KHÔNG VƯỢT BIÊN, KHÔNG BỞI HÈN MÀ DO SỢ, ĐỂ…

[& Lời cảm ơn muộn màng]

Giới chữ nghĩa Dân tộc thiểu số, hiếm ai có tâm, có tầm như nhà thơ Nông Quốc Chấn. Tôi với ông tình thân, mỗi bận ra bắc là mỗi bận “cậu cứ qua tôi dùng cơm nhưngười nhà”.

Lần đầu gặp ông ở Sài Gòn qua giới thiệu của Phú Văn Hẳn “anh của em có làm thơ”. Ông tìm nhân tố mới cho “đội ngũ” nhà văn dân tộc thiểu số, tôi biết. Trưa – tôi đạp xe qua Nhà khách Thành ủy mang theo bản thảo Bàn chân – Con đường – Bóng tối. Ông rót nước “cậu uống đi”, rồi mở nó ra đọc. Nửa tiếng đồng hồ, và quên tôi luôn.

Tôi xin kiếu ông để còn chạy qua Đại học làm việc. Ông nói:

– Thơ hay lắm, tôi sẽ in cho cậu… Cậu có thể bỏ vài bài triết lí, thêm thơ tình vào… thơ tình cậu rất khá mà… và đổi tên tập thơ đi… nặng lắm.

Tôi “dạ”. Tháp nắng ra đời bởi lẽ đó.

Ông mang ra ngoài bắc, và qua gần hai năm vẫn… bặt tăm. Về sau tôi mới biết, ông có đưa bản thảo cho Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều đọc, nhưng vẫn im ắng.

Hãy tưởng tượng, Nông Quốc Chấn nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, nguyên Hiệu trường Trường Viết văn Nguyễn Du, đương kim Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam viết “Lời giới thiệu” mà Tháp nắng không xin nổi giấy phép, mới lạ.   

Mãi mùa hè 1996, dự Trại Sáng tác Đải Lải, mới ra chuyện. Tôi vô danh tiểu tốt mà ông chọn đến 5 bài thơ dài in trong Tuyển tập THƠ Dân tộc Thiểu số Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học 1995 – số trang vượt tất cả mọi nhân vật cộm cán khác.

Sau Trại, Nhà xuất bản Thanh niên in Tháp nắng, bỏ “Lời giới thiệu” của ông đi. Và năm sau đó, tập thơ đầu tay này nhận ngay Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ông buồn và vui, tôi hiểu.

Với “Lời cảm ơn muộn màng”, tôi in “Lời giới thiệu” kia ở tập tiếp đó: Sinh nhật cây xương rồng, như một cách tạ ơn ông, với tư cách bậc cha chú lẫn người thân trong nhà.

Đầu thế kỉ XXI, tôi sáng lập và điều hành đặc san Tagalau, Tuyển tập Sáng tác – Sưu tầm – Nghiên cứu Cham, ông Nông Quốc Chấn còn tình nguyện đứng tên “chịu trách nhiệm bản thảo” nữa. Để ở Tagalau-2, bút kí “Mỹ Sơn đường về” của Trà Vigia đã khiến ông một phen lao đao. Tuyệt vời là thế!

Giới thiệu cho một cây bút dân tộc thiểu số vô danh, ông viết một câu đến tận hôm nay vẫn còn ứng với hành trình viết của tôi: “Đọc Inrasara, tôi thấy tác giả thể hiện tâm hồn thi sĩ hơn là tư duy của nhà lý luận. Anh vạch đường biên và cố gắng không “vượt biên”.”

Một cái nhìn xuyến thấu, là vậy.

Tôi không vượt biên, hay nói khác đi: tôi dừng ở đường biên, đúng! Không phải tôi hèn, mà tôi… sợ. Sợ, để làm việc. Ở một tút: “Tại sao ông Glang Anak không vượt biên?”, Inrasara.com, 2020, tôi viết:

“Đại biến động ở đầu thế kỉ XIX, cả dân tộc chạy tìm thoát thân. Tràn lên rừng núi, qua Cambodia, Thái Lan, hay vượt biển sang Malaysia. Không thể khác, tác giả Ariya Glang Anak cũng đã đi, hướng biển, như ta biết. Nửa chừng, ông dừng lại. Đến giữa biển cả cát bồi, ông đứng đó – suy tư về thân phận ông, về sinh phận dân tộc ông. Đột ngột ông có cái quyết định chết người: quay trở lại. Chấp nhận nỗi tủi nhục của con dân mất nước, nhận phận kẻ cùng khổ, để được sống giữa lòng dân tộc. Phải bản lĩnh ghê gớm, bản lĩnh vượt bỏ mọi nỗi sợ, mọi rào cản cái tôi nhỏ bé, mới có thể đi đến quyết tính phi thường ấy.”

Phần tôi có phi thường hay không chả biết, chí biết rằng tôi đã không vượt biên, để còn phải làm nhiều việc hơn nữa – cho văn học, cho cộng đồng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *