Inrasara: Thư cho Putra Jatrai

Sài Gòn, 10-9-2013

Putra Jatrai thân mến!

Sáng nay, có người link bài viết của bạn trên mạng Gulpataom nội dung có liên quan đến tôi. Xin có vài lời trao đổi như sau.

1. Tôi hiếm khi đọc trang mạng Cham, nên dù có thấy bài viết của bạn về Tiếng trống Paranưng xuất hiện ở trang ABS, nhưng đã không đọc. Không đọc, đơn giản vì ít giờ thôi. Mấy năm qua, các mạng văn chương thế giới quen thuộc, tôi cũng bỏ. Ngay cả mạng Gilaipraung.com, Tagalau.com… chỉ khi có ai link bài nào đáng chú ý, tôi mới đọc. Cả bài viết có liên quan hay phê phán cá nhân tôi, tôi cũng không. Nói chuyện này ra, vừa qua Đồng Chuông Tử có vẻ không tin, thế mà nó là sự thực.

 2. Vì chưa đọc bài của bạn, cho nên bài: “Tại sao tôi chưa lên tiếng về Tiếng trống Paranưng ” hoàn toàn không liên quan đến bài viết của bạn. Tôi chỉ trả lời cho các độc giả Inrasara.com và anh chị em đã email, hay viết trên facebook và link cho tôi. Tạm nêu 4 đối tượng cụ thể:

– Sớm nhất là phản ứng rất mạnh của thi sĩ Kiều Maily trên face của mình.

– Tiếp là thư của Jaya con tôi, sau khi phê phán mấy cảnh trong phim được đưa lên báo, đã hỏi: có nên kêu gọi Cham tẩy chay phim này không?

– Rồi thư của nhà thơ Chế Mỹ Lan gửi chung cho các tiến sĩ và nhà thơ Cham.

– “Phản hồi” của .daovan và nhiều phản hồi khác nữa trên Inrasara.com không đăng (tôi vẫn còn lưu)… Trong đó có phản hồi rất dài.

3. Tất cả, tôi đều chưa trả lời. Nên bài viết là viết trả lời chung cho họ, như lâu nay tôi hay làm thế.

Cho nên khi bạn viết bài có nhắc đến tôi với lời lẽ không hay lắm, tôi nghĩ không nên. “Cao thủ”, “nổi tiếng” hay “phó” này nọ là ý kiến của bạn đọc về tôi, chứ không phải của tôi. Về bài viết của tôi, bạn có thể viết phân tích, phản bác lại nó thì không vấn đề, rất tốt và cần thiết nữa. Chúng ta trao đổi lịch sự và văn minh với nhau. Nhưng tuyệt đối cần tránh lời lẽ mỉa mai, hay nặng lời. Vì chính những lời lẽ đó dễ nêu “gương” cho đàn em ta. Nó sẽ ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của cộng đồng Cham ở tương lai không xa. Dẫu sao tôi với bạn chỉ biết nhau sơ sơ, và chưa hề có vấn đề gì với nhau.

4. Vì bạn còn trẻ, cần nhiều trải nghiệm, tôi xin mạo muội trao đổi về nội dung như sau.

– Tôi không nói về chính dự án ĐHN, mà chỉ đề cập đến nó để nhấn mạnh về trường hợp tương tự giữa 2 tác phẩm nghệ thuật: phim Tiếng trống Paranưng (liên quan đến văn hóa Cham) và tiểu thuyết Tcherfunith (liên quan đến ĐHN).

– Bạn nghĩ cần phản ứng mạnh trước khi phim trình chiếu. Tôi tôn trọng ý kiến của bạn. Và tôi không chống nó.

– Tôi thì cho (và tin là) nếu phim có sạn, cơ quan duyệt phim sẽ cắt bỏ đoạn đó, còn nếu sạn quá nhiều hay quá phản cảm thì nó sẽ bị nhập kho.

– Bạn lo rằng, nếu nó không được duyệt mà đạo diễn đưa lên Youtube thì sao? Họ có quyền làm thế. Cũng như tiểu thuyết Tcherfunith, tôi cũng có quyền y hệt. Làm như vậy, là phạm pháp luật [Việt Nam]. Và khi đó, giả dụ phim quá bậy, nó sẽ là mồi ngon cho cư dân mạng. Và cho dư luận của cộng đồng Cham…

Thân mến, Inrasara

* Coda:

Trích đoạn chat giữa Inrasara với một người bạn:

– Mình có nên viết thư đến Cục Điện ảnh phản đối không Sara?

– Không. Yut chớ lo. Nếu phim đó bậy bạ, Cục sẽ cắt nát nó. Hoặc bỏ luôn.

– Họ sẽ đưa lên Youtube như “Bụi đời Chợ Lớn”, Sara nghĩ sao.

– Sara rất thích họ làm vậy. Và muốn điều đó xảy ra.

– Mình không hiểu.

– 1. Nếu Cham tốt, thì có ai xuyên tạc được Cham? 2. Nếu phim bậy bạ mà họ cho chiếu, Cham sẽ kiện. Khi đó Cham được rất nhiều, chứ không mất gì cả. Còn đạo diễn sẽ mất tất. Từ đó, Cham sẽ được giáo dục rất nhiều từ những phản cảm, và phi văn hóa đó.

– Dùng độc trị độc à.

– Đúng, khi đó Cham sẽ đoàn kết hơn, nếu yut muốn thế.

– Mình hiểu ý Sara rồi.

9 thoughts on “Inrasara: Thư cho Putra Jatrai

  1. Nhà thơ Inrasara nói rất đúng, Putra Jatrai à.
    Ứng xử trong xã hội là điều quan trọng, nếu không thì xã hội Chăm sẽ nát bét vì chính tự ta làm hại ta.
    Còn về chữ nghĩa, nhà thơ Inrasara là nhà văn, nhà phê bình, chú ấy có thừa chữ để mỉa mai cháu hay gì gì đó, nhưng chú ấy đã rất lịch sự, rất công tâm.
    Mến

  2. Lời lẽ của Putra Jatrai chỉ là tiếng kêu thống thiết của con dân Chăm trước cảnh mà anh cho là chà đạp, bôi lọ văn hóa Chăm. Là thanh niên còn bầu nhiệt huyết, Putra Jatri có lẽ hơi vội vã nhưng không hoàn toàn bốc đồng. Anh muốn gây tiếng vang để kịp thời chặn đứng cái anh cho là xuyên tạc dân tộc anh TRƯỚC KHI QUÁ TRỄ, và anh không dồng ý với sự dửng dưng yên lặng của Inrasara bởi vì anh vốn cho rằng nhà thơ là người có tiếng nói quan trọng của cộng đồng. Đúng ra một bặc lão thành như Inrasara nên nhẹ nhàng, tế nhị uốn nắn (gởi một thư riêng giải thích chẳng hạn). Đàng này, ông ỷ vào lý lẽ phân tích lạnh lùng của người già giặn kinh nghiệm mà “mạo muội” phê phán Putra Jatrai là, tôi xin trích nguyên văn, “Vì bạn còn trẻ, cần nhiều trải nghiệm, tôi xin mạo muội trao đổi về nội dung như sau…”. Nhà lão thành của dân tộc nên mượn bầu nhiệt huyết thanh niên mà bổ xung cho cái hàn huyết của mình, để cho máu nóng thanh niên có dịp hỗ tương cho máu lạnh lõi đời của mình và làm gương cho những người khác trong cộng dồng nhỏ bé Chăm vốn cần tình đoàn kết bấy lâu nay. “Vì bạn còn trẻ, cần nhiều trải nghiệm…” làm như còn trẻ là một lỗi lầm lớn. Đây là một thái độ kẻ cả ban ơn mưa móc cho nên hoàn toàn thiếu thiện chí xây dựng.

    Thưa thi sĩ Irasara, trong trường hợp này, ông không nên dập tắt ngọn lửa dân tộc trong lòng Putra Jatrai mà hãy nên nâng niu, giữ gìn và bảo vệ nó. Đừng lên mặt dạy đời nó như một ông thày già mà hãy ngồi bên nó như một người bạn. Sự hăng hái của tuổi trẻ cần sự dìu dắt của kinh nghiệm của ông.

  3. Câu nhà thơ nói: “bạn còn trẻ, cần nhiều trải nghiệm” tôi hiểu là: “Tuổi trẻ là có sai sót, ai cũng vậy, cho nên chú phân tích cho cháu nghe nhé”.
    Nhà thơ đâu có phê phán mà viết rất nhẹ nhàng. Câu nhà thơ nói: “bạn còn trẻ, cần nhiều trải nghiệm” là câu nói rất nhẹ, sao ông Đằng-Giao hiểu thành phê phán “sai lầm nặng”?
    Rồi ông cho là “ỷ lại” thì tôi không hiểu. Nếu là ỷ lại thì nhà thơ phải quát một tiếng chớ.
    Putra Jatrai đã dùng nhiều chữ không hay (tôi hơi tiếc cho bạn này), mà nhà thơ nói rất lịch sự, ông Đằng-Giao có muốn con cháu Chăm ăn nói “hỗn hào” với người bằng tuổi cha mẹ mình không nhỉ?
    Chính vì “cần nhiều trải nghiệm” nên nhà thơ nói là để dìu dắt đấy chứ!
    Còn chuyên phân tích đúng sai, thì tôi chịu: nhà thơ nói rất đúng.

  4. lạc đề rồi… Hãy chung tay tìm hiểu bộ phim “Tiếng trống Paranung” là chính còn hơn là trách móc nhau, người Hàn Quốc luôn bảo nhau “Cám ơn lỗi” Lỗi giúp cho ta trưởng thành hơn. Hy vọng các nhà làm văn hoá Chăm nghiên cứu và đưa ý kiến về bộ phim này . Tôi sống play rất nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy vợ chồng người Chăm li dị( Mặc dù có rất nhiều chị lấy chồng hay đánh đạp hay lười biếng)…. Phụ nữ chăm rất hiền hoà chịu hy sinh cho chồng con… Rất đáng tự hào

  5. Ông Đằng-Giao nói sai hết, tầm bậy. Nhưng có một chữ đúng rất rất đúng, đó là ông Inrasara “máu lạnh”. Tôi đọc ông Inrasara suốt mà không nghĩ ra chữ này. Chữ này cực kỳ hay, cảm ơn ông Đằng-Giao.
    Xã hội Chăm bé tí, tranh đua nhau trong này thì không nhằm nhò gì đối với ông Inrasara cả. Ông tranh luận với người Việt mới ác. Tôi đọc cả trăm bài tranh luận của ông với nhà văn, nhà phê bình Việt. Tôi chưa bao giờ thấy ông nổi nóng hay mất bình tĩnh. Ông làm cho người ta mất bình tĩnh bởi ngôn từ rất lịch lãm của ông, bởi phân tích đáo để của ông. Ví dụ mới nhất ông làm cho AC (tuổi đã 70) mất bình tĩnh đến đỗi mắc sai lầm. Nếu ông Inrasara mất bình tĩnh một lần đi, tôi còn ưa ông. Đằng này là nghệ sĩ lớn mà ông có “máu lạnh”, rất đáng ghét.

    Thôi cho qua. Tôi muốn nói ý này: trong xã hội luôn có 3 loại người. Trong cộng đồng Chăm cũng vậy. Loại 1 chuyên bốc đồng, xông xáo về phía trước (đa số thường trẻ). Loại 3 thì nhát hèn bỏ chạy (rất nhiều trí thức Chăm vào dạng này). Loại 2 thì lạnh lùng đứng lại nhìn sâu vào vấn đề. Trong con mắt tôi, ông Inrasara là duy nhất trong xã hội Chăm đến hôm nay thuộc loại 2. Giữa điên đảo thời sự, ông không hùa theo đả đảo, ông không chạy trốn mà là lạnh lùng đứng lại phân tích, đúng – sai, phải – trái.
    Ông ta có “máu lạnh” là vậy. Không nổi nóng với ai (dù đàn anh hay đám tuổi con cháu), không chưởi rủa ai mà luôn rạch ròi phân tích rất lịch lãm.
    Cảm ơn ông Đằng-Giao đã giúp tôi 1 chữ thật đắc về Inrasara.

  6. Trần Sáng viết hay lắm, hoan hô! Nhưng ông quên một chuyện. Vụ Akhar thrah, ông Inrasara là người đã bỏ chạy. Ông bỏ chạy và la làng là đó không phải chuyên môn của tui, không phải chuyên môn của tui… dù có nhiều người kéo ông lại.
    Nhắc nhau nhớ vậy nhé.

  7. Anh .daovan có ý hay. Nhưng vì em chưa xem phim do đó em không dám đưa ra ý kiến. Em chỉ rất nhất trí về đoạn văn này của chay Sara:
    tuyệt đối cần tránh lời lẽ mỉa mai, hay chửi bới. Vì chính những lời lẽ đó dễ nêu “gương” cho đàn em ta. Nó sẽ ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của cộng đồng Cham ở tương lai không xa.”
    Người Chăm mình đã thấy ở cấp tiến sĩ đã dùng ngôn lời chửi nhau thế nào rồi. Cũng đã thấy các email nặc danh dùng ngôn lời nhơ nhuốc với nhau ra sao rồi. Nay giới trẻ có manh nha dùng giọng không phải với hàng chú bác.
    Cho nên chay Sara viết để cảnh báo chung. Chay Sara viết khéo và nhẹ nhàng.
    Đwa karun.

  8. Câu “Bạn còn trẻ, cần nhiều trải nghiệm” không phải là có ý dập tắt ý chí của tuổi trẻ như Đằng-Giao quyết như thế mà là nhắc nhở tuổi trẻ cần suy nghĩ trước khi hành động, trước khi đặt bút viết. Có gì là sai? Quá cần thiết đó chứ! Không suy nghĩ mà làm theo cảm tính nông nỗi sẽ thành chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, và quá khích đó.
    Sara đã nói rất rõ sau đó: “Bạn nghĩ cần phản ứng mạnh trước khi phim trình chiếu. Tôi tôn trọng ý kiến của bạn. Và tôi không chống nó.”

  9. Bạn đọc thân mến!

    Chuyện về Tiếng trống Paranưng diễn ra trình tự như sau:

    1. Từ khi dư luận lùm xùm, tôi đã im lặng. Cả khi có còm về phim này “lạc” qua entry “Truyện mini11: Buổi thuyết trình của thầy… K.”, sau 2 “phản hồi”, tôi cũng đã thông báo đóng còm.

    2. Thế nhưng do bạn đọc Inrasara.com bức xúc, nên tôi phải viết bài “Tại sao tôi chưa lên tiếng về Tiếng trống Paranưng?”. Viết chủ yếu để trả lời cho bạn thơ, cho con và bạn đọc trên web tôi.

    3. Dường như có chút hiểu lầm, nên Putra Jatrai viết bài phản hồi với tôi. Và tôi có thư trả lời lại. Như là một nhắc nhở nhỏ, về ứng xử là chính. Vì bài Jatrai đã đăng mạng, nên tôi cũng đăng mạng cho mọi người biết, chứ không thể thư riêng – như có bạn đọc đề nghị.

    Quan điểm của tôi:
    – Tôi tôn trọng tối đa quan điểm cá nhân về vấn đề này. Nên tôi nói “tôi không phản đối”.
    – Tôi đã in hơn 20 tác phẩm riêng, xin phép 13 kì Tagalau, và nhiều tác phẩm tôi đứng chủ biên khác… Vì nghề nghiệp, tôi thường xuyên quan hệ với các cơ quan có thẩm quyền cho vấn đề chuyên môn. Do đó tôi quá rành chuyện biên tập một tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam.
    Quan điểm của tôi là: Chúng ta đang đánh vào khoảng trống. Vì đây là tác phẩm (phim) chưa xuất bản (công chiếu). Nó còn trong quá trình biên tập, cắt xén, hay – loại bỏ nếu cần.
    – Tôi cũng đã thử hỏi ý kiến của người quản lí ở cấp có thẩm quyền cao nhất: họ cũng đồng ý với tôi.

    Do đó, tôi xin lỗi bạn đọc, cho tôi được đóng còm tại đây.
    Thug siam!
    Inrasara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *