Văn chương 2008: 10 tác phẩm tôi chọn, kì 2.

VĂN CHƯƠNG TIẾNG VIỆT NĂM 2008 – 10 TÁC PHẨM TÔI CHỌN
Kì 2. VĂN XUÔI
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2009/02/090226_inrasara_literature_part2.shtml

Năm 2008, nếu thơ với ưu thế thể loại – dễ thử nghiệm, dễ xuất bản, “dễ” đọc và dễ bàn – đã tạo nên sự sôi động nhất định trên văn đàn thì văn xuôi có vẻ trầm lặng hơn. Thi thoảng nó được dư luận chú ý, không bởi chính tác phẩm mà do sự cố ngoài văn chương. Trong đó, chuyện thu hồi là một. Thì vẫn là vấn đề muôn thuở của văn chương Việt Nam! Nhưng không phải vì thế mà các người viết văn xuôi đã thiếu nỗ lực thử nghiệm và khai phá.

6. Mưa mặt nạ (NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh)
“Chiều hôm ấy, gió thổi mạnh qua làng…”. Nhật Chiêu bắt đầu truyện đầu tiên của tập truyện như thế. Như muôn ngàn truyện [cổ điển hay hiện đại] khác chúng ta từng bắt gặp. Không có các tình tiết hấp dẫn liên diễn hòng lôi cuốn người đọc theo dõi truyện, không có chuyện tình lâm li làm ta xúc động đến ứa nước mắt, cả thuyết thoại dông dài về hiện thực xã hội khiến ta suy ngẫm hay suy diễn cũng không mà là: “bầu trời liên tục đổi mặt nạ của mình”. Sau đó “là một trận mưa mặt nạ”, “dân làng tranh nhau nhặt mặt nạ”, con người mua bán trao đổi mặt nạ, mang mặt nạ vào mình để “trở thành người mặt nạ” “không tài nào gỡ ra được”…
Nhưng người nhặt mặt nạ hay mặt nạ nhặt người? Tại sao người mua [mặt nạ] là bạn mà người bán cũng là bạn? Tại sao cả truyện ngắn mười bốn trang chỉ gồm toàn dấu phẩy mà chẳng xuất hiện dấu chấm nào (“Mưa mặt nạ”)? Có khi nó còn không cả dấu phẩy nữa kia (“Tiếng kêu”). Rồi, tại sao xảy ra sự thể sau mỗi câu hỏi vẫn cứ vắng mặt dấu hỏi? Có hỏi Nhật Chiêu tại sao như thế, tác giả cũng không trả lời [được]. Bởi, anh không biết, không thể biết.
“KHÔNG BIẾT” viết hoa chấm hết luôn truyện “Mưa mặt nạ”!
Truyện của Nhật Chiêu được kể theo thể cách những bài thơ, với ngôn từ và hình ảnh đẹp như thơ. Giải khu biệt hóa giữa thể loại văn xuôi và thơ, là cái mới của Mưa mặt nạ. Đó không phải thứ văn xuôi như thơ của lãng mạn hay hiện đại mà là, hậu hiện đại. Hậu hiện đại vào Việt Nam thường bị đồng hóa với dơ dáy hay thô tục, ở Nhật Chiêu ngược lại, nó vẫn sang trọng và rất đẹp. Cái đẹp mang khả tính giải ngộ nhận tệ hại đó.

7. MA NET (NXB Văn học và Cty Sách Bách Việt)
Đây là tập văn xuôi ứng dụng một số thủ pháp hậu hiện đại khác của một tác giả mới: Đặng Thân.
Từ “Vào rừng mơ” đến “Ma net” là một quá trình chuyển đổi cách viết, từ hiện đại đến hậu hiện đại. “Vào rừng mơ” được thể hiện qua lối độc thoại nội tâm, câu chuyện phát triển theo dòng ý thức với vài giọng kể khác nhau, đan xen, chồng lắp, tự phát và ngẫu hứng. Câu chuyện phát triển tiệm tiến, trật tự thứ lớp và đầy ý thức, đậm ý thức nữa là khác. Của các nhân vật trong cuộc sống hiện đại. Mối tình đầu [tưởng] khờ khạo thơ mộng hay e ấp kín đáo như lẽ thường phải thế, nhưng Đặng Thân cho nhân vật ý thức về nó, về từng chi tiết, từng biến chuyển sự thể – vô tâm đến nhẫn tâm. Cả cách kể cũng thế: ta thấy nỗ lực vượt ra khỏi lối kể truyền thống hiện thực/ lãng mạn.
Làm sao ý thức trần trụi như thế mà vẫn có thể yêu? Làm thế nào nhà văn có thể viết khi ý thức đầy mình rằng đó là chuyện nhảm, đã cũ mèm? Nhà văn hậu hiện đại có thể chế biến bất kì câu chuyện nhảm nhí nghe được ở vỉa hè, quán xá nào bất kì, như câu chuyện về bộ xương trắng hai đồng đội nam nữ treo lơ lửng trên hai ngọn xà nu cổ thụ. Tiếp nhận câu chuyện dở dang kia, Đặng Thân đã kể tiếp nó theo cách khác, bằng giọng điệu khác. Rất hậu hiện đại.
Ngồi lê đôi mách với hai bộ xương người nam và nữ quấn chặt lấy nhau còn nguyên những mảnh quần áo, thì nhảm nhí đã đành; còn dừng lại ở hài cốt liệt sĩ thì nó lãng mạn cách mạng quá. Đặng Thân cho người nữ liệt sĩ kia hóa thân làm netizen ám đời, đẩy con Ma net này tha hóa. Để cuối cùng, cho nó bị/ được hiếp bởi bậc đại sư ở “Lời cuối truyện”. Bị hiếp và được giải thoát! Đây là điểm sáng đẫm tính nhân văn của MA NET. Bởi văn chương làm gì, nếu nó thiếu mất khoảnh khắc đột biến khả năng làm trong suốt khoảng mờ đục của ý thức, đánh thức giác quan, và chuyển hóa tâm hồn.

8. Cái sân vuông và nơi thờ Phật (NXB Phương Đông)
Các tạp bút và truyện rất ngắn của Lữ xuất hiện đều đặn trên website Tiền vệ, đã gây cho tôi sự chú ý nhất định. Khi Cái sân vuông và nơi thờ Phật được in ra, tôi càng thấy nó lạ và thú vị. Tập sách mỏng, tập hợp các trang văn rời ghi chép ngẫu hứng trên hành trình đi, sống và suy ngẫm. Nó chứa rất ít sự kiện đời thực. Tâm hồn nhẹ nhàng, lời lẽ thanh thoát, tình cảm bao dung và câu văn rất đẹp. Đó là điều hiếm trong văn chương hôm nay. Tác giả được giới thiệu là một Việt kiều sống ở Hà Lan, tuổi khoảng tứ thập.
“Trên lầu thượng có một cái sân vuông, lộ thiên… Lớn lên, tôi nhận ra cuộc đời cũng là một cái sân vuông…Rồi… Trang giấy cũng là sân vuông. Tôi lại nắm cái quyền sáng tạo. Thật may thay, trên trang giấy trắng, cái sân vuông trống này, tôi đã biết học tạo dựng hạnh phúc. Tôi muốn tạo dựng hạnh phúc trên cái sân vuông”.
Khiêm cung và đầy tình yêu thương, anh muốn tạo dựng hạnh phúc nơi cái sân vuông nhỏ hẹp, trong cuộc sống, giữa trang văn. Thực tại đẹp quá, mỗi ngày là một mới lạ, mới lạ từ khuôn mặt, tiếng cười cho đến mặt trời cựa mình thức giấc mỗi sớm mai. Cuộc sống là thiêng liêng. Mỗi sinh thể là một linh thể. Con chó đang sủa gió kia hay đứa bé đang nghịch mưa này, tình nhân và thi nhân, con vi trùng hay con sâu bọ,… Tất cả!
“Sự sống mới vừa bắt đầu. Trong giờ phút linh thiêng này, em hãy tập lắng nghe. Tôi cũng đang lắng nghe vạn vật đang vươn mình thức dậy. Bầu trời thật mới và thật đẹp. Một vũ trụ vừa được sinh ra đời, em biết không? Chúng ta cũng vừa được tái sinh trở lại.”
Đọc Lữ, tôi cảm nghe như mình đang đọc những lời thì thầm trong chính tôi, phần mảnh nhân chi sơ tính bản thiện lâu nay bị khuất lấp giữa bề bộn dòng đời. Còn bạn thế nào, hãy cứ tìm đến Cái sân vuông và nơi thờ Phật của Lữ để cảo thơm lần giở và cảm nhận.

9. Chăm H’ri (NXB Văn hóa dân tộc)
Chăm H’ri tập hợp 7 truyện ngắn của Trà Vigia, tác phẩm đầu tay của tác giả Chăm sống ở vùng quê Ninh Thuận. Đề tài xoay quanh cuộc sống Chăm, được kể bằng bút pháp khá cổ điển, đan xen hiện thực và huyền thoại, thực tế và tưởng tượng.
Quá khứ xa và gần của Chăm được biết qua truyền thuyết lịch sử, huyền sử hay bởi vài mảnh sử chính thống rơi rớt lại. Phong phú, nhiều chiều, với nhiều khác biệt có khi rất trái ngược nhau. Trà Vigia ý định kể lại câu chuyện Chăm theo kiểu của mình.
Chăm hri hay Săm-ri hoặc Săm-hri, là vài cách phát âm khác nhau về hiện tượng đặc thù này. Chăm hiểu nó như loài dã nhân sống nơi rừng rú, có liên hệ mật thiết với con người. Hoặc nó là kẻ đã từ bỏ thế giới loài người vào sống trong rừng thẳm lâu ngày quên mất tiếng nói đồng loại. Nhiều huyền thoại về loài sinh vật này, thương cảm có, khiếp hãi cũng có. Trà Vigia hiểu và kể nó theo cách khác. Bắt đầu từ thao tác “truy nguyên” ngôn ngữ học.
Một câu chuyện về một hiện tượng hay sự kiện có thể làm cho hiện tượng hay sự kiện đó phong phú, đa diện và đa sắc thái. Nó là cái thêm vào, nối dài chứ không phải triệt tiêu. Chăm H’ri của Trà Vigia, ngược lại, có khả năng đưa huyền thoại cũ vào hậu trường lịch sử. Đúng hơn, hậu trường của nhận thức về lịch sử.
Chăm H’ri qua cách hiểu “sai” của Chăm lâu nay, là một “huyền thoại”. Câu chuyện Chăm H’ri của Trà cũng trở thành huyền thoại, chắc thế. Nhưng nó hết còn gây khiếp hãi mà tạo mối thương cảm. Như câu chuyện về “Người đi tìm linh hồn”, “Vương miện của vị vua cuối cùng” của anh. Người ta có thể không tin, riêng tôi, qua kinh nghiệm riêng, tôi tin vào câu chuyện kể của Trà Vigia. Ít ra, còn hơn là về hiện tượng Chăm H’ri “thật”, được khảo cứu cẩn thận, bài bản tưởng khách quan nhưng đầy tính hư cấu. Một thứ hư cấu trá hình.
Chăm H’ri không chỉ có mỗi huyền thoại “Chăm H’ri”, mà còn có mặt nhiều huyền thoại khác được bút lực của Trà Vigia đánh thức qua từng câu chuyện kể, hư hư thực thực, ở một xứ sở và từ một nền văn minh quen mà lạ.

10. Thời của Thánh Thần (NXB Hội Nhà văn)
Thời của Thánh Thần là một tác phẩm lớn. Lớn ở độ dày: 650 trang in chia làm hai phần với 29 chương; lớn về tầm khái quát lịch sử trong thời gian dài: gần cả thế kỉ đầy biến động của lịch sử Việt Nam với bao vấn đề nhức nhói của nó. Vẫn chưa là gì cả, nhiều tác giả cũng đã làm được chuyện đó. Ở đây, điều đáng nói là Hoàng Minh Tường đã dũng cảm động cập đến các đề tài cực kì nhạy cảm: vết thương cải cách ruộng đất, cuộc đấu một chiều chống Nhân văn Giai phẩm, chống tư tưởng Xét lại, vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc trong thời kì “diễn biến hòa bình”…Động cập thẳng thừng và không tránh né. Chính điều đó chăng mà đã xảy ra sự cố thu hồi và [sau đó là quyết định] miễn thu hồi tác phẩm!
Loạt sự kiện lịch sử và vấn đề xã hội kia lộ bày sinh động qua thân phận khác nhau của bốn anh em trong một gia đình nông dân có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng. Sau Cách mạng tháng Tám, người trở thành cán bộ lãnh đạo làm lịch sử, kẻ ở lại quê nhà trong thân phận nông dân thuần phác chịu đựng lịch sử; cũng chịu đựng lịch sử nhưng ở góc độ khác – bạo liệt và oan khuất hơn, là nhà thơ bị quy vào nhóm phản cách mạng; cuối cùng là kẻ di cư vào Nam rồi di tản sang Mỹ. Họ là bốn anh em nhà họ Nguyễn Kì.
Rồi là những con người liên quan với những mối quan hệ chằng chịt, những trận đấu đá quyết liệt, những cuộc tình ngang trái, tất cả tạo nên bức tranh lịch sử xã hội đau thương và sôi động qua ngòi bút không thể nói là không tài hoa của Hoàng Minh Tường.

Nên cho dẫu mô típ tiểu thuyết vẫn là mô típ thường thấy ở các tiểu thuyết sử thi cũ, trong nước lẫn thế giới. Cả bút pháp cũng thế. Nhưng dù gì thì gì, Thời của Thánh Thần là một tác phẩm rất đáng đọc.

Khác
Nhìn từ góc độ này, người đọc cũng không thể bỏ qua Biển và chim bói cá (NXB Hội Nhà Văn và Cty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam) của Bùi Ngọc Tấn.

Sài Gòn, 17-2-2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *