PHÊ BÌNH, LÀ MAY RỦI

Ở bài phỏng vấn trên Litviet, 3-12-2011, nhà thơ Phan Nhiên Hạo hỏi:

“… Ở Việt Nam hiện nay, cách tân khó có thể “tới” được một phần còn vì cái não trạng thực dụng đầy tính thỏa hiệp của giới văn nghệ. Nhiều người muốn cách tân nhưng đồng thời muốn được công nhận bởi hệ thống văn chương bảo thủ của nhà nước. Tôi lấy ví dụ Inrasara. Inrasara là người xiển dương cách tân thơ, đặc biệt tích cực truyền bá chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Nhưng Hậu Hiện Đại thì không thể nào đi cùng với Hội Nhà Văn, vốn là một tổ chức được tạo ra để thực hiện chủ trương chính trị chuyên chế, đi ngược lại tinh thần đa phức Hậu Hiện Đại. Inrasara là người có vai vế trong hội này, đã ẵm nhiều giải thưởng của hội. Vậy Inrasara làm cách tân bằng cách nào? Bằng cách chế ra cái gọi là “phê bình lập biên bản.” Một loại phê bình nước đôi, vừa ve vuốt giới văn nghệ ngoài lề vừa làm chức năng cố vấn cho giới văn nghệ chính thống. Cùng một lúc muốn làm vui lòng cả hai phía đối phản nhau như vậy cũng giống như lái xe chạy tới ba thước rồi gài số de lui lại ba thước. Cách tân đi đến đâu?”

Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh trả lời: 

” Đúng như Hạo nói, nếu họ giác ngộ tinh thần Hậu Hiện Đại, họ phải phân mảnh bản thân khỏi cái cấu trúc đại tự sự là Hội Nhà Văn. Đằng này họ cứ giả tưởng Hội Nhà Văn là hội nghề nghiệp, nhưng tội nghiệp là khi hành nghề mà trái ý ma cô Ban Tư Tưởng là bị quở mắng hoặc ăn đòn ngay. Inrasara là một người hô khẩu hiệu lớn giọng nhất của cách tân mà không biết có bị quở mắng hay ăn đòn chưa hay chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?”

Có lẽ hai thi sĩ danh giá này muốn qua tôi làm bàn đạp tấn công cái gì khác – chả biết, chớ đánh đấm Sara kiểu ni, HỤT là cái chắc. Tôi có vui vẻ [bánh mì] trả lại bằng bút kí: “Sống, và không để lại dấu vết” dài 8.460 chữ đăng Inrasara.com. Chuyện xưa xa rồi, nay nhân loạt bài “phê bình”, tóm 6 ý hầu bà con:

[1] “hành nghề mà trái ý ma cô Ban Tư Tưởng” Inrasara “bị quở mắng hay ăn đòn chưa”? – Chưa hề, do tôi sinh ra dưới ngôi sao may mắn!

Từ 1982, dự cuộc hơn 30 trận đấu các loài, từ vụ cá thể như “Sự cố án mạng KMV” cho đến việc chung như “Xâm lấn đất Ghur Raneh”, từ nỗi nhỏ như tiêu cực tại “Trường Dân tộc nội trú Ninh Phước”  đến chuyện đại to cồ là “Dự án Nhà máy Điện hạt nhân”, ở đó có đến 95% mang lại hiệu quả cho bà con nhờ. Đáng nói là, dù “tới cùng”, chưa từng có ai mời tôi “uống cà phê”. Thì chả may mắn là gì?!

[2] “hay chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?”

“Ẵm giải”, đúng – lại thêm may mắn khác!

Còn “toàn ẵm giải thưởng của ma cô” – là sai. Tôi ẵm 20 giải từ 4 nước thuộc 3 tổ chức khác nhau: chính thống, phi chính thống và cả “phản động”.

[3] “Inrasara là người có vai vế trong hội” – trật.

Ẵm “giải ma cô” lần đầu Tháp nắng-1997, khi tôi chưa vào Hội; lần hai Lễ Tẩy trần tháng Tư-2003, tôi chưa tí ti vai vế.  

[4] Inrasara “làm chức năng cố vấn cho giới văn nghệ chính thống”, hô vậy là chưa hiểu gì CS. Bạn tự nhận phe tự do, thế mà giáo điều quá cha CS!

Kẻ 3 không: đảng viên, bằng cấp, chức vụ, CS có khờ mới cho “giới văn nghệ chính thống” đi nghe hắn cố vấn.

Còn “định hướng” ư? Tôi tham gia hơn mươi tổ chức các loại. Ai mò thấy dấu vết tôi bị định hướng, cho điểm 10 luôn.

[5] Kêu Inrasara “ve vuốt giới văn nghệ ngoài lề”, là tự khai không biết ông Inrasara là ai.

Văn chương biểu lộ tâm hồn một dân tộc. Muốn hiểu tâm hồn Cham, tôi tiêu hết tuổi trẻ, để làm nên bộ Văn học Cham.

Cũng thế, để hiểu tâm hồn Việt hôm nay, không gì khác – tôi nghiên cứu nó, nhấn vào thơ Việt đương đại. Nhìn toàn cảnh bàn toàn cục, nghĩa là không thể thiếu ngoại vi. Lập biên bản 124 nhà, trong đó 2/3 thuộc ngoại vi, hỏi tôi đủ sức vuốt ve xoa bóp không?

Mà xoa bóp vuốt ve làm gì và được gì cơ chứ! Làm không nên thân, đằng ấy xoay qua tông lại thì có [như các bạn ấy].

[6] Còn cho là Inrasara chế ra “phê bình lập biên bản là loại phê bình nước đôi”, đích thị sai TO nhất.

Cứ ôn tập 3 giai đoạn phê bình của tôi, đủ biết:

“Phê bình Lập biên bản [3 hình thức]” nhằm đặt nền móng khoa học cho phê bình;

“Hồ sơ Biên bản so sánh” làm bật đóng góp độc đáo của khuôn mặt mới;

cuối cùng là “Phê bình khai phóng” tập trung vào tác phẩm mang tư tưởng tự do.

90% bài tiểu luận, phê bình của tôi xuất hiện trên báo chí Việt ngoại vi và website nước ngoài: Tienve, Vanchuongviet, Talawas, Hợp Lưu, BBC, RFA, Vanviet, Inrasara.com… ở đó hầu hết không nhuận bút.

_____

P/S. Đây không là tự biện minh – vô ích, với sinh linh đã sang tuốt bờ bên kia – mà là một nỗ lực HÓA GIẢI hệ lụy mấy nỗi chữ nghĩa Việt còn tồn đọng qua bao chiến tranh, chia li và ngăn cách.

Bà con muốn rõ hơn, thử đọc: Inrasara, “Sống, và không để lại dấu vết”.

Hay “Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã làm gì?”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *