Bi kịch từ nhầm lẫn LÀ & CÓ
Sài Gòn, tháng11.2005
Bạn trẻ thân mến
1. Bài viết của nhà văn hóa Phan Ngọc trên báo Văn nghệ trẻ, ngày 23.01.2005 với nhan đề: “Văn hóa Việt Nam tha thiết với cuộc sống con người”, đã gây phản ứng dây chuyền, lôi kéo cả nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu vào cuộc: vừa chống đối vừa thuận tình đồng thời.
Trong đối sánh văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa, ông viết:
“Văn hóa Việt Nam là của một nước nhỏ nghèo với một chính quyền Trung ương phải dựa trên một biển làng xã. Cho nên, nó theo phương châm làm nhỏ, nhưng chu đáo, cẩn trọng. nó tránh cầu kì. Nó đi vào cái nên thơ, bình dị, nhưng tha thiết với cuộc sống con người”
Báo Thể thao-Văn hóa, 17.05.2005, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đặt câu hỏi: “Nói như thế này, hóa ra nền văn hóa Trung Hoa không tha thiết với con người ư?…Trong lịch sử nhân loại các nền văn hóa xa xưa từ Lưỡng Hà cho đến Ấn Độ, tất thẩy đều “tha thiết với cuộc sống con người” cả, cứ gì là của riêng Việt Nam?”.
Như vậy, một phát ngôn “tốt” hay “xấu” về dân tộc chưa hẳn đã có sự đồng thuận tuyệt đối. Bá Dương viết Người Trung quốc xấu xí, gọi văn hóa Trung Hoa là “thứ văn hóa lọ tương”, cùng bao nhiêu tật xấu của người Hoa nữa, ông lôi ra nhạo nhiếc không thương tiếc. (Chú ý: ông gọi đích danh văn hóa Trung Hoa, chứ không ám chỉ “một số” hay chừa ai ra cả!). Tác phẩm thời danh này đã rạch đường ranh đậm, phân người Hoa làm hai phía: nhiệt liệt ủng hộ hay cực lực chống đối.
Nêu “mệnh đề Phan Ngọc” ở đây, tôi muốn liên hệ nó với “mệnh đề” của Nguyễn Văn Tỷ trong Tagalau4, thử đặt bên cạnh bài viết của Inrasara: “Điểm danh các khuyết tật Chăm” (trong Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại). Không phải để so đo sai/đúng, hay/dở, càng không phải để bình luận hai nhà trí thức này, mà: nhắc lại để đặt câu hỏi khác sâu và căn nguyên hơn. Từ đó, nêu vấn đề khác, thuộc phạm trù triết học: là và có, ảnh hưởng gián tiếp nhưng nghiêm trọng đến suy nghĩ và lối sống con người nói chung, của Chăm nói riêng.
– Bài Inrasara có cái nhan đề: “Thử điểm danh các khuyết tật Chăm” / của Nguyễn Văn Tỷ: “Thực trạng của xã hội Chăm, một vài giải pháp chính”.
– Bài của Inrasara: điểm danh khuyết tật (hiện tượng) / của Nguyễn Văn Tỷ: “bản chất shàk hatai, háo danh của Chăm”.
– Khuyết tật là cái bề ngoài / Bản chất là cái căn cốt, nguyên ủy.
2. Bản chất và Hiện tượng [bản thể/thuộc tính] là hai phạm trù triết học luôn được suy tư lại của các triết gia. Và sẽ mãi như thế, cho đến tận thế. Heidegger: là là chữ khó hiểu nhất trong từ vựng của nhân loại. Toàn bộ triết lí của Heigegger nỗ lực giải thích từ này.
Có lẽ Nguyễn Văn Tỷ hiểu bản chất theo triết học Duy vật là “cái mà tự bản thân nó vốn là như vậy, khác với mọi sự vật khác và khác với những tình trạng hay biến đổi của sự vật do ảnh hưởng của những hoàn cảnh này khác. Khái niệm “bản chất” là rất quan trọng đối với việc phân biệt chúng với quan điểm giải quyết vấn đề…” (Từ điển triết học, Nxb.Tiến bộ, Mát-xcơ-va, bản Việt ngữ, tr.24). Từ định nghĩa trên, chúng ta có thể rút ra 4 hệ luận:
– Bản thân nó vốn là như vậy.
– Khác với mọi sự vật khác.
– Không biến đổi dù bất kì hoàn cảnh nào.
– Có liên hệ quan trọng đến việc giải quyết vấn đề.
Tóm lại, khi nó đã là thì nó khác với cái là khác (là của Việt khác với là của Pháp). Nó không biến đổi nên, nó không thể giải quyết được. Trong lúc hiện tượng (hay thuộc tính) thì khác: nó do yếu tố ngoại cảnh tác động vào nên có vài hiện tượng biểu hiện ra bên ngoài, (chứ bản thân nó thì không như vậy). Và vì nó không là nên, nó có thể bị nêu ra kiểm điểm mà giải quyết được.
Nêu khuyết tật Chăm là công nhận Chăm có vài điểm yếu, nêu lên để tìm cách giải quyết, bởi nó có thể giải quyết. Theo thiển ý, chính vì loáng thoáng nhận ra điều ấy (bản chất) mà mấy tháng qua dư luận Chăm phản ứng hơi quá với bài viết của Nguyễn Văn Tỷ. (Lưu ý: So với Bá Dương, các phân tích của ông Nguyễn Văn Tỷ vẫn còn rất nương tay!)
3. Liên hệ với vài lĩnh vực khác. Tiến sĩ hay tỉ phú không là “bản chất” của ông A, bà C. Chức vụ bộ trưởng, danh nghĩa nhà văn, vân vân …cũng vậy. Khi gọi ông A, bà C là tiến sĩ hay là tỉ phú là cách gọi chưa chuẩn – đây là sai lầm mang tính định mệnh của ngôn ngữ loài người! May, trong vốn từ CHăm không có chữ “là” hiểu theo nghĩa này! Ông/bà ấy có bằng tiến sĩ, hay có (sở hữu) số tiền tỷ để được cho là tỉ phú. Có này có thể thay đổi, và thực tế nó cũng thay đổi hàng ngày. Một tỉ phú không làm thêm để tăng thu nhập thì tài sản sẽ bị hao mòn và, ngay bản thân mệnh giá đồng tiền ấy cũng bị lạm phát: xuống cấp thành triệu phú hoặc phá sản lúc nào không hay!
Hoặc, có nhiều người viết phấn đấu cật lực để được vào Hội Nhà văn Việt Nam, để được người đời gọi là “nhà văn”, nhưng sau đó: tắc! Thay vì danh vị “nhà văn” phải được xem như vạch xuất phát, ông lại coi đó như điểm kết thúc! Đấy là tâm lí tự thỏa mãn tai hại. Lực viết và tài năng đi xuống là tất yếu.
Còn tiến sĩ, nếu anh không tự trui luyện hay cập nhật kiến thức mới, chẳng những vốn kiến thức cũ được trang bị trong nhà trường của anh bị hao mòn đi mà cả khi kiến thức kia có tồn đọng chăng nữa cũng bị lỗi thời. Mươi năm sau, học vị của anh chỉ còn tương đương với thạc sĩ hay cử nhân là điều không tránh khỏi.
4. Thế nhưng nhân loại thì ít khi chấp nhận thực tế ấy. Họ cứ vẫn nghĩ có là là, khi là ấy có lợi cho họ. Cả khi về hưu, ta vẫn cứ là nguyên bộ trưởng! Đây là tinh thần đồng hóa cái ngoài tôi vào cái tôi. Chúng ta đồng hóa có với là. Có càng nhiều thì là càng lớn: cái tôi to kềnh được trương ra. Và ta bám rịt lấy nó.
Ta gọi: Jean Paul Sartre-nhà văn-tiến sĩ-triết gia-đoạt Giải Nobel văn chương. Nó lớn lắm, thừa khả năng đe dọa thiên hạ. Cho nên, khi cắt từng cái đuôi (suffix): nhà văn, rồi tiến sĩ, rồi triết gia, rồi…thì ông ta không là gì cả. Chỉ trơ ra có mỗi cái tên: Sartre! Không là gì cả! Một nhân vật hết còn quan trọng trịnh trọng với mớ chức danh, chức vụ, học vị, học hàm nữa; còn lại là con người. Một con người “trần truồng” giữa trời đất, không bám víu vào bất cứ thứ gì ngoài lề: của cải, tiếng tăm, quyền thế đủ loại – con người đầy tính nhân bản.
Krishanmurti và cả Đức Phật đề nghị con người hãy dám là cái-không-là-gì-cả này. Chỉ như thế chúng ta mới thoát khỏi nỗi sợ hãi nền tảng (xao xuyến/angoisse). Đạt đến bờ toàn phúc.
Với Chăm, nếu ta chịu rời bỏ các “tử số” (nhà văn, tiến sĩ, giám đốc, đảng viên, đại biểu quốc hội,…) để là “mẫu số” (không-là-gì-cả-chỉ-là-Chăm), để bước vào đối thoại, thì chắc chắn các cuộc đối thoại này trở nên dễ dàng hơn nhiều lắm.
Nhưng tâm lí con người nói chung thì rất sợ cái-không-là-gì-cả này.
5. Trở lại phần mở đầu. Bởi cho văn hóa Việt Nam là “văn hóa tha thiết với cuộc sống con người”, nên mới có chuyện. Tinh thần triết học từ chối một phát biểu như thế. Thế nhưng, đa phần các phản bác hay ủng hộ mệnh đề trên chỉ được bàn ở vành ngoài, chứ chưa đi xuống tận căn vấn đề.
Đối sánh phát biểu đó với 4 thành tố của “bản chất” nêu trên, người ta có thể đặt vài dấu hỏi buộc các quan điểm kia phải chịu đứng ở thế rất chông chênh. Cùng hệ luận, chúng ta có thể đặt dấu hỏi với phát biểu của Nguyễn Văn Tỷ: “Tôi nhấn mạnh: shàk hatai là bản chất của Chăm”; rằng: có đúng nó là bản chất của Chăm? Nếu nó là thì tại sao phải đặt vấn đề biện pháp giải quyết cho nó? Có mâu thuẫn không?
Thiết nghĩ, chỉ có thể đặt các câu hỏi trên nền tảng triết học rốt ráo như thế, các phát biểu “tốt” hay “xấu” về một hiện tượng xã hội hay văn hóa dân tộc mới khả thể soi vào phía tối vấn đề, mở cánh cửa đẩy vấn đề ra ngoài ánh sáng. Chứ không phải vài phê phán chụp mũ hay kết án vội vã đầy hời hợt, như ta đã thấy ở một vài bài viết dưới tầm. Các quy kết mang tính định kiến, không thể thuyết phục được trí thức đầy bản lĩnh.
Chuyện vui. Trước 1975, tác giả Pazzi (Ý) xuất bản cuốn Người Việt cao quý do một nữ dịch giả chuyển sang tiếng Việt. Tác phẩm nổi tiếng ngay, tái bản vài lần và được nhiều nhà nghiên cứu trích dẫn trong các “công trình khoa học” của mình, để chứng minh cái đẹp của bản chất người Việt (đảm bảo tính khách quan – đây đích thị người ngoài nhận xét, lại là dân Tây: chính xác là cái chắc). Đùng cái: sau khi đất nước thống nhất, nhà văn Vũ Hạnh bật mí: Pazzi chỉ là bút danh khác của mình!
Vậy đó: làm sao biết được đâu là bản chất đâu chỉ có hiện tượng?! Cho nên, dù đã viết một bài dài về “Cái đẹp của tâm hồn Chăm”, qua hai kì Tagalau rồi, giờ chót tôi vẫn rút ra! Đơn giản chúng ta vẫn chưa biết bản chất Chăm là gì!
___________________
Viết thêm: Bài viết là kết quả của một suy tư triết học, thử đem đối sánh với hai phát biểu của hai trí thức Việt và Chăm đang tạo dư luận thuận/nghịch khác nhau vài tháng qua, để đặt nền tảng cho lí giải vấn đề. Biết đâu nó giúp ích được điều gì đó cho kẻ suy tư giữa lòng xã hội Chăm hôm nay, hi vọng thế.
Cũng cần biết thêm ý kiến mới nhất về việc nêu mặt trái của dân tộc mình: “Không ai tự nhận dân tộc mình là lười và dốt. Người nước ngoài lại càng tuyệt đối không dám nói thế mà lúc nào cũng phải nói dân tộc bạn là thông minh và cần cù! Như vậy nhận thức về người Việt thông minh, chăm chỉ chỉ là khẩu hiệu động viên và ít cơ sở để tự hào …Món “bánh vẽ” này các bậc phụ huynh và “phụ mẫu” của dân đã dùng quá lâu và cũng cần được cảnh tỉnh bằng cách nhìn thẳng vào những kết quả thực tế đáng buồn …Nhiều người đề nghị trong giai đoạn quật khởi của Việt Nam, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… cần làm cho mỗi người Việt nhìn thấy “Người Việt xấu xí” để quyết tâm vươn lên; mà có lẽ trước hết trí thức phải làm gương, nhìn cho rõ “Người trí thức Việt xấu xí” để mà tiến lên và đưa dân đưa nước tiến lên.” (Nguyễn Bỉnh Quân, “Trí thức là ai?”, Tc.Tia sáng, tháng09.2006).
Như vậy chỉ có trí thức mới dũng cảm và dám nhìn nhận cái “xấu xí” của dân tộc mình để quyết tâm chuyển hoá cái trì trệ của dân tộc.