Tham luận tại Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại,
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008.
Nhập lưu 2. Gõ cửa.
B. Mở…
Dị ứng và gây dị ứng
Gần mươi năm qua, từ khi “chủ nghĩa hậu hiện đại” (postmodernism) xuất hiện trong thế giới chữ nghĩa Việt Nam, nó đã gây dị ứng không ít từ nhiều phía và kéo dài hơi… lâu.
Dị ứng đầu tiên phát sinh từ não trạng sợ hãi cái mới, là điều khó tránh; tiếp: từ nỗi lo sợ bị mất giá (hư danh) hay mất ghế. Từ đó, ta thấy có những phản ứng tiêu cực đến phản [chuyển] động. Là hai chuyện không bàn ở đây.
Dị ứng khác đến từ tinh thần bảo thủ luôn chống lại cái gì đến từ ngoài, nhất là từ phương Tây. Không lạ, khi từ “học đòi”, “lai căng” ưa được mang ra để phản bác hậu hiện đại. Làm như ta chưa từng học [đòi] Đường luật Trung Hoa muộn ba thế kỉ, học [đòi] lãng mạn Pháp trễ gần trăm năm! Làm như Xuân Diệu được cho là “ông hoàng Thơ Mới” trước đó chưa từng bị chụp cho mũ “lai căng”. Làm như ông hoàng này chưa đầy mười năm sau đó đã chẳng từng chê thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng!
Đã đành!
Nhưng lạ, ngay những người có xu hướng ủng hộ cái mới cũng mang mặc cảm dị ứng [hay] lây. Nỗi này xuất phát từ bản thân người đọc chưa nắm tinh thần hậu hiện đại, nhất là khi một số nhà phê bình vẫn còn chưa thật tự tin khi bàn về hậu hiện đại, khiến dư luận cứ lưỡng lự, muốn xa lánh trào lưu văn chương này. Còn đinh ninh rằng thơ chỉ có thể cảm mà không cần hiểu là chuyện từ thế kỉ XIX thế giới văn học đã bỏ ngoài tai.
Phía người viết, bởi mới tiếp nhận sơ sài hậu hiện đại [và cả bất tài nữa], đã vội [học đòi] sáng tạo rồi vội vã ném ra ngoài mưa gió cuộc đời “đứa con tinh thần” èo uột của mình. Thế là vài nhà phê bình [cũng vội vàng không kém chộp lấy và] trưng ra mấy bài thơ “hậu hiện đại” nhem nhuốc kia rồi kêu đích thị hậu hiện đại nó là như thế như thế, càng gây hồ nghi cho công chúng độc giả hơn.
Làm như Thơ Mới chưa từng đẻ ra 99 bài dở và trung bình để Hoài Thanh chỉ chọn ra được một bài hay (nếu chúng ta tin tuyệt đối nhà phê bình này)? Thử hỏi, nếu cơ chế xuất bản của chế độ thực dân Pháp [tin nghe các bác nhà nho] cấm đăng Thơ Mới các loại thì hôm nay ta có được Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Bích Khê,… không?
Tạm sơ khởi nêu vài nguyên nhân thế.
Vài nét về lịch sử
Nếu chủ nghĩa hiện đại (modernism) xuất hiện ở thời điểm cuối của thời kì hiện đại mà cao điểm của nó kéo dài từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thập niên bốn mươi, hay ngắn hơn: 1910-1930 (Mary Klages) và kết thúc vào đầu thập niên sáu mươi, thì chủ nghĩa hậu hiện đại gần như có mặt cùng lúc với thời kì hậu hiện đại (postmodernity). Ở đó, năm 1972, khi những cao ốc nổi tiếng được xây từ những năm năm mươi tại thành phố St.Louis, Missouri thuộc miền Trung Tây Hoa Kì – biểu tượng cho kiến trúc hiện đại – bị giật sập, là thời điểm được xem là cột mốc tượng trưng đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Từ đó, hậu hiện đại trở thành một trào lưu văn hóa rộng lớn không thể cưỡng, tác động rộng rãi đến nhiều lãnh vực: văn học-nghệ thuật, chính trị-xã hội,… Nó nhanh chóng bắt tay với người anh em như hậu cấu trúc luận, nữ quyền luận và đặc biệt, hậu thực dân luận, lan truyền ra khắp thế giới. Từ châu Âu, châu Úc cho đến châu Mĩ Latin và cả châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,…
Tại Hoa Kì, năm 1994, Paul Hoover tuyên bố: “Thơ hậu hiện đại là thơ tiên phong của thời đại chúng ta”, chính nó trao cơ hội cho Mĩ có được “nền thơ dũng cảm nhất của mình”. Ở Nga, “chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một hiện tượng sống động duy nhất trong tiến trình văn học” (V. Kuritzyn, 1992). Vào đầu những năm tám mươi, nó như một cơn sốt. Cơn sốt lại bùng lên vào cuối những năm tám mươi rồi chuyển sang Trung quốc. Năm 1994, “Hội thảo khoa học quốc tế văn học đương đại Trung quốc và văn hóa hậu hiện đại” lần đầu tiên khai mạc tại Bắc Kinh càng làm cho chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành “điểm nóng” trên văn đàn (Hoàng Vĩ Tông, 1998), và cả trong giới đại học.
Trên thế giới, các tên tuổi nhà văn lẫy lừng là đại biểu hậu hiện đại: Italo Calvino, Umberto Eco,… Trong đó lực lượng tác giả xuất thân từ các quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba góp mặt đông đảo: Julio Cortázar và Manuel Puig (Argentina), John M.Coetzee (Nam Phi), Mario Vargas Llosa và Alfredo Bryce Echenique (Peru), Carlos Fuentes (Mexico), Nuruddin Farah (Somalia), Abdelkebir Khatibi và Tahar Ben Jelloun (Moroc), v.v….
Đứng trước trào lưu như là một xu thế chung mang tính toàn cầu ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài. Dù chậm, nhưng ngay từ đầu thế kỉ XXI, các nhà phê bình và dịch thuật ta cũng kịp đã giới thiệu lí thuyết văn nghệ này đến với người đọc. Vài tên tuổi: Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Tấn Hải,…
Cảm thức hậu hiện đại (postmodern sensibility)
Khi nhìn nhận mọi ý niệm về thực tại chỉ là phái sinh từ vô số hệ thống đại diện của mỗi cá nhân, các nhà hậu hiện đại hoài nghi toàn triệt đối với đại tự sự và siêu tự sự (metanarrative). Họ xem chúng không gì hơn là hệ thống lí thuyết tham vọng thâu tóm thế giới đa tạp vào một số luận điểm rạch ròi, hay “những câu chuyện mà một nền văn hóa tường thuật những thực tiễn và những niềm tin của chính nó”. Suốt chiều dài lịch sử, đã không ít lần con người đẩy nó lên cấp độ cao hơn nữa để biến chúng thành những huyền thoại! Huyền thoại này mang ở tự thân sự bạo động, chúng thao túng cuộc sống con người, khiến họ ngày càng chìm sâu hơn trong nỗi vong thân mà không tự biết.
Cảm thức thế giới như hỗn độn, hậu hiện đại bất tín nhận thức, từ đó quyết liệt chống lại đại tự sự (grand narratives, grands récits). Họ tin rằng mọi “nỗ lực khôi phục trật tự đẳng cấp, hoặc những hệ thống ưu tiên nào đó trong cuộc sống, đều vô ích và không thể thực hiện được” (I.P.Ilin). Nhận thức thế giới của con người luôn là nhận thức đầy thiếu khuyết. Nói một cách hình ảnh, với thế giới, chúng ta muôn đời làm thứ ếch ngồi đáy giếng.
Khác hơn, tri thức chỉ là một hiện tượng, được diễn dịch một cách chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ (discourse), hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Nó không gì hơn một trò chơi ngôn ngữ. Trong lúc ngôn ngữ như một phương tiện đạt đến “chân lí” cũng không đáng tin cậy nữa. Cứ xem Heidegger quan niệm về / các Thiền sư ứng xử với ngôn ngữ thế nào cũng đủ biết.
Phi đại tự sự xem trọng yếu tố cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa khẳng định vai trò ngoại vi là đặc điểm dân chủ mới của hậu hiện đại. Nó tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nhau, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, nữ, da màu, phi phương Tây, ngôn ngữ nhược tiểu, nền văn học “ngoại vi”,…
Nên có thể nói, hậu hiện đại là chủ nghĩa đa nguyên văn hóa. Việt Nam tiếp nhận hậu hiện đại thì được thêm chứ không mất gì cả. Và, nếu không tiếp nhận ngay từ hôm nay, tôi e rằng chúng ta tiếp tục chương trình làm kẻ trễ tàu thời đại!
Hậu hiện đại gặp gỡ phương Đông
Ngay từ thế kỉ XIX, khi khám phá thấy các hệ thống triết học (siêu hình học) từ Socrate đến Hegel đều sai lầm, Nietzsche quyết lật đổ mọi giá trị để thiết lập bảng giá trị mới. Nhưng lật ngược siêu hình học vẫn là một siêu hình học (Heidegger). Giá trị mới vẫn cứ là “giá trị”. Vì siêu hình học được xây dựng trên nền tảng tư tưởng [bằng] biểu tượng (representational thought), nên mọi siêu hình học đều vừa là nhân đồng thời là quả của tinh thần đại tự sự.
Tiếp bước nhưng khác Nietzsche, Heidegger nỗ lực đưa tư tưởng vượt qua siêu hình học, nghĩa là tư tưởng mà không tiền tưởng. Đây là sự kiện xảy ra lần đầu tiên trong truyền thống triết học Tây phương, trong đó cuộc gặp gỡ giữa ông và Suzuki vào giữa thế kỉ XX mang ý nghĩa biểu trưng. Nó báo hiệu một đối thoại giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương. Hầu hết các mệnh đề trọng yếu nhất của hậu hiện đại đều được tìm thấy trong tư tưởng Krishnamurti và Phật giáo Thiền tông.
Thế nhưng, dẫu sao đi nữa, thái độ chối bỏ giải trình ngôn ngữ (discourse), “sự không tin vào những siêu truyện (metanarrative) của hậu hiện đại hay hành vi phá chấp triệt để của Thiền tông với chủ nghĩa hư vô phân cách mong manh tơ trời. Làm sao phân biệt được Thiền sư với Thiền “giả” hay tinh thần bất tín nhận thức với thái độ phá hoại đơn thuần?
Đây là câu hỏi trọng đại, đòi hỏi một sự giải minh thích đáng.
Nhìn một cách tinh yếu, tinh thần hậu hiện đại tiềm ẩn trong truyền thống tư tưởng Đông phương mà Tây phương – trong truyền thống triết học của họ – đã khai mở theo cách thế khác, nói bằng ngôn ngữ khác. Nên có thể nói, hậu hiện đại đã chảy trong máu chúng ta. Vì vậy, kẻ sáng tạo hôm nay không cần thiết phải đi hết hiện đại [Tây phương] mới có thể tiếp cận hậu hiện đại, như vài người đã nghĩ thế.
Nên, thật sai lầm tai hại khi kết án hậu hiện đại chống lại truyền thống. John Barth: “Một nhà văn hiện đại… có một nửa đầu của thế kỉ ở dưới nịt, nhưng không phải ở trên lưng”. Nghĩa là hậu hiện đại chấp nhận truyền thống (không chấp nhận truyền thống mới là phi-hậu hiện đại), nhưng không biến truyền thống thành gánh nặng.