Thơ Dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động (3/3)

Tiếng thơ sau lí thuyết hay cái đẹp của thơ dân tộc thiểu số
(Thay phần kết)

Thơ dân tộc thiểu số đang bế tắc. Nó sẽ đi về đâu?
Có thể nói cách tân, làm mới luôn ám ảnh số đông người làm thơ, hơn thập kỉ qua. Khi đất nước mở cửa và, khi thế hệ mới ý thức rằng nền thơ Việt, sau gần nửa thế kỉ vẫn chưa thoát hẳn dư hưởng của thi pháp Hiện thực và nhất là, Lãng mạn. Bên cạnh thành tựu sáng giá của Thơ ca Cách mạng, nỗ lực của nhóm Sáng Tạo hay Nhân văn-Giai phẩm đưa thơ phiêu lãng vào những chân trời khác, do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, nửa chừng bị dang dở. Từ đó thơ Việt chuyển động ì ạch…

Mở cửa về chính trị-xã hội như là một lối thoát cho thơ hôm nay.
Các nhà thơ trẻ háo hức nhìn ra thế giới bên ngoài trong tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi luồng gió mới. Hầu hết các trào lưu văn học trên thế giới: từ Tượng trưng đến Thơ Trương nở, từ Trường Ngôn ngữ Hoa Kì cho tận Tân hình thức,… được các nhà thơ xu hướng cách tân hối hả cập nhật, học tập và vận dụng. Cả các bước đi nửa đường đứt gánh của Thơ Tự do Việt thập niên 60 cũng được tiếp nhận và tân trang lại. Thêm: văn hoá Internet và lưng vốn ngoại ngữ mở đường cho chúng ta hội nhập văn chương thế giới dễ dàng hơn, nhanh hơn. Đó là cái may mắn của thế hệ thơ thời đổi mới.
Thế nhưng, văn hoá là cái gì còn lại, sau quá trình tiêu hóa tiệm tiến tri kiến thu nhận. Cuộc tiêu hóa đòi hỏi thời gian, nên không thể một sớm một chiều mà thành. Nhất là với bộ môn nghệ thuật cao là thi ca.
Cứ nhìn vào vùng vẫy không mệt mỏi của lớp nhà thơ này và, nhìn vào các thành tựu của thơ trẻ vài năm qua, cũng rõ. Sau hưng phấn lẫn choáng ngợp buổi đầu trước những đa dạng của cái mới, lạ, chúng ta lõm bõm bơi giữa rối mù của bao nhiêu dòng trào lưu. Các tài năng thơ thế hệ mới lộ nguyên hình nỗi lúng túng, quờ quạng trong thử nghiệm! Đã có dấu hiệu đuối ở một vài người. Và kiệt sức sớm xảy đến, nếu chúng ta không tự thức tỉnh và, dừng lại. Dừng lại để nhìn đầy ý thức chặng đường vừa qua, kiểm điểm lại hành trang, như thể lấy hơi cho một cuộc ma-ra-tông thơ sắp tới – quyết liệt, cam go hơn, nhưng cũng nhiều hứa hẹn hơn!

Giữa vòng xoáy trận đồ chủ nghĩa, bản thân tôi với tư cách một nhà thơ ham tìm tòi, cũng có mặt, nhập vào dòng chảy ấy. Nói như Nguyễn Hoàng Sơn: Inrasara là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay(27) (Dĩ nhiên cách tân nhất chưa hẳn đã là hay nhất! Và tôi không đến nỗi dại dột tin nghe nhận định của Nguyễn Hoàng Sơn là chân lí đinh đóng cho mình mắc hãnh diện vào!). Mười năm đeo đuổi cách tân, thử nghiệm, như bao bạn đồng hành khác, hôm nay, tôi nghe đuối!
Lớn dậy từ văn hóa Champa, nền văn hóa hình thành sớm và thành tựu khá lớn; được nuôi dưỡng bằng ngôn ngữ-văn chương Chăm phát triển; lớn lên, may mắn, tôi lại được tiếp nhận văn học phương Tây ngay khi còn ngồi ghế trung học, nên các trào lưu văn chương tiền phong không xa lạ lắm với tôi. Hệ quả: tôi khó giữ được cái thuần phác dân tộc, chân chất nhà quê như các bạn thơ dân tộc thiểu số vốn có.
Như kẻ chợ đã quá oải cuộc sống hiện đại với lối kiến trúc tạp nham nhếch nhác, ngột ngạt mùi khói xe, hàng ngày phải chứng kiến bao nhiêu ô uế từ cơ man nhà máy thải vào môi trường thành phố,… muốn tìm tới không khí tươi rói sót lại nơi miền quê yên tĩnh, hẽm núi trong lành. Cũng vậy, choáng ngợp giữa ngôn ngữ thi ca đương đại ắp đầy ý tưởng với ẩn dụ, siêu thực với tượng trưng,… lắm lúc tôi thèm lối nói, lối nghĩ trong trẻo thuần phác của người miền sâu vùng xa. Tìm đến sông Lu quê tôi, hay xa hơn – sông Năng của núi rừng phương Bắc để, Hát với sông Năng, nói như Dương Thuấn, uống rượu núi cùng Lò Cao Nhum, đọc lại các nhà thơ dân tộc thiểu số.
Ở đây ta tập nhìn sự vật như Dương Thuấn nhìn:

Đường Mã Pí Lèng dốc quanh co
Đá cũng leo như đoàn người đầu bạc…
Mặt trời chậm lên vừa leo vừa đợi…
Người nào cũng có đôi bàn chân to
(28).
Lối quan sát gần, thực, với những liên tưởng rất cụ thể, có thể tìm thấy rải rác khắp các tập thơ của nhà thơ dân tộc. Chính nó quá gần, quá thực nên nó khá xa lạ với cảm nhận của thế giới thừa mứa ý tưởng, lí thuyết hôm nay:

Rượu không cạn bầu chưa trở về bản cũ
Gái yêu chồng theo sau ngựa cầm đuôi…
Lên Đồng Văn người nào cũng nhắc
Chọn vợ chỉ chọn hai bắp chân
Để đi nương khỏe đêm gác nằm
(28).

Đấy là Dương Thuấn. Lò Ngân Sủn còn bất ngờ hơn:
Ta lê bước về nhà Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em
Hay: Đi chợ là đi mây về gió Vó ngựa đung đưa giữa rừng chiều Đốt cháy lòng nhau là nỗi nhớ Đêm về lại đi chợ trong mơ
(14)
Thơ cần độ nén, cô đọng, độ sâu, tính hàm súc, đa nghĩa và đa thanh. Đấy là ý hướng vươn tới của mọi nhà thơ “cũ” (nghĩa là hiện đại trong đối sánh với hậu hiện đại), ý hướng đó trở nên khá lỗi thời trong mắt nhìn của thi sĩ hôm nay. Bởi chính sự ham đa thanh đa nghĩa đã khiến cho thơ mơ hồ, mơ hồ đến hàm hồ. Rất hàm hồ. Nó đòi hỏi sự diễn giải. Nhiều lúc diễn giải đẩy thơ dấn bước lên con đường chông chênh nguy hiểm. “Diễn giải một tác phẩm có nghĩa là nhặt ra một số yếu tố trong tác phẩm đó. Và như vậy công việc diễn giải là làm chuyện diễn dịch”(29). Diễn dịch để đáp ứng đòi hỏi của độc giả thời đại, nó dấn thân vào phiêu lưu vô cùng, làm lệch nghĩa tác phẩm, đôi khi hủy diệt tác phẩm. Vậy mà mỗi diễn giải cứ khăng khăng rằng chính nó mới là đúng nhất, là chân lí. Mới phiền!
Hãy nhìn xem các nhà phê bình đã ứng xử với A. Rimbaud, với R. M. Rilke, với F. Kafka như thế nào cũng đủ biết. Gần chúng ta nhất: Truyện Kiều hay Hồ Xuân Hương. Diễn giải dày rậm rối mù khiến ta không thấy đâu Nguyễn Du, đâu bóng dáng nữ sĩ họ Hồ nữa, mà chỉ thấy các nhà diễn giải đang nói qua/với/bằng các nhà diễn giải!
Susan Sontag cảnh báo: “Các diễn giải đa dạng đang ô nhiễm cảm tính nghệ thuật của chúng ta”! Đó là hậu quả tai hại của văn minh đương đại, một văn minh dựng trên sự thặng dư, thừa mứa mọi thứ: từ sản phẩm cho chí thông tin, ý tưởng và lý lẽ. Đến nỗi con người trở thành thứ phản ứng có điều kiện. Hệ quả là: sự kém nhạy cảm của giác quan.
“Điều tối cần bây giờ là tìm thấy lại giác quan”, giác quan thông minh có khả năng cảm nhận được cái tinh khôi, nguyên thủy. Sự lành lặn của cái nhìn, trong suốt của lời, giản đơn của câu chữ. Là yếu tính đưa thơ vượt thoát khỏi rối rắm rườm rà của suy luận học, để lần nữa con người học tiếp cận với sự thể như nó là thế.

Nhiều bài thơ của thơ Y Phương, Lò Ngân Sủn, Dương Thuấn và vài nhà khác gợi ý cho ta hướng đi ấy. Đó là thứ thơ gần, thẳng và cụ thể. Từ một bản riêng anh đi đến đất nước chung, từ một dân tộc anh đến với nhân loại:

Con bây giờ còn nhỏ
Thương nhất là mẹ cha
Lớn lên con sẽ thương thêm bao người khác
Ngôi nhà lớn của con là đất nước
(28).
Dù “ở nhà sàn ăn nước sông Năng” nhưng anh đã ra đi, các con anh cũng phải ra đi, anh em bè bạn anh phải rời bỏ bản làng nhỏ bé để ra đi, hòa nhập cuộc sống rộng lớn hơn ngoài kia, với quan điểm rất dứt khoát và, có thể nói – nhân bản:

Em ơi ta ở đâu
Là bản ta ở đó
(28).
Không một dấu vết ưu tư trăn trở hay quằn quại (nhiều lúc chỉ là thứ làm dáng) thường thấy ở người thị thành trong bút pháp thứ thơ này. Đứa con ấy, từ xứ núi đi bộ xuống đồng bằng, khỏe khoắn, tươi rói. Và, chỉ biết nói lời cho quả sai. Tôi cho đó là cái đẹp mới của thơ dân tộc thiểu số. Những hoa trái tinh khiết rất cần cho người thành phố hái mang về, không như một vật lạ để làm quà lưu niệm, mà phải được xem là tặng vật của suối nguồn, thanh tẩy bụi bặm hay khoả lấp khoảng rỗng sa mạc trong tâm hồn con người thời đại. Khi khắp mọi nơi sa mạc đang lan dần. (“Sa mạc lan dần… Tai hại thay cho kẻ nào lưu trì sa mạc!” – F. Nietzsche).

Còn ai nghe tiếng hát
sáng mai?
khi sông Lu gặp tôi nơi nguồn suối
róc rách về ngôn ngữ sạch trong.
Khi sông Lu ẩn cư miền sa mạc
còn ai nâng chông chênh tiếng hát
sớm mai
?
(Inrasara, Hành hương em, 1999)
Tắm gội tận suối nguồn thơ dân tộc, tôi quay trở lại với cái xô bồ rậm rạp, bề bộn đầy bất trắc của cuộc sống/cuộc thơ Sài Gòn. Tôi trở về, bởi tôi phải trở về. Cũng như thơ Việt hôm nay cần thiết tiếp tục lên đường để hoàn thành nốt cuộc hành trình đi tìm cái mới còn dang dở. Để rồi, khi cuộc đi đã mãn, đôi chân đã rã, đời đã mỏi mệt, suối nguồn sẵn sàng mở vòng tay đón nhận những đứa con phiêu lãng trở về. Một lần và muôn ngàn lần nữa, trong cuộc Hồi quy vĩnh cửu của cõi sáng tạo.

Sài Gòn, mùa mưa 2005.
______________________
Chú thích:

(1) Tư liệu về các nhà thơ được rút ra từ các tác phẩm sau:
– Lâm Tiến, Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995.
– Lâm Tiến, Văn học và Miền núi, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002.
Núi mọc trong mặt gương, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1998.
Tuyển tập văn học Dân tộc & Miền núi I, II, III, NXB Giáo dục, H., 1999.
– Hoàng Quảng Uyên, Một mình trong cõi thơ, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2000.
– Lò Ngân Sủn, Thơ của các nhà thơ Dân tộc thiểu số, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2001.
– Lò Ngân Sủn, Vấn đề đặt ra với các nhà thơ Dân tộc thiểu số, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002.
Nhà văn Dân tộc thiểu số Việt Nam, Đời và văn, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2003.
(2) Xem: Evan.vnexpress.net, 2004. Hay: The Best American Poetry 2003, Scribner Poetry, USA, 2003; David Lehman, Great American Prose Poems, Scribner Poetry, USA, 2003.
(3) Tagalau 1-6, xuất bản từ năm 2000-2005.
(4) Bùi Khánh Thế (chủ biên, với sự cộng tác của các tác giả Chăm: Inrasara, Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Lương Đắc Thắng, Quang Cẩn), Từ điển Chăm – Việt, NXB Khoa học xã hội, H., 1995; Từ điển Việt – Chăm, NXB Khoa học xã hội, H., 1996.
(5) Xem thêm: Inrasara, “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay” trong Tagalau 1, Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, 2000.
(6) Số liệu do Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận cung cấp.
(7) Pờ Sảo Mìn, Con trai người Padí, NXB Văn hóa Dân tộc, 2001, tr. 17.
(8) Cây hai ngàn lá, NXB VHDT, 1992 và Con trai người Padí, NXB Văn hóa Dân tộc, 2001.
(9) Nguyễn Đình Thi, “Mấy ý nghĩ về thơ”, Tạp chí Tác phẩm mới, số 3.1992.
(10) Nedim Gursel, “Chữ nghĩa của lưu đày, lưu đày của chữ nghĩa” – Talawas.org, 2003.
(11) Ba tập thơ đã xuất bản của Lương Định: Tương tư, Nxb Đồng Nai, 1991; Núi và Hòn đá lẻ, Nxb Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh, 1995; Dòng sông khao khát, Nxb Hội Nhà văn, H., 2001.
(12) Charles Hartman, trích theo Khế Iêm, “Thơ Tự do – một tiếng gọi khác”, Tạp chí Thơ, số Mùa Đông 1999, Hoa Kì, tr. 158.
(13) Nguyễn Trọng Tạo, Đồng dao cho người lớn, NXB Văn học, H., 1994.
(14) Lò Ngân Sủn, Con của núi I, NXB Hội Nhà văn, H., 1996.
(15)Thơ Y Phương, Nxb Hội Nhà văn, H., 2002, tr. 292
(16) Inrasara, Văn học Chăm – khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.
(17) Prévert (J.), Paroles, Gallimard (Le Livre de Poche), Paris, France. (18) “Sợ”, Trần Minh dịch, Evan.vnexpress.net, 2004.
(19) Các đoạn thơ trích trong tập Sữa đá của Đỗ Thị Tấc, NXB Hội Nhà văn, H., 1999.
(20) M. Houellebecq, “Jacques Prévert là một thằng ngốc”, Nguyễn Đăng Thường dịch, Tạp chí Thơ, Hoa Kì, 2004.
(21) Đàm Chu Văn, Tiếng mùa, NXB Hội Nhà văn, 2003.
(22) Roland Barthes, Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hội Nhà văn, 1998.
(23) Vương Trọng, “Người ấy”, báo Văn nghệ, số 32, 07.08.2004.
(24) Đỗ Trung Quân: “Quê hương là chùm khế ngọt / Cho con trèo hái mọi ngay / Quê hương là con diều biếc …”
(25) Mai Liễu, Giấc mơ của núi, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002. Các câu thơ được dẫn trong bài viết được trích từ tập thơ này.
(26) Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1997.
(27) Nguyễn Hoàng Sơn, “Inrasara, lần thứ hai đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”, báo Tiền phong chủ nhật, số 01. 2004.
(28) Dương Thuấn, Hát với sông Năng, NXB Văn học, H., 2001.
(29) Susan Sontag, “Chống diễn giải”, Nguyễn Đăng Thường dịch, Talawas.org, 01.10.2003.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *