Kapet-05. CHUYỆN KỂ

“Ngư dân bám biển”, cụm từ thường được dùng thời gian qua. Với ngư dân, biển là nhà với bao kí ức dữ lành, được mất. Dẫu sao ở đó, biển vẫn là tự nhiên mênh mông, nơi ta khai thác. Đất ngược lại – hẹp hơn, được bàn tay con người cải tạo, chăm sóc, con người gắn bó hơn, khó rời bỏ hơn.

Đất lành thì ở, đất lở thì đi – ông bà Việt nói thế. Tuy nhiên, để con người gắn chặt hơn với đất, đất cần đến câu chuyện.

Mươi năm trước, ở một buổi nói chuyện liên quan đến chủ đề này, tôi nhấn, thác Bản Giốc mất có lỗi ở nhà văn, cụ thể hơn: Hội Nhà văn, người nghe nghĩ tôi đùa. Tôi nói, không – bởi nhà văn không có câu chuyện níu kéo dân ở lại với đất.

Cham còn hơn thế, do quan niệm về đất: ‘Dar thok padok kiak’: Nơi chôn nhau đặt viên gạch [dựng tháp]. Đất là đất linh. Cham có từ ‘nao Yang’ đi đến ‘tanưh Yang’ [đất Thần], để cúng Thần ‘ngak Yang’. Còn “thánh địa” hay gì gì khác, là do người Pháp, Việt dịch.

Mà phạm vi ‘tanưh Yang’ của Cham khá rộng, thoáng, và nhất là chưa bao giờ có rào cả! Cham quản ‘tanưh Yang’ mà như không quản, là vậy. Từ đó xảy ra bao chuyện dở khóc dở cười. Vụ tiệc tùng trong khuôn viên tháp Pô Klong Girai ở Ninh Thuận năm 2020 là một.

Tanưh Yang’: tháp, Kut, Ghur bỏ đó, người Việt đến và vô tư lấn, chiếm, chớ đố Cham nào dám rớ tới một gang! Thuở bé đi ngang qua khu tháp Pô Rômê cách 500m, anh Đạm còn kêu tôi cắn muốn đứt ngón trỏ để không phải phát âm “bậy” nữa là.

Không riêng Cham, tôi đi qua nhiều, rất nhiều đất linh của Việt, Khmer… với niềm kính tín tuyệt đối. Chuyện Kapet, hai câu hỏi thường xuyên tôi nhận được:

[1] Cham phản ứng thế nào?

– Tôi quá hiểu dân tộc tôi: không thế nào cả, Cham chỉ khóc!

Tháp Bà ở “kinh đô Nha Trang” được coi là “thánh địa” thứ hai, mỗi năm bà con gồng gánh cùng xe trâu kẽo kẹt kéo nhau cả trăm cây số ra lễ. Thời Pháp thuộc, Việt minh nổi lên mất an ninh, Cham thỉnh Ngài về Hamu Ram – Ninh Thuận phụng tự. Dẫu sao, Ya Trang vẫn còn hằn đậm trong kí ức cộng đồng, thế nên khi đất nước thống nhất, bà con trở lại thánh địa xưa lễ bái.

Kapet cũng vậy, nếu mai kia nó có chìm dưới đáy hồ sâu, Cham vẫn nhớ. Nhớ, và kể lại. Buồn là, qua nỗi hồ này, hố ngăn cách giữa ý Đảng lòng dân [Cham] ngày càng sâu hơn.

[2] Tại sao Inrasara không thảo đơn thư lấy chữ kí bà con gửi lên Trung ương?

Tôi nói không. Tôi là nhà văn tự do, chứ không là một tổ chức. Tôi lên tiếng với tư cách một trí thức. Có thể nói, tôi dự vào hầu hết cuộc Cham lớn nhỏ khác nhau, nhưng tôi chưa hề đơn thư dù đến cấp thấp nhất là thôn, xã.

Tôi nói lên tiếng nói độc lập của tôi. Ở mọi diễn đàn, làm sao cho tiếng nói ấy đến các nơi, Cham và Việt Nam, trong và ngoài nước, địa phương lẫn Trung ương.

Mong bình an – thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *