Không ít nhà thơ nói, bàn về thơ và nghề thơ. Bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi có cơ hội, điều kiện. Qua các bài, tập sách lí luận – phê bình hoặc qua phát biểu cảm tưởng hay trả lời phỏng vấn, qua phát động một trào lưu, một trường phái hay chỉ rải rác qua thư từ, bằng công trình hàn lâm hay dẫu ngẫu hứng bình một bài thơ hay, bằng văn xuôi hay chỉ gởi ý tưởng mình trên đôi cánh thi ca.
Xưa thế, nay cũng vậy. Đông hay Tây. Các nhà thơ đều từng một/nhiều lần nỗ lực nói lên quan điểm về nghề, phương pháp sáng tác cũng như hệ mĩ học của mình. Nhất là nhà thơ Tây phương, các nhà thơ chuyên nghiệp. Từ Thomas Stearns Eliot đến Octavio Paz, từ Guillaume Apollinaire đến Jorge Louis L.Borges, từ Y.Bonnefoy đến Dana Gioia… Đôi khi thành tựu về “nói” của họ còn xuất sắc hơn (như A.Breton), đồ sộ hơn (như P.Valéry) sáng tác của họ nữa.
Việt Nam đâu là đứng ngoài, nhất là từ Thơ Mới. Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Thanh Tâm Tuyền… là các khuôn mặt nổi bật. Thời gian gần đây: Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo, Trúc Thông, Khế Iêm, Đỗ Minh Tuấn… mỗi người mỗi vẻ, tuỳ cá tính, mức độ quan tâm ít/nhiều, cũng đã góp vào nền thơ Việt Nam đương đại tiếng nói khác nhau.
Đó là điều lành mạnh. Thế nhưng, không ít kẻ sáng tác dị ứng với phát biểu, nhất là các phát biểu mang tính lí thuyết.
Trên trang 8, tạp chí Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, số Xuân Quý Mùi 2003, nhà thơ Hoàng Quý viết: ”đã có rất nhiều nhà thơ âm thầm chứ không hò hét, không đao to búa lớn trên báo chí, trên thi đàn, né tránh những lời lẽ đại ngôn lúc đăng đàn diễn thuyết, âm thầm tìm mọi cách đổi mới giọng điệu, đổi mới hình thức, đổi mới cách nói…”
Anh dẫn các tên tuổi: Lê Đạt, Hoàng Hưng, Vi Thuỳ Linh,… Rằng âm thầm tốt hơn hò hét. Nhà thơ dồn sức cho làm thì hay hơn lo nói. Xin đặt hai câu hỏi nhẹ nhõm: Sự thể có phải thế? Và nên chăng nhà thơ chớ nói?
1. Đâu phải vô cớ mà Đỗ Minh Tuấn đã đặt tít cho bài trao đổi với Lê Đạt: “Những tuyên ngôn giật gân của nhà thơ Lê Đạt.”(1).
– Có lẽ Lê Đạt là nhà thơ rất siêng phát biểu về thơ, ngoài các trả lời phỏng vấn, anh còn có hơn mươi bài đăng rải rác trên báo Văn nghệ, Tc.Thơ… với những lập ngôn lạ biệt, cá tính.
Cũng không phải không lí do khi nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã phản bác quyết liệt các đề xuất của Hoàng Hưng: “Thơ – phản thơ, đổi mới hay đổi gác”(2).
– Đâu đó Hoàng Hưng cũng đã có vài tuyên ngôn về cách tân thơ gây sốc: “Thơ Việt Nam đang chờ phiên đổi gác”(3)…
– Cả Vi Thuỳ Linh cũng xăng xái. Thời gian gần đây nhà thơ nữ này ồn ào có hạng về thơ, có lẽ chỉ thua Nguyễn Hữu Hồng Minh chút đỉnh. Trong các cuộc phỏng vấn, trên mạng… Ngay Phan Huyền Thư được xem là thi sĩ thuộc thế hệ mới “đằm tính” hơn cả, qua những lần phát biểu, trả lời phỏng vấn, cũng đã gây xôn xao thi đàn(4)…
Xôn xao, ồn ào bởi họ cố làm mình làm mẩy – đã đành; bên cạnh, bởi họ đã có cách nhìn, lối nghĩ khác, lạ – có lẽ. Khác với quan niệm sáng tác truyền thống, lạ với nếp thưởng thức thơ của người cùng thời. Ở đây, tạm thời cho vào ngoặc các phát biểu trên. Câu hỏi được đặt ra:
2. Vậy thì các nhà thơ có nên mạnh dạn giơ tay xin cho ý kiến về lĩnh vực mình đang hoạt động không? Theo tôi chẳng những nên, mà còn cần. Nhiều nữa là đằng khác. Dĩ nhiên ngoại trừ các tuyên ngôn hổng chân hay thuyết lí vắng bóng nền tảng tri thức và tư tưởng. Bên cạnh biết làm, ta còn biết suy tư/biết nói về nghề. Lí thuyết chẳng những làm sáng rõ sáng tác (dù sáng tác không hẳn chỉ thuần ý thức) mà còn có thể mở hay dẫn đường cho sáng tạo. Nhất là các sáng tạo, của hôm nay.
Nhà thơ cần khẳng định mình, nói lên phương pháp sáng tác của mình. Bởi thơ hiện đại và vân vân… luôn bị cho là khó hiểu, nên “làm” một cái gì mới, nhà thơ cần “nói” lên khuynh hướng của mình. Chỉ thế thôi chúng ta mới hi vọng tranh thủ bạn đọc hay thuyết phục công chúng thôi ghẻ lạnh với thơ. Dĩ nhiên cạnh đó, cần có các sản phẩm hay, đẹp để minh chứng và bảo vệ cho lí lẽ. Phan Huyền Thư chẳng hạn: “Chúng tôi ít dùng cấp so sánh ngang, ví von vần vè, hoa hoè hoa sói – ít dùng số hoá – ít dùng biện pháp so sánh – ít dùng các thể thơ có sẵn”… Dù có được vỗ tay đồng ý hay không, nhưng đấy là một thái độ đáng hoan nghênh, chứng tỏ dũng cảm, bản lĩnh [đôi khi chỉ là làm dáng] của nhà thơ này.
Khi Nguyễn Trọng Tạo tình nguyện làm “chàng hiệp sĩ – thi sĩ cưỡi Rôxinantê đỡ đầu cho thơ trẻ” (chữ của Nguyễn Hoà): anh muốn ghi nhận các nỗ lực làm mới thơ của thế hệ trẻ. Nhà thơ nói là để chia sẻ. Chia sẻ với bạn đồng hành cùng hay khác thế hệ, nhất là, chia sẻ với bạn đọc.
Tham luận đọc tại Đại hội Nhà văn Tp.Hồ Chí Minh, tháng 02.2005, tôi nói đến khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn. Khủng hoảng, nhưng cần phải nhận sự khủng hoảng đó như một tín hiệu tốt lành. Nhìn ở bề sâu và bề xa, sáng tác thơ không khủng hoảng mà chính cách đọc thơ mới khủng hoảng. Đây là khủng hoảng thực sự và nghiêm trong. Khủng hoảng kéo dài từ vài thập niên qua, đến hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt!
Bởi thật sự, chúng ta vẫn chưa nhận thấy có khủng hoảng, hoặc có thấy, nhưng mơ hồ. Hay hơn nữa, nhìn thấy rõ nhưng không cần thiết thay đổi. Hầu như chương trình trong các đại học khoa học xã hội và nhân văn vắng bóng lí thuyết văn học hiện đại, các trào lưu thơ đương đại của thế giới. Ngoài kia, mặc cho thiên hạ xôn xao tranh luận, náo nức tìm tòi, chúng ta cứ bình chân như vại. Có chăng chỉ là những cãi vả ỏm tỏi xung quanh chuyện ngoài lề văn chương; hoặc nếu có nhích chân vào trong cũng chỉ là những trao đổi hời hợt và nửa vời. Các độc giả thơ hôm nay chưa được chuẩn bị hành trang [mới] tối thiểu cho cuộc hành trình [khác] cùng tác giả đi vào cõi thơ [lạ]. Họ cứ đọc thơ [mới] bằng con mắt cũ, bình phẩm thơ [đương đại] theo lối nhìn đã lỗi thời.
Nhà thơ cần ý thức minh nhiên về nghiệp mình, để tránh sa lầy vào các ảo tưởng ngoài rìa, giả hay thực. Ai có trách nhiệm chỉ cho họ? – Nhà thơ. Tôi thực sự thích thú theo dõi các phát biểu “giật gân” của Lê Đạt. Đây đó: “Chẳng thời nào là thời của thơ cả. Thơ luôn lâm nguy”, không ai là “thi sĩ suốt đời”, “Chữ bầu lên nhà thơ”, “Mỗi lần bắt đầu làm một bài thơ, nhà thơ lại phải trải qua sự bỏ phiếu tín nhiệm của chữ.” Những “tự hưu non trong thơ”, hay “một thuần phong mĩ tục mới” trong văn nghệ… Các dụng ngữ hay tuyên ngôn rất Lê Đạt này có tác dụng cảnh tỉnh, buộc nhà thơ nghiêm túc nhìn lại mình mươi lần hơn các mệnh đề, các ý tưởng sáo mòn đầy tràn các công trình phê bình – lí luận không gì hơn là nhai lại từ nhai lại. Chúng bật lên từ “sức nặng trầm lặng của khả tính” (từ của M.Heidegger) của nhà thơ-phu chữ, một kẻ sáng tạo máu thịt.
Nữa: thất bại, lầm lẫn trong thể nghiệm, cách tân đâu phải vô ích. Ví dụ với Thơ Mới, bình tâm mà xét, Nguyễn Vỹ là nhà thơ có công, khá lớn. Sau hơn nửa thế kỉ sàng lọc, để lại cho đời hai bài thơ đặc sắc thuộc hai hệ mĩ học khác nhau (“Sương rơi” – dòng Tượng trưng, “Gửi Trương Tửu” – dòng Hiện thực trần trụi, tạm gọi thế) là một thành công ít nhà thơ “hạng hai” nào đạt được. Hơn thế, thất bại trong thể nghiệm thể thơ 12 chân của ông đã là tiền đề cho những đột phá sau này. Chúng ta thử so sánh hai đoạn thơ sau:
Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù
Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng
Ta hãy bước vào se sẽ trong cái im lặng nặng nề
Của nấm mả, của gò cây, của đền đài lăng miếu cũ
(Nguyễn Vỹ, “Gửi một thi sĩ của nước tôi”)
Có thể là trái đất mất anh hơn là anh mất nó
Nó mất anh như mất một hạt bụi có nghĩa gì?
Còn anh ngày mai khi đã là linh hồn, anh vẫn nhìn thấy nó
Cha vẫn nhìn thấy con, thấy mẹ, thấy khu vườn
(Chế Lan Viên, “Ngàn lau”)(5)
Như thế, kẻ thành công hôm nay đã không phải một lần chịu ơn người mở đường thất bại ngày trước? Và thử nghiệm đầy nhiệt tình đó có đáng bị mỉa mai hay vùi dập không?
Nhà thơ cũng cần tuyên xưng quan điểm thẩm mĩ mới của mình. Như Hoàng Hưng đã làm, dẫu phải chịu bao dị nghị hay quy chụp. Nói như O.Paz, trong thơ hiện đại, sáng tác là phê bình và phê bình là sáng tác. Phê bình là có lập ngôn. Và tuyên bố dù ít, nhưng nếu lạ, mới chắc chắn nó sẽ gây phản ứng từ xã hội. Qua đó tạo cho công chúng cảm giác nó ồn ào, đao to búa lớn. Có thể các thuyết lí và thể nghiệm ít thành công hay bị chết yểu, như nhóm Xuân Thu nhã tập đã thế, nhưng ít ra nó cũng đã [thử] một lần đẩy bánh xe thi ca Việt Nam lăn tới. Tại sao nhà thơ lại cứ phải chịu phận “âm thầm”?
Ở Việt Nam, chúng ta chưa phát kiến một trào lưu văn chương nào đã đành, ngay khi tiếp nhận một trường phái văn chương ngoài kia, ít ai trong nhà thơ chúng ta đã đi đến cùng con đường chọn lựa. Thấy cái nào hay hay ở ngoài kia là nhặt về thử nghiệm. Thử nghiệm, luôn luôn ở ngưỡng thử nghiệm. Nhảy cóc từ cái này qua cái khác. Vô tình, chúng ta tự biến mình thành thứ con tốt trong trò chơi văn chương của thế giới. Có thể xem đấy là tinh thần ăn xổi trong sáng tác. Được vài thành tựu chăng nhỏ bé chăng, chỉ là một may rủi bấp bênh.
Dị ứng với lí thuyết không gì hơn là một tâm lí phản trí thức, một thái độ phản [chuyển] động trong nhìn nhận sáng tạo văn học.
Theo tôi, chúng ta cần phát biểu nhiều hơn nữa, có nghề hơn nữa. Để có thể khai mở một trào lưu sáng tác, một trường phái văn chương. Các ý kiến cảm tính, cảm nhận mơ hồ hay quan điểm còn rời rạc… cần được đúc kết và nâng cấp thành một hệ thống lí thuyết. Làm nền tảng cho sáng tạo chuyên nghiệp. Tránh cho nhà thơ cái hủ tục sáng tác như là một thói quen dễ dãi, hời hợt. Từ đó hụt hơi lãng nhách.
Ở các nước Tây phương, những Trường Lãng mạn – Romantisme, Trường Hiện thực – Réalisme, Trường Tượng trưng – Symbolisme, Trường Siêu thực – Surréalime, Thơ Tân hình thức – New Formalism, Thơ Mở rộng – Expansive Poetry, Thơ Tân truyện kể – New Narrative Poetry… nẩy nở và phát triển, trùng trùng điệp điệp. Vừa bởi các nhà lí thuyết, vừa bởi chính nhà thơ. Chúng được khai sinh, lan rộng và biến mất. Từ Âu sang Á, từ Nam Mĩ sang Bắc Phi, từ Pháp quốc sang Nhật Bản. Và cả … Việt Nam. Chúng không chết hay bị chôn vùi trong nghĩa trang văn chương chữ nghĩa, như lâu nay chúng ta từng dè bỉu. Cần xem chúng như là những cuộn sóng, những xoáy nước trong dòng sông lớn của thi ca nhân loại. Chúng lặn đi, để sẵn sàng khai sinh đợt sóng mới, đột biến và bất ngờ, góp phần làm nên hình ảnh đẹp của dòng sông. Chúng tồn tại mãi mãi.
Tại sao chúng ta thì không?
Quá say sưa với những tuyên ngôn là điều có hại, – lại Lê Đạt. Đó là anh nhận định về nền thơ Pháp. Còn tại Việt Nam? Chúng ta hãy tưởng tượng trong một hội nghị thơ, đăng đàn diễn thuyết chỉ có quan thơ, các ngài giáo sư hay nhà phê bình hoặc thậm chí – nhà báo; còn nhân vật chính là nhà thơ, khi được hỏi đến, đã không ý kiến, không có lấy một ý kiến để phát biểu.
Thì còn ra thể thống gì nữa?
Sài Gòn, tháng2.2003.
______________
Chú thích
(1) Đỗ Minh Tuấn, Ngày văn học lên ngôi, Nxb.Văn học, H., 1996, tr.77-92.
(2) Trần Mạnh Hảo, Thơ – phản thơ, Nxb.Hội Nhà văn, H., 1996. tr.124-137.
(3) Hoàng Hưng, “Thơ Việt Nam đang chờ phiên đổi gác”, Báo Lao động, Xuân 1994; hoặc có thể xem thêm: “Đầu thiên niên kỉ, mạn đàm về thơ trẻ”, Talawas.org, 2003.
(4) Phan Huyền Thư, “Xin lỗi, nếu thơ của tôi không dành cho bạn”, Tc.Tia sáng, số 3. 2001, tr.52-53.
(5) Ý Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ xuất bản, Hoa Kì, tr.320.