Báo Văn nghệ, số 12, 19-3-2005.
Nhà thơ Inrasara đưa ra một thông tin ghi nhận được từ UNESCO khiến nhiều người sửng sốt: Mỗi tháng nhân loại mất đi hai ngôn ngữ. 400 năm qua, hơn 1000 ngôn ngữ loài người bị xóa sổ. Nhà thơ lo lắng: Với một cụm di tích, một nền văn chương cổ… chúng ta có thể phục chế, sưu tầm, dịch thuật để người đời sau thưởng lãm, nghiên cứu. Nhưng hỏi nếu ngôn ngữ sống của một dân tộc mất đi, chúng ta hành xử như thế nào? Ngôn ngữ dân tộc tồn tại và phát triển qua sáng tác văn chương, nhưng hôm nay có mấy ai/còn ai làm thơ, viết văn bằng tiếng Chăm? tiếng Tày, Thái, Dao,…?
Đa phần nhà thơ người dân tộc thiểu số chú ý đến sáng tác bằng tiếng dân tộc, vẫn còn quan tâm đến đào sâu vào văn chương-ngôn ngữ dân tộc để làm giàu sang tiếng dân tộc đồng thời khai thác khía cạnh độc đáo trong ngôn ngữ dân tộc, từ đó vận dụng vào sáng tác thơ bằng tiếng phổ thông. So với đòi hỏi từ thực tiến, việc nghiên cứu mang tính chiều sâu về ngôn ngữ-văn chương dân tộc còn rất mờ nhạt. Inrasara thấy mình như một thi sĩ cô đơn, vừa hối hả lượm nhặt thứ gì còn lượm được ở ngôi nhà cũ, đồng lúc lo chạy qua ngôi nhà mới trú thân, với một ám ảnh: Liệu ngôn ngữ Chăm có tiếp tục tồn tại hay lại phải chung số phận như các ngôn ngữ khác, nối thêm tên vào bảng danh mục ảm đạm mà UNESCO đã từng cảnh báo?