KAPET. 6-7

Kapet-06. CEI XAH BIN BINGU – BẢN TỤNG CA

1.

Biết thêm – tóm từ facebook Jaya Thiên:

Pô Haniim Pơr còn có tên khác là Pô Harum Cơk, phu quân Pô Xah Inư – cuối thế kỉ XV. Núi Ông thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông, ở đó có thung lũng Pô Haniim Pơr thuở Ngai lánh nạn đến trú thân. Thung lũng Kapet là nơi cư trú lâu đời của người Cru, Raglai, K’ho, Cham…

Như từ hay dùng ở Ma Lâm, đền thờ Ngài người Cham gọi là Bimông “tháp”, xưa đền nằm trong khu Thánh tích tận rừng sâu. Năm 1968, chiến tranh mất an ninh, bà con thỉnh Ngài về thờ trong làng Palei Pacam – Lạc Tánh. Hằng năm, cộng đồng có 3 kì lễ lớn dành cho Ngài vào dịp Lễ Tế Trâu, Lễ Cabbur, Lễ Tagôk Bimông.

2.

Pô Cei Khar Mưh Bingu còn gọi là Cei Xah Bin Bingu hay Pô Cei là hậu duệ Pô Haniim Pơr. Ngài và Cei Palak Bin là hữu và tả tưởng quân Pô Rômê. Khi quân Đại Việt tràn vào Champa, hai vị mang quân đón đánh. Phiền nỗi mỗi chiến thắng là mỗi bị khiển trách [do kế hoãn binh của Pô Rômê], cả hai lui về vùng thung lũng Kapet ẩn thân.

Ngài nhận được nhiều sắc phong của Triều Nguyễn, người Việt gọi là Cậu Hoa. Có hai đền thờ Ngài, một ở Lạc Tánh – huyện Tánh Linh, điểm núi gần làng, và một ở Nông Tang thuộc Hàm Phú – Hàm Thuận Bắc. Tagôk Bimông là một lễ lớn.

Theo Khanh Pham:

Điểm mới thì vậy, còn thì phải 7 năm bà con Cham, Raglai mới hành hương về đất thiêng cũ là Kapet. Tiếng Cham gọi núi này là Cơk Kadait nghĩa là Núi Kèn, người Việt phiên âm là Kapet. Hiện có 2 làng Raglai là Ia Krong và Ia Xara nằm cách khu Thánh tích Pô Cei 2 km.

3.

Tụng ca Damnưy Xah Bin Bingu gồm 69 cặp ariya lục bát Cham, đã được Inrasara dịch và in trong Văn học Cham-II. Trường ca-1995. Trích đoạn đầu:

Xah Bin Bingu thrơh mai

Adei xa-ai Sah Bin Bingu

Cim kat cagaung bauh ba

Inra Patra Xah Bin Bingu

Xah Bin Bingu siam đei

Thrơh siam likei Xah Bin Bingu

Cei thrơh drei cei mai

Caung di hatai nau dwah mư-in

Urang nau mư-in ba gai

Xah kuw mưrai sa bbaik hawei mư-in

Đwơn twak hawei cei ba

Gai đing bila cei ba subik

Gwơn nau hatau cei ba

Tanhrak bhong pak mưta hak cei takrư

Dịch:

Xah Bin Bingu hiện sang

Hai anh em Xah Bin Bingu

Chim Cắt ngoạm trứng tha

Inra Patra Xah Bin Bingu

Xah Bin Bingu tuyệt vời

Linh hiện đẹp trai Xah Bin Bingu

Chú hóa thân, chú qua

Lòng những mơ đi tìm vui thú

Người đi chơi mang gậy

Chú tôi trở lại, mang theo roi

Mũ đội, roi cầm tay

Ống điếu ngà voi mang theo cùng…

Kapet-07. TỪ CÂU CHUYỆN CEI XAH BIN BINGU…

Khu Rừng tự nhiên-nguyên sinh-phòng hộ Kapet có vùng đất thiêng, có Thánh tích của cộng đồng Cham và Raglai khu vực.

Pô Haniim Pơr và Pô Cei Khar Mưh Bingu được Triều đình Nhà Nguyễn ban nhiều sắc phong. Cộng đồng bản địa lập đền thờ Ngài, và có câu chuyện về Ngài, câu chuyện được hát kể đầy thành kính trong các lễ Rija.

Là điều cốt yếu nhất làm nên tinh thần của Đất.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng kể, trong một cuộc họp với thổ dân da đỏ Canada, đại diện chính quyền tuyên bố vùng đất ở đó thuộc quyền sở hữu nhà nước. Vị trưởng lão hỏi: “Nếu đất đai là của quý ngài, thì quý ngài có câu chuyện nào kể lại cho chúng tôi nghe không?” – Không có! “Thế là vị này liền đọc một câu chuyện bằng thơ liên quan đến những sinh hoạt của người da đỏ hàng trăm năm trước, bằng tiếng địa phương, để chứng minh rằng vùng đất đó là của họ. Dù bằng chữ viết hay truyền miệng, những câu chuyện bao giờ cũng sống lâu hơn cả trong lòng chúng ta, lưu giữ ở đó ánh sáng của mặt trời đã tắt”.

Mỹ Sơn và Nha Trang là hai thánh địa của cả dân tộc Champa. Còn lại, Cham mỗi khu vực cũng có đất thiêng riêng, để ‘nao Yang’ hành hương.

Ở Ninh Thuận: ‘Nao Yang Pô Riyak’ miệt biển Sơn Hải, ‘Nao Yang Pô Nai’ trên Núi Chà Bang. Cham Bình Thuận có đất thiêng riêng… với những chuyện kể nữa.

Tôi là kẻ kể chuyện. Kể sớm, từ tuổi 15, và kể nhiều, qua các thể cách khác nhau. Trực tiếp, có; bằng chữ nghĩa, có; qua video clip, có… Ở đó 12 câu chuyện gắn với di tích khu vực được kể trong tập sách mỏng Thả Diều ở Xứ Nắng, là một.

Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành 33.000 bản, tôi mua lại và bán rẻ cho Cham: 3.000đ/ cuốn. Để các thế hệ Cham biết câu chuyện nơi mảnh đất mình đang sống, và truyền kể.

Vừa qua tôi cũng làm hai tập sách mỏng: Kabbôn Muk Thruh PaleiAriya Tôn Pho in trăm bản tặng bà con palei Pacam và các palei khác.

“Bạn có yêu palei bạn không?” là serie tút, trong đó tôi gợi ý, và hứa cung cấp tư liệu cho các bạn viết về palei mình. Mươi năm qua, mới có hai tập sách ra đời, là sao?

Đâu cần công trình nghiên cứu đồ sộ, mà chỉ là các câu chuyện kể, kí ức của bao thế hệ người đi qua làng và lưu lại. Không yêu palei, bạn còn yêu món gì?

Trở lại chuyện chung, thác Bản Giốc, nếu nhà văn có nhiều câu chuyện hay, dân sẽ ở lại, gắn chặt cuộc đời mình với đất. Trung Quốc mạnh, họ lấn chiếm, dân ở lại. Mình khỏe, đuổi họ đi, đất trở lại là đất của dân.

Câu chuyện cần thiết là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *