Câu chuyện Cham-34. BA ĐIỂM ĐỘC & LẠ-1-2-3

Quản lí bằng cách bỏ lơ!

Tôi có đọc đâu đó một người [Nhật hay Việt không nhớ] nhận xét rằng, nếu Việt Nam gom tất tần tật cổng, thành rào cả nước rồi quy ra tiền, thì đó phải là số tiền khổng lồ. Và nếu Nhà nước dồn tất cả khoản ấy vào giáo dục đạo đức thì Việt Nam có thể dạy được mọi người ý thức công dân tốt, qua đó giải quyết dứt điểm nạn trộm cắp, xâm lấn đang lan tràn như hiện nay.

Không trộm cắp, xâm lấn thì tường, cổng hết lí do tồn tại. Như người Cham ngày xưa ấy!

Mồ mả tổ tiên ai mà chẳng quý. Đụng gì chớ đụng vụ này chỉ từ chết đến bị thương. Vậy mà bà con Cham giữ, quản bằng cách bỏ lơ. Cứ xem Cham Awal bỏ lơ Ghur Raneh, Ghur Kađuk thì biết. Mỗi năm bà con kéo nhau đến Mưrôy một lần 1-2 tiếng đồng hồ rồi bỏ suốt. Không tường thành, không bờ rào. Về nhà ngủ, yên tâm không ma nào dám đụng tới nó.

Cuối cùng đã có kẻ thiên hạ đụng, và đụng nặng (xem Inrasara, Hồ sơ Ghur Raneh).

Đến khi chuyện xảy ra mới chịu học người Việt mà rào, thì Ghur đã sứt mẻ một mớ.

Tháp Chàm với Cham thì trên cả thiêng liêng, vậy mà Cham cứ quản bằng cách buông bỏ. Mỗi năm bà con lên tháp cúng tế 4 lần rồi đóng cửa mặc tình cho gió mưa với lòng tham cùng nỗi vô tình của con người: ăn cắp, vẽ bậy…

Chim chóc đến rải phân lên thân tháp nẩy ra tùm lum cây lá. Mãi đến mùa Katê, Cham mới nhờ chàng trai Raglai leo lên dọn dẹp.

Cham không “quản” thì Nhà nước tình nguyện… quản! Rào, quản và bán vé. Mỗi phía hiểu chữ “quản” mỗi khác. Khi Cham hiểu ra, đòi quản, thì đã muộn. Anh Nhà nước làm sao mà nhả!  

Khi đã quản chặt, có làm gì đó – hứng, họ mới hỏi đến ý kiến ‘Halau janưng’ Cham, không thì miễn. Thế nên mới xảy ra vụ Tiệc tùng trong khuôn viên Tháp như đã, và bao thứ khác nữa.

Nếu Cham hiểu chữ “quản” như Việt quản Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, ở đó mà Nhà nước có cơ hội tình nguyện.

Buồn không?

Câu chuyện Cham-35. BA ĐIỂM ĐỘC & LẠ-02

Tôn giáo bất cần tín đồ, và…

Đầu thập niên 1990, thuở về Việt Nam, Po Dharma có nói: “Cham không có tôn giáo, mà chỉ có tín ngưỡng dân gian”. Anh đúng, nhưng chưa đủ. Dẫu sao nhận định của anh buộc tôi suy tư lại cái đã suy tư (chữ của Heidegger), lật lại hồ sơ, và đi đến kết luận: Cham có tôn giáo, thứ tôn giáo đặc kì Cham, đó là Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’!

Thử nêu 3 đặc kì và độc đó:

[1] Đa số tôn giáo các loại trên thế giới, tu sĩ ưu tiên cho độc thân. Tôn giáo Cham ngược lại, BUỘC phải có vợ. Có vợ, ông mới có ‘danook’ để lên chức, để hành lễ, và các thứ khác. Ông là sinh linh ưu tú, ông bổn phận truyền giống để hạt giống đó tiếp bước ông hành đạo.

[2] Cham càng lạ nữa, tôn giáo không cần tín đồ, bất cần ai khác vào đạo mình, chứ đừng nói truyền giáo. Truyền đạo mà chi để phải lao vào oánh nhau sứt đầu mẻ trán!

Còn đỡ…

Cham Awal hay Ahiêr xịn mà lấy đứa con dân tộc nào khác, hay lấy người đồng tộc khác đạo, khi chết đi phải chịu nằm ‘lingiu Ghur’ (ngoài nghĩa trang) hay nằm ‘Kut lihin’ (nghĩa trang không lành). Phân biệt đối xử cho bõ ghét. Làm thế thì còn ai dám vào đạo mình chứ!

[3] Thêm cái này mới là hàng… độc.

Tôn giáo truyền thống Cham có hai hệ: Bà-la-môn hay ‘Ahiêr’ và Bà-ni hay ‘Awal’, mỗi hệ có hệ thống chức sắc ‘Halau janưng’ riêng. Rồi giữa hai hệ này còn có hệ thứ ba: ‘Halau janưng’ ‘Ahiêr Awal’ phụng sự cho cả hai phía tín đồ.   

Có tôn giáo nhân loại nào chơi kì thế không? – Chỉ có Cham.

Nữa, sau Rija Nưgar bà con Cham ‘Ahiêr’ còn mời quý ‘Halau janưng Awal’ vào palei mình cúng tế, và ngược lại mỗi kì Ramưwan, bà con Cham Bà-la-môn đội bánh trái vào Sang Mưgik dâng lễ.

Xuk Yơng’ Lễ thứ Sáu Xoay vòng, cấp Acar mời ‘Halau janưng Ahiêr’ vào  Sang Mưgik mình bàn việc. Rồi các lễ quan trọng như Pakap Halau Krong hay Palao Paxah hai bên còn phối hợp thực hiện rất ư là hòa nhã, vui vẻ.

Và nhiều nhiều nữa…

Đúng, nó không là tín ngưỡng dân gian, mà là Tôn giáo Cham – thứ tôn giáo đặc kì đầy tính nhân văn có một không hai trên thế giới: Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’!

Câu chuyện Cham-36. BA ĐIỂM ĐỘC & LẠ-03

Yêu & chưởi

Thuở bé tôi với anh Đạm là bạn chơi ít khi rời nhau. Chúng tôi cứ “kau hư” (tau mầy) mà kêu. Mẹ la tôi [nguyên văn]:

– Tụi bây ra khỏi l. mẹ cùng ngày à? Banh lỗ tai ra mà nghe con nhà người ta xưng hô…

– Sao mẹ không dạy từ bé đi – tôi cãi.

– Mi tự hiểu chứ…

Mẹ chưởi để tôi nhớ. Và tôi nhớ thật.

Cũng thời ấy, bà con Cham hễ đụng chuyện là réo tên Pô Rômê ra chưởi. Già trẻ lớn bé. Như thể câu chưởi đầu môi vậy. Tôi nghe riết thành quen. Lớn lên hiểu biết xíu, tôi thấy lạ, tưởng rằng do vị vua này ham Công nữ Ngọc Khoa làm cho nước mất, nên bị thế. Nhưng không.

Cham quá biết thời Pô Rômê là triều đại lớn cuối cùng của Champa. Ngài là một BIỂU TƯỢNG LỚN. Hầu hết công lao thời ấy được Cham dồn hết cho Ngài. Xây đập Marên, sáng tạo chữ Akhar thrah, hóa giải Islam thành Awal và hòa giải với Ahiêr thành Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’. Ngài công lớn và vĩ đại thế nào Cham biết [dù biết chưa đủ, chưa tới], nhưng chưởi cứ chưởi.

Chưởi để nhắc con cháu đừng quên… tên Pô Rômê.

Mươi năm qua, anh Po Dharma qua tạp chí Champaka hay chưởi Inrasara. Anh là người có học, đi nhiều hiểu rộng, một sử gia về Champa hàng đầu nên quá biết cái tầm của Inrasara [dù biết chưa đủ, chưa tới]. Biết và chưởi. Biết, nên chưởi.

Rằng Inrasara là tay sai của chế độ Cộng sản. Anh còn kết nạp nhà văn Cham nổi tiếng vào “Đội ngũ Bút chiến Hà Nội” để chưởi nữa. Không dăm ba tháng nào là khỏi chưởi.

Chưởi để người Cham nhớ cái tên… Inrasara.

[Ý này tôi viết trước khi anh mất].

Chớ nghĩ tôi chơi thuyết âm mưu hay ẩn ý chi chi cả, mà sự thật.

Mẹ yêu thương thằng Klu: chưởi, Cham tôn kính Pô Rômê: chưởi, Po Dharma nể trọng Inrasara: chưởi. Nói theo ngôn ngữ dân gian, Yêu cho roi cho vọt, đó chính là GIẬN MÀ THƯƠNG. Thương lấn át giận.

Pô Rômê đã hóa thần, hiện tôi tự cho mình sứ mệnh cứu vãn tư tưởng và tinh thần Ngài qua công cuộc “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”.

“Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu” rồi, ngôn từ mẹ chỉ còn mơ mơ hồ hồ vùng kí ức, lâu lâu hiện về khuấy động giấc mơ hoang.

Anh Dharma đã đi xa, thỉnh thoáng tôi nghe nhơ nhớ. Ước gì cộng đồng Cham hôm nay nẩy ra một sinh linh khác như anh. Bởi, tôi thèm nhân vật ở tầm anh, dám chưởi và chưởi công khai. Chớ kẻ học đòi anh, làm tiếng pháo nổ lẹt đẹt như tiến sĩ-VNS thì rất tội.

Buồn không?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *