Inrasara. Ý KIẾN TẠI BUỔI CUỐI HỘI THẢO DTTS

Sáng 21-12-2022, tổng kết và phát giải thưởng thường niên của Hội, có ba quan lớn từ Hà Nội về dự.

Sau bài tổng kết năm được đọc bằng giọng rất đẹp của nhà văn Niê Thanh Mai [sau đó tôi đùa ngay trên diễn đàn là hơi buồn ngủ bởi thiếu điểm nhấn], là tiết mục góp ý kiến.

Đã phát biểu hôm qua, tôi cứ ngỡ mình được miễn, ai dè lại bị/ được kêu. Lại là kẻ mở màn.

Nietzsche: Kẻ tiên phong bao giờ cũng bị hi sính.

Thôi thì đành vậy. “Tôi tin tưởng vào cá nhân”, tôi đã 2 lần tút như thế. Cá nhân nhà văn làm đi, làm mạnh lên, hết mình và tới cùng vào. Tác phẩm ngon lành ra đời, các tổ chức và Nhà nước tự tìm đến, hỗ trợ các bạn.

Bài học của tôi.

Tagalau, Tuyển tập Sáng tác – Sưu tầm – Nghiên cứu Cham, là đặc san duy nhất trong 54 dân tộc anh chị em. Tôi sáng lập, chủ biên và phải qua nhiều nỗ lực, thấy thành quả, các tổ chức mới nhìn nhận và ủng hộ.

Cham làm được, các bạn Tày, Thái… – tại sao không thể?

Kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ là thế, Nhà nước đã làm xong cái nền với 64 cuốn dày dặn, ai nhà văn Tây Nguyên ở đây có thể và dám hoang phí cả đời mình để tiêu hóa chúng, làm ra tác phẩm văn học ngoại hạng hiến tặng cho đất nước? [Làm được, bạn giật Giải thưởng Nhà nước như chơi!]

Tôi – với Văn học Cham, túi không tay không – chứ không “phải rất giàu” như một bạn đã kêu như thế trên diễn đàn này hôm qua – đã làm được, bạn – tại sao không? [Bộ sách này đã ẵm giải CHCPI – Sorbonne, sau đó thêm Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh]. 

Cứ yêu và làm mạnh lên, phần thưởng hay danh tiếng tự đến, nếu chúng thích!

Chuyện kể.

Làng Yên Sở được cho là một trong vài làng giàu nhất đồng bằng Bắc bộ thế kỉ XIII, là làng dệt Cham, hậu duệ của tù binh Cham thế kỉ XI. Sau ngàn năm – truyền thống nghề của làng ấy thế nào, ai cũng biết rồi.

Cũng món tơ lụa ấy do lưu dân Cham từ cố quốc mang sang vào thế kỉ XVIII, người Thái đã tiếp nhận và biến nó thành nổi tiếng thế giới.

Người Thái làm được, còn chúng ta, tại sao không?

Tháng 8-2022 vừa qua, sau 24 năm trở lại thăm làng lụa Hà Đông mà hỡi ơi cho ngành nghề. Tôi viết ngay cái tút: “Kẻ ám sát quê hương”. Vài chục máy cổ truyền lèo tèo lạch cạch, trong khi bạt ngàn cửa hàng với bát ngát hàng hóa đủ loại đủ kiểu bày bán. Chúng từ đất nào lòi ra?

Làng Thổ cẩm Chakleng tôi lưu giữ được ngành nghề truyền thống ông bà, các bạn ở đây – tại sao không?!

Hãy tin tưởng vào cá nhân. Chớ chờ đợi ai khác, mà chính bản thân bạn hành động, trước bàn viết, trong buôn palei nơi địa phương bạn sống. “Bắt đầu từ bàn chân trền trắng, từ con số không/ bắt đầu từ con số âm – có lẽ” [Tháp nắng].

Hành động, trong lĩnh vực của bạn, ở đây – như một NHÀ VĂN của dân tộc bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *