Bí mật của thất bại-17. TẮT LỬA

[Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu… Vũ Hoàng Chương]

Mãi 6 tháng tôi mới có dịp trở lại Sài Gòn.

Bát ngát người và câu chuyện. Bạn Cham, sau Tọa đàm 50 năm Văn học Nghệ thuật Cham TPHCM. Rồi các nhà báo phỏng vấn và xin số điện thoại. Tiếp tới là bạn văn Việt, trong lẫn ngoài nước. Ở đó bật lên hai chuyện: Chỉ dấu của tắt lửa và dấu hiệu bùng cháy ngọn lửa mới trong thế giới chữ nghĩa.

Tắt lửa: một bạn thơ tìm liên hệ với Sara về đường lối vào Hội Nhà văn. Tôi trả lời, có lẽ bạn không đọc Inrasara nên không biết tình hình: Ổng đã nghỉ Chủ tịch Hội đồng Thơ từ năm kia rồi!

Thôi thì cho qua, buổi sáng đầu tiên quy hồi cố hương, kể về niềm hi vọng.

Một bạn trẻ “muốn” thành nhà văn lớn. Muốn, với sắc giọng và ánh mắt tràn lửa. Tôi hỏi:

[1] Bạn bắt đầu như thế nào, hay nói khác đi bạn chuẩn bị gì cho hành trình? Bởi chuẩn bị quyết định 1/3 thành công. Câu hỏi thứ hai cốt tủy hơn:

[2] Có điều gì thúc đẩy bạn muốn làm nhà văn lớn? Trả lời được câu hỏi này là bạn đã đi thêm được 1/3 chặng còn lại. Chặng tiếp theo thuộc về khác [3].

[3] Khác này bao gồm:

Đặt câu hỏi đúng + tìm để hiểu biết + vạch mục tiêu ngắn và dài hạn chuẩn + nuôi và giữ lửa cháy thường trực + chương trình làm việc khoa học + sức khỏe và tâm thái ổn định = thành công.

Gương sáng! Về phần tôi, mục [2] đã kể, tạm tóm 3 chuyện:

– Năm Đệ Tứ Pô-Klong, tình cờ đọc thấy Paul Mus viết rằng văn học không có gì đáng giá cả, 20 trang là cùng. Kì hén! Một dân tộc có chữ viết sớm nhất Đông Nam Á, lẽ nào văn học [viết] của họ tệ như thế? Tự ái, tôi làm cuộc lên đàng, ngay từ tuổi ngồi ghế Trung học ấy, để 24 năm sau cho ra bộ Văn học Cham đồ sộ!

– Champa mất, suốt 17 thế kỉ vô số sinh linh đã truyền lưu bao nhiêu câu chuyện trên mảnh đất đau khổ và yêu thương này, lẽ nào tất cả để gió cuốn đi? Phải có người kể, tôi trở thành kẻ chuyện Cham-Story-Teller, bởi nguyên do tưởng như vô tăm tích đó.

– Ở thế giới chữ nghĩa Việt, là đứa con Cham cư trú nơi đường biên, nhận thấy nhiều dòng văn học sáng giá bị bỏ quên, bị phân biệt đối xử. Ngạc nhiên – thế là câu hỏi lớn đặt ra, lẽ nào văn học Việt Nam chỉ có mỗi dòng văn học chính thống? Thế là tôi quyết làm chuyện nhiêu khê đó. Văn học Ngoại vi bao gồm: Văn học DTTS, Tác phẩm in ngoài luồng, Các cây bút vùng sâu vùng xa hay chưa là Hội viên Hội Nhà văn, Văn học miền Nam trước 1975, Văn học Việt hải ngoại… cuối cùng cũng đã làm được việc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *