SỐNG, VÀ KHÔNG ĐỂ LẠI DẤU VẾT

Trên tạp chí Hồn Việt do GS-TS Mai Quốc Liên làm Tổng biên tập, số 6, 12-2007, tác giả Vũ Hồng Ngự (?) sau khi mang bài thơ “Lổ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh ra phê phán, đã viết:

“Tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này… thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.”

Đúng bốn năm sau, trên Litviet, 3-12-2011:

Phan Nhiên Hạo: “… Ở Việt Nam hiện nay, cách tân khó có thể “tới” được một phần còn vì cái não trạng thực dụng đầy tính thỏa hiệp của giới văn nghệ. Nhiều người muốn cách tân nhưng đồng thời muốn được công nhận bởi hệ thống văn chương bảo thủ của nhà nước. Tôi lấy ví dụ Inrasara. Inrasara là người xiển dương cách tân thơ, đặc biệt tích cực truyền bá chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Nhưng Hậu Hiện Đại thì không thể nào đi cùng với Hội Nhà Văn, vốn là một tổ chức được tạo ra để thực hiện chủ trương chính trị chuyên chế, đi ngược lại tinh thần đa phức Hậu Hiện Đại. Inrasara là người có vai vế trong hội này, đã ẵm nhiều giải thưởng của hội. Vậy Inrasara làm cách tân bằng cách nào? Bằng cách chế ra cái gọi là “phê bình lập biên bản.” Một loại phê bình nước đôi, vừa ve vuốt giới văn nghệ ngoài lề vừa làm chức năng cố vấn cho giới văn nghệ chính thống. Cùng một lúc muốn làm vui lòng cả hai phía đối phản nhau như vậy cũng giống như lái xe chạy tới ba thước rồi gài số de lui lại ba thước. Cách tân đi đến đâu?”

Nguyễn Quốc Chánh: “… Đúng như Hạo nói, nếu họ giác ngộ tinh thần Hậu Hiện Đại, họ phải phân mảnh bản thân khỏi cái cấu trúc đại tự sự là Hội Nhà Văn. Đằng này họ cứ giả tưởng Hội Nhà Văn là hội nghề nghiệp, nhưng tội nghiệp là khi hành nghề mà trái ý ma cô Ban Tư Tưởng là bị quở mắng hoặc ăn đòn ngay. Inrasara là một người hô khẩu hiệu lớn giọng nhất của cách tân mà không biết có bị quở mắng hay ăn đòn chưa hay chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?”

Hai ý kiến ở hai thời điểm khác nhau. Hồn Việt thì rõ rồi: đã cố ý xuyên tạc tôi, bởi tôi chưa hề có ý kiến nào ở bất kì đâu về bài thơ trên của NHHM! Tôi cũng chưa bao giờ xếp thơ của nhà thơ này vào dòng thơ hậu hiện đại. Còn Phan Nhiên Hạo hay Nguyễn Quốc Chánh, tôi không tin các anh như thế. Chắc hẳn có vài lấn cấn đâu đó.

“Sống, và không để lại dấu vết” không là một trao đổi hay đính chính, mà chỉ như một hồi niệm – các chi tiết này tôi đã nhắc rải rác trong Chân dung Cát (2006), Hàng mã kí ức (2011)(1) và các bài viết của tôi – hồi niệm và hệ thống lại, để giải tán vài ngộ nhận không đáng, đây kia.

1. Thằng Trạm mát

Tôi là đứa cá biệt, cá biệt đến kì quặc. Kì quặc ngay còn chưa cắp sách đến trường. Đám tang hay đám cưới bà con anh em, tôi muốn đi viếng hay dự – tùy hứng. Thường thì không. Sống Sài Gòn gần hai mươi năm, đồng hương và hội sinh viên Cham có hơn trăm cuộc họp mặt lễ lạc, tôi dự đúng ba lần! Được cái, tôi lành tính. Cạnh đó từ tuổi thiếu niên, tôi còn đóng góp vào chuyện làng xóm bao nhiêu công ích, như dọn vệ sinh, đào giếng, hay dạy chữ Cham, toán, tiếng Pháp… miễn phí. Chakleng bỏ qua cho tôi, là vậy. Dân làng tặng tôi biệt danh “thằng Trạm mát”, rồi thôi.

Tôi đọc Nietzsche, Krishnamurti, Heidegger, Ariya Glang Anak từ rất sớm. Mê mẩn. Quay nhìn xung quanh chẳng sinh linh Cham nào thế cả. Bạn bè trang lứa với thế hệ đàn anh càng không. Xã hội Cham sau trăm năm vẫn còn đậm kí ức về trận càn kinh hoàng của Minh Mạng:

Minh Mạng

Nạng gỗ

Chó sủa nhau

Nhảy qua rào

Con ai khóc

Móc lòng ăn…

Thuở con nít, ông anh họ kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện ghê người.

Khi tờ chiếu vua Thiệu Trị ban xuống, đám tàn dân Cham từ khắp miền rừng núi dắt díu nhau trở về bản quán, đếm đầu chỉ còn 15.000 người. Hãy tưởng tượng, vương quốc hùng mạnh một thời mà chỉ còn bấy nhiêu mạng! Bà con cắm cúi cặm cụi làm ăn cầu ổn định cuộc sống, để có mặt trên đời. Run rẩy và nhẫn nhục. Vậy mà đứa con cưng của họ đi đọc Krishnamurti, Heidegger! Thêm: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện.

Tôi bị ma sát dữ dội giữa lòng xã hội Cham.

Năm 1992, vào Sài Gòn làm việc, ngoài bạn thơ Trần Xuân An dân Quảng Trị nhập cư chả chơi với ai, suốt bảy năm – tôi không quen bất kì văn nghệ sĩ nào, cho đến năm 1999, tôi gặp nhóm Thơ Tự do. Qua nhóm này tôi mới biết Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn. Nên khi các bạn trong Nhóm Mở Miệng tìm đến tôi vào năm 2002, tôi chấp nhận họ ngay. Dẫu sao với Việt Nam, họ vẫn là thiểu số. Tôi, dù hòa nhập rất nhanh, vẫn là “thiểu số giữa lòng thiểu số”.

Tôi phải chịu sự ma sát lần hai: ma sát giữa hai nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Rồi khi vào Hội Nhà văn Việt Nam, ra Bắc, tôi lượt nữa chịu ma sát: ma sát với quan niệm văn chương miền Bắc, vừa có tính vùng miền vừa nặng di chứng văn chương hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Dẫu sao đi nữa, dù nhập cuộc hết mình, tôi vẫn giữ thái độ đường biên (hay theo cách gọi của tôi: “cô đơn”), không phải luồn lách đầy khôn ngoan để tồn tại, mà là giữ khoảng cách cần thiết. Để quan sát và tìm hiểu(2).

May, tôi vẫn sống!

Chiều ngày 5-12-2011, tại quán cà phê vỉa hè Hà Nội, bạn văn ĐT dạy tôi:

– Nơi đâu không biết, chứ ở hội thảo bàn tròn bàn vuông với Hội Nhà văn Việt Nam, Sara cứ tương “Hồ Chủ tịch viết” hay “ông bà ta từng nói”… thì đủ. Còn lại, anh muốn nói gì cứ nói. Chớ có dại Ních Niết hay Kăng Kiếc gì cả! Sớm muộn gì họ cũng cho ăn đòn…

Tôi nghe vui vui. Về, xét lại, mánh đó ông thầy cũ hiện là bạn vong niên của tôi đã vận dụng lâu rồi, ở quê. Hiệu nghiệm ra phết. Với già làng ấy thì được, còn tôi, ở đó mà cánh chính thống tin cho. Nên tôi nghĩ, cứ làm theo kiểu “thằng Trạm mát” như tôi từng, nghĩa là điếc không sợ súng, là ổn.

Và tôi đã luôn luôn ổn. Thế nên, khi Chánh nói: “Inrasara là một người hô khẩu hiệu lớn giọng nhất của cách tân mà không biết có bị quở mắng hay ăn đòn chưa” thì tôi cho đó là thắc mắc hơi bị thừa. Đơn giản, bởi tôi luôn là kẻ may mắn.

2. Tôi và cơ chế

Sau 1975, tôi vào ngồi lớp 12 dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tại Phan Rang. Lớp chuyên Văn non sáu mươi đứa toàn Việt, mỗi tôi Cham. Được mươi ngày, tôi và Du cãi ông thầy Bắc dạy văn. Du chạy thoát thân sang lớp Sinh, tôi ở lại chịu trận. Từ Pháp văn chuyển sang Anh văn, thêm món văn học cách mạng, ngay tháng đầu, tôi đội sổ. Thầy chủ nhiệm nhìn tôi ái ngại. Lớp trưởng mời tôi “làm việc” vào giờ giải lao. Tay nông dân Cham cá biệt này ảnh hưởng đến phong trào thi đua lớp như bỡn, tôi đọc thấy trong mắt bạn.

– Bồ chớ vội lo, tháng sau mình trung bình, tháng thứ ba số một… – Tôi nói.

Và tôi đã giữ đúng lời hứa.

Vào Đại học khoa Văn, chưa đầy tuần, tôi cãi vị giáo sư vụ ông giáo sư Bắc kỳ chê cụ Khổng về câu “phụ nhân nan hóa”. Thấy lình xình, tôi thi chuyển sang khoa Anh. Ở đây chưa hết học kì, tập đặt câu, thay vì “Bởi vì hôm qua trời mưa, cho nên em đi học trễ” như các bạn đi, tôi giở trò cá biệt: “Bởi vì đất nước ta vừa trải qua chiến tranh, cho nên chúng ta còn hạn chế về tự do”.

Tôi bị cho là sai quan điểm. Chán, tôi xa dần giảng đường, rồi bỏ hẳn dăm tháng sau đó. Một năm lang thang miền Trung, về làng, tôi được mời làm kế toán trưởng Hợp tác xã Nông nghiệp. Sau năm rưỡi, đang ngon lành (thời đó, lương kế toán trưởng ngang bằng thứ trưởng), tôi chuyển khẩu vào Ban Biên soạn sách chữ Chăm lương chết đói. Ở đây được bốn năm, đang biên chế chắc khừ, tôi bỏ công sở về quê làm nông dân mà đời sống chỉ từ mạt rệp trở xuống. Chưa hết, mùa khô 1992, đang quán tạp hóa ngon trớn, tôi bỏ vào Sài Gòn làm Từ điển ở Đại học Tổng hợp đồng lương vừa đủ báo với cà phê sáng. Để đến tháng 8-1998, tôi quyết vĩnh viễn rời cơ quan Nhà nước, làm nhà văn tự do.

Thêm, tháng 10-1999, nhận giấy có dấu đỏ mời ra Hà Nội hiệp thương làm quan, tôi thử mang nó ướm các trí thức Cham; và dù mọi mọi Cham đồng thanh “tốt lắm, Inra làm giúp đỡ được bà con”, nhưng tôi lẳng lặng cất nó vào tủ hồ sơ, không một lần xem lại(4). Mười năm sau, lượt nữa tôi từ chối một lời đề nghị tương tự.

“Mát” như vậy, tôi cứ là… may mắn.

Thuở Đại học, các bạn thân tôi bị tù vì dính vụ vượt biên, tôi bỏ học trước một năm, nên thoát. Bị tù tội, họ bị bằng hữu xa lánh, tôi thì ngược lại, thường xuyên gần gũi gia đình các bạn. Cùng năm, anh Trăng bạn cùng quê, em ruột Huỳnh Ngọc Sắng – lãnh tụ Fulro Chàm – nằm khám, tôi tằn tiện gửi quà vào trại thăm anh. Là điều tối kị thời buổi tranh tối tranh sáng đó. Lạ, tôi như được miễn dịch: không hề bị liên lụy. Không an ninh nào đến nhắc nhở. Là may mắn, chắc chắn thế. Đầu năm 2004, sự cố xảy đến với Nhóm Mở Miệng, không ít bạn văn lãng xa, tôi thì luôn bên cạnh Đợi, Chát. Cũng chả có ai đến hỏi han phiền hà tôi.

Mùa hè 1975, bộ đội tràn vào Phan Rang, anh em bạn học tôi non ngàn đứa ào lên núi Nau Ikan Krwak Đi Cá Rô – như lối nói của dân quê Cham, tôi và vài đứa ở lại. Kí túc xá Trường Pô-Klong và cả Chakleng như có tang. Vắng tanh, buồn rũ. Tôi bị nghi được Fulro cài lại. Đang giờ học, tôi bị mời lên xe Jeep thẳng đồn công an Tỉnh cùng Hiển bạn học. Tôi bị biệt giam trong xà lim tối mịt, hôi rình. Bữa cơm tù đầu đời, họ bày trước mặt tôi chén thịt với dĩa cơm.

– Tôi không ăn thịt chó và đồ thừa… – Tôi nói.

– Rồi mầy sẽ phải ăn…, – tay cán bộ trẻ gườm gườm tôi.

Hôm sau họ đưa cơm trắng kèm chén mắm. Hai tôi được thả ra ba ngày sau đó. Về Chakleng, tôi bị đẩy vào lớp học tập chính sách. Đứng trước cửa lớp nhìn vào thấy đầy nhóc anh em bè bạn, cả mấy chục thanh niên làng khác nữa. Hiển ngoan ngoãn bước vào, tôi vùng vằng:

– Tôi chả việc gì sao phải học tập chứ?

Lui tới ba lần bốn lượt, họ mới cho tôi đi. Tôi lần nữa, thoát. Để ngay tháng sau đó, tôi rủ thêm vài bạn mở khóa dạy chữ Cham cho non bảy chục anh chị em từ các tỉnh thành về quê đang không có gì làm. Đèn dầu với giấy “cách mạng”, hơn hai tháng. Không một cán bộ Xã Đoàn nào đến thăm lớp. Đó là thời quân quản khí quyển sợ hãi phủ trùm mà tôi dám “tụ tập đông người” chẳng phép tắc. Tôi còn sáng tác cả trường ca để lên lớp nữa. Trong khi tôi vô danh tiểu tốt, Đảng Đoàn: không; ô dù: không; bằng cấp hay chức vị càng không… Đích thị là trò liều. Và may mắn!

Sau này khi có ít danh phận, mọi sự cố xã hội Cham, khi bà con kêu hay tôi tự nguyện dự phần. Tất tần tật. Từ vụ cá nhân như “Sự cố Kiều Minh Vũ”, cho đến chuyện chung như “Tranh chấp đất đai Văn Lâm”, từ việc nhỏ như lên tiếng “Ghur Raneh” đến vụ đại cố như “Dự án Nhà máy Điện hạt nhân”. Không phải nhờ tôi mà tất cả đều ổn, mà tôi muốn nhấn – dù lên tiếng “tới cùng”, chưa hề có ai mời tôi “uống cà phê”.

Hỏi, không may là gì?!

3. Để làm gì, văn chương?

Với Giải thưởng các loại, tôi cũng là kẻ may mắn. Tôi nói rõ thế, trong lần trả lời phỏng vấn VnExpress năm 2005 về giải thửng Văn học Đông Nam Á. Chẳng có gì giả vờ khiêm tốn ở đây cả.

Giải thưởng ở nhiều thời điểm khác nhau cho vài lĩnh vực khác nhau. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Tháp nắng (1997) xảy đến trước khi tôi vào Hội một năm (1998). Của CHCPI dành cho Văn học Cham – Khái luận (1995) khi tôi còn vô danh tiểu tốt. Của Hội Nhà văn lần hai cho Lễ Tẩy trần tháng Tư (2003) rồi Giải thưởng Đông Nam Á (2005), khi ấy tôi còn chưa có “vai vế” gì trong Hội(6). Mới nhất, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, là giải phi chính thống, chả chút liên can đến Hội Nhà văn.

Giải thưởng tạm cho là danh giá các loại, tôi ẵm đến non hai chục, trong đó ba “có yếu tố nước ngoài”, hai phi chính thống, chứ không “toàn ẵm giải ma cô”, như Nguyễn Quốc Chánh đay.

Còn “viết theo đơn đặt hàng hay chỉ đạo của/ từ bất kì cơ quan nào”, ai mò ra một dấu vết, tôi cho điểm 10 ngay. Duy nhất cuốn Ariya Trường ca Cham (2006) là theo chương trình tài trợ của Toyota Foundation. Ở đây họ chỉ duyệt đề cương chứ không can thiệp vào nội dung bản thảo, tác phẩm sau đó được Giải thưởng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Tác phẩm tôi viết, sách in ra, cơ quan nào thấy được – cho giải, tôi không việc gì từ chối. Giải thưởng, đúng ba lần tôi đến nhận cùng bà xã; còn lại tôi nhờ người khác đi nhận hộ hay họ gửi đến cho tôi sau đó.

Tôi làm thơ, cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt, từ rất sớm. Không để làm gì cả. Thích thì làm, thế thôi. Không ý định đưa in để được nổi tiếng hoặc ăn giải nào đó. Tình cờ, Nông Quốc Chấn đọc, ông cho nó rất được và hứa mang tìm chỗ in. Ông vai vế thế mà đã chịu, bởi nội dung tập thơ không qua nổi ải kiểm duyệt, nghe đồn thế. Phải hai năm sau, cũng rất ngẫu nhiên, Tháp nắng mới mở mắt chào đời. Năm đó tôi 40 tuổi chẵn. Từ đó, các tập thơ tôi liên tục được xuất bản.

Còn nghiên cứu văn hóa Cham, nó làm cho tôi vui, vậy thôi. Không ý định “bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” chi chi, dù tôi đã dành hết tuổi trẻ cho nó. Hai lăm tuổi, có kha khá vốn. Phú Văn Hẳn ra trường, tôi kêu tới, gợi ý đưa tất cả tài liệu về ngôn ngữ cho anh. Lưu Văn Đảo ra tù, tôi muốn giao tất tần tật những gì có được về văn học cho bạn. “Mát” thế chứ! Rủi cho tôi, cả hai đều từ chối. Thế nên, có ai cho rằng tôi dùng văn hóa dân tộc để tôn vinh cá nhân thì hoàn toàn không biết đến chất “mát” của tôi. Riêng bản thảo các công trình kia, nếu không tình cờ gặp Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, tôi sẽ không bao giờ mang chúng ra in.

Tinh thần này xuất phát từ truyền thống Cham. Toàn bộ tác phẩm cổ điển Cham khuyết danh. Ngay Ariya Po Parang (Trường ca Quan Lớn Pháp) mới viết thời kì đầu Pháp thuộc, mọi người đều biết Hơp Ai là tác giả, khi chép lại sách, tất cả đều “bỏ quên” tên ông. Ông ngoại tôi (cha của cha tôi – Cham theo mẫu hệ) Phú Bô thầy cao đạo ai cũng biết, nhưng hiếm người biết ông là tác giả Ariya Rideh Apwei (Trường ca Xe Lửa) khá danh giá. Thuở lên bốn, dạy tôi thơ Cham, ông cho tôi thuộc lòng Ariya Glang Anak, chứ không là tác phẩm ông. Ông không nói cho tôi biết. Cha tôi cũng không cho tôi hay. Viết Văn học Cham – Khái luận, tôi không kê nó vào mục văn học viết, là vậy. Bởi tôi hoàn toàn không biết có nó. Văn chương là của trời đất mà không là của ai.

Trà Vigia tài năng là thế, nhưng anh sẽ không bao giờ lộ mặt, nếu không có Tagalau. Trần Wũ Khang xuất hiện một hồi, rồi bặt tăm. Hàm Bộ – guru của tôi, hơn tôi hai tuổi – còn không buồn viết một chữ (tôi sẽ có cuốn Tự ngôn ghi các đối thoại của tôi với anh lúc ông sinh thời)(7). Có lẽ tôi cũng như họ, nếu không gặp mấy cơ duyên ngẫu nhĩ kia. Không may, tôi đã để lại quá nhiều dấu vết.

Hiện tượng Inrasara là một thứ tai nạn văn hóa.

Sống, và không để lại dấu vết – Cham nghĩ vậy. Không phải tất cả Cham đều cho vậy. Đã có người chịu nộp ba trăm ngàn để hai bài thơ mình vào loài tuyển rất bá vơ. Rồi sẵn sàng bỏ ra cả triệu đồng để mua năm cuốn biếu tặng theo giá “thỏa thuận”. Người nữa kém tôi đến một giáp, chỉ mới ý định viết chung với tôi tác phẩm nghiên cứu thôi, mà đã dứt khoát tên mình phải đứng trước tên Inrasara. Khốn khổ khốn nạn! Họ đã mất hết Cham tính. Còn hỏi họ bị lai giống gì thì tôi không biết được.

4. Tôi và Hội Nhà văn

Chuyện vào Hội của tôi khá lạ đời.

Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam, sống Sài Gòn được một năm, Phú Văn Hẳn rủ tôi với hai chục sinh linh Cham nữa cùng… vào. Khối kẻ trong số đó không biết đến văn học nghệ thuật. Không đơn xin, không lí lịch, càng không biết vào để làm gì(8). Đại hội nhiệm kì 2007-2012, nghe phong thanh tin mình được đề cử ngồi Chủ tịch đoàn, tôi nói với Nông Quốc Bình:

– Miễn cho Sara đi, ngán lắm.

– Trên đã quyết cả tháng nay, miễn sao được, anh ngồi vào đi. – Bình nói.

Thế là tôi miễn cưỡng chạy ra phố Cửa Nam sắm cái bộ vét, trong khi tại Sài Gòn tôi có hai bộ cả năm không ngó tới. Sang mục đề cử ứng viên vào Ban Chấp hành, khi người dẫn chương trình xướng tên chục vị xin tự rút, mọi người vỗ tay ầm ầm. Đến phiên tôi thì cả Hội trường im re. Tin nhắn từ cellphone anh bạn: Có mỗi ông là Cham mà còn đòi rút thi lấy ai đại diện?

Thôi thì hội phong trào, chẳng chết ai. Thế là tôi ngồi lại ngay ngắn chịu trận, để… dính. Sau đó còn sắm cả vai Trưởng Ban lí luận phê bình nữa!

Hội Nhà văn Việt Nam có khác chút đỉnh.

Tập thơ đầu tay Tháp nắng ra đời, ẵm ngay giải Hội Nhà văn, để rồi gần như Nông Quốc Chấn đặc cách dắt tay tôi vào. Tôi có viết đơn thư nào không, không nhớ. Tôi nghĩ, vào hay không vào Hội, chả có gì to tát cả. Tôi ít biết đến chuyện đơn thư. Ba lần làm việc ba cơ quan khác nhau, tôi chưa có đơn xin việc.

Ở Hội Nhà văn Việt Nam, hai nhiệm kì tôi ghế phó Trưởng Ban Hội đồng Văn học Dân tộc (nhà thơ Y Phương vai trưởng) nhưng hầu hết công việc đều do Dương Thuấn gánh vác. Bởi anh thích làm và biết làm. Khi Hội đồng này rã đám, tôi được cho vào ngồi chỗ trống phó Chủ tịch Hội đồng Thơ. Lại “phó”! Anh em Cham hay đùa nhau nỗi “phó” này. Thông tin trên website Hội Nhà văn Việt Nam tháng 10-2010. Tôi viết trên Inrasara.com, tháng 11-2010:

“… đã bỏ túi cái thẻ, tôi nghiêm chỉnh chấp hành, như thể làm tròn bổn phận cư dân Hội. Tin nhắn, điện thoại bay tới tấp. Vài cái tiêu biểu: “Rất hãnh diện, chúc mừng anh!”. “Rất công bằng và xứng đáng”. “Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn chưa làm hư nổi Sara, huống hồ phó Chủ tịch Hội đồng Thơ”. “Khổ thế chứ! Xin chia buồn cùng ngài tân phó Chủ tịch”…”

Từ Tây Nguyên, bạn thơ phone tới chia sẻ:

– Sara thì quá thấm nỗi Hội Nhà văn rồi. Thế vẫn còn chưa đủ, ít ra anh cũng cần ngồi vào ghế nào đó một nhiệm kì để lấy chi tiết sau này viết tiểu thuyết. Ở đó ngồn ngộn hiện thực cuộc người mặc sức mà khai thác…

– Mi cứ đùa ông anh, tôi nói.

Nhận “nhiệm sở” chưa quá năm, tôi thu nạp bao nhiêu dòng sông phiền lụy mới đổ vào dòng sông khổ ải của đời mình. Cô bạn thơ nữ vừa đút túi cái thẻ, đã gửi thư báo tin vui đến người cha đang nằm viện: “Coi như con đã trả xong chữ hiếu, bố ạ”. Cô kể với tôi rất ư là… ngây thơ. Bạn thơ vong niên: “Mình không chuyên nghiệp như Inrasara, kẹt nỗi năm nay trên cơ cấu mình vào Chủ tịch Hội của Tỉnh, nên cần có thẻ Nhà văn cầm tay, ông ạ”. Thêm: “Viết văn làm thơ mà, hội với chả hè, nhà thơ X bên Hội đồng nói quá nên mình phải làm đơn đấy chứ”. Chưa hết: “Ở Bắc cả dòng họ mình đến nay vẫn chưa có ai là nhà văn, cậu à. Kì này cậu cố gắng giúp mình nhé”. Nữa: “Thằng cha đó mà thơ thẩn gì, chỉ biết mỗi văn hóa chạy. Thơ thế này mới là thơ chứ (ông giúi vào tay tôi mươi bài thơ vừa photocopy). Phải có mầy phụ vào một tay với ông anh mới được. Mầy chịu khó nói với mấy thằng trong Hội đồng một tiếng giúp tao! – Không được đâu, cùng lắm Sara có mỗi lá phiếu, – tôi nói”. Vân vân…

Nghe, tôi thấy mình ù ù cạc cạc về tâm lí người Việt.

Bị tiếp cận từ nhiều hướng bằng nhiều cách thế khác nhau, tôi sẽ thế nào? Gái gú ư? – Tôi không nhu cầu. Bao thư hay phong bì? – Tôi càng không(9). Tiệc tùng nhậu nhẹt bù khú là thứ tôi đệ nhất ngán. Còn rượu tây thì tôi không biết đến xưa nay.

Phía ngược lại, với người Việt, Inrasara vẫn cứ âm âm u u, – họ đồn thế. Tôi thì cá biệt, chẳng Việt Cham gì ở đây cả. Một hôm, sau khi tự thú vài vụ chạy chọt tiêu biểu, trỏ vài chục chai rượu tây đứng chình ình góc tủ sách(10), tôi hỏi bạn trẻ Cham:

– Tình trạng thế, cei có nên thực thi văn hóa từ chức không?

– Chuyện này chưa có tiền lệ cei à, – nghĩ một lát, hắn nói: – Là Cham, tạo xì-căng-đan, cei thì chả sao, với Cham thì không có lợi…

Cei có quyền bỏ phiếu trắng chứ?

– Dạ, được… Năm năm đi qua nhanh lắm.

Miệng đàn bà con trẻ vậy mà thiêng. Vâng lời cánh trẻ, tôi phát tín hiệu đi. Để ít ra, bản thân tôi thoát nạn. Thêm: để thông tin rộng rãi rằng ứng viên chạy cửa nào thì được, chứ cửa Inrasara toi công(11).

5. Thế nào là Phê bình lập biên bản?

Nếp nghĩ truyền thống của Việt, thêm chiến tranh cùng bao hệ lụy, văn chương tiếng Việt non nửa thế kỉ qua bị phân biệt đối xử khắp. Bắc với Nam, trong nước với hải ngoại, chính thống/ phi chính thống, dân tộc đa số/ dân tộc thiểu số, đã là/ chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trung tâm văn hóa lớn/ địa phương và tỉnh lẻ, nam/ nữ, văn chương giấy/ văn chương mạng,… Bao nỗi ấy lồ lộ trong đời thường, phơi ra cả ra mặt báo. Không thể khác, tôi bày ra phê bình lập biên bản. Chưa tiếp cận đủ đầy nó – vì chưa đọc hết – có vị vội kêu lên đó là loại phê bình “hành động như khoa học thực vật” nghĩa là vô cảm; hôm nay thêm người cho nó là loại “phê bình nước đôi”(12).

Ẹ thế!

Phê bình lập biên bản hiện hữu dưới ba dạng:

Bàn tròn Văn chương

Ý định của nhà văn Phan Thị Vàng Anh – đại diện cho Ban Sáng tác Trẻ thuộc Hội Nhà văn đề xướng – gặp ý hướng tôi, mà hình thành. Mỗi kì Hội cho 300.000 đồng. Phan Thị Vàng Anh khi ấy đang Hà Nội, tôi ngồi chủ trì.

Đề tài BTVC có thể là một tập thơ, bài thơ, tập truyện ngắn, một tác giả, trào lưu văn chương hay hình thức in ấn và phát hành; không phân biệt tác phẩm xuất sắc hay không’ các hiện tượng văn chương cả tốt lẫn xấu, hay, dở hoặc trung bình,… được soi chiếu từ nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau. Bởi nếu là tập thơ trung bình, BTVC thảo luận về cái trung bình đó, rằng nó trung bình thế nào, tại sao như thế, và nó có gì khác so với trung bình tương cận không? Nghĩa là BTVC vẫn có thể rất hay, cả khi bàn về tác phẩm dở.

BTVCLập biên bản [như là] phê bình, theo kiểu tập thể phê bình. “Biên bản BTVC”là bản ghi chép trung thực và đầy đủ các nhận định đó. BTVC đảm bảo cho nhà phê bình cái nhìn toàn cảnh sinh hoạt văn học.

Sau 7 kì, tôi đánh giá: BTVC đạt được ba thành công nhỏ: đề tài tự do, thành phần tham dự tự do (tuổi từ 18 đến 80, nhà báo và nhà văn, chính thống và vỉa hè, hải ngoại và trong nước… đủ cả), thảo luận tự do; nhưng qua đó nó bật lên một thất bại lớn: Đặt 7 “Biên bản BTVC” bên cạnh “4 cuộc thảo luận” của Nhóm Sáng tạo, BTVC thua xa ở tầm suy nghĩ về nghề.

Sau BTVC kì 7, do vài bạn văn vi phạm quy ước, chán, tôi bỏ. BTVC tắt ngay sau đó, bởi nói theo chữ Phan Thị Vàng Anh: do “khủng hoảng chủ trì”(13).

Biên bản lập chậm

Sau mỗi Hội thảo, Ra mắt sách, Cà phê văn học,… các báo đưa tin, bình luận. Mỗi nơi mỗi khác, thậm chí ngược hẳn nhau, tùy thế đứng, cách nhìn hay tâm cảm người viết. Người đọc do đó, tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác. Bình luận dựa trên thông tin thiếu và [lắm lúc] sai, như thể nhà phê bình đánh giá tác phẩm dựa trên văn bản bất toàn hay sai vậy. Chủ quan và phiến diện là khó tránh khỏi. BBLC: cụ thể, chính xác, đầy đủ và toàn diện. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Biên bản trước, trong, sau và cả ngoài hành lang hội thảo. BBLC thể hiện thao tác công bằng nhất có thể có, làm cơ sở cho nhà phê bình và độc giả đánh giá sự việc.

Biên bản lập chậm về “Phê bình lí tính hay cảm tính” do Hội đồng Anh tổ chức, đăng trên Tienve.org, tháng 7-2007, là tiêu biểu(14).

Phê bình [như là] lập biên bản

Là các bài “phê bình” về tác phẩm, tác giả, nhất là các trào lưu văn chương đương đại.

PBLBB ghi nhận bộ phận văn chương thuộc các hệ mĩ học khác nhau. Dĩ nhiên tôi ưu tiên và nhấn vào cái mới (nên bị mang tiếng là xiển dương cách tân!). PBLBB cố gắng bày nó ra như là thế, “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó.

PBLBB chủ trương song thoại, nghĩa là đầy tính dân chủ. Nó không đứng cao hay thấp hơn sáng tác, mà là bình đẳng. Bất kì hiện tượng văn học nào tồn tại đều có lí do của nó. Tìm hiểu tinh thần con người thời đại thì không thể bỏ rơi chúng, miệt thị chúng. Tôi không cho phong trào văn chương thời thượng nào đó thì tiên tiến hơn cái có trước, không cho hậu hiện đại tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng lạc hậu so với siêu thực. Mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần của nhân loại.

Đơn cử ví dụ:

Tập ba của bộ Thơ Việt đương đại 4 tập, là Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại tôi khá ưng ý (toàn văn đã đăng Tienve.org), ba năm qua – không có nhà xuất bản nào chịu in(15). Làm tập này, tôi không ảo tưởng nó qua được cửa xuất bản chính thống. Một phần rất nhỏ của ba tập còn lại, tôi đã cho lên Inrasara.com, còn thì tất cả vẫn nằm im trong ngăn kéo. Có lẽ nó sẽ không bao giờ được chào đời, bởi tôi đã mất hết hứng thú.

Viết, không nhà xuất bản nào chịu in; đăng, không nhận được đồng nhuận bút nào; tiếng tăm ở đâu chả thấy, chỉ thấy rằng nó bị nhà chính thống hạng nặng Mai Quốc Liên chỉ điểm đầy dọa dẫm rằng: “hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn”, cạnh đó kẻ viết còn bị không ít bạn thơ trách mắng, vân vân. Một “não trạng thực dụng” như thế, phải trang bị chất “mát” thâm niên như Inrasara mới kham nổi. Nhưng dẫu sao, sau ba năm miệt mài, tôi nghĩ mình phần nào hiểu được tâm hồn con người Việt Nam! Chưa đến nỗi là công cốc.

Riêng về bài viết lẻ, tạm nêu ba ví dụ:

– “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” (Tienve.org, 17-3-2005) là tham luận cho Đại hội Hội Nhà văn Thành phố, nhưng nó bị từ chối đọc tại hội trường.

– “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix ‘nữ'” lập biên bản thơ nữ quyền luận, cả trong lẫn ngoài nước. Bài tiểu luận đăng lần đầu trên Talawas, 18-4-2006; một năm sau – tháng 3-2007, tạp chí Nhà văn mới đăng.

– Sự kiện Biển Đông tác động mạnh, lớn, nhiều chiều vào xã hội Việt Nam và tâm thức Việt trên khắp thế giới, trong đó có văn chương. Kì nhất – năm 2007, hàng loạt sáng tác về/ từ sự kiện này xuất hiện trên khắp website tiếng Việt hải ngoại. Chưa thấy nhà phê bình Việt nào tổng kết nó, ngoài hai bài khá sơ lược, nên tôi mới tiến hành lập biên bản. “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, bản tóm tắt đăng trên BBC tiếng Việt, 9-7-2011. Bản đầy đủ hơn đăng trên Tienve.org vài ngày sau đó. Riêng tôi vẫn giữ riêng cho mình toàn bộ “biên bản” cùng hầu hết bài thơ tôi sưu tầm được.

Tôi không cho rằng chúng độc đáo hoặc có gì ghê gớm, nhưng đó là việc làm cần thiết. Chớ Phan Nhiên Hạo cho: Inrasara chế ra “phê bình lập biên bản” là “một loại phê bình nước đôi, vừa ve vuốt giới văn nghệ ngoài lề vừa làm chức năng cố vấn cho giới văn nghệ chính thống“, dù mang tiếng thông minh – tôi không hiểu nổi!

Viết hai bài trước, tôi chưa là “quan thơ”, bài sau thì được một quan văn thâm niên ngắt nhỏ “nó chẳng có ích gì cho Sara cả”! Cả ba bài đều bị báo chí chính thống từ chối đăng, khi vừa ra đời. Nữa: viết chúng, tôi không đại diện cho Hội Nhà văn. Tôi không đứng cao hơn ai để khả năng “ve vuốt” họ. Riêng “cố vấn cho giới văn nghệ chính thống” thì còn lâu. Tôi không làm, bởi đó không là bổn phận của tôi, do tôi không làm nổi, và nhất là tôi biết chắc như vôi quệt tường rằng: chả có ma nào nghe! Tôi chưa bị “ăn đòn” – chữ Nguyễn Quốc Chánh – là còn may.

Mười lăm năm từ nhập cuộc chữ nghĩa, tôi chưa bị đòn, bởi tôi luôn là kẻ may mắn. May hơn nữa, sau bao nỗi người và chìm ngập trận đồ chữ nghĩa, tôi vẫn giữ được tâm hồn ngây thơ cho sáng tạo.

6. Sống, để kể lại

Sáng tác theo trường phái nào đó dù lạc hậu tới đâu còn hơn là viết giữa vùng tù mù. Tháp nắng (1996), tôi mò mẫm giữa cõi tù mù đó. Sang Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002), tôi mới ý thức tiếp cận chủ nghĩa hiện đại. Với Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (2006), cái tít tập thơ cũng đã nói rõ trường thơ mà tôi “theo đuôi”. Riêng Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (Tienve.org, 2009) (cùng hai tiểu thuyết Chân dung Cát (2006) và Hàng mã kí ức (2011), tôi vận dụng triệt để các thủ pháp hậu hiện đại vào cuộc.

Không gì trầm trọng cả! Tôi “tiếp thu và sáng tạo”. Tiếp thu của thiên hạ càng nhiều càng tốt; sáng tạo càng bạo càng ngon. Còn nó có thành công không hay thành công tới đâu, thì không còn thuộc về tôi nữa. “Một bài thơ xong là thuộc về – KHÁC” (thơ Inrasara).

Dẫu sao, được sống thôi đã là may mắn rồi. May mắn hơn nữa là còn yêu văn chương, còn được sống và viết.

*

Tôi luôn là kẻ gặp may. Dĩ nhiên đến lúc nào đó, may mắn sẽ thôi ở lại với tôi. Khi ấy, tôi sẵn sàng chết – sòng phẳng. Chứ không phải tìm chui vào ống cống nào đó. Trích đoạn “Quan điểm Inrasara cuối cùng”, đăng Inrasara.com, 15-11-2011:

“Đầu tháng 10-2011, nói chuyện ở Đại học An Giang về, thằng lớn hỏi tôi: – Bao giờ cei về quê nhà? Ý Jaka: về sống hẳn ở palei. Tôi ý định này từ hai năm trước. Hôm nay đột ngột nó nhắc lại. Tôi phải về. Nàng Kiều mười lăm năm thôi, tôi – đã qua hai mươi năm luân lạc rồi còn gì. Tôi sẽ về, rủ rê bà xã cùng về, hệt đạo sĩ Bà-la-môn ở giai đoạn áp chót. Không phải đi vào rừng vanaprastha – còn rừng đâu. mà là đi vào [rừng] lòng thế giới Cham trở lại.

Cei làm văn chương Việt đủ rồi, trong khi Cham còn bao nhiêu thứ để làm. – Jaka nói.

Về, nhưng tôi sẽ không “làm”. Đọc sách về Cham hay điền dã nghiên cứu – không; phục vụ cộng đồng – không; hưởng thú điền viên – càng không. Tôi vừa xong Nhà Trưng bày Văn hóa Cham ở quê(16). Tôi không về để lo mấy vụ đó, mà là – “kể”. Cham có mênh mông chuyện kể mà không có nhà văn nào kể cho thế giới. Trong tôi còn tồn đọng cả đống câu chuyện kể mà chưa có thời gian lắng lòng lại để kể.

Về, là để kể.

Qua hơn nửa đời hư, tôi đã làm bao nhiêu cuộc chia tay. Đau đớn, nhưng đầy khoái hoạt. Cuối năm 2012, hoặc muộn lắm là sinh nhật thứ 57 – sớm càng tốt, tôi sẽ có trận cắt đứt lớn cuối cùng để làm cuộc trở về. Mênh mông chuyện kể Cham đang réo gọi tôi ở phía trước”.

Mùa nắng 2011, sau một ngày điền dã vào các palei Cham, tôi nhờ cô nghiên cứu sinh đèo qua khu đất Dự án Nhà máy Điện hạt nhân. Một khoảng trắng im lìm bày ra trước mắt. Bên kia là núi Chà Bang khô khốc, trần trụi đứng câm lặng, bên này là biển thẳm xanh vỗ sóng rì rầm. Vài ngôi nhà còn sót lại của khu cư dân vừa dời đi mỏng manh giữa trời chiều tràn gió.

– Về đi, em à, – Lát sau, tôi nói.

Buổi tối, đứng trên sân thượng nhà em vợ, tôi nhìn về phía “đó” lần nữa. Trời lặng gió đến tiếng rắn nước con lội qua mương cũng nghe được. Tôi nhìn thật lâu và sâu vào vùng trăng sáng vằng vặc. Chakleng cách nó chỉ mươi cây số. Gần nhất là làng Ia Li-u: năm cây. Chục làng Cham quanh đó cũng không quá ba mươi. Hai năm nữa, Nhà máy đầu tiên sẽ được khởi động thi công. Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó.

Bạn ở California hay Paris, nghe tin về Nhà Máy điện hạt nhân Ninh Thuận, có thể bạn thấy cảm thương mấy sinh phận Cham. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, đọc tin, có thể bạn lo lắng cho văn hóa Cham. Từ mấy ngàn năm qua, tổ tiên họ trụ nơi đó, cùng đất cằn, nắng, cát và gió. Họ – vỏn vẹn sáu vạn người, là cộng đồng còn truyền lưu đậm bản sắc văn hóa dân tộc xa xưa. Có thể bạn lên tiếng phản đối. Trên báo chí, ở diễn đàn quốc tế. Có thể…

Riêng tôi, tối hôm đó, đứng trên sân thượng đó, tôi đã nhìn thấy định mệnh tôi, và phần nào đó – sinh mệnh Cham. Không phải bằng suy niệm siêu hình hay qua phương tiện của thế giới ảo, mà bằng hiện thực trần trụi lồ lộ. Chỉ có giây phút đó của ngày đó trong không gian đó, tôi mới chứng ngộ được nó. Và tôi phần nào hiểu được văn chương – ít ra là của/ cho tôi – để làm gì và không để làm gì.

 Sài Gòn, 7-12-2011

___________

Chú thích

(1) Tôi gọi Hàng mã kí ức (2011) là tiểu thuyết, dù ở đó tôi kể toàn chuyện thật người thật.

(2) Tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” trong Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006), tôi phân tích cô đơn ở ba tầng: trước, trong khi viết và sau khi tác phẩm ra đời. Sau đó tôi đẩy ý tưởng này dấn thêm một bước: chưa đủ cô đơn cho phê bình, chưa đủ cô đơn cho hội hè…

(3) Ông Nguyễn Văn Tỷ nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Pô-Klong, thầy dạy Pháp văn tôi xưa, là cây viết chủ lực của đặc san Tagalau. Ông trực tính, cái trực dữ dằn của trí thức lớn. Trước 1975, ông từng đuổi Tỉnh trưởng ra khỏi văn phòng mình.

(4) Kể chuyện này với một bạn Việt Hà Nội nghe, hắn quát tôi: “Ông điên! Thiên hạ bỏ ra cả tỉ bạc để được ngồi ghế đó, ông khi không người ta mang đến lại từ chối”.

(5) Từ khi website Inrasara.com ra đời 2007, có 4 “Sự cố văn hóa Cham” lớn được đăng tải và bà con cùng độc giả nhập cuộc tham gia thảo luận.

(6) Trước khi vào hai Hội này, tôi hoàn toàn không biết nó từng có mặt trên đời. Khi đã vào, rồi khi sắm vai nho nhỏ trong đó, tôi cũng không rành quy chế hay cách thức hoạt động của nó. Danh vị phó Chủ tịch Hội đồng Thơ do Ban Chấp hành bỏ phiếu bầu, tôi nghe nói thế. Không ghế, không lương. Một bạn thơ đùa:

– Vậy mà khối kẻ thèm cái ghế đó, ông liều liệu nhé.

– Ai thèm thì cứ đến nói với tôi một tiếng, tôi nhường ngay, còn tranh thì đừng hòng – Tôi nói: Bởi ta không tranh với thế gian nên thế gian không ai tranh nổi với ta.

Tôi không hiểu danh vị này vai trò thế nào, ngoài mỗi năm ra Hà Nội xét sơ khảo giải thưởng hàng năm của Hội cùng sơ khảo kết nạp hội viên [không thù lao]. Tôi chưa hưởng bất kì bổng lộc hay ưu ái nào nhờ danh vị này. Hội nghị viết văn trẻ TPHCM, Hội nghị viết văn trẻ HNVVN, tên tôi không có trong danh sách khách mời, chứ đừng nói nằm trong Ban tổ chức. Ngay cả Hội thảo thơ miền Trung, tôi dân miền Trung, đương chức “phó” thơ, có tham luận hẳn hoi mà vẫn không được mời cơ mà. Có lẽ tánh tôi không mặn mà mấy nỗi ấy, nên người ta “lãng” tôi đi.

Hội hè lớn nhỏ, thường thì thiên hạ tập trung về trung tâm văn hóa lớn, tôi chơi trò cá biệt. Ngày Hội Thơ 2010, tôi lên Tây Ninh với Khaly Chàm. Năm 2011, tôi lên Krong Pak với Đinh Thị Như Thúy và Lê Vĩnh Tài. Đi vui vậy thôi, chứ không ai phân công tôi đi vùng sâu vùng xa để nắm tình hình chi chi cả.

(7) Trà Vigia có tập truyện ngắn Cham H’ri (7 truyện), NXB Văn hóa dân tộc, H, 2008; Trần Wũ Khang thì được NXB Giấy Vụn in tập thơ Quà tặng của quỷ sứ, Sài Gòn, 2009.

(8) Hôm nhận thẻ ở Hội trường Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM, tôi đường đường “giáo sư” Đại học đứng chung với mấy bạn trẻ trong đó có đứa cháu vào Sài Gòn ôn thi, để cho nguyên Thứ trưởng Nông Quốc Chấn phát thẻ. Cháu quay sang tôi, hỏi:

– Cái gì đây, chú Trạm?

– Cái thẻ, cháu à. Nó cười mếu, còn tôi suýt bật cười thành tiếng.

(9) Chuyện vui: tôi lần đầu tiên trong đời dính tham ô tài sản nhân dân. Số là năm ngoái ra Hà Nội xét kết nạp hội viên, tôi nhận phong bì thiệp chúc Tết của các bạn thơ. Về khách sạn, tôi cất gọn trong simsonite, non hai chục cái. Vào Sài Gòn, tôi cứ để yên đó, mãi mồng Một mới lấy ra và… mở. Hai triệu trong cái phong bì không tên. Mang chuyện này ra kể với D, anh nói:

– Sara chưa kinh nghiệm, nên bị nạn. Ông bà ta nói: Gửi lời thì nói, gửi gói thì mở.

– À hén, lâu nay mình hiểu tục ngữ chỉ mang nghĩa về tâm lí, ai dè nó còn là kinh nghiệm thực tiễn.

(10) Mười tháng từ khi lên “chức”, dù kém về khoản rượu chè, tôi cũng thu hoạch được vài chục chai rượu tây xịn. Chưa biết cất đâu và xử lí ra sao, thì may quá (lại may!), chú bác từ quê vào Sài Gòn ghé thăm, tôi biếu ngay mỗi vị mỗi chai mang về. Hú vía!

(11) Năm 2010, sau khi tự kiểm mình vô trách nhiệm với anh chị em làm thơ có nhu cầu vào Hội (mới đọc 10% mà tôi vẫn cứ bỏ phiếu), tôi phản ứng bằng bài viết trên báo Tiền phong đề nghị thay đổi cách làm để đảm bảo sự công bằng tối thiểu. Đến nay chưa thấy có dấu hiệu gì thay đổi cả, nên tôi mới tính tới việc tự thay đổi thái độ của mình – như thế.

(12) Xem: Phạm Quang Trung, tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 8, 2008. Tôi nói “không có cơ hội đọc”, bởi 1. Theo quy ước, Biên bản BTVC thuộc bản quyền của tập thể BTVC, nên dù đang giữ đầy đủ, tôi không được phổ biến. Có lẽ chúng vĩnh viễn ở đó, bởi thực tế BTVC đã rã đám khó kết nối lại. 2. Hiện tôi có 24 Biên bản lập chậm các loại.

Hai trong ba phần còn ẩn giấu, phần còn lại, các bài nghiên cứu-phê bình của tôi bộc lộ rõ ý định và tinh thần phê bình lập biên bản hơn cả, còn mấy bài điểm sách hay giới thiệu tác giả tác phẩm thì ít hơn.  

(13) 300.000 đồng, trích thuê dọn dẹp văn phòng Hội Nhà văn Thành phố HCM hết một phần ba, còn lại (tương đương 10 USD) là trà đá, cho 30-70 người. Tôi nói với anh chị em, nếu Hội cho nhiều tiền, tôi sẽ không làm. Đơn giản, không ít người dòm ngó hay nhảy vào, đổ bể là cái chắc. Đề tài 7 kì BTVC là do tập thể chọn, tôi không dính vào. Vài vị gợi ý lót tay tôi và chung chi cho BTVC chục triệu để làm về tác phẩm họ, tôi một mực: – không!

(14) Vài Biên bản lập chậm tiêu biểu:

1. Ra mắt sách Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lí của Nguyễn Thúy Hằng tại Viện Goethe, Hà Nội, tối 31-3-2006

2. Cà phê Văn học của Hội đồng Anh: ‘Phê bình văn học trên báo chí – Lý tính và cảm tính?’, TPHCM, tối 6-7-2007 – là Biên bản duy nhất được đăng trên Tienve.org.

3. Hội thảo Các xu hướng mới của thơ Việt Nam đương đại, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, 19-2-2008

4. Hội thảo Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Hội Nhà văn Việt Nam, Đồng Nai, 8-1-2009.

(15) Cuối năm 2009, nhà thơ Bùi Chát ý định xuất bản cuốn này ở Thái Lan, tôi mới nhờ Nguyễn Tiến Văn dịch sang tiếng Anh. Xem qua bản thảo, anh nói (trong cuộc lai rai văn nghệ cuối tháng 11-2011, lần nữa anh lặp lại ý này): “Sao chỉ có mỗi nữ? mà đa số lại là chỗ quen biết với Sara!” Nữ, thì tôi không bàn. Riêng vụ “quen biết”, tôi bảo anh: – Chỗ bạn bè thường qua lại chỉ đúng có ba, là: Lý Đợi, Bùi Chát và Lê Vĩnh Tài; Nguyễn Hoàng Tranh, Đặng Thân với bốn bạn nữa tôi có hân hạnh một, hai bận bắt tay hay lai rai chút đỉnh; còn lại (50%) thì tôi chưa hề gặp mặt.

(16) Nhà Trưng bày Văn hóa Cham ở quê phục vụ miễn phí. Có bốn khu vực, khu thứ tư là Tủ sách Cộng đồng non 5.000 bản chưa xong thì gặp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bị ngưng trệ. Tỉnh và vài cá nhân cũng đã đến nghiên cứu giúp tôi hoàn thành, rồi mãi hơn năm nay, chưa thấy rục rịch đâu cả. “Đây là chốn tha hồ muôn khách đến”. Rất nhiều quan to, nhiều văn nghệ sĩ đã đến; giáo sư, sinh viên, nhà văn, nhà báo… đủ cả. Chính thống, tự do hay “phản động”. Đến và đi, đến và ngủ lại. Chả ai làm phiền tôi. Bận duy nhất, Katê 2007, khi các bạn văn tự do: Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Lynh Bacardi… xong tiệc chiều ở nhà anh bạn, đã vào Sài Gòn, các nhà báo tự do (Điếu Cày, và…) với giáo sư Ấn Độ ngủ lại, do một ngộ nhận, tôi bị rày rà.

Đang canh chừng mẹ hấp hối ở nhà từ đường, tôi nhận cú điện thoại bảo qua gấp, bởi “công an sắp xuống làm việc về vụ ông Tây”. Tôi chạy tới. Ông Sam mấy ngày đầu nghỉ khách sạn Phan Rang, tối nay nổi hứng, xin Jaka được ngủ lại. Cậu công an mới nhận nhiệm vụ “chưa biết Inrasara là ai” chớp lấy thời cơ, ý kiếm điểm. Tôi gọi taxi đến đón ông khách. Taxi vừa dừng ngoài cổng thì hai chiếc xe công an xịch tới. Lập biên bản, cán bộ an ninh Huyện quay sang tôi:

– Anh Trạm thông cảm cho, do hiểu lầm thôi, cứ để ông người Ấn ngủ lại…

Ông được ngủ lại. Nhưng buổi “làm việc” ở Huyện sáng hôm sau kéo dài gần ba tiếng đồng hồ. Có cả bộ phận xuất nhập cảnh Tỉnh vào cuộc. Người bạn nửa vòng trái đất về Tết bà con mà chịu vậy, ngán chớ. Các anh nhà báo tính làm căng, muốn ngay sáng hôm sau đưa sự vụ lên mạng, bởi biên bản lập tối qua phạm luật. Bạn tôi đùa:

– Nhà văn duy nhất và lớn nhất của Cham chưa hội đủ chất lượng ISO 2000 để bảo đảm an ninh cho bạn hữu!

Tôi nói: – Lần đầu ấy mà. Rồi tất cả cũng ổn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *