Câu chuyện Cham-39. CHÚ ĐẠT CHỮ ĐÃ VỀ

Đạt Chữ qua đời 1g chiều hôm qua: thứ Tư ngày lành, 5-5-2021, hưởng thọ 78 tuổi. Sáng nay, 8g chú được “gửi tạm Thần Đất” tại Chakleng, quê hương bản quán chú.

Cộng đồng nhỏ bé Cham, chú Đạt Chữ nổi tiếng thì hẳn rồi. Chỉ kém mỗi ca sĩ Chế Linh, – tôi đùa chú thế. Không ngoa đâu, chú trực Phòng cấp cứu Bệnh viện Tỉnh trước và sau 1975, không thân nhân gia đình Cham nào không qua chú, biết chú. Không xa cũng gần, không này cũng nọ.

Mà chủ lại là người quảng giao, hoạt bát, vui tính và khôn ngoan đáo để.

Cộng đồng Cham cần chú, Chakleng cần chú, họ Gaup Gađak cần chú, nhưng rồi mươi năm qua, mọi người dần xa lánh chú. Buồn không! Tôi nói:

– Đời người có trước có sau, hôm nay có ghét chú đến đâu, ta cũng nên ngoảnh lại chú ngày xưa, để mà cảm thông. Biết đâu – hiểu, ta càng yêu chú hơn…

Thập niên 1960, Chakleng chỉ có mỗi anh Niên “y tá” lo chuyện bệnh hoạn bà con dân quê. Mà anh lại ốm yếu, thêm món ho. Có chuyện vào đầu hôm giữa khuya đều nhờ đến anh [cảm ơn lăm lắm, cầu bình an], mãi khi Y tá Thê và Y sĩ Chữ xuất hiện, dân Chakleng mới an tâm phần nào.

– Coi cei Chữ mi kia, – mẹ nói: Nhức đầu đau bụng kêu lúc nào có mặt ngay lúc đó. Ai con trai mà vừa học về đã xây ngay cái nhà ngói cho mẹ không, mỗi cei Chữ mi…

À, hén. Chakleng dường chú là người đầu tiên làm thế. Là ca hiếm của Cham.

Với Chakleng là vậy, riêng vụ tôn tạo ‘Kut’ đầu tiên trong Cham: ‘Kut’ Gaup Gađak – chú Đạt Chữ [với Pô Adhya Hán Bằng] là công đầu. Chuyện đã kể, miễn nhắc.

Ở trên có nói chú “khôn ngoan”, không khôn sao được khi thập niên 1990 lúc chưa Cham nào có chút khái niệm về món này, chú đã chạy ngay “sổ đỏ” cho ‘Kut’. Khi ‘Kut’ đã sạch đẹp, chú quyết liệt đấu giữ đất ‘Kut’ từ bấy đến nay. Rồi mỗi năm trước Katê, tôi cho chú một khoản cần thiết để vệ sinh và làm đẹp ‘Kut’.

Chú còn đấu, không cho Chakleng làm vườn hoa trước ‘Kut’ nữa là! Anh chị em nói quá chú mới chịu. Vừa đẹp làng và đẹp ‘Kut’ Gaup Gađak mình, không tuyệt sao.

Thế rồi – sông có khúc người có lúc, chú Đạt Chữ của tôi trở chứng la mọi người. Ai chú cũng đụng, chả ngán. Mà đụng nặng. Thế là mọi người xa lánh chú. Riêng tôi, mươi lần đụng là mươi lần tôi né. Né, thì hụt [tôi rất nể mình về vụ này!]. Sau vài tháng là lành, chú ca ngợi tôi trở lại. Chớ bà xã tôi, đụng một lần là hai đứa vĩnh viễn hát bài đôi ngả chia li.

May, hai tháng trước khi chú “về”, tôi dẫn Jaya qua nhà thăm chú làm phỏng vấn ghi hình về tình yêu văn hóa Cham của chú, về Chakleng, về ‘Kut’ hoang có mặt xung quanh mảnh đất văn vật này: hơn 20 ‘Kut’ cả thảy.

Thiếu là, mấy bận dặn đi dặn lại – Jaya lơ là không chịu theo chân chú làm một vòng quanh khối ‘‘Kut bhao’ kia để lấy ảnh tư liệu cho Cham và cho Chakleng.

Cứ khất, trì hoãn, để phải hụt – uổng không!?

Điều nữa không thể không nói lên. Chú đi, chắc chắn thế – chú biết. Chú đã từng tham gia cải cách xã hội Cham, và hôm nay chú muốn làm một cải cách vào cuối đời: Không nhờ Thần Đất giữ, mà làm đám tang gọn nhẹ cho chú, đưa ‘kaya amưh’ vào LÒ THIÊU, dùng tro kết lại làm 9 mảnh xương cho mai sau lễ vào ‘Kut’.

Hơn mươi năm trước, chú Mưdôn gru Hán Phải của tôi cũng đã trối trăn với tôi, theo cách khác: Không chôn, mà làm lễ THIÊU. Dẫu sao chú cũng là ‘Halau janưng’ cao cấp. Giờ phút cuối, chú đặt hi vọng duy nhất vào mỗi tôi. Tôi đã ậm ừ và sai hứa: Quy ước của làng Bal Cong, tôi không thể tự ý phá.

Hôm nay, chúng tôi: anh Ngọc, anh Thính… cũng “thất hứa” với chú Đạt Chữ. Không thể thực hiện ý nguyện của chú, nguyên do từ phía khác: Gia đình và các con chú không thuận.

Cải cách một nếp sống, thay đổi một nét văn hóa nào bất kì, cần từ từ là vậy.

Chú Đạt Chữ đã về. Xin nói tiếng Đwa apakal chú!

Cầu mong bình an cho linh hồn chú. Thuk siam truh Thôr Riga.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *