CHAM – NHÂN DANH & MẠO NHẬN

[hay. Đâu là tinh thần Minh triết Cham?]

Tôi có anh bạn, ham ăn nói, liên tu bất tận, kẹt đâu cứ kêu: Chàm tui như thế, là xong. Cham như thế, còn như thế là như thế nào, và đâu là tang chứng vật chứng, thì chả thấy đâu! Lối mạo nhận vu vơ này cũng lây lan qua vài sinh linh thế hệ mới, mới lạ.

Sự thể tôi đã nêu 10 năm trước, nay triển khai lại, cụ thể hơn.

Cham có chữ viết bản địa rất sớm, thế kỉ IV. Chữ ‘xakarai’: triết lí; ‘pacoh xakarai’: đấu lí hay bàn luận triết học, chi biết Cham từng có một nền triết học.

Câu hỏi, đâu là triết học Cham với hệ thống của nó? Hiện không ai biết nó ở đâu cả. Chớ kêu triết lí Cham cao siêu lắm, còn siêu tới đâu, cao tầm nào thì ú ớ, thì chỉ là thứ mạo danh không hơn không kém.

Sau văn học, tôi đã suy tư về nỗi này từ rất sớm. Nghĩa là triết học Cham ĐÃ TỪNG có, và ĐANG CÓ – chắc chắn. Bởi triết học nằm ở phần thẳm sâu tâm hồn một dân tộc, nó không thể một sớm một chiều biến tiêu, như kĩ thuật xây tháp, kĩ thuật đóng tàu viễn dương… được.

Thế là tôi làm cuộc đi mới: Hành trình đi tìm Minh triết Cham.

Thấy rồi mới tìm, và tôi đã tìm thấy. Trong văn bản cổ, qua lời ăn tiếng nói thường nhật của quần chúng, trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng… Nó không thành hệ thống, mà bàng bạc. Tạm kê:

– Tinh thần Đất. Cham không chiếm đất người khác, do quan niệm về đất của Cham rất khác: Chỉ nơi chôn nhau, đặt viên gạch dựng tháp [tâm linh] mới là đất Cham.

– Tinh thần phiêu lưu. Với “tư duy biển lớn” [chữ của Tạ Chí Đại Trường], qua thành ngữ “trời biển ơi!” khác hẳn người Việt.

– Tinh thần sáng tạo qua biểu tượng tối thượng ‘Haumkar’. Cham làm mới hoặc làm khác, chứ ít khi để nguyên – khi mượn. Tháp Chàm & sự phong phú của phong cách.

– Tinh thần học. Học không phải để kiếm cơm hay cầu danh, mà để biết. Truyện cố: “Đi tìm học bán vợ”, người học đón nhận tri thức bằng tâm trong sạch.

– Tinh thần chơi. Lễ và múa, lễ và huyền sử.

– Tinh thần hóa giải & hòa giải của đức vua Pô Rômê. Chỉ có Cham mới hóa giải Islam thành Bà-ni, sau đó hòa giải với Bà-la-môn thành Đạo Cham Ahiêr Awal.

– Tinh thần Mẫu & 3 cột trụ làm nên nhân cách Cham: Nữ không đĩ điếm, nam không mù chữ, cả hai không ăn xin.

– Tinh thần giải sân hận của Ariya Glơng Anak

– Tinh thần vô danh qua “nghĩa trang” Kut & Ghur, qua vô số tác phẩm khiếm danh và khuyết danh.

– Tinh thần Damnưy: cười!

Inrasara:

Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui

Chịu chơi cả trong đau khổ.

(Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *