Inrasara-TV-36. ĐI TÌM LAI LỊCH PALEI CHAM

“Thu-ôn Bhum Cam” của Nguyễn Văn Tỷ trên đặc san Cong Tagôk của Trường An Phước năm 1969.

1. Truy tìm nghĩa từ: Phun Darang.

Ariya Glang Anak, câu 9:

Ra caik ulik dok pakhik phun darang,

di graup tapiên ra pawang, pabbuk pajeh nan ka drei

Prangdarang, Pangdurangga, Panrang, Phun Darang, để chỉ khu vực trung tâm của Pangdurangga. Đại Việt: “ulik”

Panduranga khi xưa bị phân thành bốn vùng: Panrang, Kraung, Parik, Pajai.

2. Patau Tablah: Đá Nẻ thế kỉ XII – cuộc chiến 20 năm giữa Champa và Khmer: 1147-1266.

Bia kí có nhắc đến trận chiến diễn ra ở “cánh đồng Cakling”, là tên làng Mỹ Nghiệp ngày nay. Đầu thế kỉ XIII cuối thế kỉ XIV, bia Pô Klong Girai nhắc tên palei Parik, Krong, với Padra và Padra xit Như Ngọc ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

3. Thử khởi đầu từ Sông Lu, như là điểm nhấn để nhận diện.

Sông Lu

Sông Lu – Krong Mưnôl khởi từ đập Tân Giang chảy xuống gặp Đập Katêu. Từ đập này phân thành hai nhánh. Nhánh chảy qua Phước Hà tưới vùng ruộng làng Thôn – Hậu Sanh và Hamu Tanran; nhánh chảy qua Chakleng được gọi là Sông Lu2.

Sông Lu2 bắt nguồn từ Banơk (đập) Katêu qua Banơk Katôr, xuống Banơk Katin rồi Banơk Mưrên. Sau đó nó gặp Banơk Ia Kiak rồi Banơk Patau.

Banơk này cách làng Ram Ga khoảng 1km về hướng Tây Nam. Binơk Patau – Đập Đá, ngăn nước tưới đồng ruộng xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Sông Lu2 xuôi xuống gặp Binơk Limơng rồi Banơk Tanông ở làng Hamu Ram. Sông chảy qua cầu Phú Quý rồi cầu Mỹ Nghiệp, xuôi xuống.

Palei Bal Cang

Đây là khu vực trung tâm kinh thành Virapura mà từ đầu thế kỉ IX các vị vua Champa trị vì suốt hai thế kỉ. Hiện Bal Cōng là làng Chung Mỹ thuộc thị trấn Phước Dân, chứ trước đó nó án ngữ ngay Phú Quý. Vào đầu thế kỉ XX, khi người Việt đến đông, bà con Cham mới dời lên palei hiện tại. Đến đầu thập niên 1960, vẫn còn vài gia đình Cham trụ lại, để rồi cuối cùng không còn gia đình Cham nào.

Thuở bé, chúng tôi còn quen gọi Chung Mỹ là palei Birau [làng Mới] là vậy.

Hamu Ram & Palei Hamu Tanran

Bên kia đường rày xe lửa khoảng trăm thước là palei Humu Rām, hiện là làng Việt, chứ trước đó là nơi người Cham cư trú. Trước 1954. Đền thờ Pô Inư Nưgar được thỉnh từ Nha Trang về vẫn còn lập ở đây. Chỉ sau đó, khi người Việt tràn tới, Cham mới tản đi.

Palei Hamu Tanran làng Hữu Đức hiện tại hình thành từ một trong những cuộc di tản đó, và cuộc di dời chỉ kết thúc vào cuối thế kỉ XIX. Vào thập niên 1960, dòng họ Amil Pui vẫn còn qua Đất Sở ở Hamu Rām cúng tế.

Ở khu vực nhà anh Thiền còn lưu dấu đền thờ nơi bà con Cham cúng Yāng Takuh (Thần Chuột). Từ đền thờ [đã điêu] này ngược lên phía bắc khoảng hai cây số là Cơk Yāng Patao (Núi Đá Trắng) thuộc làng Như Bình Padra, là làng duy nhất có tên trên bia kí tháp Pô Klōng Girai. Năm lần lặp đi lặp lại!

Bình Quý

Từ Cơk Yang Patao xuôi về đông, là Bình Quý, một làng Việt. Ở đây dọc Sông Quao còn tồn tại rất nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc Champa giá trị, trong đó có ngôi tháp Cham đã đổ nát. Vào thập niên 1960, vài dòng họ nhỏ ở Chakleng vẫn còn qua khu vực Bình Quý thờ cúng Kut của dòng tộc mình.

Palei Chakleng

Chakleng xưa có tên là Nha Tranh do người Việt đọc trại từ âm tiếng Cham là Chakleng hay Chakling, nay có tên Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân.

Bởi là một làng cổ nên khu vực xung quanh làng tập trung nhiều di tích lịch sử, trong đó có hơn 20 Kut bhao (Nghĩa trang hoang). Đây là dấu vết quan trọng nhất để nhận diện sự cư trú lâu dài của cộng đồng Cham Ahiêr.

Trước đây, đại bộ phận dân Chakleng cư trú tại Takai Tanưh Wak cách làng hiện tại non cây số về hướng đông bắc, bộ phận khác ở Bblāng Mil rẫy nhà Chị Kiều cách trung tâm làng hiện tại 400m về hướng đông nam. Sau đó gặp mùa mưa dai đất nhão, dân làng dồn về mảnh đất bây giờ.

Giữa thập niên 1940-50 nạn dịch rồi làng bị cháy, lần nữa hơn nửa dân làng dời lên rẫy ông Hào Piửng cách làng non cây số về hướng nam, tạm cư hơn hai năm mới trở về đất cũ.

Chuyện kể Ông Paxa Mūk Chakling thường đi mò cua ở bãi biển không phải là không liên quan đến thực tế. Trước 1975, ngay phía đông Chakleng còn có Láng trống Bblāng Kadāng đất cà giang rộng đến 30 mẫu. Từ đó xuôi xuống làng Thành Tín là vùng nước lợ có nhiều loài cá cua nước lợ sinh sống.

Palei Ram

Thế kỉ XVIII trở về trước, Văn Lâm cư trú tại vùng đất Sơn Hải, nơi có Ghur Dil [đầm], một bộ phận ở khu vực Cà Ná hiện vẫn còn Ghur Kanak. Đến thời Nhà Nguyễn, chính quyền buộc Cham dời lên phía núi, lập thành ba làng: Canah Klau, Canah Dwa, và Canah Tang (tức Chà Vin). Hiện nay dấu vết Sang Mưgik vẫn còn.

Cuộc khởi nghĩa của Thak Wa 1833-1834 diễn ra ở đây. Khởi nghĩa thất bại, cả ba làng này bị san phẳng, Minh Mạng cho dời người Văn Lâm về Ram Ga ngày nay (năm 1834).

Pháp đến, hệ thống đường rày xe lửa nam miền Trung tiến hành vào thập niên 1920, rồi khi Ram Ga hay bị lũ lụt, người Văn Lâm dời làng lên Tabbôk Krưh (Gò Giữa), Tabbôk Gah (Gò Bên). Sự kiện nói lên làng Văn Lâm hiện tại hình thành sau thập niên 1920.

Thāng Mưgīk đầu tiên của Văn Lâm là ở Ram Ga.

Người Ram có Ghur Dil, Ghur Kanāk, một số ở Ghur Raneh(6) và Ghur Ia Kalāng [trước là ở Ia Mưlān, sau đó chuyển về gần làng hơn].

Palei Katuh

Cư dân Cham chạy loạn từ miền Trung di dời vào Nam, định cư ở nhiều vùng khác nhau. Một bộ phận lớn dừng lại ở Phú Thọ bên này cầu An Đông thuộc Thành phố Phan Rang. Trận lụt lịch sử Ninh Thuận vào thứ Bảy ngày 12-12-1964, cả làng Phú Thọ bị cuốn trôi hết, trong khi nửa dân làng Tấn Tài bị chết do lụt.

Họp làng ở Phú Thọ thời gian ngắn, sau đó một phần đi tiếp đến palei Cwah Patih. Bộ phận còn lại định cư tại Dhong Kia, giáp ranh phía tây palei Katuh hiện tại.

Người palei Hamu Crak có Kut tại đây, chứng tỏ ở đó có cả làng Cham Ahiêr tạm cư. Trước 1975, một dòng họ palei Hamu Crok còn đến cúng kiếng, sau đó Kut này mới bị bỏ hoang hẳn.

Một nhóm khác di dời lên định cư tại palei Katuh [khu vực sân bóng đá làng hiện nay].

Người Cham Awal đến đâu lập Sang Mưgik tại đó. Sang Mưgik kiên cố đầu tiên dân làng còn nhớ được dựng vào năm 1926, ở palei Katuh cũ.

Palei Cwah Patih

Từ miền Trung vào, trước tiên dân làng trụ ở làng Phú Thọ hiện tại, là làng Việt sát biển này hiện có đến 70% người còn mang họ Chế. Từ vùng đất đó, họ chuyển về Ia Lah nơi có Ghur Ia Lah cách palei Katuh hiện nay hai cây số về hướng Đông, sau cùng làng chuyển về sân bóng hiện tại.

Sang Mưgik đầu tiên được dựng lên ở đây. Ông giáo Thương sinh năm 1943 cho biết thuở bé ông còn nhìn thấy Sang Mưgik này.

Ở Pabah Crok gần đồng Jam Thir, giữa palei Katuh và Cwah Patih, dân làng đào giếng hay sau 1975 đào Sông Lu bắt gặp vỏ sò, hến, dây thừng, mỏ neo… chứng tỏ bờ biển khi xưa nằm sát làng Cwah Patih, dù hiện nay khoảng cách từ Jam Thir đến bờ biển cách khoảng năm cây số.

Cwah Patih thành lập vào thập niên 1850. Trước tiên, có bốn chị em từ vùng Phú Tho – Phan Rang kéo xuống miệt Nam lập ấp. Thấy vùng đất Ia njak ia njar nước chảy quanh năm thuận cho việc cày cấy, họ đặt cơ ngơi tại đó.

Khi ấy, làng vẫn còn rất hoang sơ, kế rằng có cả gỗ kuh, gỗ njei lớn đến một người ôm, cọp beo còn đầy, đêm nghe tiếng chúng đùa giỡn nghe ớn lạnh. Không lạ, nên sau đó không lâu một trong bốn chị em bị làm mồi cho loài thú dữ.

Bốn chị em đào Giếng Tre [hai giếng, một đực một cái – hiện giếng Vuông vẫn còn được dùng tưới ruộng] để tưới cho cánh đồng đến 30 mẫu ruộng. Có thể nói tất cả đất đai palei Cwah Patih đều do dòng họ này quản.

Cham đến đâu cúng tế thần tới đó. Nhìn trước nhìn sau không có ai nhờ cậy, chị cả phải tự phong làm Pajau phụ trách tế lễ. Đây là dòng họ lớn nhất ở palei Cwah Patih từ trước đến nay.

Palei Palao và Palei Hamu Crok

Palao tên thường gọi là làng Cù Lao, tức Hiếu Thiện. Trước đó cư dân sống ở ngoài đảo (đảo = palao), Nhà Nguyễn cho dời vào đất liền lập làng ở khu vực Cà Ná, đến thời Pháp làm đường rày xe lửa tất cả mới dời vào palei Palao Klak (làng cũ) cách Ram Ga khoảng 2km về hướng nam, hiện vẫn còn Kut tại đó.

Trường ca Xe Lửa Ariya Ridêh Apui có nhắc đến sự kiện này.

Việt Minh nổi lên, thêm làng bị lũ lụt, dân làng từ đất cũ dời về palei hiện tại.

Cách 1km về hướng mặt trời lặn là palei Pabhan làng Vụ Bổn.

Xét về giọng nói, tuyến Chakleng-Bal Cong-Hamu Tanran [và palei phụ cận] gần như phát âm cùng chất giọng, không lạ – bởi họ là cư dân Panrang vùng đồng bằng.

Trong khi đó, bà con Ram hơi khác. Khác do – như đại bộ phận Cham Bini khác – làng Ram cư trú ở miền duyên hải [Sơn Hải, Cà Ná] sau đó bị dồn lên trung du [Canah Tang]. Chỉ từ năm 1834 bà con mới chuyển về miền đồng bằng khu vực trung tâm là Ram Ga. Sự “khác” này còn do người Ram là Cham Awal nữa.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao Hamu Crok ngay sát đó, và cũng là Cham Ahiêr, mà giọng quá khác? Nguyên do: người Hamu Crok mới tới. Họ về Panrang cùng “đợt” với Katuh, sau đó chuyển lên palei cũ, để cuối rốt đến thời ông Dương Tấn Sở làm quận trưởng An Phước vào thập niên 1960, dân làng mới dời lên làng mới bây giờ.

Một chi tiết không phải không đáng chú ý, cạnh sông Nhật Lệ tỉnh Quảng Bình cũng có làng tên Bàu Tró (người Việt ở Phan Rang gọi Hamu Crōk là làng Bàu Trúc, hay Ma Tró), và cũng làm gốm. Có lẽ người Hamu Crok từ đó dời về thẳng Panrang chăng? Hay họ thiên di vào nam, tạm dừng đâu đó thời gian rồi mới về đây? Chi tiết này nêu ra chỉ để tham khảo.

Ở đây không thể không kể đến hai làng Ia Li-uIa Binguk làng Phước Lập và Nghĩa Lập thuộc Cham tiền tôn giáo có đời sống rất đặc thù. Đó là làng cung cấp hệ Kadhar nhiều nhất cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Cham hiện nay. 

*

Như vậy, sau biến cố Thak Wa 1834, tam giác Ram Ga – Hamu Ram [tiền thân Hamu Tanran] – Chakleng chính là “Phun Darang” [Phun: gốc; Darang: viết tắt Pangdurangga, hay Prang Darang là chữ Ariya Glang Anak dùng), là “trung tâm” của Panrang, ngự ở ba đỉnh tam giác cách tâm điểm là Bal Cong (Phú Quý) trên dưới cây số. Chính khu vực này vua Minh Mạng đã dồn Cham lại, từ đó bao vây và trấn áp.

Còn các làng khác khi ấy chỉ gồm vài chục gia đình, thậm chí chí là vài nhóm người thân cận chạy loạn họp lại. Nhớ là, khi Thiệu Trị lên ngôi năm 1840, và kêu Cham từ khắp vùng rừng núi trở về, dân số Cham Ninh Thuận chỉ vỏn vẹn năm ngàn người. Để sau một thế kỉ rưỡi, Cham Pangdurangga vọt lên bảy vạn sáu!

4. Vùng ngoại vi Phun Darang

Tách xa khỏi Phun Darang, không thể quên ba palei trọng điểm khác của Cham, và là một trong bốn làng Cham lớn nhất tỉnh Ninh Thuận: Pabblap Birau.

Padra

Palei Padra và Padra xit xuất hiện trên bi kí tháp Pô Klong Girai thế kỉ XIV năm gần Cơk Yang Patao Núi Đá Trắng thuộc khu vực Tây bắc Phun Darang. Padra nghĩa là cây táo, đến đầu thế kỉ XX vẫn còn là rừng táo. Hiện là trung tâm xã Phước Thái gồm Boh Bini là làng Hoài Trung.

Xuôi về đông có 4 làng: Boh Dana Chất Thường, Cok Hiếu Lễ, Bblang Kacak Phước Đồng và Boh Dang Phú Nhuận.

Dwa bblang klau boh’: Hai láng ba trái.

Bal Riya

Là làng Bính Nghĩa làng xa nhất của Cham Phun Darang ở miệt bắc. Tương truyền đây là làng của Chế Bồng Nga Pô Bin Thôr, hiện bà con đang thờ Bia Chôi là vợ của ngài.

Cang

Thời Pháp thuộc, Lương Tri là tên tổng gồm tất cả làng Cham ở phía Bắc sông Dinh: Phước Nhơn, An Nhơn, Bĩnh Nghĩa, Lương Tri và Thành Ý

Dân Cang Lương Tri hiện nay tập hợp từ các địa danh: Lương Cang, Ma Nương, Hamu Jarum, Cầu Ông Một và một số từ Bauh Bini họp lại sau 1954. Trong đó Cầu Ông Một nằm giữa Sông Cái và Quốc lộ lên Đà Lạt cách làng hiện nay 3km, là nơi dân Cang Lương Tri cư trú lâu nhất: từ 1948-1954.

Hamu Jarum nằm về phía bắc cách làng hiện nay 6km chỉ tập hợp non một năm, sau đó xung đột với dân An Nhơn nên dời về.

Năm 1960 mới có lớp Một và Hai, sau đó học sinh Lương Sinh phải qua Đắc Nhơn theo học lớp Ba.

Pabblap

Ở miệt Bắc Ninh Thuận, sau làng Bal Riya thuộc Cham Bà-la-môn, là Pabblap thuộc Cham Bà-ni. Từ Tuy Hòa, Cham dời vào trụ lại ở khu vực Ghur Raneh, sau đó tản đi đi các làng khác. Thập niên 1960, các cụ mất còn hành con cháu khiêng “của vàng” từ Pabblap vượt hơn mươi cây số đường rừng để gửi than tại Ghur cổ này, là vậy.

Tại Pabblap Klak An Nhơn, thời ông Thành Công Chây làm Chánh Tổng áp dụng chính sách “họ hàng trị” khiến thành phần hiểu biết phản đối. Ngọn lửa âm ỉ cháy, rồi sự vụ đẩy lên thành cao trào, khi mùa đông năm 1900, cụ Nguyễn Văn Chay cùng ba người bạn thân tín quyết định tách ra đi về miệt bắc cách làng cũ hơn cây số, lập làng Phước Nhơn năm 1903 gọi là Pabblap Birau thuộc tổng Lương Tri, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận.

Palei Pabblap Birau làng Phước Nhơn, phía Bắc giáp thôn Việt Mỹ Nhơn, hơn hai cây số về phía Đông là Quốc lộ Một [và làng Việt Hộ Diêm]. Chảy từ đập Đa Nhim xuống có Mương Cái (Ribong Kamei) là con mương chính xuôi về ngang qua Phước Nhơn có tên là Ribong Jiao [hay kênh Pérignon]. Lấy Phun Kayo (cây quao) làm điểm, từ cây này ngược lên trên là Croh Krưm (Suối Tre) có một cây cầu bắc ngang con suối; nhìn qua phía tay mặt là chợ nhỏ. Sau năm 1975, khi Ấp Chiến lược được dở bỏ, làng mới mở rộng ra ba hướng, ngoài hướng Hộ Diêm. Sau đó chợ cũng được dời ra bên ngoài, ngay cổng vào làng cũ.

Rồi chỉ qua một thế kỉ, dân số làng mới tăng vượt trội, gấp hơn hai lần palei Pabblap cũ, như muốn tô đậm thêm tinh thần Pangdurangga: Ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *