào đó, cứ xài đại tiếng Việt, thét rồi trở thành thói quen, không muốn cố nhớ nữa.
Chợt nhớ đến thống kê đau lòng của nhà nghiên cứu Chăm Inrasara. Trước đó, đọc nó tôi cứ nghĩ nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu này cố tình phóng đại con số để cảnh giác mọi người về sự vong thân ngôn ngữ dân tộc, không dám tin đây là sự thật. Nhưng nay nó còn thật hơn cả sự thật khủng khiếp kia. Hãy xem Inrasara trong bài “Sáng tác văn chương hôm nay” in ở Tagalau 1, trang 114, ông nêu thảm trạng tiếng nói của dân tộc trong tình trạng lai căng một cách rất đáng sợ:
“Một ít thống kê không chính thức tỉ lệ từ tiếng Việt đang được độn vào tiếng Chăm trong trao đổi thường ngày:
– Lứa tuổi 20 – 35: 40 – 50%.
– Lứa tuổi 35 – 50: 30 – 40%.
– Lứa tuổi 50 – 70: 25 – 35%.
– Lứa tuổi trên 70: dưới 20%.
Tiếng Chăm ngày càng bị phủ bụi, lai tạp và đang đứng trước nguy cơ trở thành tử ngữ. Trong lúc chính thi sĩ là kẻ có bổn phận canh giữ ngôn ngữ dân tộc, phủi bụi, tắm gội và làm mới ngôn ngữ dân tộc. Nhưng lúc này, có mấy ai và còn ai sáng tác bằng tiếng Chăm?”
Ðó là sự nhận định về một hiện trạng tiếng nói dân tộc vô cùng nghiệt ngã và khó chấp nhận. Tâm hồn tôi tê dại đi vì tôi biết rằng sự tồn vong của dân tộc đang bị lung lay bởi những chính người đồng tộc mất hết tinh thần trách nhiệm đối với việc giữ gìn tiếng nói của mình hay thờ ơ xem nhẹ vai trò hằng ngày. Có bao nhiêu người trong chúng ta chịu khiêm tốn làm lại từ đầu “trong nói chuyện, tôi lắng nghe và lượm lặt các từ vương vãi trong gió cát trước sự hờ hững của con người và có nguy cơ mất hút” (Tagalau 4, trang 70). Nếu như ai ai cũng học hỏi ở nơi nhà thơ này về tinh thần lượm lặt từ ngữ đã và đang mất hút thì hay biết mấy. Nhưng không, chúng ta đang đối xử với nó rất vô tình.
Song song với tinh thần đó, một hình ảnh tiêu biểu khác cũng tha thiết với tiếng mẹ đẻ của mình đó là ông Dohamide, một nhà trí thức Chăm ở Mỹ đã viết trong bài “Tiếng Chăm, tiếng ru thân thương đầu đời của Bà mẹ hiền Champa” trong Vijaya 1. Ông viết:
“Một yếu tố đầu tiên nhận diện bản thân một người thuộc gốc dân tộc nào chính là ngôn ngữ. Một người bị cho là mất gốc là người không còn biết nói tiếng mẹ đẻ nữa mà đã chấp nhận tiếng nói một dân tộc khác là tiếng nói chính yếu của mình. Việc chấp nhận như thế dù muốn dù không cũng bị đồng tộc đánh giá là nhục nhã, bởi lẽ nó vô hình chung đóng góp vào việc thúc đẩy thảm nạn mất gốc, quên cả tổ tiên ông bà”.
Ôi một câu nói sao mà thâm hậu làm sao! Một câu nói đã làm cho những ai đang dùng ngôn ngữ khác để làm ngôn ngữ của mình phải thức tỉnh và hối hận. Câu nói này đã cứu vớt bao linh hồn đang dần quay về nguồn cội của mình, trong đó có cả bản thân tôi nữa. Khi nói tiếng mẹ pha trộn lai căng với tiếng Việt nhiều bởi vì đôi lúc tôi lười biếng không chịu cố nhớ tiếng mẹ thì tôi xài đại tiếng Việt cho nhanh. Cứ mỗi lần muốn xài tiếng khác thì câu nói này đã đánh thức tôi. Không được làm như vậy. Xấu hổ lắm! Khi tôi nói tiếng Chăm lai tôi cảm thấy hình như có những linh hồn của tiền nhân mình đang luẩn quẩn đâu đây như uất nghẹn đang nhìn trân trân vào tôi như hờn dỗi như trách móc vậy. Trách tôi sao lại quay lưng với dân tộc. Trách tôi sao lại vùi chôn những gì rất thiêng liêng vô giá mà tổ tiên đã nhọc công xây đắp viên thành những âm điệu, những vần chữ và lưu truyền cho tới nay, để rồi tôi lại xem thường nó một cách vô ý thức. Không biết trân quý nó, không biết nâng niu và giữ gìn nó. Nó như thể đồ vật muốn xài thì xài, không thì thôi, xài đại ngôn ngữ ngoại lai.
Tôi rất muốn nói lời cảm ơn ba mẹ tôi, những người lúc nào cũng rầy la tôi những lúc tôi nói pha trộn tiếng Việt. Tôi nhớ có lần mẹ tôi hỏi khi nào anh Dũng tới nhà chơi? Tôi trả lời nhanh nhẹn. “pồ, tám giờ rưỡi”. Mẹ hỏi gằn lại: Mấy giờ? Tôi tưởng rằng mẹ không nghe rõ: “Pồ tám giờ rưỡi”. Mẹ tôi lặng thinh một lát rồi cay đắng hỏi: “Ủa con là người Kinh sao lại nói tiếng Yuôn trong nhà này?”. Lúc đó tôi mới ngớ người ra. Tôi hổ thẹn vô cùng, có chữa cũng không kịp. Tôi tự hứa với lòng rằng từ nay phải chừa thói cẩu thả đó. Nên, không phải một lần đâu mà rất là nhiều lần trước mặt mẹ và mọi người, tôi hết sức cố gắng nhớ lời ấy của mẹ. Không làm mẹ buồn, dù tôi sống ở nơi xứ người trong giao tiếp hằng ngày tôi thường xuyên tiếp xúc với người Mỹ hay với các bạn Kinh. Người Chăm ở tiểu bang tôi rất hiếm, nhưng tôi luôn ý thức trau dồi tiếng dân tộc để mẹ đừng buồn vì thấy đứa con của mình đang trên đà lai căng ngôn ngữ.
Cho nên, khi đối diện với thực tế, tôi lại càng đau lòng hơn. Nếu như tình trạng này cứ tiếp tục như vậy, không bao lâu nữa mình sẽ mất gốc thiệt rồi. Cái đau xót nhất là nguyên do dẫn đến mất gốc không do ai, mà là do chính bản thân mình. Người ta chưa đồng hóa mình mà mình đã tự đồng hóa mình rồi. Thời nay đâu phải là thời Minh Mạng dùng chính sách đồng hóa khắc nghiệt nhằm đồng hóa dân ta bằng cách bắt người Chăm phải ăn mặc, nói năng và sinh hoạt hằng ngày theo phong tục tập quán Việt Nam. (Mẫu hệ Chàm của Nguyễn Khắc Ngữ). Minh Mạng thứ hai chưa cưỡng bức mình phải ăn mặc nói tiếng của họ mà mình đã tự làm rồi. Tiếng nói, y phục là những nét đặc thù riêng biệt để làm nên sắc thái riêng của một dân tộc. Sống hôm nay, không làm được những gì thì không sao, nhưng ít ra trong mỗi chúng ta, phải có trách nhiệm bảo vệ và duy trì những nét đặc thù truyền thống của cha ông ta từ ngàn xưa để lại, vậy mới không làm thất vọng những bậc tiền nhân nơi chín suối. Các bạn thử nghĩ xem, cha ông ta đã sáng tạo nên bao kì tích để rồi tới thế hệ này, chẳng những chúng ta không tốn mồ hôi công sức ra để sáng tạo ra thêm những cái mới, mà ngược lại, ta lại đánh mất những gì còn sót lại. Như vậy có nên chăng?
Đi ngang qua nhà dì Hanh, bác trai thấy tôi mừng rỡ khôn xiết. “Ồ, con đi lâu thiệt đó, mới đó mà bây giờ lớn như thổi”. Bác ngắm nghía ao dhai tôi đang mặc. Bác nói: “Làm dân Mỹ mười năm mà con vẫn còn mặc được thế này thì quý lắm! Đẹp quá đi thôi”. Tôi rất hãnh diện, nghĩ đồ Chăm mình đẹp vậy mà không ai chịu mặc cả. Nó cứ mặc hai ống đi nhong nhong vậy đó, chả ra thể thống gì cả. “Tụi bây có thấy không? – Bà vừa nói vừa la các cháu, – Dân văn minh vậy đó, họ đâu có từ chối cội nguồn!”.
Buổi trưa tháng Năm như nung người, nắng gắt và oi bức vô cùng. Đến chiều, may thay trời đã đổ một trận mưa lớn, bà con một phen mừng rỡ bởi vì lâu lắm rồi không có mưa như vậy. Tôi thấy mát mẻ hơn nhiều, người nhẹ nhõm ra. Tôi đưa tay vọc nước mưa, ôi, thoáng chốc vậy mà đã mười mấy năm rồi nhỉ. Mười một năm rồi tôi không có cảm giác tắm nước mưa như thuở nào. Tôi cùng mấy cháu say sưa tắm không biết bao lâu nữa cho tới lúc chị dâu tôi bảo mấy dì cháu mày vô nhà đi kẻo bệnh, lúc ấy tôi mới biết là mình đã dầm mưa gần mấy tiếng rồi. Một cảm giác thân thương như thuở nào lại dâng tràn trong tôi. Tôi vội về nhà vì phải còn đi thăm bà con hàng xóm nữa. Ba mẹ dặn khi về con phải đi thăm bà con mình với, dù gì con đã đi xa quê hương mười mấy năm. Lúc về con vẫn phải như ngày nào, đừng nên kiêu kỳ làm gì con nhé. Mình vẫn giữ phong tục tập quán mình, và hãy sống làm sao cho mọi người yêu thương con nhé! Dù mình đi nơi nào, mình có trở thành gì đi chăng nữa, mình vẫn là Chăm và đừng bao giờ thấy mới quên cũ, quên những gì quý gía của mình con nhé! Những lời nói của cha mẹ lúc nào cũng văng vẳng bên tai.
Tranh thủ sang nhà thím Tám biếu quà, rồi cũng được gặp Xa-ai Taluc (chị Út) ở đó, mừng mừng tủi tủi. “Ôi, nhớ lúc nào chị em mình cùng “Nọ Chăm” lúc thời học trung học Phan Lý Chàm đó, lúc ấy tụi mình thiệt là ngây thơ làm sao phải không? Vui và hồn nhiên biết dường nào. Mặc dù rất nghèo khổ ngay cả mỗi khi ca nhạc tổ chức tại thông tin văn hóa Bắc Bình, sau khi học bài xong, tụi mình cả đám vừa trai vừa gái không biết mắc cỡ gì hết, cứ leo hàng rào qua coi bởi vì lúc đó đang đi học mà làm gì có tiền mua vé. Có mấy anh canh gác có khi cũng lắc đầu luôn khi thấy “Nọ Chăm” tụi mình leo rào. Hihihih Vui thiệt đó. Hai chị em cứ nói trên trời dưới biển không đâu vào đâu vì không biết nên! bắt đầu từ chỗ nào mà cứ nói như chưa bao giờ được nói vậy…”. Chúng tôi cứ huyên thuyên vậy đến trời tối lúc nào không hay.
Một bất ngờ khác trong chuyến về quê là gặp được nhà thơ lỗi lạc của Champa mình. Một người đã sống và làm việc quên mình vì dân tộc. Một người mà tôi hằng mến mộ, ước gì tôi chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc anh. Không ai xa lạ cả, đó là nhà thơ Phú Trạm – Inrasara của tôi, của Champa ta, của Tháp nắng của Sinh nhật cây xương rồng. Anh từ Sài Gòn phone về: “Mai anh ghé Parik. Có cả Trà Vigia nữa”. Thế thôi mà tôi mừng như thấy lại người không gặp từ xưa lắm.
Hôm sau, vừa vào cửa ngõ, tôi thấy chiếc xe Honda dựng trước nhà. Nhà có khách thì phải. Tôi nhìn vào thấy anh và những anh em đang ngồi nói chuyện. “Ồ, anh Sara!”, tôi thét lên. “Ôi khách quý, quý quá”. Lại huyên thuyên. Hồi sau, lại một bất ngờ nữa: Anh Tiến (Trà Vigia) cao lớn bước vào nhà. Thật là diễm phúc! Hôm nay em được có cơ hội nói chuyện với những nhân vật nổi tiếng của Chăm. Những niềm hãnh diện của dân tộc Champa mình. Trà Vigia là một trong những cây bút viết truyện ngắn đã làm nhói tim tôi. Truyện ngắn của anh đã làm cho tôi say mê đến điên đảo một thời. Người đi tìm linh hồn, Dạ hội thần tiên, Người đàn bà hát, Mỹ Sơn đường về,… và bao nhiêu truyện khác trong Tagalau. Mỗi khi cầm Tagalau thì tôi vội lướt qua mục lục và tìm truyện ngắn của Trà Vigia trước. Tôi không hiểu tại sao nữa. Tôi mê đến như vậy đó.
Ðọc truyện ngắn của anh như đưa tôi trở lại thời xa xưa, một vương quốc lẫy lừng, một thời vàng son của tổ tiên, rồi những thời đau thương li biệt tang tóc, tỉnh tỉnh mơ mơ và đã lôi cuốn tôi xuyên qua những thời đại ấy một cách rất lý thú và mầu nhiệm. Hồn tôi như lâng lâng và tôi có cảm giác là tôi đang sống và chứng kiến những thời đại đó một cách sâu sắc lạ thường. Cho nên tôi tê buốt và tái tê khi chìm trong trang văn anh. Tôi tê dại qua sự bể dâu của cuộc đời và từng thời đại và đôi mắt tôi như rực sáng lên vì hãnh diện là con cháu Champa. Một dân tộc bất khuất và rất kiên cường. Tôi thiệt không thẹn là con cháu của Chế Bồng Nga đã hy sinh quên mình vì dân tộc, càng hãnh diện về nữ thần Po Nưgar đã trở lại quê hương xây dựng đất nước tạo sự ấm no cho dân tộc mình, và càng hãnh diện hơn về một Vương phi Champa, Vương phi Mỵ Ê thà nhảy xuống sông tự tử vào thời nhà Lý, lần thứ hai, Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành. Lúc đánh vào đến Vijaya lấy được của cải, vàng bạc và ngài thấy Vương phi của ta sắc nước hương trời, bèn bắt Vương phi mang về. Quả là một Vương phi Champa theo đúng nghĩa. Một tấm lòng yêu nước mãnh liệt, tấm lòng trung trinh để lại cho ngàn đời noi theo. Thà chết chứ không để ô uế thanh danh. Ðây chỉ là những tấm gương tiêu biểu, Champa ta còn có rất nhiều tấm gương hy sinh vì dân tộc một cách sáng chói mà tôi không tiện kể hết. Chúng ta hãy tự hào về dân tộc. Hãy tự hào mình là Champa. Có như thế chúng ta mới làm những việc mà không thẹn với tổ tiên, làm những chuyện nên làm và tránh xa bao việc gây tổn thương đến cha ông hay quay lưng đi. Cám ơn anh Trà Vigia rất nhiều cho tôi tìm lại được giây phút xưa.
Mới sáng mà sao trời đổ mưa. Mưa tầm tã cứ trút xuống liên hồi không dứt, mưa như tiếng khóc òa của một đứa bé mồ côi đang tìm mẹ. Mưa dai dẳng như chưa bao giờ được mưa vậy. Có phải chăng trong tâm hồn mẹ đang khóc khi thấy tiếng nức nở của đứa con lạc loài đang tìm mẹ, nhưng mẹ vẫn không có cách nào đến được với con mà chỉ đành lòng làm ngơ như chưa bao giờ thấy đứa con này, mặc cho con cứ tuôn trào nức nở? Mẹ ơi, con đã về đây, mẹ ở nơi nào? Mẹ có còn chăng chỉ là trong tâm tư, trong tâm hồn những đứa con lạc loài vô tội này thôi. Hình ảnh mẹ như đâu đây mà như huyền ảo, như hư thật và cũng mông lung. Mẹ ơi! Con đã về nhưng không chốn nương thân, mẹ đâu rồi cho con vịn vào bóng mẹ với. Vậy thôi cũng đủ rồi.
Một lát sau, nghe tiếng anh Trà Vigia nói giọng oang oang: “Trời mưa như vậy sao mà lên tháp đây em? Làm tôi giật mình quay lại: “Anh em mình ngồi chờ chút xem sao? Dẫu mưa cũng phải đi thôi, em chưa bao giờ nhìn thấy Tháp, em chỉ nhìn qua sự tưởng tượng của em thôi.”
Thế là anh em phóng xe đi. Bước lên bậc thang để đi lên Tháp tâm hồn tôi như tê dại. Có nhiều thi sĩ như Chế Lan Viên đã vẽ Tháp buồn lắm rồi mặc dù không có những cơn mưa buồn ảm đạm như lúc này. Nếu Chế Lan Viên tận mắt thấy cảnh “tháp gầy mòn vì mong đợi” này thêm những giọt nước mắt vô tình cứ tuôn mãi không ngừng như hôm nay nữa, chắc thơ ông càng tuyệt hơn! Ðứng nhìn tháp với những dòng nước đang chảy xuống những bức tượng, tôi cứ ngỡ rằng Tháp đang khóc. Khi tôi nhìn lại tôi, hai bàn tay tôi đã đẫm nước: Tôi khóc tự bao giờ chẳng hay. Dòng nước mắt tôi đã hòa vào dòng lệ của tháp đã bao đời âm thầm khóc. Tôi cứ đứng đó mà cầu nguyện, Pô ơi, chúng con, đã hiểu và đã biết Pô đã khóc nhiều rồi, chúng con sẽ không quay lưng, không làm đau lòng Pô nữa. Thượng đế ơi! Ngài hãy xoa dịu vơi đi phần nào nỗi thống khổ của Tháp, nỗi đau đớn tức tưởi khi đã từng chứng kiến cảnh đau thương tang tóc một thời. Hãy đừng để tháp thêm một lần nữa nhìn thấy một bi kịch thời đại đau thương gây ra. Hãy cho Tháp nhìn thấy những cảnh thanh bình an vui, thấy những con người, nhân loại yêu thương nhau. Họ cùng chở che đùm bọc nhau, cứu vớt nhau cùng chia sớt cho nhau tình yêu thương. Hãy cho tháp nhìn những đứa con đang quay về nguồn cội quay về quá khứ tìm về dân tộc. Hãy tỏa hương hoa, tình người, tình plây-pla nồng thấm chân thành. Trong đó có linh hồn Champa sâu đậm.
Ngẫu hứng cùng nắng phan rang của chị Mylan Dang……
Nơi tôi đến-Phan Rang.
Trời nắng đổ, giữ phan rang dạo bước
Giữ trưa hè bao la nắng
Dấu ngàn xưa, Lửa thiêng thiêu rụi
Điêu tàn, hoang mạc thấy quanh ta
Tiếng em khóc, như Phan Rang buồn
Nắng trầm uất quê hương tôi đứng
Ngón trông con, Mẹ già mòn mỏi khóc
Li tan, cuộc tình Ta khóc chia phôi
Phan Rang huyền thoại, nắng đưa ta về
kiêu sa Tháp đứng mông mênh buồn
Hững hờ, dòng người như vô ý
Đến rồi đi không hẹn lần trở lại
Lạc lối Tâm linh, trí mê u
Trọn vẹn hồn linh sao ta thấy
chẳng lần cảm thông cô đơn Tháp
Nắng Phan Rang ta một lần nữa cảm
Chân hoang da thẫn thờ Ta lê bước
Cõi người trở lại, Ta về chốn u mê
ksvdc
Cảm tác theo Nắng Phan Rang của chị Mylan Dang