NIỀM BÍ ẨN CỦA TÌNH YÊU

Năm 2017, tôi có serie: “Khám phá lớn nhất của tôi là khám phá về tình yêu”, với Yêu chữ, yêu tiếng, yêu thơ, yêu palei, yêu cây, yêu cái mới, yêu tư tưởng, yêu tự do, yêu câu hỏi…  

Rồi: Yêu, có nghĩa là làm, Yêu là biết lắng nghe, Yêu là khai tính, Yêu là biết lan tỏa, Yêu là biết yêu… mình, Yêu, nghĩa là vô danh trong hành động, Yêu là biết/ dám chiến đấu bảo vệ…

Tuổi thanh xuân, tôi thông minh thì có, nhưng tâm tính đầy bạo động, cực đoan, phân biệt đối xử, từ đó hành xử không ít sai lầm.

Nhưng rồi khi ý thức sâu thẳm mình LÀ CHAM trong lòng đất nước Việt Nam, bước qua tuổi 15 tuổi “tìm học”, rồi khi biết triết học Bà-la-môn, cạo đầu tu Phật và ngẫm sâu Ariya Glơng Anak, tôi đã CHỨNG NGỘ.

Tuổi 30 “trụ vững” và “hết ngờ” ở tuổi 40, tôi phát hiện ra bí ẩn của tình yêu. Tôi bắt đầu đi vào thế giới chữ nghĩa, bằng bước chân của sư tử [không sợ hãi] và đôi cánh của đại bàng [bao quát vấn đề].

Tình yêu là nuôi và giữ lửa cho nhau: “Quê hương xa và xa/ người bạn bè mất lửa/ hôm nay còn mình ta/ ôm con đường đóng cửa…” (bài “Khi Quê hương vắng mặt”)

Tình yêu là cho: “Cho và đi/ cho và đi mất về biển xa” (bài “Tặng phẩm của dòng sông”)

Cuối cùng, tình yêu là tạ ơn, khi ta được ban cho “quà tặng” độc nhất ở thời điểm linh thánh của cuộc đời: “Tạ ơn làm cho ta lớn lên” (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002)

Đó là tình yêu của một con người trưởng thành.

Tất cả đặt trên nền tảng triết học với 3 chân kiềng:

“Về tôi, điều đáng kể không phải là tác phẩm hay thành quả tôi để lại, mà là ý hướng tôi khai mở: Tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại, tư tưởng hóa giải và hòa giải của Pô Rômê, thái độ nhập cuộc về hướng mở của tôi… Còn lại, chỉ là cánh tay chỉ mặt trăng theo nhiều thể cách”.

(Thuyết tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, Phan Rang, tháng 10-2019). 

Tình yêu nam nữ cũng phát tiết từ nền tảng ấy. Tôi từng yêu và từng mất, từng yêu và từng xa. Tôi hiểu:

[1]

Tình yêu là cho đi – không đo đếm, như “dòng sông cho và đi…”.

Tình yêu là tin tưởng nhau mà không sợ hãi, sợ bị mất, bị phản bội.

Qua tình yêu, hai sinh thể khác nhau khám phá lại mình, phát hiện những vi tế của cảm xúc và tư tưởng, từ đó họ hiểu mình hơn.

Từ hành trình khám phá ấy, cả hai LỚN LÊN, như con người trưởng thành.

Tình yêu là tự nguyện làm chất trụ nâng đỡ nhau, và như hai sinh linh khác biệt làm đầy tràn chính mình và đầy tràn nhau.

Nếu vì nguyên do nào đó mà mất nhau, tình yêu chỉ buồn – BUỒN MÊNH MANG, chứ không sầu khổ, than vãn, trách móc.

[2] Thế nên,

Quản chế người yêu trong vùng an toàn, không cho phát triển là hỏng từ gốc;

Ý định kiểm soát người yêu đủ kiểu chỉ là tâm ích kỉ, họ yêu chính mình qua người họ sở hữu, chứ không phải tình yêu;

Xem nửa kia như kẻ phục dịch, đến khi làm trái ý thì xài đến món bạo hành càng, tệ hơn nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *