Inrasara tên thật là Phú Trạm. Anh sinh năm 1957 tại Ninh Thuận. Hiện tại anh sống ở TP Hồ Chí Minh và là người viết tự do. Inrasara từng đoạt nhiểu giải thưởng văn học trong nước và 2 giải thưởng quốc tế (giải thưởng Văn học ASEAN 2005 và giải của Trung tâm lịch sử và văn minh Đông Dương thuộc Đại học Sorbonne trao cho công trình: Văn học Chăm.
*
Trên tấm card mà Sara đưa tôi có ghi “Tôi còn buồn là tôi còn sống/ tôi còn viết là tôi còn yêu/ tôi hết yêu là tôi đã chết”. Và có lẽ, chính cái tư tưởng ấy đã dẫn Sara đến với cả ngàn chuyến di dời trong cuộc đời. Sara đi để được yêu, để được sống, để viết và để làm những điều mà chưa từng có người Chăm nào làm được.
Gã trai cày lãng tử
Inrasara từng được xem là một “hiện tượng” khi anh vừa xuất hiện trên thi đàn (1996) thì tập thơ đầu tay Tháp nắng, tập thơ đã đoạt một giải thưởng lớn của Hội Nhà Văn. So “tuổi nghề” văn chương, Sara được coi là một cây bút trẻ. Sau khi ra mắt công chúng, cây bút trẻ Sara liên tục giành được nhiều giải thưởng lớn của Hội Nhà văn và Hội văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Và anh thực sự gây “sốc” cho giới văn sĩ và công chúng trong nước khi vào năm 2005 bất ngờ giành giải thưởng Văn học các nước ASEAN. Có lẽ, chính vì sự thành công dồn dập ấy khiến nhiều người từng gặp Inrasara có nhận xét đó là một gã kiêu ngạo. “Kiêu” cũng phải, bởi trên đất nước Việt Nam có được mấy ai chạm tới được giải thưởng Văn học danh giá ấy.
Gặp Sara trong trận lụt lịch sử của Hà Nội khi anh ra dự Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, anh cười và tự nhận với tôi: “Mình chỉ là một thợ cày”. Tôi nghĩ Sara đùa! Chuyện trò với anh hồi lâu tôi mới vỡ lẽ ra, Sara là một thợ cày thực thụ – “Cày” theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Sinh ra trong một gia đình có đến mấy đời làm nông, năm 15 tuổi Sara lại bắt đầu làm thơ và tỏ ra “nặng lòng” với nền văn hoá dân tộc quê nhà. Bước vào giảng đường Đại học, Sara tự nhận mình “là một gã hoang tưởng nặng” khi mang theo một vali đầy sách và hàng trăm bản chép tay những văn phẩm Chăm. Hoá ra, trước khi làm sinh viên, Sara đã rong ruổi khắp chốn cùng quê của những làng Chăm Ninh Thuận để sưu tầm các văn phẩm cổ của người Chăm. Rồi chẳng hiểu sao, mới chỉ học được hơn một năm, “gã hoang tưởng” bỗng bỏ học trước sự tiếc nuối của bao người bởi lý do mà hắn đưa ra là để về quê đi cày. Nhưng hắn đi cày thật. Về đến làng là hắn đi cày thuê liền. Sara bảo với tôi: “Một năm thì mình cày cả 365 ngày. Cày chỉ để lấy tiền mua sách”. Một ngày cày được trả 12.000 đồng. Lúc ấy, sách cũ chỉ khoảng 1000 đồng mỗi quyển. Có thời gian, Ban biên soạn sách chữ Chăm của tỉnh mời lên làm việc. Được vài năm, Sara lại bỏ về quê. Lại cày lấy tiền sống và viết. Ngoài tiền mua sách, dành dụm được đồng nào là Sara lại nay đây mai đó để sưu tầm những thứ mà ai cũng cho là gàn dở. Chỉ tội nghiệp cho cha mẹ và anh em của gã bởi gần như bao giờ có người gọi thì Sara mới ghé về nhà. Nhưng mỗi lần “hồi gia” là gã lại mang theo hàng đống sách khiến mẹ gã chỉ biết thở ngắn than dài vì nhà quá nhiều sách mà chẳng hiểu để làm gì. Và đó chính là “nguyên nhân” để đến giờ gã có thể sở hữu một kho sách khổng lồ lên tới non vạn cuốn.
Để sống, để đi, để viết, Sara tiếp tục “cày”. Gã không chỉ “cày” với cái cày đằng sau con trâu mà còn “cày” với nhiều nghề khác. Thiên hạ cũng chẳng hiểu sao gã lại chọn lắm nghề đến thế, để “nuôi” việc viết, từ trồng nho, hắn chuyển sang làm kế toán, rồi buôn bán, có lúc lại làm thú y,… và có lẽ cuối cùng là nghề dệt. Chính những kiểu “cày” ấy mà đến giờ, “gã hoang tưởng” đã cho ra đời đến mấy chục cuốn sách với hàng ngàn bài thơ, tiểu luận phê bình văn học và công trình nghiên cứu văn hoá Chăm mà sau mấy chục năm ấp ủ mới cho ra mắt công chúng. Sara bảo với tôi “Mình cũng chẳng nhớ nổi là đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm nữa”. Có lẽ, Sara không muốn đưa ra con số chính xác nào vì anh sẽ còn sáng tác đến khi nào không thể.
Những điều chưa có người dân tộc thiểu số nào làm
Có lẽ một trong những “món quà” lớn nhất mà Sara được Trời ban là lấy được một vũ nữ Chăm làm vợ – chị Hani, đẹp người đẹp nết lại tháo vác. Người ta luôn thấy chị bên cạnh Sara trong những cuộc hội ngộ quan trọng của anh. Sara tâm sự: “ Trong chuyến đi nhận giải thưởng năm 2005 tại Thái Lan, Hani khiến mình rất tự hào. Không chỉ chăm sóc mình mà Hani còn giúp mình rất nhiều trong việc giao tiếp nhờ vốn tiếng Pháp thông thạo của cô ấy”. Có lẽ hiếm có người phụ nữ Chăm nào lại vẹn toàn đến thế. Không chỉ chiều theo những ý tưởng “quái gở” của chồng mà chị còn có nhiều năm ròng vật lộn cùng anh để hai khái niệm sống và viết của anh luôn song hành thuận lợi. Và vì vậy mà hình bóng của người đẹp này dường như đã theo sát cuộc trò chuyện của tôi và Sara. Khi tôi hỏi về cuốn tạp chí Tagalau do anh làm chủ biên và tự bỏ tiền và nhờ bạn bè hỗ trợ in, anh bảo: “Trung bình mỗi số mình lỗ 8 triệu. Nhưng may, có vợ mình là tài trợ chính”.
Tagalau (Bằng lăng) mỗi năm ra từ 1 đến 2 số tuỳ theo nguồn kinh phí và lượng bài vở. Sara đang chuẩn bị cho xuất bản số thứ 10. Mỗi số anh cho in 1000 cuốn nhưng mỗi lần in thì anh chỉ bán được 200 cuốn, còn lại là dành làm quà biếu, tặng. Lý do để làm cuốn tạp chí này là anh luôn trăn trở bởi trong cộng đồng người Chăm có rất nhiều người sáng tác nhưng không có điều kiện để in. Anh “lỗ hoài” với cuốn tạp chí này nhưng phần “được” của anh chính là tạo một diễn đàn để các cây viết Chăm có thể thể hiện và đây chính là tiếng nói của đồng bào Chăm với cuộc sống. Cuốn tạp chí này được Sara in dưới sự tài trợ chính từ Công ty TNHH Inrahani, doanh nghiệp dệt thổ cẩm Chăm duy nhất ở Ninh Thuận do anh tạo dựng, nay giao hoàn toàn cho chị Hani quản lý. Sara cũng muốn bàn giao tạp chí cho thế hệ trẻ tiếp tục làm nhưng chưa có người đảm nhận được. Theo Sara thì người kế tục để Tagalau có thể “sống” được cần phải có đủ năng lực về chuyên môn, lại phải có đủ uy tín để thu hút được bài viết lại phải vừa vô tư, không vị lợi. Tôi đồ rằng, đến cuối đời Sara cũng chẳng tìm được người nào như thế bởi trong cộng đồng các dân tộc thiểu số thì đến giờ mới có mình Sara làm được điều đó.
Tagalau mới chỉ là một phần nhỏ trong số quà mà Sara dành tặng cuộc đời. Anh cho biết vừa cho khai trương một Thư viện và nhà trưng bày INRA 400m2 tại nhà mình ở Caklaing – Phan Rang. Đây được xem là “điểm đến” của bất cứ du khách nào ghé thăm Ninh Thuận. Bên cạnh “bảo tàng” trưng bày sản phẩm văn hóa Chăm, là thư viện cùng 20 loại báo bố trí trong không gian một quán càphê đẹp, ngoài ra còn có khu dệt và bán sản phẩm thổ cẩm. Tại đây, người ta vừa được chiêm ngưỡng xe trâu (hiện Việt Nam chỉ còn 3 chiếc) của người Chăm, vừa được xem sách cổ viết trên lá buông lại vừa có thể tham khảo hơn 3.000 cuốn sách khác. Khác với Bảo tàng tỉnh mở cửa đúng ngày giờ và đồng bào ít cơ hội thăm viếng, Nhà trưng bày này là một không gian mở, ngày nào cũng nườm nượp khách đến thăm.
Xót của hộ… Nhà nước
Sara cho biết, việc anh cho ra đời Tagalau hay Nhà trưng bày là hoàn toàn không có đồng xu nào của công. Anh làm vậy chỉ bởi anh thấy mình vui khi đã góp được phần nào đó trong việc bảo tồn và giới thiệu văn hoá dân tộc. Anh bảo với tôi nếu Nhà nước có cho tiền nhiều anh cũng không làm vì nơi nào mà có nhiều tiền của công thì thế nào cũng lại có nhiều chuyện. Anh bỗng tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc tới chuyện tiền Nhà nước. Anh so sánh với việc khi anh tổ chức chương trình Bàn tròn văn chương – một chương trình rất thành công và và được nhiều người đánh giá là mang lại những hiêu quả thiết thực. Mỗi kì Bàn tròn, có đến dăm bảy chục người tham dự nhưng cũng chỉ được cấp 250.000đồng. Thuê hội trường đã mất 100.000, còn lại là mỗi thành viên được một li… trà đá! Khác với vài hội thảo vô bổ nhưng tiêu tốn tiền dân cả trăm triệu.
Vấn đề khác, Sara bảo: “Văn chương của ta đang lạc hậu. Phê bình cũng chẳng hơn gì. Hôm nay có ai cầm trên tay cuốn phê bình mà có thể nhận diện được khuôn mặt văn học một thời đoạn, dù ngắn. Như thơ thời đổi mới chẳng hạn. Trong lúc Hoài Thanh đã làm được như thế, khi Thơ Mới chưa kết thúc? Chúng ta cứ sợ cái mới. Hội Nhà văn với non ngàn hội viên để làm gì? Văn chương mạng hay trào lưu hậu hiện đại đang xảy ra, nhưng Hội vẫn chưa có hội thảo hay bàn tròn để bàn về nó. Ngay cả tờ báo của Hội là Văn nghệ cũng đang rất lạc hậu. Thử hỏi sinh viên văn chương đọc gì ở khi cầm tờ báo trên tay? Rất ít cái mới. Theo Sara, tờ Văn nghệ nên cho đăng tải về những trào lưu văn chương và các sáng tác mới đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Điều này sẽ giúp các nhà văn trong nước tự biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Cả các sáng tác mới trong nước nữa. Sara đưa ra quan điểm: “Đừng sợ những tác phẩm mới dở. Có dở thì mới có hay được! Chúng ta cần có những nhà phê bình đứng ở hệ mỹ học đương đại để đánh giá vấn đề của văn chương đương đại”.
Sara cho rằng, sự quan tâm của Nhà nước với các hoạt động văn hoá nói chung chưa thật sự “đúng” và “trúng”. Với văn hoá Chăm cũng vậy! Trong cộng đồng Chăm luôn có những người yêu văn hoá Chăm nhưng cũng như nhiều dân tộc khác, không gian văn hoá Chăm đang dần bị phá vỡ. Nhạc Chăm là một điển hình. Nhạc Chăm không chỉ đóng vai trò quan trọng với người Chăm mà nó còn có ý nghĩa khá sâu sắc với công chúng yêu nhạc nói chung. Ấy vậy mà, việc nghiên cứu về nhạc Chăm lại chẳng mấy được quan tâm. Ngoài vài công trình nghiên cứu lẻ tẻ thì đến giờ cũng chẳng có cuốn sách nào nghiên cứu một cách có hệ thống về lĩnh vực này.
Chia tay tôi, chia tay Hà Nội, Sara lại tất tả lên máy bay về Sài Gòn chuẩn bị cho chuyến đi miền Trung sắp tới. Tôi cũng chẳng rõ, đến khi nào Sara sẽ “chùn chân, mỏi gối”, chỉ biết rằng, anh sẽ còn đi, còn viết và chưa khi nào có ý định dừng bút…
*
Báo Gia đình & xã hội cuối tuần, 16-11-2008.