THƠ, VẦN HAY KHÔNG VẦN
“Nếu không có thơ vần, tất cả chúng ta đều là thiên tài”. Oscar Wilde khẳng định như thế. Một khẳng định không phải không nguyên do, trong tình hình các người làm thơ phương Tây đầu thế kỉ XX đổ xô làm thơ không vần, kịch liệt chống đối thơ vần.
1. Bài thơ “Mouvement” (Chuyển động) trong tập thơ-văn xuôi Illuminations của A. Rimbaud được xem là bài thơ tiếng Pháp đầu tiên có những câu ngắn dài không đồng đều và không vần, ảnh hưởng trực tiếp đến G. Apollinaire, nhà thơ tự do hàng đầu của Pháp, đã khai mào cho Thơ Tự do phương Tây. Từ đó, thơ không vần nẩy nở và phát triển mạnh mẽ. Từ đầu thế kỉ XX, thơ không vần chiếm lĩnh áp đảo thi đàn Pháp.
Ở Mỹ, W. Whitman được xem là nhà cách mạng, đưa thơ Mỹ vượt qua thẩm mỹ thơ đương thời, trong đó vần là yếu tố bị trừ khử đầu tiên.
“Ở Nhật, từ năm 1945, vần điệu dễ dãi của những đoản ca, hài cú đã bị công kích và khước từ. Ở Trung Quốc, Đài Loan các nhà thơ hiện đại đã dẹp bỏ vần điệu, niêm luật xưa. Các thi sĩ Ả Rập, Ấn Độ cũng đã đổi mới triệt để cú điệu và hình thức trong sáng tác thi ca của họ”. Chân Phương viết thế.
Rồi ông đặt vấn đề: “Truyền thống chỉ có giá trị thật khi được tra cứu và chất vấn với ý thức và thời đại ta đang sống. Khi văn học toàn cầu, bất kể nước lớn hay nhỏ, đang chuyển động mạnh trong sự tiếp nhận, học hỏi lẫn nhau ngày càng nhiều, chẳng lẽ các nhà thơ Việt Nam lại ôm mãi mấy gốc cây đa của vần điệu thời thơ văn truyền khẩu?”(1)
2. Nguồn sữa nuôi dưỡng thơ Việt chính là ca dao, nghĩa là văn chương truyền khẩu. Mà văn chương truyền khẩu không thể đi chệch khỏi vần: dễ thuộc, dễ nhớ và, dễ ngâm. Tiếp nhận Thơ Đường của Trung Hoa, ta cứ vậy, cho tận khi phong trào Thơ Mới xuất hiện. Nhưng Thơ Mới, một biến thái của ca dao, Hát nói qua ảnh hưởng của Trường Lãng mạn và Hiện thực Pháp, dù đã làm nên cuộc cách mạng trong thơ Việt, vẫn không một lần từ bỏ vần.
Ý hướng cắt đứt thơ vần được Nguyễn Đình Thi khơi mào vào những năm 50, đã bị chống đối kịch liệt, đành nửa đường đứt gánh. Nỗ lực này chỉ đạt một vài thành tựu hiếm hoi qua các thi sĩ thuộc Nhóm Nhân văn-Giai phẩm ở miền Bắc và Nhóm Sáng tạo ở miền Nam những năm 60. Chúng ta thử nêu vài trích dẫn:
Ở cuối đêm
em rũ tóc nói những lời mê sảng
những ám hiệu
của mặt biển đen khôngtình yêu tuyệt vọng
anh xé tóc em cùng những cánh lá chết
mùa thu
gây thương tích nơi cườm tay
anh xô ngã em tờ chóp đỉnh hạnh phúc
(Thanh Tâm Tuyền, “Đêm”, Tôi không còn cô độc)
Tôi nhớ không còn gì
Khoảng cách trần truồng vô nghĩa
Tờ giấy trắng bọc gọn trái tim
nét chữ bôi lên kín cả
Tôi nhớ không còn gì
(Thơ Duy Thanh)
Thế rồi tất cả đều trở lại vạch xuất phát. Dẫu các sáng tác sau đó có câu ngắn dài không đồng đều, sử dụng vần buông hay cả khi từ bỏ vần, thơ Việt vẫn cứ bị ám ảnh bởi vần. Trúc Thông ám ảnh vần đã đành:
xuyên bức tường vô tận nhất – thời gian
một mũi tên bay mãi
hôm nay nó xâu táo quả tim ba chúng ta
giữa ngày tôi gặp nạn lẳng lặng mũi tên xuyên
ba chàng trai đã sống trên đời
nửa thế kỉ
ba phương trời(2)
Cả Nguyễn Quang Thiều mà có người chê thơ như thơ dịch cũng không rời bỏ vần: vần ẩn tàng qua nhịp bằng trắc lên xuống trong câu:
Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỉ trước
Những vết rạn dương gian chầm chậm tràn tràn đầy
Ánh hoàng hôn – đấy bình minh linh ẩn
Dâng ngập những mái nhà, những vòm cây,
những đỉnh núi u trầm(3)
Không phải không lí do khi có người cho đại bộ phận thơ hiện đại Việt Nam chỉ dừng lại ở dạng Thơ Mới biến thể (hay phá thể). Không hơn.
Chỉ khi một thế hệ thơ trẻ xuất hiện ồ ạt trong mươi năm qua, với các tên tuổi như Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Quyến… rồi Phan Bá Thọ, Vương Huy, Lý Đợi, Nguyễn Hoàng Tranh,… vần mới được/bị từ bỏ hẳn. Quá là chậm trễ so với thế giới. Trong lúc ở Pháp, sau hơn một thế kỉ phiêu lưu (và gặt hái không biết bao nhiêu là thành tựu) với thơ không vần, các nhà thơ trẻ hiện nay đang quay trở lại với thơ vần!
3. May, thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số, do bắt nguồn từ dòng chảy thẩm mĩ khác, ít bị thao túng/quy định bởi vần. Ngoại trừ vài nhà thơ tiếp nhận nguồn thơ Việt, từ đó khá nhuyễn với các thể thơ Việt như: Lương Định, Mai Liễu, Y Phương,… Còn lại, đa phần đều sáng tác theo truyền thống “dân tộc thiểu số”. Và, rất ít vướng víu bởi vần. Lò Ngân Sủn có “Người đẹp” và các bài thơ hay khác của anh.
Cây lim đứng như một kẻ chôn chân dưới đất
(Chất cây lim bất chấp loài sâu mọt)
Ngọn vầu, bương uốn lượn như tua còn tua khăn
Thảm cỏ non ươm xanh ngọn gió
Cây dát, cây dổi vân nổi như sóng cuộn mây vờn
Cây đá cuội ngụy trang như hòn cuội
Cây tấu mặt quỷ
Cây sến vỏ nứt ô bàn cờ…(4)
Các sáng tác thành công nhất của Dương Thuấn cũng nằm trong hệ này:
Người làm nương ăn theo lửa
Người làm đồng ăn theo nướcSinh ra tắm nước thơm
Mới là con của mẹ
Lớn lên tắm nước sông
Mới thành người của làng
Đóng con tàu đi ra bể
Tắm giữa đại dương
Mới thành người muôn nơi(5)
Khác với một Dương Thuấn hay Lò Ngân Sủn, Inrasara, sau những vướng víu buổi đầu, đã đưa thơ vượt ải “ráp vần” qua nẻo hiện đại hay cách tân:
Bước đạp vạm vỡ hơn. Tôi thấy – dứt khoát hơn
thế giới vỡ vụn và ráp lại qua hơi thở gấp
lửa hấp hối.Ông bị quăng ra khỏi vùng lửa – mình đầy thương tích
cả thế giới thương tích – chỉ nụ cười vẹn nguyên
niềm vui vẹn nguyên
triệu triệu giọt nước bay về giập tắt tia lửa sống sót
toan gượng dậy lần cuối cùng
giập tắt khổ sở, thất vọng trên những khuôn mặt. Tôi thấy.
Ở bên kia niềm vui
Sự chịu đựng vẹn nguyên họ lại bắt đầu bén rễ.(6)
4. Tại sao vần có mặt và bám trụ dài dặc thế trong thơ Việt? Truyền thống ca dao, thơ Đường luật, Thơ Mới quy định lề thói sáng tác và thưởng thức của chúng ta. Người viết bị quy định đã đành, trầm trọng hơn cả là vần tồn tại dai dẳng trong việc cảm nhận thơ của người đọc. Cái mới xuất hiện chẳng những không được đón nhận mà còn bị dị nghị, dị ứng rồi bị tẩy chay. Vụ án thơ không vần ở trường hợp Nguyễn Đình Thi là một ví dụ(7).
Đành rằng tâm lí chung của người đọc là ít chịu chấp nhận ngay tức thời cái mới khi nó xuất hiện. Ở đâu cũng vậy, nhưng tại Việt Nam, do truyền thống văn hóa văn chương, nên nó càng bị cự tuyệt quyết liệt hơn. Và, trước thái độ không thiện chí của người đọc, cả người đọc được cho là ưu tú như các nhà phê bình chẳng hạn, kẻ sáng tác cũng rất dễ mất hứng thú trong phiêu lưu sáng tạo. Hệ quả: thơ vần mãi có mặt!
Nhưng có phải bởi vần mà nền thơ Việt không lớn?
Theo thiển ý, vần không là một tội phạm khiến thơ bị nhàm. Vần hay một thể thơ nào bất kì luôn phát triển theo chu kì: tìm tòi – hoàn chỉnh và ổn định – phiêu lưu phá giới – rồi trở lại tìm tòi để ổn định. Hành trình từ Thơ Cổ phong Trung quốc đến trước thời Đường, sang Sơ Đường mày mò rồi mới đạt tới luật tắc ổn định và nghiêm ngặt của Thịnh Đường, để sau đó lại tiếp tục… phá thể (ví như bài “Hoàng Hạc lâu” thời Sơ Đường, dẫu hay đến đâu nhưng xét về luật thơ, nó cũng chưa thật chặt chẽ như chuẩn mực đòi hỏi của thơ Đường).
André Gide nói: “Nghệ thuật sống nhờ luật tắc, và chết vì buông thả”. Sự “buông thả” của các nhà thơ phương Tây thời gian qua đã gây dị ứng nơi người thưởng thức. Họ tẩy chay thơ, từ đó thơ đánh mất người đọc: các nhà thơ quay lại đọc của nhau, hay chỉ đọc chính thơ mình! Hình thành thứ tâm lí tự yêu nguy hiểm. Khủng hoảng thơ đang kì báo động đây đó, là thực. Cả ở Việt Nam. Thơ không vần Việt chưa phát triển đến đầu đến đũa, nhưng cũng đã có dấu hiệu của buông thả.
5. Lại may! Thơ dân tộc thiểu số không bị dính vào trào lưu cách tân ấy. Nhưng không phải vì thế mà thơ chúng ta thiếu nhảm, nhàm và không tránh nguy cơ bị lạnh nhạt. Sáng tác bằng tiếng Việt, lặp lại truyền thống vần Việt là điều thậm nguy: chúng ta rơi tõm vào lối mòn mà không hay! Còn theo học trùng trùng các trào lưu thơ phương Tây, chúng ta mãi mãi là học trò đứng cuối lớp.
Tô Thùy Yên: “Thơ tự do, cũng như thơ mới trước kia, ra đời vì sự thay đổi của hồn thơ, chớ không phải chỉ đơn thuần là sự thay đổi của luật thơ”(8). Phê bình thơ trẻ hôm nay, Nguyễn Thanh Sơn có cùng nhận định: “Cái chính là, một tinh thần mới cho thơ, các nhà thơ trẻ lại chưa có”(9).
Như vậy, “sự thay đổi hồn thơ” hay “một tinh thần mới cho thơ” có vai trò quyết định cái hay và cái mới “lớn” của thơ, chứ không phải vần hay luật tắc của một thể thơ nào đó: từ lục bát, tám chữ, Thơ Mới phá thể hay cả Thơ Tự do. Vần, nguy cơ đánh lừa người đọc dễ tính rằng như thế mới là thơ. Nhà thơ dễ làm vần: chẳng nỗ lực gì cả nhưng chúng ta vẫn “hoàn thành” một bài thơ có vần: ta quay lại tự đánh lừa. Và thơ cứ dậm chân tại chỗ!
Vần hay không vần, không hề gì cả, quan trọng là tinh thần mới. Tinh thần mới đặt trên nền đất vững chắc của văn hóa, suy tư nền tảng qua tiếp nhận luồng gió từ trăm phương thổi tới bằng nhậy cảm bắt nhịp cuộc sống hiện đại. Làm thành nhịp điệu của tâm hồn người thi sĩ.
Chính nhịp điệu này quyết định vần hay không vần của một bài thơ, thậm chí một đoạn/câu thơ. Nhịp điệu tùy thuộc vào “miền dao động và rung động” (từ dùng của nhà thơ Đỗ Quyên) của kẻ sáng tạo.
____________
Chú thích
(1) Chân Phương, Tạp chí Thơ, Mùa Đông 1996, Hoa Kì, tr. 115-116.
(2) Trúc Thông, “Gửi bạn” trong Ma-ra-tông, NXB Văn học, 1993.
(3) Nguyễn Quang Thiều, Nhịp điệu châu thổ mới, NXB Hà Tây, 1997.
(4) Lò Ngân Sủn, “Rừng hoang” trong tuyển Núi mọc trong mặt gương, NXB Văn hóa Dân tộc, 1998.
(5) Dương Thuấn, “Ăn theo nước” trong tập Núi mọc trong mặt gương, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1998, tr. 227.
(6) Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, NXB Hội Nhà văn, H., 2002.
(7) Xem thêm: “Cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc”, báo Thơ, quý I.2003.
(8) Tô Thùy Yên, Tạp chí Thơ, Mùa Đông 1996, tr. 78.
(9) Nguyễn Thanh Sơn, Phê bình văn học của tôi, NXB Trẻ, 2002, tr. 101.