Minh-triết-Cham-04. HIỂU NỖI CHAM & KỂ LẠI

Đầu thế kỉ XVIII, Cham rơi vào đại khủng hoảng cuối cùng, Ariya Glang Anak thấy gì?

Apui kadhir bbang palei’: Lửa thiêng thiêu đốt quê hương;

Tagraup tapiên rapawang’: Khắp bến bờ bị bao vây;

Urang bihuh bihah biha bihi rakang hu abih’: Phường giá áo túi cơm bị mua chuộc hết. Cả dân tộc chìm trong phiền não: ‘Nưgar chai drut mưrai’.  

Hoảng loạn là không thể tránh: ‘Xa-ai ô krưn ka adei, mik ô krưn laic kamôn’: Anh không kể tới em, chú không nhìn nhận cháu…

Quần chúng là thế, phường giá áo túi cơm thì càng.

Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002:

Xưa

Dới cái rây lịch sử khổng lồ

Cha lọt sàng sống sót

Lổm ngổm bò dậy làm người

Một phép lạ

Có ngưng ở đó đâu! Câu 57. ‘Dalam nưgar ralô janưk thong mưbai/ Haniim ayuh jang ôh hai, nưm angan jang ô hu’: Xứ sở lắm hận thù/ tuổi tên mất tiêu, mạng sống nay mai còn chưa chắc.

Câu 40. ‘Kunal di tian đom bibiak urang tanhi/ Ka dahlau mai yau ni, di graup nưrah mai kanal’: Hãy nhớ nằm lòng, để kể lại.

Hai thế kỉ trước, Ariya Glang Anak đòi hỏi mỗi điều đó ở người cầm bút. Kể, câu chuyện vừa toàn cảnh vừa cục bộ cụ thể. Kể, không như một nhà nghiên cứu thứ văn hóa khô chết, mà như một sinh linh từ và trong cộng đồng, sống và kể lại.

Còn hôm nay?

Ở tút “Câu chuyện đang chết” [Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc], tôi viết:

Chưa có lấy một Cham nào làm kẻ kể chuyện Cham ra thế giới! Đời sống thực Cham với tâm hồn con người Cham và tinh thần văn hóa Cham…

Bạn có hiểu palei bạn không, với những kí ức làng và tâm tư người?

Nhà văn, bạn có hiểu con người Cham không, vài thế hệ thuộc các thành phần, học vấn khác nhau cùng bao tâm cảm và ưu tư của họ?

Và bạn có đặt câu hỏi đó với chính bạn chưa?

+

“Nhà văn nhân dân”, cái danh hiệu được một ông nghị vừa qua đề cử bị dè bỉu khắp, lạ – tôi thấy nó vui.

Bhap ilimô’: “văn hóa nhân dân” là từ đinh của Pauh Catwai. Có văn hóa nhân dân thì có nhà văn nhân dân. Ai mỉa thì kệ, chứ tôi xung phong nhận. Nhà văn Nhân dân đầu tiên của Việt Nam luôn!

Thử xem nó thế nào nhé…

Thánh địa Mỹ Sơn đã là di sản thế giới

tháp Dương Long đã là di sản của quốc gia

không khéo chúng ta hôm nay đang là di sản của nhân loại

(“Phác thảo ở biển Vũng Tàu”-2002)

Từ tuổi 15, tôi đã đi khắp palei Cham kể câu chuyện Cham, sau này nhập cuộc chữ nghĩa, tôi đã kể những gì?

[1] Kể chuyện qua THƠ

Với 9 tập thơ, cả tiếng Việt, Cham và Anh, tôi thể hiện tâm hồn con người Cham ở đời sống hiện tại. Sướng khổ, vui buồn cùng ước vọng và hi vọng dù bé nhỏ nhất. Thơ tôi có mặt khắp, cả địa phương lẫn trung tâm văn hóa lớn, trong lẫn ngoài nước.

Ở đây, cần kể thêm tiểu thuyết hư cấu: Chân dung Cát-2006 cùng mươi truyện ngắn lẻ nữa.

[2] Kể bằng VĂN XUÔI

Tiểu thuyết phi hư cấu, hay faction như: Hàng mã kí ức-2011, Tcherfunith-2012, Đi tìm hồ sơ một huyền thoại-2017;

Bút kí: Những cuộc đi & cái Nhà-2015, Từ Đứa con của Đất-2021, Chakleng, từ mảnh vụn kí ức-2021, Đường về Cham-2023.

[3] Kể bằng LUẬN

Minh triết Cham-2016, Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahier Awal-2015-2021…

[4] hay NÓI CHUYỆN

Ngoài các tổ chức của Cham, như Ban Biên soạn, lớp tiếng Cham chuyên…

Trong nước: Các Đại học, Hội Văn học Nghệ thuật, Trường chuyên, Cà phê thứ Bảy Văn học, các tổ chức phi chính phủ…

Ngoài nước: Đại học Silpakorn – Thailand, Đại học Okinawa, Hiroshima, Tokyo – Nhật Bản, Sứ quán Thụy Sỹ, Distant Horizons – Hoa Kỳ, Hội đồng Anh, Đài Loan…

[5] Kể, khi NHẬP CUỘC CỘNG ĐỒNG

Các sự vụ Cham với nhau, Cham và Việt, Cham với Việt Nam và cả Cham liên quan đến quốc tế. Hơn 30 vụ lớn nhỏ cả thảy, tôi đi vào, tìm lối thoát cho vấn đề, đa phần hiệu quả.

[6] Đó là chưa kể tôi sáng lập và điều hành đặc san TAGALAU, cho các cây bút Cham kể chuyện của mình nữa.

Tất cả, chẳng phải NHÀ VĂN NHÂN DÂN thì còn kêu bằng gì!  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *