Các thông tin lai rai về Inrasara

Các thông tin lai rai về Inrasara ở Hội thảo lí luận – phê bình tạo Đồ Sơn mùa hè 2006.

Inrasara.com đăng lại đọc vui.

Baodientu ĐCS, 6.10.2006
…..
Nhà thơ Inrasara

Trong Hội nghị có những tham luận lạ, nghiêm túc, tuy vậy cũng có một số hơi đơn giản, mặc dù người viết rất tâm huyết với vấn đề mình nêu ra nhưng nó lại không có gì mới đối với quan niệm về phê bình là lý luận. Vẫn cái cũ lặp lại nhiều và nếu người ta có đề nghị cái mới thì tôi cũng không nhận thấy sự cụ thể và rõ ràng. Theo tôi, Hội thảo nên tập trung khai thác nhiều vấn đề mới hơn nữa trong lý luận văn học.

Riêng quan niệm của cá nhân tôi, tôi phê bình theo cách “không bắt sâu, không thưởng hoa”. Phê bình “thưởng hoa” tức là chỉ nói cái đẹp, còn phê bình “bắt sâu” lại nhăm nhăm tìm thấy cái xấu, cái tồi của đối tượng phê bình. Cách phê bình của tôi là “lập biên bản” – tức là khi tồn tại một hiện tượng văn chương, mình chấp nhận nó, khám phá nó, nói được thông tin triết học của nó… Mặt khác, tôi nghĩ nhà phê bình nên giữ một khoảng cách cần thiết đối với đối tượng. Ví dụ, nếu mình quá thân thiết, gắn bó với một nhà văn, nhà thơ nào đó thì việc “chê” tác tác phẩm của họ quả không dễ. Tôi coi đó là “chưa đủ cô đơn trong phê bình”. Nói chung, về lý luận phê bình hiện nay còn rất nhiều điều có thể trao đổi. Tôi hi vọng vào các cuộc hội thảo chuyên sâu sau hội nghị sẽ tiếp tục bàn luận về nhiều vấn đề mới trong phê bình.

Nguoilaodong, 17-10-2006
Nhà thơ Inrasara không thích đi thang máy.

Kết thúc cuộc họp, một số phóng viên đề nghị phỏng vấn nhà thơ, ông đồng ý và dẫn lên phòng. Ông nhảy nhanh như sóc lên cầu thang, mọi người chạy theo, tưởng ông ở tầng 3 nhưng không phải, lại tưởng ở tầng 4, cũng không phải… Hóa ra ông ở tầng 6. Nhà thơ không nói trước, làm phóng viên chạy theo mỏi cả chân mà thang máy ở ngay đấy.

Vannghetre,
Lê Thiếu Nhơn trả lời phỏng vấn

– Anh nghĩ sao về khẳng định của nhà thơ Inrasara (cũng tại Hội thảo trên) rằng: Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần?

– À, nhà thơ Inrasara rất vui tính, anh ấy có thói quen hấp dẫn là hay đùa với những vấn đề nghe có vẻ to tát. Chứ trí tuệ của anh ấy thì kinh lắm, anh ấy thừa trí tuệ để biết cách mạng thơ cũng có tầm vóc lớn nhỏ khác nhau.
Dù anh ấy tế nhị không nói ra, nhưng nhìn thái độ đăng đàn diễn thuyết vô cùng nhiệt tình của anh ấy ở Hội thảo Thơ, thì tôi dám chắc rằng anh ấy đã nhận ra sự thật đơn giản: thơ Inrasara đã khác thơ thế hệ trước anh, và thơ tôi cũng đã khác thơ Inrasara về tư duy thẩm mỹ, về thái độ sống và phần nào về cách biểu đạt. Theo đánh giá hơi hồn nhiên của tôi thì một cuộc “cách mạng vũ trang” cũng cần có sự chuẩn bị và bồi đắp, chứ đừng nói một “cuộc cách mạng thơ”!

Hữu Việt
báo Tiền phong chủ nhật, 15-10-2006.

…..
Thay vì đọc một bản tham luận viết sẵn “Văn chương ngoại vi/văn chương trung tâm” nhà thơ Inrasara đã tranh luận trực tiếp với những luận điểm đưa ra trước đó.
– Phê bình lâu nay bị coi là nô bộc của sáng tác. Nói lý thuyết đi sau sáng tạo, tôi không đồng ý. Theo tôi nó đi trước, hoặc ít nhất cũng đồng hành với sáng tạo.
– Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho rằng trong văn chương đừng lệ thuộc, trói mình vào bất cứ “chủ nghĩa” (được hiểu như một thuật ngữ văn nghệ) và “phương pháp” nào hết; như thế nhà văn có thể dùng “vô chiêu thắng hữu chiêu”, cả những chiêu thức chợt đến trong tâm thức sáng tạo của mình. Inrasara ngược lại, cho rằng nhà văn rất cần chủ nghĩa. Khi người ta nói một chủ nghĩa nào đó bị vứt vào sọt rác, thì không có nghĩa nó nằm trong nghĩa trang. Nó sẽ tiếp tục tồn tại dưới dạng những làn sóng khác.
“Nhà văn chỉ không cần chủ nghĩa nếu họ lệ thuộc vào chủ nghĩa đó.”
– Đáp lại lời của Hoàng Hưng “hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thẩm định của người đọc hôm nay”, Inrasara lại nói “Tôi không tin”, và tự lý giải một cách khá thuyết phục “Vì người đọc của chúng ta ít được đào tạo. Các trường phái văn học tiên tiến, các sáng tác mới, sáng tác thử nghiệm, hậu hiện đại, tân hình thức,… nhiều người đọc không thể hiểu được vì họ chưa được chuẩn bị”. Rồi và còn do “gu” thưởng thức khác nhau nữa, nên người đọc không tiếp nhận được.
Tuy nhiên ông cũng đưa ra một lời khuyên chí lý, đó là “dù không tiếp nhận thì cũng không được loại trừ lẫn nhau. Thái độ này tôi thấy có trong chúng ta thời gian vừa qua.”
(Thái độ của một số bậc “lão làng” với các nhà văn, nhà thơ trẻ và giữa những người viết trẻ với nhau). Ông kêu gọi : “Hãy để những người trẻ tự do lựa chọn nhau, nhưng trước hết hãy trang bị cho họ những tri thức mới của các nền văn học tiên tiến”.

Phongdiep.net
Thơ trẻ: quậy phá và… bế tắc?
Tuấn Phong

Inrasara nhận định:
Cách đây dăm năm, “hiện tượng Vi Thùy Linh” làm văn đàn xôn xao; báo chí tốn không ít giấy mực cho các cuộc tranh luận khen chê, thậm chí có lúc đến mức căng thẳng. Cái kiểu “Khỏa thân trong chăn/Thèm chồng” hay “tê giác một sừng” của Linh khiến các nhà đạo đức lẫn các nhà thơ “truyền thống” sôi lên sùng sục. Còn giờ đây, thơ của Linh đã trở nên lạc hậu về “độ táo bạo” về độ quậy phá so với các cây bút 8X xuất hiện sau đó.
Hãy thử đọc một bài thơ tương đối “hiền lành” xuất hiện thời điểm hiện nay:

Rướn cong mùa chín mọng trong đêm
Chờ một linh tín để hân hoan giờ khai mở,
Dưới em là rầm rì cỏ mềm
Và những phôi mầm phập phồng cố nén cơn phấn khích
trong viễn tượng đồng loạt đội lên

Và rồi êm lịm
hơi thở phủ xuống em
Giấc mơ khoan thai bay đến
khe rãnh róc rách khơi chảy
Cơn gió hoang phiêu mát lạnh trườn ngược lên đỉnh đồi…

(“Đỉnh hoa”, Phương Lan)

Nhà thơ Inrasara nhận xét: “Các bạn thơ nữ thời đại toàn cầu hóa quyết tháo tung cương ngựa non mà kỉ cương cũ [toan] buộc ràng chúng, cho chúng mặc sức tung vó, hí vang. Không còn kiêng nể gì nữa, sex hay không sex, bản năng hay không bản năng, truyền thống với định kiến xã hội: bất chấp tất! Họ thể hiện mình, phơi mở và phô bày cái Tôi chủ quan của mình, không che giấu. Không cần qua trung gian ẩn dụ hay nhờ cậy sự đánh tráo của ngôn ngữ để gợi mà: trực tiếp, đẩy tới, nâng cao, phóng đại. Từ tâm tình, thái độ hay cả hành cử của thân xác trong sinh hoạt dục tính. Ngay cách xuất hiện của họ cũng đúng a-la-mốt của cư dân mạng: họ chọn Tienve hay eVan để kí sinh thơ.”
Một nhóm thơ khá “um tùm” trong Nam là Mở Miệng. Trên eVăn.vnexpress.net năm 2004 đã giới thiệu về họ thế này: “Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn… Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)… và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”
Về ngôn ngữ, nhóm thơ này từ bỏ lối “lựa chữ” quen thuộc. Họ chẳng ngai ngần dùng lời nói hàng ngày của người hẻm phố, hơn nữa – tầng lớp dưới đáy xã hội, không qua sàng lọc của ý thức “sáng tạo”. Không có từ nào gọi là thô thiển hay sang trọng, dơ hay sạch, xấu hay đẹp ở đây. Tất cả đều bình đẳng trong ý thức/vô thức của người viết. Chúng hiện hữu trong cuộc sống, và thi sĩ xử sự bình đẳng với chúng. Bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng với lối phát chuẩn.

Không jì có thể đoạt tôi từ những bàn tay
cái nhìn không tương xứng lăm ngón
jữa con mắt fải và chái
không fải cái mũi thò nò xanh
thế jới lày không thể bóp tôi
những hình ảnh cũ thay đổi tôi như mới
thái độ nên cầu ngồi xổm để jơi một vật jưới lước

không muốn hắc xì với đám đông
tôi nà cái thai chong bụng người con gái tôi yêu

(“Hiện chạng”, trong Xáo chộn chong ngày, Bùi Chát)

Tự cao ngạo cho rằng mình không làm thơ nhưng thực tế nhóm này vẫn viết đều, một thứ thơ-phản thơ; Có người cho đó là thơ rác. Bản thân những thành viên trong nhóm thì cho rằng những gì họ viết ra hòng đòi xóa bỏ ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Trả thơ và người làm thơ về vị trí xuất phát ban đầu, nguyên thủy hơn: nhà thơ là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát-kể khắp ngõ thôn, góc phố; và, thơ không là gì hơn những lời hát rong ấy. Đồng thời tiếp cận tinh thần thời đại: thơ là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác, trong đời sống hiện đại.
Cũng theo nhà thơ Inrasara trong bài Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn: “Nhìn từ cuộc khủng hoảng, Nhóm Mở miệng, nếu chưa “đóng góp” vào tiến trình thúc đẩy thơ Việt đi tới, ít ra lần nữa nó buộc chúng ta nhận thức lại về thơ ca. Hiện tượng làn sóng thơ trẻ cực đoan về quan điểm văn hóa thơ: tuyên bố phá bỏ truyền thống, nó đòi hỏi ta nhìn truyền thống như một thực thể sinh động chứ không là cái kho báu cho ta khư khư ôm lấy hay gánh nặng để ta còng lưng mang vác; cấp tiến ở thái độ nhìn nhận sự tồn tại của văn bản văn chương: từ đó ta xét thơ có thể tồn tại bằng nhiều dạng thức chứ không riêng gì trên trang báo hay tập sách; bình đẳng ở ý hướng đặt thơ đứng ngang hàng với bộ môn nghệ thuật lẫn các loại hàng tiêu dùng khác, chứ không là sản phẩm đặc biệt gì; dân chủ trong ứng xử ngôn ngữ, nó làm phong phú vốn từ “văn học” của chúng ta. Đã làm ta giật mình.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *