Chuyện văn chuyện đời-26. VĂN CHƯƠNG CÓ GIẾT CHẾT HIỆN THỰC?

[Lưu ý: Với còm mới, tôi nêu tên người cụ thể, còn chuyện đã cũ, xin cho khiếm danh mà chỉ cần đưa sự việc ra để bàn về LUẬN ĐIỂM]

Tút về bài thơ “Chiến tranh” của Nguyễn Đức Tùng, bạn Nguyễn Khôi còm:

“Thơ phản ánh hiện thực? thì bài này phi thực tế, hỏng từ gốc… Thực tế cả 2 bên (Quốc/ Cộng) đều làm lễ báo tử, tôn vinh “Liệt sĩ rất trang trọng” để động viên những người còn sống, an ủi Người đã hi sinh …

Thơ là Ảo (có quyền bịa) nhưng là bịa như thật kia…

Thơ hay là phải “ý mới/ tứ lạ” ngẫu hứng xuất thần… Anh này ngồi trên cung trăng, bịa như Cuội!”

Luận điểm bàn ở đây là: Thơ trong tương quan với Hiện thực.

Tôi hay đặt câu hỏi, hiện thực là hiện thực nào?

Tiểu luận “Hồ sơ Biên bản so sánh. Bài 7: Hiện thực đi về đâu? 0 Từ Đoàn Văn Cừ, Phạm Thiên Thư, Thanh Tâm Tuyền đến Phan Bá Thọ” đăng Vanviet 2015, tôi có kê ra:

– Hiện thực tả chân với Đoàn Văn Cừ, Hiện thực phê phán với Tú Mỡ, sau nữa là Hiện thực xã hội chủ nghĩa của Tố Hữu.

– Rồi Hiện thực huyền ảo ở Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư: “Như Lai thường trụ trên tà áo xuân…”.

– Trước đó, [Hiện thực] siêu thực của Thanh Tâm Tuyền: “anh xé tóc em cùng những cánh lá chết”. “Xé tóc” thì có thể hiểu, vì em búi chặt quá cỡ, chớ “cùng những cánh lá chết” ở đâu lòi ra, và để làm gì cơ chứ?

– Sang Hiện thực hậu hiện đại,“Ngẫu hứng” của Bùi Giáng thì diễn nôm được, chớ bài thơ “hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng” của Phan Bá Thọ, thì người đọc có mà… ngọng!

Trở lại với bài thơ “Chiến tranh” của Nguyễn Đức Tùng.

Hiện thực ở đây là mảnh hiện thực của kí ức trẻ con, mảnh ấy ám ảnh nó, để gần cuối đời nó-người lớn ghi lại: chuẩn không cần chỉnh luôn.

Chương đầu tiên Âm thanh và Cuồng nộ của W. Faulkner – tiểu thuyết kì lạ và độc đáo nhất của kiệt tác văn chương nhân loại thế kỉ XX, là hiện thực của cậu bé khùng được diễn đạt qua ngòi bút của nghệ sĩ bậc thầy [của cả G. Márquez, như nhà văn này tự nhận].  

Thuở ở Trung học Pô-Klong, tôi thử đưa cho vài bạn học đọc, không ai đọc hết 3 trang! Văn chương khó là vậy, chớ chả đùa.

Kết. Lẽ nào hiện thực cứ phải là hiện thực của người lớn mà không là của trẻ con hay thằng khùng?!

Một tút, chỉ có thể ngắn gọn thể, để phản hồi bạn đọc.

+

Tham khảo, xin trích, dù là việc không nên:

“ông ấy là một người [mỹ] trầm lặng – ai cũng bảo vậy – với 60 % tính trầm tĩnh + 30 % tư chất của những con người thông minh linh lợi

từng đoạt chức quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương [từ vịnh con heo đến vịnh bắc bộ] chỉ mất 2 giây 10 %

về thứ 2 trong cuộc đua năm ấy: phan khôi, mất quãng thời gian [tính từ tình già đến lúc tình thôi xót xa] vị chi 80 năm chẵn lẻ

thông minh, trầm tĩnh & bởi anh ta là ernest hemingway nên thay vì được phần thưởng là vào lăng viếng bác + bắt tay với fidel dũng cảm, anh ta lại lẻn lên điện biên nhập vào đoàn quân kháng chiến đánh đồn đờ cát, mà chẳng bị một ai phát hiện.

… lại nói về ernest hemingway, sau khi cắm cờ trên nóc hầm đờ cát thì được tưởng thưởng & tung hô vinh hiển đủ thứ, được về hà nội ăn phở, nghe hẹn hò & bên cầu biên giới, được phạm duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí đến sình cả bụng, lại được mang họ mới [nguyễn ernest hemingway] & kết nạp vào hội viên hội nhà văn việt nam [sướng nhé]

vì là nhà văn hội viên duy nhất đoạt chức vô địch bơi lội, nguyễn ernest được vinh dự đọc tham luận tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2004.

& hemingway thì ai cũng biết: đích thị là một người mỹ trầm lặng. nhưng hắn ta cũng đồng thời lại là một nhà văn việt nam bi bô & láo toét vào loại bậc nhất.

Lối viết siêu hư cấu sử kí (historiographic metafiction) không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ, mà còn làm sai lệch các sự kiện hiện tại nữa.

Hemingway, một người Mỹ trầm lặng, tư chất thông minh linh lợi hay Hemingway quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương, cũng được đi. Nhưng cho ông nhà văn tác giả Ông già và biển cả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam hay cắm cờ trên nóc hầm Đờ-cát, kết bè cùng Phạm Duy đi hút thuốc phiện… thì chỉ đến Phan Bá Thọ chúng mới lòi ra.

Không dừng lại tại đó, Phan Bá Thọ cố tình bóp méo sự thật, rồi nặn ra hàng loạt thông tin dư thừa không cần thiết nhét bừa vào bài thơ, làm người đọc quá tải. Qua đó anh đẩy người đọc rơi vào tình thế đối mặt với trạng thái lấp lửng giữa thực và ảo. Văn bản nội tại và thế giới ngoại tai, nghĩa bóng/ đen trộn lộn. Ta không biết đâu là thế giới bên trong/ bên ngoài văn bản, không còn phân biệt đâu là hư cấu đâu là hiện thực nữa.

Mâu thuẫn toàn triệt. Bằng thủ pháp này, Phan Bá Thọ khiến người đọc mỗi lúc mỗi ngưng lại “đối chiếu” để tìm mối liên quan nào đó giữa sự thật và hư cấu. Ít ra họ cũng chờ đợi một khai phá mới về cuộc đời đầy sôi động của nhà văn này. Rốt cục họ nhận ra bài thơ không phản ánh hay tái hiện hiện thực gì cả: ở đó bao nhiêu sai lạc với nghịch lí. Càng đối chiếu càng bị lạc.

Hiện thực, dù là hiện thực phê phán hay hiện thực xã hội chủ nghĩa, hiện thực huyền ảo hay [hiện thực] siêu thực, ít nhiều nhà văn vẫn tham vọng văn chương “phản ánh” hiện thực, sự kiện thực hay [hiện thực] tưởng tượng, bề nổi hay chiều sâu, lồ lộ hay ẩn khuất. Ở đây, Phan Bá Thọ – không. Thi sĩ giải thoát người đọc khỏi sự bị hút đắm vào câu chuyện “như thật” như đã từng xảy ra ở hầu hết lối viết cũ, để họ ý thức rằng MÌNH ĐANG ĐỌC VĂN BẢN VĂN CHƯƠNG. Ngoài ra, không gì khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *