Ở TUỔI XẾ BÓNG, CUỘC CHƠI CÓ CÒN TIẾP DIỄN?

Tút “7 loài tuổi trẻ”, Paka Raja còm “nếu cei Sara có tút về tuổi già nữa thì thật tuyệt”. Ừ, thì tút, nhưng tôi không phân loài nữa, mà là khác. Nêu vấn đề sinh lực, qua câu hỏi: “Ở tuổi xế bóng, cuộc chơi có còn tiếp diễn?” – Nhìn chung, đại bộ phận: không.

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” (Hàn Mặc Tử).

Rời bỏ cuộc chơi, nghĩa là đám xuân xanh ấy đã già – một già hơi bị vội.

Tuổi hưu, tham quyền cố vị, ta quyết trụ chốn quan trường bám ghế, ăn nói lẩm cà lẩm cẩm cho mẹ nó khi, cho đời nó… chửi.

Còn chịu về vườn, ta ảo tưởng với kho kinh nghiệm cổ, oang oang mang ra răn dạy con cái mà không biết mớ kia lạc thời từ bao giờ. Cho chúng khổ, rồi quay lại khiến khổ thân ta.

Già không biết thân già, cứ chơi tới bến, rồi sụp đổ lúc nào không hay.

Sống thiếu kế hoạch, để tuổi già ập đến, quỹ tiết kiệm – không, ta lê tấm thân ho hen về làm gánh nặng cho con cháu.

Cũng có tuổi già, biết điều hơn – ta “buông bỏ”, quy hồi cố hương tìm vui với chậu cây cảnh, bàn cờ tướng, với câu lạc bộ thơ hưu trí, chờ ngày về với ông bà. Chả sướng sao!

Cũng có tuổi già khác…

Làm thế nào sau khi “theo chồng” hay bước qua tuổi hưu, ta vẫn không rời “bỏ cuộc chơi”, vẫn còn “đà sống” (chữ dùng của Bergson), để chơi? Nghĩa là không già, cho cuộc chơi được tiếp diễn? Không phải tiếp diễn theo kiểu lập hội nhóm tiêu hoang, đàn đúm nhậu nhẹt với karaoke ồn ào, mà là khác?

– Là câu hỏi trọng đại. Vấn đề là ngay từ khởi đầu, ta biết bày cuộc chơi, chơi trò chơi của ta. Trò chơi không có thắng thua, càng không có kết cục, mà luôn mở.

Đâu phải cứ nhằm chuyện to tát!

Chăm sóc mảnh vườn nhà hay viết hồi kí về ngôi làng tuổi thơ, cũng đáng. Tìm nhặt ngôn từ lạ trong các Từ điển như anh Ysa Cosiem, hay sưu tầm câu chuyện cổ như bác Ngụy Văn Nhuận, là một cách. Nghĩ hướng cải cách hủ tục như chú Đạt Chữ, hoặc lên kế hoạch làm sạch làng, đẹp xóm như hai anh họ Dương Tấn Ngọc, Quảng Đại Thính hôm nay, cũng tràn ý nghĩa chán.

Phần tôi…

Hành trình vào Minh triết Cham và kể câu chuyện Cham, tôi chơi – lớn và sớm, để rồi sau 30 năm, cuộc chơi vẫn còn tiếp diễn. Nhập cuộc thơ Việt đương đại để lập biên bản nhà văn Việt Nam, là cuộc chơi khác, cuộc chơi không có điểm dừng. Tôi gọi đó là hành Đạo Cham và Đạo Thơ.

Ở các thời đoạn của cuộc đời, tôi từng rời bỏ cuộc chơi – các trò chơi nhỏ, cũ, nơi ấy tôi cũng vài lần rời bỏ đồng đội cũ, nhỏ, riêng Đạo Cham và Đạo Thơ thì không.

Hồn tôi còn tràn năng lượng, tràn lửa.

Cho cuộc chơi mãi mãi tiếp diễn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *