Minh-triết-Cham-05. GIẢI SÂN HẬN

[với Việt và Cham, sống dưới dấu hiệu Ariya Glang Anak]

[1] Hầu hết tác phẩm văn chương Cham sót lại không có dấu vết căm thù. Tiếng Cham, “căm” là janưk; “thù” là mưbai. Hai từ đi chung thành cặp đôi mưbai janưk hay janưk mưbai: thù hận, hận thù.

Lạ, Ariya Glang Anak, tác phẩm mang tính nhân văn cao, chữ janưk, mưbai, janưk mưbai lại có mặt dày đặc. Janưk: hận; xấu ác, không lành xuất hiện 6 lần; mưbai: thù 2 lần; mưbai janưk: thù hận 3 bận: janưk haniim: thiện ác, đi cặp 2 lần nữa!

Hận thù hiện diện khắp xung quanh, do người ngoài mang đến “tặng” ta, có mặt giữa anh em bà con bè bạn ta, và ngay nơi thẳm sâu lòng ta nữa. Kẻ thức giả cô đơn giữa cuộc thế và lòng người. Ông Glang Anak viết để cảnh giác, để cảnh báo. Viết như là trối trăng.

Đó là thông điệp đầu tiên và cuối cùng.

Dẫu sao bên cạnh mưbai, janưk, janưk mưbai, Glang Anak không quên haniim: phúc, lành, thiện: 6 lần, hay haniim ayuh: phúc thọ, hay haniim phôl: thiện lành rất nhiều lần lặp lại. Không phải như một đối kháng nhị nguyên mà, như một khai thông hướng đi.

Làm sao giải sân hận?

Năm 1997, trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, nhà thơ Lệ Thu tố tôi “khát vọng phục thù, ước mơ đảo ngược”, tôi chỉ lấy thơ phản hồi – nhẹ nhõm (tạp chí Văn, 1998):

Làm sao gọi em ngược về thế kỉ Huyền Trân?

làm sao chuyển dịch tôi sang ngữ ngôn huyền sử?

để em có thể tầm nguyên tâm hồn tôi

mà không phải đọc tôi qua sương mù dị bản

cho ngực trần tôi mãi là trang sách mở

để hai bàn tay lửa em vươn tới tự tin hơn…

Năm 2004, trên tạp chí Champaka-4, TS Nguyễn Văn Huy ở Đại học Paris-7 viết bài “nghiên cứu khoa học” xuyên tạc nhiều sinh linh Cham đầy tai hại. Vài trí thức Cham thúc, tôi nói hưỡn đã.

Hưỡn đến 5 năm sau, tôi mới viết phản hồi, để mãi năm 2017 mới đăng. Ẩn nhẫn dài lâu là vậy. Ở đó, tôi chỉ cần đặt ra 6 câu hỏi với vị Tiến sĩ này, vấn đề đã mở gút – nhẹ nhõm!

[2] Ariya Glang Anak từng điểm danh kẻ xấu tâm nóng mắt ‘jhak hatai pađiak mưta’ trước thành công nhỏ nhoi của người đồng tộc, hay hả lòng hả dạ khi kẻ láng giềng bị hại hay gặp nạn (bbôh mưbai thong janưk dôm di ôn).

Điểm danh, để hiểu, và vẫy gọi Cham trở về với thiện căn của con người.

Làm sao giải phóng khỏi tâm sân hận?

Tạp chí CPK đăng hơn mươi bài xuyên tạc tôi, phạm cả vào đời tư tôi. Tôi ngược lại, giải minh một lần, rồi thôi. Trên trang nhà, chứ không ở Tagalau, đặc san tôi sáng lập và chủ biên.

Ngay vụ có vẻ thuần khoa học như ‘Akhar thrah’, tôi cũng không, dù tôi nhận bài viết từ 5-6 cộng tác viên trung thành. Tại sao? Hận thù nếu có, nên cởi bỏ chớ không nên buộc vào. Để Cham còn nhìn mặt nhau, sau đó.

Chung là vậy, còn riêng? Thử nêu một gương sáng.

Anh LTC xưa thân với tôi, sau đó người trời Mã kẻ đất Việt không có gì gọi là xung đột quyền lợi, vậy mà anh cứ gay tôi. Không kể các bài viết kích bác, anh 2 bận vào “nhà” tôi la tôi dốt, dù chuyện chả liên can gì đến anh.

Vợ anh, BTH bạn học Pô-Klong xưa, cũng hệt. Cứ vào nhà tôi mà chửi. Tôi nói, hai mình biết nhau mà, không hạp thì nghỉ chơi, xin block nhé, “block đi đồ quỷ”!

Còn anh, tôi không đáp lại, chỉ 1 lần bỡn vui tí. Ông anh hạng ruồi, tôi siêu nặng, anh ham quá nhỡ 1 ngày nọ tôi nổi hứng nhảy lên đài giập cho bẹp dí thì sao đây. Bà con cười thằng em chết.

+

Hirsch cho rằng “đọc thơ là một hành động mang tính sáng tạo”. Stevens gọi người đọc là “học giả của một ngọn nến”. Kẻ Cham không đọc Ariya Glang Anak với con mắt soi mói của nhà nghiên cứu cân đong đo đếm câu chữ, mà lấy tâm hồn đọc tâm hồn.

Nếu bạn khả năng giảng giải ‘lang yah’ rành rọt Glang Anak mà tâm bạn chưa tận diệt ‘palai tung tian’ mọi căm thù sâu kín, là bạn còn chưa hiểu Glang Anak.

Khi tâm hồn bạn còn trì nặng nỗi oán trách nhỏ bé, suy nghĩ nhỏ bé, hay bạn còn nuôi ý định âm u triệt tiêu ai đó, không biết cảm thông và tha thứ, là bạn chưa hiểu tinh thần Glang Anak. Khi bạn chưa mở lòng với con người hèn yếu xung quanh, là bạn chưa thể sẵn sàng đón nhận thông điệp Glang Anak.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *